Gánh xôi bắp 33 năm ở Sài Gòn bán vào giờ ‘lạ’ vẫn hết sạch
Món xôi nóng hổi vốn là món ăn dân dã, tiện lợi của người Việt Nam vào mỗi buổi sáng. Thế nhưng giữa Sài Gòn lại có một gánh xôi bán vào buổi chiều vẫn hết sạch mỗi ngày.
Tính đến nay gánh xôi bà Út đã bán được 33 năm ở vỉa hè đường Nguyễn Hữu Cầu
Buổi sáng thường ai cũng tất bật, vội vàng từ người đi làm cho đến các cô, cậu học trò nên món xôi nóng ngon lành lại chắc dạ là sự lựa chọn của nhiều người. Buổi trưa sang chiều khí trời nóng hơn những tưởng sẽ nhiều người ngại ăn món này nhưng lại có một gánh xôi chỉ mở bán buổi chiều nhưng rất đông khách.
Đều đặn từ 13 giờ – 17 giờ hàng ngày, mẹ con bà Út lại gánh xôi ra vỉa hè đường Nguyễn Hữu Cầu, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM để bán. Hình ảnh bà cụ ngồi bên gánh xôi trên vỉa hè đã quá quen thuộc với người dân khu vực hơn 30 năm nay.
Xôi bắp tùy theo sở thích của mỗi người mà được ăn theo vị mặn và ngọt. Với xôi bắp ngọt sẽ ăn kèm với dầu phi, muối mè, dừa nạo, xôi bắp mặn thì thêm chút nước mắm ớt tỏi, dầu hẹ. Món xôi bắp ở hàng bà Út là món xôi bắp ngọt, ăn kèm với đậu xanh xay nhuyễn, thêm đường, dầu, hành phi.
Ngoài xôi bắp, bà Út còn bán thêm món xôi đậu xanh. Cả hai loại xôi đều rất thơm và hấp dẫn. Đặc biệt, xôi của bà Út được gói trong lá chuối xanh nhìn bắt mắt.
Bắp để nấu đều là bắp nếp, hạt to
Để có gói xôi thơm ngon, bà Út phải dậy từ 2 giờ sáng để nấu
Video đang HOT
Từ nấu xôi đến phi hành, làm lá đều được bà Út và con gái tự làm
Thường vào giờ xế chiều, tan tầm khách ghé đến vây quanh gánh xôi của bà rất đông. Bà Út múc xôi, rắc đậu xanh, con gái bà phụ thêm đường, hành phi, gói xôi. Hai mẹ con làm rất lẹ tay nên dù khách đông vẫn không phải đợi đâu.
Con gái bà Út cho biết vì chỉ là gánh xôi nhỏ bên đường, không có bảng hiệu gì nên đa số là khách quen ghé hoặc được giới thiệu đến. Ngày trước chỉ có mỗi mẹ chị bán nhưng dần thấy đông khách, không kịp phục vụ nên chị ra phụ giúp.
Nấu được món xôi bắp phải tốn khá nhiều thời gian, để có một nồi bắp chín thường phải nấu qua nhiều lần lửa. Chính vì thế mà sáng bà Út phải dậy từ 2 giờ sáng để nấu chín bắp, đến 4 giờ thì đãi đậu, phi hành rồi chuyển qua làm lá để gói xôi.
Bà Út chia sẻ bí quyết chọn nguyên liệu của mình: ” Đối với bắp thì phải là loại bắp nếp còn nếp thì phải mua nếp ngon. Tất cả đều phải là hàng phải đảm bảo chất lượng, hàng loại nhất thì mới cho ra món xôi ngon được”.
Bà Quý, thực khách quen của quán đã 10 năm nay, cho biết tuần nào bà cũng đều ghé gánh xôi bà Út để mua, hạt bắp ở đây rất dẻo, thơm. Hàng ở gánh bà Út không những ngon còn rất vệ sinh.
Ông Cường (ngụ quận 1) chia sẻ: “tôi thường ghé đây mua gói xôi bắp 10.000 đồng. Món này dễ ăn, giá cả lại bình dân. Nửa giờ chiều đói bụng, ghé mua món xôi bắp của bà Út lót dạ là tuyệt vời”.
Món xôi bắp đối với nhiều người còn là món quà của tuổi thơ hay được bà, được mẹ nấu ăn. Trời Sài Gòn hay lắc rắc vài giọt mưa chiều, ghé hàng bà Út mua gói xôi bắp nóng hổi thưởng thức thì còn gì bằng.
Bà Út, chủ gánh xôi
Xôi được bọc trong lá chuối tươi, có giá 10.000 – 15.000 hoặc 20.000 đồng
Theo Thanhnien
Mua gói xôi, ly chè... không cần tiền mặt
Nhiều người đã bỏ thói quen xài tiền mặt nhưng không ít người vẫn kiên quyết xài tiền mặt.
Khảo sát thị trường cho thấy hiện nay khi mua các món ăn vặt khoái khẩu tại vỉa hè như khoai tây lắc, trà sữa, cà phê..., người dùng có thể thanh toán nhanh bằng nhiều phương thức khác nhau, không cần dùng đến tiền mặt.
Nhiều lợi ích
Mặc dù thừa nhận không phải tất cả khoản chi tiêu trong gia đình đều sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt nhưng chị L. (quận 2, TP.HCM) cho biết bất cứ khi nào có thể dùng thẻ, ví điện tử thì chị đều áp dụng. Lý giải về việc thích chi tiêu không dùng tiền mặt, chị L. kể gia đình có người già cần chăm sóc và có ba đứa con nhỏ nên chị cần tới sự hỗ trợ của hai người giúp việc.
Thời gian đầu, do công việc bận rộn nên chị giao một khoản tiền cho hai người giúp việc để mua những thứ thiết yếu phục vụ cho gia đình, nhất là mỗi khi chị phải đi công tác xa nhà. Nhưng danh sách mua hàng có quá nhiều món không có hóa đơn và cũng không biết nguồn gốc sản phẩm. Điều này vừa không an toàn cho gia đình, vừa có nguy cơ làm nảy sinh tính xấu thích ăn bớt của người giúp việc. Thấy không ổn, chị quyết định cấp một số tiền nhất định vào trong thẻ ATM và yêu cầu mọi đồ dùng trong nhà đều phải mua ở siêu thị.
"Sau một vài tháng thực hiện cách mới, tôi thấy tổng chi phí chi tiêu cho sinh hoạt gia đình giảm, đồng thời tất cả khoản mua sắm đều được thông báo qua tin nhắn điện thoại. Như vậy, việc thanh toán không tiền mặt không chỉ giúp tôi kiểm soát chi tiêu trong gia đình một cách khoa học mà còn an toàn, đỡ mất thời gian giám sát người giúp việc" - chị L. chia sẻ.
Trường hợp thích thanh toán không dùng tiền mặt như chị L. không phải là cá biệt. Thậm chí hiện nay nhiều người bán xôi, khoai tây chiên, bắp nướng... trên xe hàng rong cũng gắn biểu tượng chấp nhận thanh toán qua ví điện tử, có thể quét mã QR để trả tiền. Đặc biệt, hiện với các dịch vụ như vệ sinh môi trường, điện nước, điện thoại..., nhiều người đã chọn hình thức chuyển tiền qua kênh ngân hàng điện tử.
Chị T. (nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM) cho hay thông thường nhân viên của công ty truyền hình cáp và Internet đến thu tiền tại nhà vào khoảng 6-7 giờ tối nhưng không phải lần nào họ đến thu cũng có người ở nhà để nộp. Nhiều khi đi làm về đến nhà, chưa hết mệt mỏi lại nhìn thấy một xấp giấy nhắc nợ đóng tiền điện, tivi, Internet cài ở khe cửa nên có cảm giác mình như một "con nợ", vô cùng khó chịu.
"Chưa kể mỗi tháng, khi nhân viên đến thu tiền thì khách hàng phải nộp thêm 4.400 đồng phí thu tiền tại nhà. Như vậy, mỗi căn hộ chung cư ở khu tôi ở tốn thêm 53.000 đồng/năm cho nhân viên thu phí tại nhà" - chị Trang tính toán.
Chính vì lý do trên, từ gần một năm nay chị T. nộp các loại tiền phục vụ cho sinh hoạt gia đình thông qua tài khoản hoặc ví điện tử.
Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại rất nhiều tiện ích. Trong ảnh: Khách hàng thanh toán bằng cách quét mã QR Payoo tại siêu thị.
Treo bảng nhưng vẫn thanh toán tiền mặt
Không thể phủ nhận những tiện ích của việc thanh toán không tiền mặt nhưng theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại... cho thấy vẫn còn ít người sử dụng dịch vụ thanh toán này. Trên đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1, TP.HCM) có khoảng 20 xe bán các mặt hàng ăn uống. Trong đó, nhiều xe dán logo thanh toán qua ví điện tử song thực tế vẫn thanh toán bằng tiền mặt.
Bà Thu bán bún, hủ tiếu trên đường Nguyễn Văn Chiêm cho biết kể từ khi dán logo thanh toán qua ví điện tử đến nay khoảng 3-4 tháng nhưng rất ít khách hàng thanh toán qua thẻ, qua mã QR hay ví điện tử mà đại đa số đều trả bằng tiền mặt.
"Nói thật, việc dán logo ở đây chỉ là hình thức mà thôi chứ không thực chất. Nhân viên của mấy công ty thanh toán ví điện tử đến năn nỉ cho dán logo thì mình cho dán vậy thôi, chứ còn ở khu này có ai chấp nhận thanh toán không tiền mặt đâu" - bà Thu nói.
Một số tiệm trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng dán logo thanh toán qua ví điện tử nhưng không nhiều người sử dụng dịch vụ này. Tại quán chè chuối nướng có tên "Nam bộ Út Lúa" bán hơn chục món ăn vặt với giá 15.000-20.000 đồng/phần. Tuy nhiên, đa số khách hàng tới mua đều trả tiền mặt.
"Tại đây chỉ mới nhận giao hàng trên Foody và chấp nhận thanh toán điện tử trên app này mà thôi. Còn những logo ví Moca, Momo là do nhân viên của hãng đến xin dán để quảng bá thương hiệu, chứ hiện chủ quán chưa chấp nhận thanh toán qua những ví này" - chủ quán nói.
Trong khi đó, chị Tr. có con học ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Gò Vấp chia sẻ cách đây chừng một năm, có một ngân hàng đến giới thiệu việc mở thẻ thanh toán học phí. Thế nhưng phần lớn phụ huynh đều ngại tốn phí nên không đồng ý mở. Chính vì vậy, "giấc mơ" thanh toán học phí qua thẻ chưa thành hiện thực.
Theo PLO