EU liệu có “mở cửa” trước trước sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ?
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đưa ra lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành “một thành viên đầy đủ” của Liên minh Châu Âu.
Trước sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh Châu Âu đã quyết định tổ chức một Hội nghị cấp cao giữa lãnh đạo các thể chế Liên minh Châu Âu với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vào giữa tháng 3/2017 tại Bulgaria. Đây gần như là một điều không tưởng cách đây chỉ vài tuần, trong bối cảnh căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu tăng cao, đặc biệt là với Đức, một trong những quốc gia trụ cột của khối.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: Telegraph.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm 8/2 xác nhận việc tổ chức hội nghị cấp cao giữa các thể chế châu Âu và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Cuộc gặp sẽ diễn ra vào ngày 26/03 tới tại Bulgaria, với sự tham dự của Thủ tướng nước chủ nhà Boiko Borissov, hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh Châu Âu.
Nếu như cách đây chỉ vài tuần, việc tổ chức một sự kiện như thế gần như là điều không tưởng, bởi tiến trình gia nhập Liên minh Châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, được khởi động từ năm 2004 đã gần như bị khép lại do sự phản đối của nhiều quốc gia thành viên. Tuy nhiên, hiện nay, tiến trình này lại trở thành “việc không thể tránh né”, do sức ép ngoại giao ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Liên minh Châu Âu.
Phát biểu mới đây trước báo chí, Đại diện thường trực Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên minh Châu Âu Faruk Kaymakei đã kêu gọi khôi phục đàm phán gia nhập Liên minh Châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, dù lập trường của chính quyền nước này trong nhiều vấn đề, cũng như sự phản đối mạnh mẽ của Đức và một loạt nước, trong đó có Áo, Đan Mạch, Hà Lan và cả Pháp đã khiến tiến trình gần như trở nên “bất khả thi”.
Chuyên gia chính trị người Đức Manfred Weber, lãnh đạo nhóm Đảng Nhân dân châu Âu trong Nghị viện châu Âu dù nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ trong những tuần qua đã có những thay đổi, nhưng cũng phải thừa nhận nước này vẫn gần như nằm ngoài các giá trị châu Âu. Đây cũng là lập trường được nhiều nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu chia sẻ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói: “Thổ Nhĩ Kỳ đang đi vượt ra khỏi các giá trị, cũng như các tham vọng của Liên minh Châu Âu. Đây cũng chính là lý do mà chúng tôi phải buộc phải dõi theo những tiến bộ của nước này trong thời gian tới để xem xét có tiếp tục các cuộc đàm phán gia nhập hay không?”.
Hồi tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có chuyến công du ngắn tới Châu Âu, trong một nỗ lực nhằm gia tăng sức ép với các nước thành viên Liên minh Châu Âu trong vấn đề này. Trả lời phỏng vấn báo chí tại thủ đô Rome, Italy, ông Erdogan một lần nữa bác bỏ mạnh mẽ đề xuất đưa ra trước đó của Pháp về một “mối quan hệ đối tác đơn thuần”, đồng thời nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đưa ra lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành “một thành viên đầy đủ” của Liên minh Châu Âu.
Video đang HOT
Theo ông, Liên minh Châu Âu cần phải giữ đúng lời hứa của mình. Thậm chí, ông Erdogan còn có những lời lẽ khá gay gắt khi cho rằng, Liên minh Châu Âu đang chặn mọi ngả đường cho đàm phán và hành động theo kiểu như Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm về sự thiếu vắng của những bước tiến. Điều này là không công bằng, cũng giống như việc một số nước Liên minh Châu Âu đang thúc đẩy các lựa chọn khác ngoài việc gia nhập.
Trước đó, hồi đầu tháng 1 vừa qua, nhân chuyến thăm Pháp của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Pháp Macron đã đưa ra đề xuất về một “quan hệ đối tác” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh Châu Âu, trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận về quy chế thành viên. Có thể nói, Liên minh Châu Âu đang bị đặt vào thế khó.
Dù không đồng tình với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều vấn đề, song khối này cũng không thể phủ nhận vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư vừa qua của Liên minh Châu Âu. Chính vì thế, dư luận khu vực và quốc tế đều đang chờ đợi vào hội nghị cấp cao sắp tới tại Bulgaria, một cơ hội để xác định các mối quan hệ trong tương lai giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh Châu Âu./.
Theo Thu Hoài
VOV
Cánh cửa hẹp cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU
Gia nhập EU vẫn là một khả năng xa vời đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi các chính khách phương Tây thôi thúc đưa ra một lập trường cứng rắn hơn với nước này.
Thủ tướng Đức Merkel và các chính trị gia Đức giục giã EU đưa ra một lập trường cứng rắn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ. Song hội nghị thượng đỉnh EU vào tuần này chưa thể đưa giải pháp tức thì.
Vào ngày thứ 7 tuần qua (14/10), Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà không kỳ vọng có một quyết định nào được đưa ra về việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ diễn ra tại Brussels từ ngày 16 đến 21/10.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
Trước cuộc bầu cử tại Đức vào tháng trước, bà Merkel cũng cho hay tiến trình gia nhập EU đầy trắc trở của Thổ Nhĩ Kỹ có thể bị đình chỉ bởi chính sách chuyên quyền của nước này và những xung đột liên tiếp với châu Âu.
Trong một đoạn video trực tuyến được phát vào ngày 14/10, bà Merkel nói: "Chúng tôi chắc chắn sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào, song tôi vẫn muốn nghe ý kiến của các đồng nghiệp của mình về vấn đề mối quan hệ song phương với Thổ Nhĩ Kỳ và các kết luận nào chúng tôi có thể rút ra từ đó."
Trừng phạt kinh tế
Bà Merkel ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm ngừng đàm phán về một liên minh hải quan EU mới, chấm dứt thanh toán viện trợ của EU và hạn chế tín dụng xuất khẩu. Điều đó cũng có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ mất trên 1 tỉ euro viện trợ của EU cho nỗ lực gia nhập EU của nước này.
Đức đưa ra một lập trường cứng rắn hơn trong đối sách với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi hàng loạt công dân Đức và công dân Đức gốcThổ bị bắt giữ trong chiến dịch truy quét rầm rộ sau âm mưu đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2016.
Con số những người bị giam cầm là một trong những lý do Berlin đưa ra khi đề nghị Uỷ ban EU đưa ra một báo cáo về tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ.
"Có nhiều trường hợp bị bỏ tù oan và chúng tôi rất quan ngại về những diễn biến chính trị tại nước này", bà Merkel nói.
Báo cáo của EU về tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ theo dự đoán sẽ đưa ra một bức tranh mờ nhạt và do đó gây sức ép buộc EU đưa một hình thức xử lý đối với Ankara.
Thoả thuận về người tị nạn giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ là một thất bại?
Trả lời phỏng vấn tờ Sdwest Presse số ra ngày 14/10, một nhà hoạt động và là nhà báo có tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ đang tị nạn tại Đức đã kêu gọi chính phủ Đức áp dụng một chính sách cứng rắn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Can Dundar, cựu tổng biên tập tờ báo Cumhuriyet của phe đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Đức chấm dứt thoả thuận về người tị nạn của EU với Thổ Nhĩ Kỳ mà theo ông chỉ "tiếp tay" cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Theo ông Dunar, người bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là gián điệp vì đăng tải một bài báo về việc Thổ Nhĩ Kỳ bán vũ khí cho phiến quân jihad tại Syria, thoả thuận về người tị nạn này là một thất bại lớn vì nó đã cho ông Erdogan sức mạnh đòn bẩy mà "ông ta không đáng hưởng".
Theo thoả thuận về người tị nạn giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, EU đã giải ngân hàng tỉ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này tiếp nhận lại người tị nạn và kiểm soát tốt hơn đường biên giới giáp Hy Lạp. Trong thoả thuận này còn hàm chứa một lời hứa hẹn rằng EU sẽ đẩy nhanh quá trình kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU.
Ông Dunar cho biết, nếu EU huỷ bỏ thoả thuận này với Thổ Nhĩ Kỳ, thì "châu Âu có thể dẽ dàng đối phó hơn với các thực tiễn phi dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ và cuối cùng áp lệnh trừng phạt về kinh tế, chính trị và luật pháp, điều mà không ai tin EU sẽ làm."
Sức ép từ phía các chính khách Đức
Các đảng chính trị tại Đức cũng đang kêu gọi chính phủ đưa một lập trường cứng rắn hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là chủ đề chính trong cuộc thảo luận trước cuộc bầu cử giữa bà Merkel và đối thủ của mình ở Đảng Dân chủ Xã hội Martin Schulz.
Người phát ngôn về chính sách đối ngoại cho Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel, ông Roderich Kiesewette, trong bài phỏng vấn với tờ Die Welt vào ngày 14/10 cũng cho biết cần phải xác định xem liệu "phe cánh" của ông Erdogan có nắm giữ tài sản ở châu Âu hay không. Theo ông, một số các tài sản này có thể bị phong toả nếu cần thiết.
Ông Omid Nouripour, một chính trị thuộc Đảng Xanh, đảng phái có thể tiếp nhận vị trí ngoại trưởng trong cuộc đàm phán thành lập liên minh với những người bảo thủ thuộc đảng của bà Merkel, đề xuất Đức cần hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ vì diễn biến xấu tại nước này.
Đồng chủ tịch Đảng Xanh Cem Ozdemir (gốc Thổ) có thể được lựa chọn làm ngoại trưởng Đức. Là một người chỉ trích gay gắt ông Erdogan, bộ ngoại giao Đức tương lai do ông Ozdemir nắm quyền có thể sẽ đưa ra tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ./.
Theo Xuân Hương
VOV
Mỹ - EU không cùng chung quan điểm về Nga Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng các cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump đều không thống nhất được quan điểm về Nga. Mỹ và EU vẫn còn nhiều bất đồng về chính trị và kinh tế. Ảnh: AFP. "Tôi không thể chắc chắn 100% rằng chúng tôi có chung quan điểm về Nga", Chủ tịch Hội...