E ngại Covid-19 bùng phát, nhiều nước thận trọng khi mở cửa trở lại
Trong bối cảnh thế giới vẫn chưa tìm ra vaccine khống chế Covid-19, việc các nước thận trọng khi mở cửa trở lại nền kinh tế là điều nên làm.
Thận trọng khi mở cửa nền kinh tế và từ từ nới lỏng các biện pháp hạn chế được nhiều nước trên thế giới lựa chọn vào lúc này trong bối cảnh đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 2 dường như đang quay trở lại tại một số quốc gia, từng được xem là hình mẫu về khống chế dịch bệnh như Hàn Quốc. Anh, Iran , Tây Ban Nha là một trong số ví dụ như vậy.
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân lên xe cứu thương tại khu Brooklyn, thành phố New York, Mỹ. Ảnh: AFP.
Theo kế hoạch, Chính phủ Anh ngày 11/5 sẽ phải công bố kế hoạch giảm phong tỏa dịch Covid-19, vốn đã được áp dụng tại Anh hơn 7 tuần qua. Tuy nhiên, do lo ngại nguy cơ dịch bùng phát trở lại, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã quyết định dỡ bỏ lệnh phong tỏa theo một kế hoạch mà ông gọi là “kế hoạch có điều kiện”.
Theo đó, lệnh phong tỏa ở Anh sẽ được kéo dài đến ít nhất là ngày 1/6 tới. Người dân Anh dù được phép dành nhiều thời gian ở ngoài trời hơn song cần tránh các phương tiện giao thông công cộng.
Theo quan điểm của Thủ tướng Anh, tuần này chưa phải là lúc dễ dàng để chấm dứt phong tỏa. Sẽ là “dại dột” khi uổng phí những hy sinh mà người dân đã bỏ ra kể từ khi áp đặt lệnh phong tỏa.
Video đang HOT
“Thật là dại dột khi ném đi tất cả những thành quả đã có được và cho phép dịch bùng phát trở lại lần 2. Chúng ta cần phải cực kỳ thận trọng. Cần tiếp tục kiểm soát virus và bảo vệ sức khỏe tính mạng cho mọi người”, ông Johnson nói.
Tâm lý e ngại và thận trọng cũng là giải pháp được Chính phủ Tây Ban Nha xác định rõ vào lúc này dù các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Tây Ban Nha đã có xu hướng giảm bớt trong những ngày qua.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez trong một tuyên bố trước báo giới hôm qua đã cảnh báo rằng, dịch Covid-19 vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn. Tây Ban Nha “đã lấy lại được 99% lãnh thổ đã bị virus SARS-CoV-2 chiếm cứ”. Tuy nhiên, người dân Tây Ban Nha vẫn phải giữ thái độ thận trọng và phòng ngừa dịch ở mức cao nhất bởi virus vẫn còn đó, chưa bị tiêu diệt hoàn toàn.
Nghiêm trọng hơn, giới chức Iran ngày 10/5 đã cảnh báo nguy cơ về làn sóng bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 thứ 2 ở nước này sau khi ghi nhận thêm 51 ca tử vong sau gần một tháng bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc.
Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn Bộ Y tế Iran cảnh báo tình hình dịch Covid-19 ở nước này vẫn chưa được kiểm soát, trong đó tại tỉnh Khuzestan và thủ đô Tehran là “rất nghiêm trọng”. Theo người phát ngôn Bộ Y tế Iran, cả hai địa phương này đều duy trì cảnh báo đỏ – mức cao nhất trong thang cảnh báo các nguy cơ của dịch Covid-19 ở Iran.
Phản ứng thận trọng của các quốc gia là có cơ sở khi mà nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lần 2 dường như đã hiện hữu tại một số quốc gia, từng được xem là hình mẫu về khống chế dịch bệnh trong đó có Hàn Quốc.
Từng được đánh giá là quốc gia xử lý tốt các ca lây nhiễm vào thời điểm dịch bùng phát mạnh vài tháng trước song Chính phủ Hàn Quốc cuối tuần qua đã buộc phải đóng cửa hoạt động trở lại đối với các quán bar và câu lạc bộ ở nước này sau khi xuất hiện một loạt các ca lây nhiễm mới bắt nguồn từ chính các điểm kinh doanh này.
Thủ tướng Hàn Quốc hôm nay cảnh báo sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay hơn nếu các khách hàng tại các câu lạc bộ và quán bar ở quận Itaewon khu vực vừa bùng phát ổ dịch mới , không chịu hợp tác xét nghiệm.
Theo nhiều người dân Hàn Quốc, chủ quan chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát trở lại:
“Mọi người đểu cảm thấy thư giãn khi tình hình dịch bệnh khả quan hơn. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh bùng phát ở các câu lạc bộ Itaewon, tôi cho rằng, chúng ta không nên dễ dãi vì chúng ta không biết được khi nào và ở đâu, virus SARS-Cov-2 lại lan rộng”.
“Số ca mắc Covid-19 đã giảm do nỗ lực của mọi người và các nhân viên y tế. Tuy nhiên, đợt bùng phát tại câu lạc bộ khiến tôi rất sợ hãi và thất vọng khi có những người đến các địa điểm tập trung đông người mà không hề thận trọng”.
Gần giống với trường hợp của Hàn Quốc, sau khi giảm bớt các biện pháp phong tỏa, số ca mắc Covid-19 ở Đức đang có xu hướng tăng trở lại. Theo số liệu của Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch (RKI), Đức công bố ngày 10/5 tỷ lệ lây nhiễm ở nước này đã tăng lên mức 1,1 – nghĩa là 10 người nhiễm Covid-19 sẽ lây trung bình cho 11 người khác. Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch cho rằng, hiện quá sớm để rút ra kết luận nhưng cần giám sát hết sức chặt chẽ về số lượng ca nhiễm mới trong những ngày tới.
Thủ tướng Anh "tái xuất", cảnh báo thảm họa nếu vội vã nới phong tỏa
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng nếu nước này vội vã nới lỏng phong tỏa có thể khiến làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát và kéo theo "thảm họa" kinh tế.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm nay 27/4 quay trở lại điều hành chính phủ sau một thời gian điều trị và phục hồi do mắc Covid-19. Phát biểu bên ngoài trụ sở Số 10 Phố Downing hôm nay 27/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gửi lời cảm ơn đến toàn thể người dân Anh đã tuân thủ lệnh phong tỏa suốt 1 tháng qua nhằm đối phó với dịch Covid-19. Ông nói rằng, ông thấu hiểu được những khó khăn, đặc biệt với các doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung đang phải đối mặt.
"Mỗi ngày tôi biết virus này mang đến sự đau buồn, tang tóc cho nhiều gia đình trên khắp đất nước và đây vẫn là thách thức lớn nhất mà đất nước chúng ta phải đối mặt kể từ thời chiến", Reuters dẫn lời Thủ tướng Johnson.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, việc nới lỏng các lệnh hạn chế vào lúc này là "quá nguy hiểm". "Tôi có thể thấy những tác động lâu dài của lệnh phong tỏa.. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhận thức được nguy cơ của làn sóng dịch bệnh thứ hai, nguy cơ mất kiểm soát loại virus này. Điều đó đồng nghĩa với không chỉ làn sóng tử vong mới, làn sóng dịch bệnh mới mà cả một thảm họa kinh tế, và khi đó chúng ta sẽ buộc phải một lần nữa kìm hãm cả đất nước, cả nền kinh tế", ông Johnson nói.
Ông cũng nhấn mạnh thêm: "Tôi muốn đưa nền kinh tế đi lên nhanh nhất có thể, nhưng tôi không muốn buông bỏ tất cả những nỗ lực và sự hy sinh của người dân Anh, không liều lĩnh trước làn sóng dịch bệnh thứ hai... Nếu chúng ta tiếp tục tinh thần đoàn kết và quyết tâm như 6 tuần qua tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh".
Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Anh, các cố vấn khoa học vẫn tranh cãi về thời gian và cách thức kích hoạt lại nền kinh tế giữa đại dịch Covid-19.
Anh hiện là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với hơn 20.000 người tử vong tại các bệnh viện tính đến cuối tuần qua. Trong khi đó, lệnh phong tỏa kéo dài một tháng qua khiến kinh tế Anh đối mặt với nguy cơ suy thoái sâu nhất trong 3 thế kỷ.
Chính phủ của ông Johnson đến nay tiếp tục hứng nhiều chỉ trích cho rằng chậm trễ trong ứng phó dịch khiến hệ thống y tế nhanh chóng bị quá tải. Bản thân ông Johnson cũng mắc Covid-19 hồi cuối tháng trước và phải nhập viện điều trị tích cực hồi đầu tháng này.
Minh Phương
Liên Hợp Quốc cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo toàn cầu vì Covid-19 "Đại dịch Covid-19 đang đẩy thế giới trước nguy cơ một thảm họa nhân đạo", đây là cảnh báo được Liên Hợp Quốc đưa ra ngày 21/4. Theo thống kê mới nhất của hãng tin AFP, dịch bệnh tới nay đã khiến ít nhất 177.000 người tử vong trên tổng số hơn 2,5 triệu người mắc bệnh, buộc 6 trên 10 người dân...