Đường dây buôn bán trẻ em giá rẻ ở Ấn Độ
Những bé gái bị cho đi vì gia đình chỉ thích con trai khiến các em trở thành món hàng trao đổi giá vài chục đến vài trăm đô la dưới tay đầu nậu buôn bán trẻ em và khách hiếm muộn.
Kamil, đầu nậu trẻ em, khoe đã thực hiện giao dịch thành công 20 bé cho khách hàng. Ảnh: NDTV.
Ở bang Telangana, Ấn Độ, chỉ cần bỏ ra vài nghìn rupee (đơn vị tiền tệ của Ấn Độ) là có thể mua được một bé gái sơ sinh. Đôi nam nữ đóng giả làm vợ chồng hiếm muộn tới quận Nalgonda, một trong những quận lạc hậu nhất bang Telangana, để xin con nuôi. Thực ra, họ là phóng viên đang điều tra xem cách thức hoạt động buôn bán trẻ diễn ra như thế nào ở bang nghèo này.
Hai người được một tài xế đưa thẳng tới trại trẻ Shishu Gruha do nhà nước quản lý. Họ được giới thiệu về bọn trẻ và được gợi ý rằng có thể chọn bất cứ em bé nào mình muốn, trong số ít nhất từ 8 đến 10 em. Trung tâm này chỉ có bé gái.
Tài xế dẫn đường đóng vai trò như môi giới. Anh ta sẽ nói chuyện với người chịu trách nhiệm về trại trẻ và đến tối sẽ có câu trả lời với khách xem liệu họ có thể đưa một trong những em bé ở đây đi không.
“Hãy đợi đến tối. Cô có thể đặt đứa bé lên giường. Con bé thậm chí trông cũng giống cô. Nếu ông ấy đồng ý, tối nay tôi sẽ giao cho cô bé gái này”, tài xế hứa.
Theo NDTV, hầu hết các em gái ở đây đều bị bỏ rơi vì gia đình chỉ thích con trai. Luật pháp quy định bố mẹ cho con đi làm con nuôi phải ký vào một bản khai có tuyên thệ và có thể thay đổi ý định trong vòng 90 ngày. Sau thời gian đó, đứa bé sẽ được nhận nuôi một cách hợp pháp. Tuy nhiên tại trại trẻ Shishu Gruha, hồ sơ không được lưu giữ một cách hợp lệ nên không ai có thể biết rằng đứa bé đã được cho đi.
“Liệu ai có thể biết được chuyện này khi một đứa trẻ cho đi lại được thay bằng đứa khác? Ở đây luôn có nguồn cung cấp trẻ thường xuyên”, tài xế tiết lộ.
Theo anh ta, các bé gái ở đây có lúc được bán với giá khoảng 79 USD.
Video đang HOT
“Trách nhiệm của chúng tôi là sắp xếp cho cô nhận trẻ trong vòng một tuần. Chúng tôi sẽ kiểm tra tất cả và gửi ảnh cho cô qua mail hoặc WhatsApp”, tài xế kiêm môi giới cho hay.
Người này cho biết thêm nếu khách đến vào hôm trước thì có sẵn cặp song sinh với giá rẻ. Mẹ của hai bé sinh đôi ấy trước đó cũng đẻ hai bé gái.
“Cả hai là con gái. Chúng tôi cho cặp song sinh đó đi với giá rẻ từ 47 USD đến 79 USD”, người môi giới kể.
Một ngày sau, hai vợ chồng nhận được điện thoại từ người phụ nữ tên là Kamli. Người này nói bà ta đã sắp xếp cho họ một cô bé với giá 474 USD. Kamli được xem là đầu nậu chuyên cung cấp trẻ em.
“Tên tôi là Kamli Bai. Đó là một em bé mới 23 ngày tuổi. Xinh xắn, da trắng. Tôi chốt giá là 474 USD và nhận 79 USD đặt cọc. Khi nào cô tới”, Kamli gặng hỏi.
Trại trẻ trại trẻ Shishu Gruha ở bang Telangana. Ảnh: NDTV.
Lúc hai người giả làm vợ chồng hiếm muộn tới, bà Kamli đòi hơn 790 USD và nói cần tiền để trả cho nhiều người. Khi được hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu cha mẹ đứa trẻ đòi con lại hoặc ai đó nghi ngờ và đặt câu hỏi, Kamli tự tin nói: “Cô không biết Kamli này rồi. Từ trước đến nay, tôi đã giao dịch thành công ít nhất 20 bé. Sẽ chẳng có chuyện gì tương tự như thế xảy ra cả”.
Imli, chị gái của Kamli, đảm bảo với khách rằng em gái bà ta rất thành thạo những việc mình làm.
“Cô ấy sẽ thận trọng. Chúng tôi thậm chí còn cho đi ba trong những đứa con gái của anh trai tôi rồi. Các cháu được nhận nuôi từ nơi này”, bà Imli nói.
Một lúc sau, Kamli dẫn khách tới một khu vực bị cách ly để chỉ cho họ thấy đứa trẻ. Người mẹ và đứa con cũng được đưa tới sau đó trên chiếc xe lôi. Hai người khách giả làm vợ chồng tặng em bé vài món quà và quần áo trẻ sơ sinh. Trước đấy, Kamil đã dặn họ không được nhắc đến tiền trước mặt người mẹ trẻ này.
Cả hai hẹn Kamil sẽ quay lại vào một ngày thuận lợi để đưa tiền và đón bé đi. Tuy nhiên, họ đã không bao giờ thực hiện thỏa thuận ấy.
Bình Minh
Theo MSN
Phó Chủ tịch Quốc hội trao đổi với các giáo sư Đại học Havard
Từ ngày 13/4/2015, đoàn cán bộ quản lý cao cấp Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã bắt đầu một tuần trao đổi chính sách với các giáo sư, chuyên gia, học giả Đại học Harvard và quốc tế.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Lãnh đạo Quản lý cao cấp Việt Nam (VELP) lần thứ năm tại Đại học Tổng hợp Harvard do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.
Các giáo sư Đại học Harvard và chuyên gia kinh tế, luật gia, cùng nhiều học giả quốc tế hàng đầu đã tập trung trao đổi, phân tích nguyên nhân và rủi ro đối với tiến trình phục hồi của nền kinh tế thế giới và khu vực; triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc; xu hướng hội nhập, liên kết kinh tế khu vực nhất là tiến trình và những kịch bản đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như tương lai của hệ thống thương mại đa phương.
Các đại biểu tham dự Chương trình Lãnh đạo Quản lý cao cấp Việt Nam (VELP)
Các giáo sư và chuyên gia cũng đề cập đến mô hình phát triển và thể chế kinh tế - xã hội cùng những bài học kinh nghiệm của một số nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á; những thành tựu và thách thức phát triển trong ngắn hạn và dài hạn của Việt Nam, đồng thời đề xuất những khuyến nghị cho Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội và cải cách luật pháp và tư pháp.
Các đại biểu Việt Nam trao đổi để làm rõ hơn chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đồng thời đi sâu trao đổi, thảo luận về những chuyển biến mới tích cực trong nền kinh tế Việt Nam cũng như việc thực hiện các đột phá chiến lược trong đó có cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật để ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức kinh tế - xã hội trung và dài hạn.
Đoàn Việt Nam đã thông tin cụ thể hơn về những nỗ lực triển khai Hiến pháp 2013 và xây dựng nhiều đạo luật quan trọng như các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, Chính quyền địa phương); và sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật về kinh tế như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Phá sản, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước..., và các luật liên quan đến cải cách tư pháp.
Trong khuôn khổ Chương trình VELP, ngày 15/4/2015 Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã làm việc với các thẩm phán cao cấp của Toà án liên bang tại Bang Massachusetts để trao đổi và khảo sát thực tế về hệ thống tư pháp Hoa Kỳ, tìm hiểu quy trình tố tụng, xét xử và tham dự một phiên xét xử tranh tụng tại tòa án. Đoàn cũng đã đến thăm trụ sở cơ quan lập pháp và hành pháp bang Massachussetts để tìm hiểu cơ cấu tổ chức và mô hình quản trị của chính quyền cấp bang, và thăm khách sạn Omni Parker nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng làm việc những năm 1912-1913.
Trước đó, chiều ngày 14/4/2015 tại Đại học Harvard, Phó Chủ tịch Quốc hội và đoàn đã có buổi gặp gỡ trao đổi với đông đảo sinh viên và nghiên cứu sinh, đại diện cho Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ và Nhóm học giả "Sáng kiến Việt Nam vì phát triển và phân tích kinh tế" (gọi tắt là Nhóm sáng kiến Việt Nam).
Nhóm sáng kiến Việt Nam hiện nay gồm 50 giáo sư, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế, luật pháp và phát triển từ Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Úc, Singapore... có tâm huyết và mong muốn đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam.
Các đại diện của Hội sinh viên và Nhóm học giả đã báo cáo Phó Chủ tịch Quốc hội về các hoạt động hỗ trợ, kết nối cộng đồng và quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ. Các đại diện cũng trình bày một số sáng kiến cụ thể về nghiên cứu, giáo dục, khoa học - công nghệ, trong đó có việc kết nối hợp tác giữa mạng lưới học giả Việt Nam ở các nước với các cơ quan trong nước trong tư vấn chính sách và đào tạo năng lực.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao hoạt động tích cực của Hội sinh viên và Nhóm học giả, đồng thời căn dặn các sinh viên và nghiên cứu sinh nỗ lực học tập, luôn hướng về đất nước và xứng đáng là đại diện cho văn hóa và dân tộc Việt Nam ở nước ngoài.
PV
Theo Dantri
Hình ảnh hai tàu chiến Mỹ cùng thủy thủ đoàn thăm Đà Nẵng Hoạt động giao lưu trên biển lần này cho phép tàu hải quân hai nước thực hành cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển Sáng nay (6/4), hai tàu chiến hiện đại của Hải quân Mỹ gồm: tàu khu trục tên lửa USS Fitzgerald (DDG 62) và tàu chiến đấu ven biển USS Fort Worth (LCS-3) cùng hơn 450 sĩ...