Dùng thuốc tránh thai lâu năm: Nguy cơ cao ung thư vú
Có rất nhiều nguyên nhân bất ngờ gây ung thư vú như người hút thuốc, béo phì và đặc biệt người dùng thuốc tránh thai trên 10 năm nên cân nhắc để phòng tránh nguy cơ tiềm ẩn.
Hút thuốc lá cũng là yếu tố gây ra bệnh ung thư vú. Ảnh: TTVN
Không như nhiều người lầm tưởng, việc hút thuốc lá chỉ có nguy cơ gây bệnh ung thư phổi, PGS.TS Trần Văn Thuấn – PGĐ bệnh viện Ung bướu Trung ương, Viện trưởng viện Nghiên cứu phòng chống Ung thư, Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: “Hút thuốc lá cũng là yếu tố gây ra bệnh ung thư vú và dùng thuốc tranh thai lâu ngày, đặc biệt là các trường hợp dùng trên 10 năm có nguy cơ cao hơn so với người không dùng thuốc tránh thai từ 4-6 lần”.
Ngoài ra, PGS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư vú. Trong đó, các yếu tố về dinh dưỡng của người thừa cân béo phì có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn người có cân nặng chuẩn; người có kinh nguyệt sớm và mãn kinh muộn có nguy cơ cao hơn so với người có kinh bình thường; phụ nữ sinh con và cho con bú có nguy cơ thấp hơn so với phụ nữ không có con.
Đối với bệnh ung thư vú, chuyên gia này lưu ý, yếu tố di truyền chiếm khoảng 5% trong tổng số nguyên nhân gây bệnh ung thư vú, nhất là các trường hợp có đột biến gen trong ung thư vú là BRCA1 và BRCA2.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ung thư vú ở Việt Nam có tỉ lệ người trẻ mắc nhiều hơn các nước khác. Tại bệnh viện K, đã có một số trường hợp mắc bệnh ở tuổi 20, đặc biệt có bệnh nhi mắc khi 14 tuổi.
Ngoài ra, rất nhiểu trẻ em cũng đã mắc ung thư, chủ yếu là: Ung thư hạch; ung thư xương, ung thư hệ thống thần kinh trung ương…
Thông tin thêm về căn bệnh ung thư nói chung, bác sĩ Trần Văn Thuấn cho biết, theo thống thống kê của ngành Ung thư, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 150.000 ca mắc ung thư mới; trên 80.000 ca tử vong do ung thư. Trong đó, trẻ em chiếm 1,6%. Xu thế mắc ung thư trên thế giới đang gia tăng, không chỉ riêng Việt Nam.
Video đang HOT
30% ca ung thư do thuốc lá
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư nói chung, nhưng ông Thuấn khẳng định, có đến 80% là yếu tố môi trường bên ngoài gây ra bệnh ung thư (hút thuốc, dinh dưỡng không hợp lý, tiếp xúc với phóng xạ, nhiễm HPV…), và chỉ 10% là yếu tố di truyền. Ở tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư càng cao do yếu tố phơi nhiễm. Đặc biệt, nếu tiếp xúc yếu tố phơi nhiễm ở tuổi càng sớm thì nguy cơ mắc ung thư càng cao hơn.
Đặc biệt, chuyên gia này cho biết, thuốc lá là nguyên nhân của trên 30% tổng số ca mắc ung thư. Có hai dạng hút thuốc chủ động và thụ động. Tuy không trực tiếp hút thuốc nhưng những người hít phải khói thuốc do người khác gây ra có nhiều nguy cơ mắc ung thư hơn so với người chủ động hút thuốc vì mức độ độc hại của hai dòng thuốc này khác nhau.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn cho biết, 30% ca nhiễm ung thư là do thuốc lá.
Ngoài ra, trong các nguyên nhân bên ngoài gây ung thư phải kể đến yếu tố dinh dưỡng không hợp lý, chiếm trên 30% số ca mắc.
“Không hợp lý là do chúng ta ăn quá nhiều chất béo động vật, ăn nhiều đạm, ít hoa quả, rau xanh; ăn các thực phẩm dùng chất bảo quản không an toàn; thực phẩm có chứa chất trừ sâu…”, PGS Trần Văn Thuấn đồng thời khuyến cáo.
Yếu tố di truyền, nội tiết cũng được PGĐ bệnh viện K đặc biệt chú ý nhưng nó chỉ chiếm 10%.
“Một nguyên nhân có thể gây ra nhiều loại ung thư và một loại ung thư có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nói chung nó chủ yếu là do môi trường, chỉ có tỉ lệ nhỏ do yếu tố di truyền”, ông Thuấn nói.
Lời khuyên của vị chuyên gia này để phòng tránh căn bệnh ung thư đang ngày càng gia tăng: chọn chế độ ăn phù hợp, ít béo, ít đạm, nhiều rau xanh; lựa chọn nguồn thực phẩm tin cậy, không chất bảo quản, thuốc trừ sâu; kiểm soát cân nặng tốt, tránh thừa cân béo phì; tập thể dục thể thao đều đặn, nâng cao sức đề kháng; đặc biệt hạn chế rượu bia và thuốc lá…
Theo Zing
6 chia sẻ về bệnh ung thư vú mà chị em nên biết
Bạn chỉ có thể kiểm tra ở phần bên ngoài, còn những mô bên trong do không sờ tới được nên bạn không thể dám chắc có nguy cơ bị ung thư vú hay không.
Chị em cần tự kiểm tra ngực hàng tháng và chụp quang tuyến vú hàng năm để phòng bệnh. Ảnh minh họa
Lindsay Avner, 31 tuổi, người sáng lập tổ chức Bright Pink, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích vận động giáo dục phụ nữ trẻ về vú và ung thư buồng trứng. Avner không chỉ khuyến khích phụ nữ chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình, mà cô cũng có kinh nghiệm cá nhân đối với bệnh ung thư vú. Bản thân cô cũng đã trải qua một cuộc giải phẫu cắt bỏ hai bên vú để phòng bệnh ở tuổi 23, sau khi thử nghiệm dương tính với đột biến gen BRCA1, điều này làm tăng nguy cơ ung thư vú lên đến 87%. Cô đã rất dũng cảm mới có thể làm được vậy.
Dưới đây là một số chia sẻ của Avner về căn bệnh đe dọa sức khỏe của nhiều phụ nữ này để giúp chị em hiểu và phòng bệnh tốt hơn.
1. Ung thư vú không chỉ phát triển ở những vùng ngực có thể sờ vào được
Bởi vì các mô vú mở rộng lên đến xương đòn và sâu bên trong nách nên việc kiểm tra có thể không bao quát hiện được. Bạn chỉ có thể kiểm tra ở phần bên ngoài, những nơi có thể chạm vào được, còn những mô bên trong do không sờ tới được nên bạn không thể dám chắc có nguy cơ bệnh xuất phát từ đó hay không. Vì vậy, việc đến bệnh viện kiểm tra theo định kì là hết sức quan trọng và cần thiết.
2. Cục u không phải là triệu chứng duy nhất
Mặc dù đó là dấu hiệu phổ biến (và 80% các khối u là lành tính) nhưng nó không phải là dấu hiệu duy nhất cảnh báo nguy cơ ung thư vú. Ngoài dấu hiệu đó, chị em cần cảnh giác những dấu hiệu nguy cơ khác như: ngứa dai dẳng ngoài da, có vết cắn giống như vết sưng trên da, núm vú chảy dịch... Trong thực tế, bất kì sự thay đổi kỳ lạ hay bí ẩn ở bộ ngực của bạn đều có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh. Vì vậy, bạn nên đi khám bác sĩ khi thấy nghi ngờ về những dấu hiệu này.
3. Cảnh giác khi bạn cảm thấy cục u giống như một hạt đậu đông lạnh
Nếu ở ngực xuất hiện cục u giống như một hạt đậu đông lạnh hoặc đá cẩm thạch hoặc một cục cứng cố định tại chỗ, thì bạn cần hết sức chú ý và không được bỏ qua. Nếu nó biến mất sau một vài tuần hoặc không phát triển lớn hơn thì có thể không đáng lo ngại. Ngược lại, nếu nó không biến mất hoặc phát triển lớn hơn thì bạn cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
4. Phụ nữ trẻ có nguy cơ thấp hơn so với những người có tuổi
Hai phần ba số phụ nữ được chẩn đoán bị ung thư vú đều đã trải qua tuổi 55. Và tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất cho việc phát triển căn bệnh này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phụ nữ trẻ không có nguy cơ bị bệnh, chỉ là nguy cơ thấp hơn mà thôi. Vì vậy, chị em cũng không nên lo lắng quá, thay vào đó cần chú ý nhiều hơn tới vùng ngực của mình để kịp thời phát hiện những bất thường.
5. Ung thư vú không phải là một "bản án tử hình"
Chẩn đoán sớm, và được điều trị thích hợp có thể tăng tỉ lệ chữa khỏi bệnh. Nếu được phát hiện và điều trị trong khi vẫn còn trong giai đoạn 1, tỷ lệ sống sót sau 5 năm dao động ở mức 98%. Ngay cả khi đó là giai đoạn III, 72% phụ nữ cũng có thể sống tiếp trong 5 năm, theo báo cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ. Đó là lý do tại sao chị em cần tự kiểm tra ngực hàng tháng và chụp quang tuyến vú hàng năm.
6. 75% bệnh ung thư vú xảy ra ở những người không có tiền sử gia đình
Các đột biến gen liên quan đến bệnh ung thư vú, BRCA1 và BRCA2, nhưng nó không phải chỉ xuất hiện ở những người có tiền sử gia đình bị bệnh. Mỗi năm, hàng ngàn phụ nữ phát hiện ra rằng họ là những người đầu tiên trong gia đình mình được chẩn đoán bị ung thư vú. Đó là bởi vì ngoài nguyên nhân di truyền, bệnh ung thư vú còn phát triển do nhiều nguyên nhân khác như chế độ ăn uống không lành mạnh, uống nhiều rượu, tiếp xúc với hóa chất hoặc trọng lượng tăng quá mức...
Theo Afamily
Phát hiện gen mới gây bệnh ung thư vú Các phân tích cho thấy những phụ nữ có đột biến PALB2 có 35% nguy cơ phát triển ung thư vú ở độ tuổi 70 và 58% nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ có tiền sử gia đình mắc ung thư vú. Các nhà khoa học tại Anh đã phát hiện một đột biến gen hiếm gặp được gọi là PALB2...