Đừng mải chạy theo dạy văn hóa lấy thành tích mà coi nhẹ dạy trẻ kỹ năng sống
Trong trường học hiện nay, khối lượng dạy kiến thức văn hoá thì rất nặng, chiếm nhiều thời gian của học sinh, còn chương trình nâng cao kỹ năng sống lại hạn chế.
Vụ việc một học sinh tiểu học bị điện giật tử vong trong lúc học trực tuyến ở Hà Nội mới đây khiến cho không ít phụ huynh thấy hoang mang. Theo kết luận của cơ quan chức năng thì nguyên nhân là do, thời điểm đó không có người lớn giám sát, cháu bé có lấy cây sắt chọc vào ổ điện nên bị điện giật tử vong. Điều này lại đặt ra câu hỏi về vấn đề hướng dẫn, trang bị kỹ năng cho học sinh để tránh các tai nạn thương tâm tương tự xảy ra.
Với kinh nghiệm quản lý và hoạt động lâu năm trong lĩnh vực bảo vệ Quyền trẻ em nên khi đề cập đến câu chuyện này, bà Ninh Thị Hồng – Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đã chia sẻ cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều ý kiến quý báu.
Bà Ninh Thị Hồng – Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh: NVCC
Theo bà Hồng, không chỉ riêng sự việc đau lòng xảy ra ở Hà Nội mà còn rất nhiều trường hợp khác có liên quan đến trẻ em đã từng xảy ra, một lần nữa nhắc nhở cho gia đình và các nhà trường cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao kỹ năng sống, bảo vệ an toàn cho trẻ em.
Cụ thể, bà Hồng cho rằng: “Chúng ta cũng đã từng được nghe đài, báo thông tin rất nhiều về các trường hợp xảy ra gây tai nạn, thương tích cho trẻ em. Đó có thể là trẻ bị ngã từ ban công các căn hộ cao tầng, trẻ bị bỏng hoặc đứt tay, đứt chân .v.v.. rất nhiều các tai nạn xảy ra trong thời gian các em ở nhà một mình.
Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là tại sao những sự việc như vậy vẫn xảy ra dù cho truyền thông nhắc tới và cảnh báo rất nhiều lần. Thậm chí, có những trường hợp trẻ học đến cấp 2, cấp 3 vẫn gặp phải tai nạn không mong muốn.
Điều này phần lớn là do các gia đình đã không cho trẻ được biết và tiếp cận với các kỹ năng sống cần thiết. Ví dụ, hãy cho trẻ biết, nếu trèo cao thì sẽ bị ngã dẫn đến gãy tay, chân hoặc là chạm vào các dụng cụ sắc nhọn thì có thể bị đứt tay. Những điều này nếu không được các bậc phụ huynh giáo dục cho trẻ từ sớm thì rất có thể trong một thời điểm nào đó chúng ta lơ là trẻ đều có thể làm.
Nhất là với nguồn điện thì cực kỳ nguy hiểm hơn, vì với nhiều phụ huynh thì kỹ năng về phòng tránh tại nạn về điện cũng rất hạn chế. Chẳng hạn, với các thiết bị điện thì các phụ huynh cần nên quán triệt và chỉ rõ cho trẻ em tuyệt đối tránh xa các vị trí có ổ điện, hệ thống dây diện, không được vừa sạc vừa sử dụng các thiết bị điện tử..v.v.
Video đang HOT
Các gia đình cũng nên trang bị các thiết bị bảo vệ an toàn dùng điện như Át-tô-mát chống giật hoặc giải thích cho trẻ biết việc các vật liệu bằng kim loại như sắt, đồng, nhôm đều có tính năng dẫn điện, không nên đưa nó đến gần các khu vực có điện.
Trong việc này, dạy kỹ năng sống cho trẻ chính là dạy trẻ biết cách nhận diện nơi nguy hiểm, cách phòng tránh. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bố mẹ không nắm rõ được các nguyên tắc này, thậm chí có trường hợp phụ huynh mải mê với công việc riêng mà biết nhưng cũng không nói để cho trẻ phòng tránh.
Cái chúng ta cần quan tâm đến là tạo ra cho trẻ các kỹ năng cần thiết để trẻ tự phòng tránh, bảo vệ mình chứ không phải khi sự việc đáng tiếc xảy ra rồi mới quy trách nhiệm cho ai”.
Đồng thời, vị lãnh đạo Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cũng nêu lên thực trạng trong các trường học của nước ta hiện nay, việc nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh và ứng phó với các rủi ro cho các học sinh vẫn còn hạn chế.
Về việc này, bà Ninh Thị Hồng cho biết thêm: “Lâu nay chúng ta vẫn xem rằng, sự việc nào xảy ra với học sinh ở tại trường thì đó mới là trách nhiệm của nhà trường, còn sự việc đó xảy ra với học sinh ở phạm vi gia đình là lỗi của gia đình. Nhưng xét rộng ra, chúng ta cũng không thể phủ nhận một điều rằng, vốn kỹ năng và cách phòng tránh, ứng phó với rủi ro mà các con học được từ nhà trường vẫn còn rất ít.
Như vậy, các nhà trường hiện nay không chỉ là cần quan tâm đến việc dạy trẻ học văn hoá để làm sao càng nhiều trẻ đạt thành tích cao trong các cuộc thi thì càng tốt, mà cần có thêm nhiều giờ dạy kỹ năng sống nữa. Trong việc này, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là thiết kế nội dung các chương trình học còn chưa hài hoà.
Theo dõi các bài viết đề cập về giáo dục, chính tôi cũng nhận thấy rằng, có những chương trình học văn hoá cho trẻ còn rất nặng, chiếm hết nhiều thời gian của trẻ. Còn những chương trình liên quan đến truyền dạy các kỹ năng sống đời thường, thông dụng gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của trẻ thì lại không được đề cập đến.
Nên chăng, từ những sự việc đau lòng gần đây, ngành Giáo dục cũng nên vào cuộc, nghiên cứu để đưa thêm những chương trình dạy kỹ năng sống này vào trong các trường học.
Bên cạnh đó, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cũng nên có những tiếng nói để cho các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền công tác phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Mặt khác, chúng tôi cũng đề xuất rằng, nếu Bộ Giáo dục triển khai duyệt các bộ sách giáo khoa dạy chương trình kỹ năng sống trong trường học thì cần cho các Hội, đoàn thể tham gia đóng góp ý kiến.
Bởi trong việc này, không chỉ mỗi ngành giáo dục mới nắm vững kiến thức, mà các Hội, đoàn thể khác thì các cá nhân trong đó đều có con cái, có những trình độ nhất định để đóng góp ý kiến. Tránh tình trạng, trẻ phải học kiến thức quá nhiều nhưng kỹ năng sống lại rất nghèo nàn”.
Bà Ninh Thị Hồng cho rằng, trong trường học hiện nay, khối lượng kiến thức văn hoá học sinh phải học rất nặng trong khi chương trình dạy kỹ năng sống lại rất hạn chế. Ảnh minh hoạ: Trung Dũng
Đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh đang có con trong độ tuổi học tiểu học để có thêm những kỹ năng bảo vệ con cái, khi việc học trực tuyến hiện vẫn là phương án tối ưu trong thời điểm dịch bệnh, cô Hồng chia sẻ: ” Trong thời điểm dịch bệnh còn kéo dài như hiện nay, nhiều phụ huynh có nhiều thời hơn để gian ở nhà thì chúng ta nên dành nhiều thời gian hơn nữa để quan tâm và giáo dục các con. Đây cũng là thời điểm để các phụ huynh và các con gắn bó hơn với nhau, đặc biệt là chú ý đến việc nâng cao các kỹ năng bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ”.
Xuân Trường, Nam Định: Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Ngoài công tác giảng dạy kiến thức văn hóa, năm học 2020-2021, Phòng GD&ĐT huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các trường chú trọng đến việc trang bị kỹ năng sống nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện.
Từ thực trạng học sinh Việt Nam thừa kiến thức nhưng thiếu hụt kỹ năng sống, những năm qua Phòng GD&ĐT huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã phối hợp với các Trung tâm giáo dục kỹ năng sống triển khai chương trình đào tạo nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện.
Cụ thể, năm học 2020-2021, hầu hết các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Xuân Trường đã đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào giảng dạy cho các em học sinh. Điều này khiến các phụ huynh rất vui mừng và yên tâm vì con em họ được trang bị thêm nhiều kiến thức cuộc sống giúp các em có thêm nhiều kỹ năng cần thiết.
Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Đặng Đức Trường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Xuân Trường, cho biết: "Những năm học trước các nhà trường lồng ghép kiến thức kỹ năng sống thông qua các tiết học. Tuy nhiên, năm học 2020-2021, ngoài việc lồng ghép dạy kết hợp trong các môn học tại trường, các trường đã hợp tác với một số Trung tâm giáo dục kỹ năng sống để dạy chuyên sâu cho các em học sinh về kiến thức kỹ năng sống".
Cũng theo ông Trường, có những trường 100% phụ đăng ký cho con em tham gia. Nhưng cũng có những trường hiện đang áp dụng thử nghiệm cho học sinh khối lớp đầu cấp.
Được biết, mỗi tuần học sinh THCS sẽ được học một tiết kỹ năng sống, riêng học sinh tiểu học sẽ được học vào cả buổi chiều thứ 6.
Chia sẻ với PV Báo GD&TĐ, giáo viên và học sinh Trường TH Xuân Hồng, huyện Xuân Trường bày tỏ niềm vui, hóa hức khi được học kỹ năng sống.
Trò chuyện với PV, giáo viên Trường Tiểu học Xuân Hồng, huyện Xuân Trường vui vẻ cho biết: "Học sinh hồ hởi trong mỗi tiết học kỹ năng sống. Trong mỗi tiết học chúng tôi sẽ dạy theo nội dung chương trình do các Trung tâm giáo dục kỹ năng sống cung cấp, đối với mỗi lớp học sẽ có các chương trình học kỹ năng sống khác nhau".
Tại các buổi học này, học sinh sẽ được dạy về các kỹ năng trong cuộc sống, như: kỹ năng phòng chống cháy nổ; kỹ năng phòng vệ khi có người lạ tiếp xúc; kỹ năng ứng xử với người thân, người lớn tuổi, bạn bè. Đối với các em học sinh THCS, các giáo viên còn phải giáo dục cho các em về kỹ năng tiếp xúc mạng xã hội, mạng internet...
Em Đỗ Phạm Nguyệt Hà - Lớp 8A3 Trường THCS Xuân Trường, chiA sẻ về những kiến thức tiếp nhận được sau những tiết học kỹ năng sống.
Chia sẻ với PV, em Đỗ Phạm Nguyệt Hà - Lớp 8A3 Trường THCS Xuân Trường, cho biết: "Môn học giáo dục kỹ năng sống là môn học chúng em rất yêu thích. Thông qua các tiết học này chúng em học được nhiều kỹ năng hơn trong cuộc sống, ví dụ như: cách sử dụng điện thoại di động hiệu quả, cách phân biệt thông tin tốt và xấu trên mạng internet. Quan trọng hơn, sau khi học kỹ năng sống giúp chúng em tránh xa bạo lực học đường, bạo lực ngôn ngữ giữa trong trường học và cuộc sống".
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống cho HS trong trường học, cụ thể:
Tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Giáo dục năm 2019 quy định cụ thể nội dung xây dựng môi trường giáo dục an toàn và mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội.
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện: Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020"; Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020;
Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025; Chỉ thị về "Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, sinh viên" (Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 4/12/2019). Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định, văn bản chỉ đạo để quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; hướng dẫn tổ chức giáo dục kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục và đào tạo; hướng dẫn nhiệm vụ năm học hằng năm đều chỉ đạo tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho HS.
Học sinh lớp 5 bị điện giật tử vong, các trường kiến nghị phụ huynh cùng giám sát Sau vụ việc học sinh lớp 5 bị điện giật tử vong, nhiều trường học tại Hà Nội đã có đề nghị phụ huynh tăng cường phối hợp trong quản lý học sinh trong quá trình học trực tuyến. Trong mấy ngày qua, nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội đã triển khai công tác tăng cường đảm bảo an...