Dừng học 1 năm để học sinh biết lỗi: Sao buông tay?
Các chuyên gia đều cho rằng, dừng học 1 năm với hai nam sinh quay lén bạn nữ thay đồ là chưa khoa học.
Hội đồng kỷ luật trường THPT Giồng Ông Tố (TP.HCM) vừa thống nhất quyết định hình thức kỷ luật tạm dừng học tập 1 năm đối với hai nam sinh lớp 12 quay lén một nhóm nữ sinh lớp 10 thay áo dài trong nhà vệ sinh trường này.
Trường THPT Giồng Ông Tố, quận 2 nơi xảy ra sự việc nam sinh đặt máy quay lén trong nhà vệ sinh nữ. Ảnh: PLO
Clip đã được phát hiện và xóa kịp thời, chưa bị phát tán ra ngoài, tuy nhiên, nhận định đây là hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, có thể gây hậu quả nghiêm trọng, vì vậy, nhà trường đã quyết định tạm dừng học thời gian dài để hai nam sinh này chiêm nghiệm, suy nghĩ về những gì mình đã gây ra.
Nêu quan điểm cá nhân, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, hành vi của hai nam sinh này là sai, cần phải bị phê phán và xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, xử lý như thế nào để vừa bảo đảm tính giáo dục nhưng vẫn đủ sức răn đe thì cần phải phân tích cụ thể hành vi cũng như động cơ sai trái của hai nam sinh này rồi mới kết luận, kỷ luật.
Vị PGS cho hay, điều may mắn nhất là video được phát hiện kịp thời, không bị phát tán ra ngoài, điều này đã giúp ngăn chặn kịp thời những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Nhưng không vì thế mà không xem xét xử lý.
Đồng tình với quan điểm, một nam sinh lớp 12, đã 17-18 tuổi, tức là đã có nhận thức và ý thức về hành vi của mình. Mặc dù vậy, bàn tay ai cũng có ngón ngắn, ngón dài, không phải lúc nào học sinh cũng ngoan và tất cả học sinh đều ngoan. Vì điều này, mới cần tới vai trò của ngành giáo dục, ở đây chính là cách giáo dục, phương pháp giáo dục thế nào để có thể cảm hóa từ một học sinh hư thành học sinh ngoan, có ích cho gia đình và xã hội.
Do đó, ông mong muốn trước thực hiện các biện pháp kỷ luật, nhà trường và phụ huynh cần phân tích, đánh giá rất thận trọng về mặt tâm lý, hành vi cũng như động cơ của hai nam sinh trước khi quyết định. Vì nhiều trường hợp phạm lỗi do tò mò, do nghịch ngợm, do suy nghĩ chưa thấu đáo chứ chưa chắc phạm lỗi vì mục đích sâu xa khác. Hơn nữa, khi được mời làm việc, cả hai nam sinh cũng đã nhận lỗi, nhận lỗi là có ý thức biết sai, biết sai sẽ còn hy vọng được sửa.
Việc ra quyết định kỷ luật tạm dừng học 1 năm được PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tính cách, tương lai của các học sinh này.
Video đang HOT
“Học sinh tới trường hàng ngày, dưới sự giám sát, giáo dục của gia đình, nhà trường, thầy cô và bạn bè mà còn mắc lỗi, nếu cho học sinh nghỉ học hẳn một năm thì làm sao quản lý, giáo dục được?
Vai trò của ngành giáo dục không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy học sinh những kỹ năng, kiến thức để làm người, thế nhưng, học sinh sai, học sinh không ngoan thay vì tìm cách giáo dục nhà trường lại lựa chọn cách cho nghỉ học, trả về gia đình thì vai trò giáo dục ở đâu nữa?
Thả nổi học sinh suốt một năm không đến trường, không phải chịu áp lực trong học tập, bài vở liệu có đẩy học sinh đi từ sai lầm này tới tội lỗi khác?
Tôi lo ngại với hình thức kỷ luật của nhà trường, bởi lẽ khi chúng ta có cơ hội nắm được học sinh, có cơ hội giáo dục, cảm hóa học sinh thì chúng ta lại không làm. Thay vào đó lại lựa chọn một giải pháp kỷ luật mang tính tiêu cực hơn, đẩy học sinh xa nhà trường hơn, xa giáo dục hơn thì sau một năm đó liệu học sinh có còn muốn quay lại trường nữa không? Một năm sống tự do với vết nhơ và tai tiếng liệu có khiến các em lấn sâu hơn vào con đường sai trái, có gây hại cho chính bản thân các em, cho gia đình và cả xã hội không?
Vì điều này, tôi rất mong hội đồng kỷ luật nhà trường, phía phụ huynh và cả các em học sinh nên cho hai em này cơ hội, tìm một giải pháp kỷ luật hiệu quả hơn”, vị chuyên gia trăn trở.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng hội đồng kỷ luật nhà trường nên xem xét kỹ tính cách, lỗi lầm của hai nam sinh này trong suốt quá trình học tập tại trường để có đánh giá cụ thể hơn. Quan trọng hơn, ông Lâm cho rằng các biện pháp kỷ luật phải thực hiện theo khung, theo quy định đã được ban hành.
“Sai lầm của học sinh có lặp lại nhiều lần không? Động cơ, mục đích là gì? Có những hành vi sai phạm khác không? Rất cần phải được làm rõ.
Tiếp theo là quy chế khen thưởng, kỷ luật của Bộ GD-ĐT mới không cho phép đuổi học học sinh trong thời gian dài, với những sai phạm nghiêm trọng hình thức kỷ luật là tạm dừng học tối đa 2 tuần. Như vậy, nếu cho học sinh nghỉ học 1 năm, nghĩa là nhà trường đã vượt qua quy định của Bộ GD-ĐT, việc này phải được sự cho phép của cơ quan quản lý cấp cao hơn”, ông Lâm lưu ý.
Kiên nhẫn, cảm hóa, thay vì buông tay
Nói thêm về biện pháp kỷ luật với học sinh những học sinh cá biệt, không ngoan, PGS Trần Xuân Nhĩ lấy kinh nghiệm nhiều năm của một nhà giáo, một người làm quản lý nhấn mạnh biện pháp xử lý kỷ luật hiệu quả hơn cả không phải là hình thức kỷ luật thép mà chính là kiên trì, kiên nhẫn để cảm hóa.
Kể lại câu chuyện thời kỳ ông còn làm Hiệu trưởng, PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết, ông cũng đau đầu nghĩ cách đối phó với một học sinh có hoàn cảnh và tính cách cá biệt.
Ông kể, quy định của nhà trường trong ký túc xá là học sinh phải ăn ở ngăn nắp, gọn gàng, ngủ dậy phải gấp chăn màn, xếp giày dép ngay hàng thẳng lối.
Hầu hết các học sinh trong ký túc xá đều chấp hành rất nghiêm túc, duy nhất chỉ có một trường hợp ngủ dậy là lật chiếu, cuộn tròn chăn màn, không cần gấp gọn, không cần xếp lớp, nhất định không chấp hành quy định của trường.
Bộ phận quản lý cũng như học sinh có phản ứng gay gắt vì việc làm của học sinh này đã ảnh hưởng tới môi trường, không gian sinh hoạt chung của cả khu ký túc xá và còn vi phạm nghiêm trọng nội quy của trường. Nhiều ý kiến yêu cầu không cho học sinh này ở trong ký túc xá nữa.
Ông đã chịu áp lực rất lớn, vì quy định nhà trường đã có, học sinh đã vi phạm nhiều lần, nhà trường đã nhắc nhở, phê bình nhưng không thay đổi. Xét về quy định, nhà trường hoàn toàn có thể đuổi học sinh này ra khỏi ký túc xá để bảo đảm tính kỷ luật trong trường.
Tuy nhiên, sau khi kiên nhẫn tìm hiểu, trò chuyện, ông được học sinh kể rằng, sự luộm thuộm của em ấy bắt nguồn từ hoàn cảnh, do thói quen từ nhỏ nên đã ăn sâu vào tiềm thức khiến em ấy không dễ bỏ được.
“Tôi được biết, gia đình em ấy có điều kiện khá giả, ngay từ nhỏ đã được sống riêng phòng, vì thế, mọi hoạt động, sinh hoạt của em ấy trong phòng riêng đều diễn ra theo ý của em ấy và không ai can thiệp. Khi ở phòng riêng, em này vẫn để nguyên chăn màn cho tiện hôm sau đỡ mất thời gian.
Tuy nhiên, tôi đã giải thích cho em ấy hiểu, đó là thói quen cá nhân, khi em ấy sống một mình với phòng riêng của cá nhân em ấy, còn ở đây trường học, em ấy đang sống giữa một tập thể vì thế, thói quen đó phải thay đổi.
Cùng với việc giải thích cho em ấy hiểu, tôi đã bố trí người giúp đỡ, hướng dẫn, nhắc nhở, và sau một năm em ấy đã thay đổi, trở thành một học sinh có thói quen sinh hoạt bình thường như những học sinh khác.
Nếu lúc đó nhà trường cũng lựa chọn giải pháp đuổi học sinh ra khỏi ký túc xá thì có khác nào đang tạo điều kiện cho thói hư, tật xấu của học sinh có cơ hội xấu hơn, hư hơn, như vậy là không nên”, PGS Trần Xuân Nhĩ nhắn nhủ.
'Bộ GD&ĐT đã xóa bỏ kiểu xử phạt xúc phạm học sinh'
Với Thông tư 32, Bộ GD&ĐT đã xóa bỏ hình thức xử phạt tiêu cực, xúc phạm nhân phẩm học sinh, đồng thời tăng cường giải pháp giúp các em điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm.
Trong vụ việc vừa xảy ra tại trường THPT Vĩnh Xương, An Giang, nhà trường phê bình nữ sinh N.T.N.Y. dưới cờ khi em vi phạm quy định. Điều đáng nói, theo Thông tư 32, có hiệu lực từ ngày 1/11, hình thức kỷ luật này không được cho phép. Vụ việc một lần nữa đặt ra vấn đề kỷ luật học sinh sao cho vừa mang tính giáo dục vừa đảm bảo văn minh, nhân văn.
Theo ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), kỷ luật học sinh cần hướng tới giáo dục, giúp đỡ để học sinh chủ động, tự tin điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm.
Việc kỷ luật học sinh phải đáp ứng các yêu cầu tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia của học sinh đối với vấn đề liên quan.
Ông Bùi Văn Linh khẳng định Bộ GD&ĐT đã xóa bỏ hình thức kỷ luật xúc phạm nhân phẩm học sinh, trường làm sai phải chịu trách nhiệm. Ảnh: Moet.
Bên cạnh đó, các hình thức kỷ luật cần đảm bảo tính giáo dục, phù hợp đặc điểm tâm lý, giới tính, thể chất của từng học sinh, đồng thời giúp các em nhận ra khuyết điểm, thay đổi nhận thức, tự giác rèn luyện để tiến bộ.
"Giáo viên và nhà trường không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh", ông Linh nhấn mạnh.
Theo Thông tư 32/TT/2020/BGDĐT, các hình thức kỷ luật đối với học sinh gồm nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ các em khắc phục khuyết điểm; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Như vậy, Thông tư 32 nói trên đã không còn các hình phạt khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật, cảnh cáo trước toàn trường nữa. Nhà trường có thể áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực khác. Song, ông Linh nói thêm những biện pháp đó phải đáp ứng yêu cầu phù hợp mục đích, nguyên tắc kỷ luật học sinh.
Thông tư mới đã xóa bỏ các kiểu xử phạt tiêu cực, xúc phạm nhân phẩm học sinh, tăng cường đưa ra giải pháp giúp học sinh điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm.
Tuy nhiên, theo ông Linh, để những quy định mới thực sự được áp dụng thực hiện đúng, tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện, nhân văn cho học sinh, các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương (như sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT) phải có trách nhiệm tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Các hiệu trưởng phải có trách nhiệm cập nhật văn bản quy phạm, chỉ đạo mới của Bộ GD&ĐT, UBND các cấp để quán triệt, tuyên truyền trực tiếp đến 100% giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh để triển khai.
"Nhà trường nào thực hiện sai hoặc không kịp thời... sẽ chịu trách nhiệm với Bộ GD&ĐT, địa phương và trước xã hội", ông Bùi Văn Linh khẳng định.
Kỷ luật học sinh và những hạn chế của giáo viên phổ thông Quan niệm giáo dục hiện đại đã xác định và nhấn mạnh học sinh là trung tâm, là đối tượng quan trọng nhất trong mọi hoạt động dạy học trong phạm vi nhà trường. Sự việc nữ sinh lớp 10 ở An Giang phải uống thuốc tự tử để tự minh oan cho mình trước những cáo buộc cùng các biện pháp kỷ...