Đừng để sử thành môn học vẹt
Việc môn lịch sử là lựa chọn ít ỏi nhất của học sinh (HS) trong số các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay một lần nữa khiến những ai quan tâm phải nghĩ lại về cách dạy và học môn này.
Nhiều ý kiến cho rằng HS sẽ không quay lưng lại với môn sử nếu có sự thay đổi về nội dung và cách thức học môn học này trong lần đổi mới chương trình – sách giáo khoa sắp tới. Tuy nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng ghi nhận của phóng viên Thanh Niên cho thấy, các ý kiến đều tha thiết mong muốn chấm dứt biến môn học này thành môn thuộc lòng như hiện nay.
GS Vũ Minh Giang, ĐH Quốc gia Hà Nội: Không gò ép, áp đặt
Thông thường trong sách giáo khoa (SGK) lịch sử của nước ngoài, người ta chỉ đưa ra một số sự kiện lịch sử tiêu biểu. Người học tiếp thu những kiến thức này một cách tự nhiên mà không cảm thấy bị gò ép bởi một loạt những phân tích áp đặt. Tiếp theo là những câu chuyện lịch sử hấp dẫn có tính chất minh họa. Những sự kiện chọn lọc và những câu chuyện sẽ gợi mở cho người đọc tiếp tục suy nghĩ và tất yếu dẫn họ tới những kết luận cần thiết. Cách làm này vừa phát huy được trí sáng tạo của người học vừa làm cho họ dễ tiếp thu, dễ nhớ. Chỉ bắt học thuộc lòng những trang dày đặc những sự kiện và những điều áp đặt thì khó lòng gây được sự ham thích của giới trẻ.
Giáo sư Đỗ Thanh Bình, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Lược bớt chi tiết, diễn biến
Ở bậc tiểu học, SGK kể chuyện lịch sử một cách đơn giản, ngắn gọn, hấp dẫn. Đối với THCS và THPT, cần lựa chọn những sự kiện tiêu biểu, phản ánh bản chất của vấn đề, lược bớt những chi tiết, đặc biệt là diễn biến các cuộc khởi nghĩa, cuộc đấu tranh, cố gắng viết hấp dẫn và tăng kênh hình.
Video đang HOT
Bà Lê Thị Thu Hương, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội): Nên dạy theo chuyên đề
Không nên dạy học lịch sử theo chương trình đồng tâm như hiện nay mà đối với cấp THPT, đến lớp 12 nên dạy theo chuyên đề, vấn đề có tính chuyên sâu với phương châm là biết ít nhưng biết đến nơi đến chốn thì hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, cần có những chuyên đề ngoại khóa (dạy học lịch sử qua việc tham quan bảo tàng, di tích…) thì sẽ tạo hứng thú học tập cho HS.
Ông Nguyễn Nghĩa Tiến, Trường THPT Quế Võ số 2 (Bắc Ninh): Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá
Hiện nay kiểm tra bài học lịch sử chủ yếu để tính điểm, sơ tổng kết quả học tập cho HS. HS ngại thi môn sử vì cách thức ra đề, kiểm tra đánh giá còn quá nặng về ghi nhớ máy móc sự kiện, ít chú ý đến tư duy. Vì vậy, phải đưa kiểu bài học tham quan thực tế vào chương trình chính thức chứ không phải chỉ ở dạng khuyến khích như hiện nay.
Vì sao học sinh không chọn sử?
Lưu Diễm, HS Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), đăng ký thi ĐH khối C nhưng lại không chọn thi tốt nghiệp môn sử. “Em thấy môn sử dễ bị lẫn lộn về thời gian và nhiều kiến thức phải nhớ. Em sợ không đủ thời gian để ôn”, Diễm cho biết.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, Chánh văn phòng Hội Sử học Đà Nẵng, cho rằng ít HS chọn môn sử thi tốt nghiệp là điều dễ hiểu. Ông Thiện phân tích, trong khi các môn học khác ít… tốn công, dễ ôn tập hơn thì môn sử hiện nay được dạy với quá nhiều thông tin, sự kiện và số liệu… nên HS không nhớ hết được. “Nên dạy sử theo hướng mở, với giáo trình mở. Thay vì nhồi nhét thì đưa HS đến với những chiến tích, hiện vật, nhân vật lịch sử, rồi cho các em viết bài thu hoạch, cảm nhận. Điều này sẽ tạo cho các em một sự đam mê với sử”, ông Thiện góp ý.
Theo TNO
Cách ôn để lấy điểm cao môn sử, địa
Học sinh thường ngại học môn lịch sử và địa lý. Tuy nhiên, với hướng dẫn của các giáo viên Trường THPT Trần Phú và Vĩnh Viễn, TP.HCM, việc ôn tập hai môn này sẽ đơn giản hơn nhiều.
Hệ thống kiến thức theo từng thời kỳ
Thầy trò Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) ôn tập môn địa lý - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Với môn sử, đa số học sinh thường than phiền rằng có học nhưng hay quên, hay có học nhưng không biết trả lời câu hỏi như thế nào. Sở dĩ như vậy là vì học sinh học bài một cách máy móc (học vẹt), cố đưa kiến thức vào mà không hiểu, không biết hệ thống lại kiến thức nên dễ quên và khó vận dụng vào việc giải đề thi.
Để ôn tập hiệu quả, nhớ lâu và vận dụng được kiến thức để giải đề thi môn sử, học sinh cần có kế hoạch ôn tập cụ thể, nắm thời gian từ nay đến ngày thi để phân bố nội dung ôn tập phù hợp, tránh bị động, tránh dồn nén, quá tải vào giai đoạn cuối.
Học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản từng bài, lập dàn ý để học, tránh sa đà quá tải. Biết hệ thống lại toàn bộ kiến thức theo từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử cụ thể, những nội dung chính của các thời kỳ, giai đoạn lịch sử đó, mối liên hệ kiến thức trong từng thời kỳ, liên hệ kiến thức giữa lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.
Ví dụ: Phần lịch sử thế giới hệ thống lại kiến thức học theo từng vấn đề: Các tổ chức: Liên Hiệp Quốc, ASEAN, EU...; Các nước (Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản...); các khu vực (Đông Nam Á, châu Phi, Mỹ La tinh, Tây Âu...).
Hai cách ôn tập môn địa lý
Có 2 cách làm cho việc ôn tập môn địa lý của học sinh trở nên nhẹ nhàng và kết quả bài thi sẽ tốt hơn.
Một là ôn tập dựa trên Atlat và khai thác kiến thức từ tài liệu này, vì nhiều nội dung trong đề thi có sẵn câu trả lời trên Atlat. Ngoài ra, Atlat còn giúp học sinh thấy được tình hình phát triển của một hoạt động kinh tế, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong từng thời kỳ... Các dạng biểu đồ trên Atlat (biểu đồ tròn, biểu đồ cột, biểu đồ kết hợp cột và đường, biểu đồ miền) có thể giúp học sinh tham chiếu để rèn luyện và hình thành kỹ năng vẽ biểu đồ. Biểu đồ trên Atlat còn cung cấp cho học sinh những số liệu thống kê để minh họa cho phần trình bày kiến thức.
Cách ôn tập thứ hai là thiết lập bản đồ tư duy cho phần kiến thức không có trong Atlat, giúp học sinh dễ hiểu, dễ thuộc và lâu quên.
Các đơn vị kiến thức sau đây có thể đưa vào bản đồ tư duy: đặc điểm của một hiện tượng địa lý, nguồn lao động; các thành phần của một đối tượng địa lý; vai trò, vị trí của một đối tượng địa lý...
Ngoài ra, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2013 - 2014, Bộ GD-ĐT còn lưu ý việc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo; bảo vệ môi trường; đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; giáo dục về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Cho nên, học sinh cũng cần suy nghĩ thêm về các lưu ý này.
Theo TNO
Lần đầu tiên Hà Nội có học sinh đạt giải nhất quốc gia Sử Với giải nhất của em Nguyễn Thị Anh (học sinh trường THPT Mỹ Đức A), lần đầu tiên Hà Nội vươn lên vị trí thứ ba sau tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định. Sáng 23/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, 217 học sinh THPT đạt giải quốc gia môn Lịch sử đã được tuyên dương và trào thưởng. Đây là chương trình...