Đức có giống Italy trở thành ổ dịch Covid-19 của châu Âu?
Nhiều người lo ngại Đức sẽ lặp lại kịch bản của Italy, nếu không tỉnh táo và quyết liệt trong cuộc chiến với Covid-19.
Các chính trị gia Đức đang hạ thấp tác động của Covid-19 trong nhiều tuần qua. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn liên tục đảm bảo với người Đức rằng tình hình nằm trong tầm kiểm soát và đất nước chuẩn bị đầy đủ trước dịch bệnh.
Tuy nhiên, những lời trấn an này dường chỉ là “gió thoảng mây bay”, khi số ca nhiễm Covid-19 tại nước này tăng lên tới 150 trường hợp. Hơn một nửa số ca nhiễm tập trung ở khu vực phía Tây bang North Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất nước Đức.
Một số trường học và nhà trẻ tại đây phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của virus. Đức giờ nổi lên như một “ổ dịch” mới ở châu Âu.
Tình trạng dịch Covid-19 ở Đức. (Đồ họa: The Local)
Từ những ca nhiễm đầu tiên hôm 28/1, hiện tại có 9 trong 16 bang ở Đức xác nhận có bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Bộ trưởng Spahn dự đoán dịch Covid-19 sẽ còn lan rộng. “Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu của dịch bệnh”, ông cho hay.
Đồng thời, Bộ trưởng Y tế Đức cũng thừa nhận, không rõ liệu chiến lược hiện tại có chấm dứt được chuỗi lây nhiễm không.
Hiện tại, nhiều ý kiến chỉ trích rằng, chính phủ Đức không có đủ biện pháp để kiềm chế dịch bệnh. Một số khác ngờ vực rằng, liệu quốc gia Tây Âu có đủ số nhân viên y tế để đối phó với dịch hay không.
Ngoài ra, Đức hiện còn phải đối mặt với sự thiếu hụt về khẩu trang và quần áo bảo hộ, do sự gián đoạn từ nguồn cung tại Trung Quốc. Các nhà máy dù tăng cường sản xuất, nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu trong nước hiện nay.
Các kệ hàng trong các siêu thị trống rỗng, khẩu trang và thuốc khử trùng hết sạch, các công ty khuyên nhân ở nhà.
Gần 1.500 nhân viên của Công ty tư vấn Ernst & Young được yêu cầu ở nhà và chờ thông báo mới sau khi một nhân viên của công ty được xác nhận nhiễm virus.
Bên cạnh đó, nhiều sự kiện công cộng ở Đức bị hủy bỏ liên tục những ngày qua. Đặc biệt là Triển lãm du lịch quốc tế Berlin, sự kiện thường niên thu hút hơn 100.000 du khách.
Giáo sư Christian Drosten, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vi trùng và bệnh dịch thuộc Charité Hospital Berlin cảnh báo trong vài ngày tới, Đức sẽ ghi nhận thêm các trường hợp riêng lẻ và các nhóm nhỏ bệnh nhân sẽ “mọc lên như nấm”.
Giáo sư Alexander Kekule, nhà hóa sinh nổi tiếng của Đức kêu gọi các quan chức y tế ngừng ngay việc đánh giá thấp tầm nghiêm trọng của dịch bệnh.
Ông này cảnh báo, không nên áp dụng biện pháp phong tỏa 10 thị trấn như của Italy. Vì cho rằng, việc phong tỏa toàn bộ thành phố hay khu vực chẳng khác nào nhốt mọi người, để họ lây nhiễm chéo cho nhau.
Chưa ai có thể đánh giá chính xác lệnh phong tỏa nhiều thị trấn ở Italy đúng hay sai, hiệu quả thế nào. Nhưng bài học nhãn tiền cho Đức là sự chủ quan của Italy, biến họ thành “ổ dịch” lớn nhất châu Âu với hơn 2.000 ca bệnh.
Nếu Đức không tỉnh táo và quyết liệt phòng dịch, không ai dám chắc họ không trở thành một Italy thứ 2 dù thực tế họ đang bước trên đà này.
Video: Bộ trưởng Nội vụ Đức từ chối bắt tay Thủ tương Merkel do ngại Covid-19
SONG HY (Nguồn: Straitstimes)
Theo vtc.vn
Phản ứng bất ngờ của Thủ tướng Đức bị Bộ trưởng từ chối bắt tay vì sợ virus corona
Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer từ chối bắt tay Thủ tướng Angela Merkel vì tình hình lây lan virus corona (Covid-19), báo Bild đưa tin.
Do lo ngại lây lan virus corona, Bộ trưởng Nội vụ Đức đã từ chối bắt tay Thủ tướng Merkel.
Trong cuộc họp với đại diện các hiệp hội di dân ở Berlin, bà Thủ tướng đã đến gần Bộ trưởng Nội vụ và chìa tay ra, thế nhưng ông Seehofer không bắt tay bà. Xét theo video ghi diễn biến này có thể thấy bà Merkel tiếp nhận tình huống một cách hài hước, bà giơ cả hai tay lên rồi sau đó hai người cùng cười.
Theo phản ánh của Sputnik, truyền thông Đức thông báo rằng Bộ trưởng Seehofer tuyên bố ông quyết định không bắt tay do tình cảnh lây lan virus corona (Covid-19).
Tính đến ngày 2/3, có 2.100 trường hợp nhiễm virus corona ghi nhận tại 19 nước thuộc Liên minh Châu Âu. Theo dữ liệu mới nhất, số người chết vì virus corona trên thế giới đã lên tới 3.069. Phần lớn các trường hợp tử vong là ở Trung Quốc. Tổng cộng, có hơn 89.856 người nhiễm bệnh, 45.636 người đã hồi phục.
Theo danviet.vn
Covid-19: Việt Nam chuẩn bị phương án bảo hộ công dân ở Italy và Pháp Đại sứ quán Việt Nam tại các nước này đang theo dõi chặt chẽ tình hình Covid-19 và chuẩn bị các phương án bảo hộ công dân khi cần thiết. Trước các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các nước Italy, Pháp, Đức... Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia này đang theo dõi chặt chẽ tình hình và...