Đưa trường học đến thí sinh 2016: Nhiều băn khoăn được giải tỏa
Chương trình đầu tiên tại TP HCM thu hút hơn 1.200 học sinh và hàng trăm phụ huynh tham dự. Nhiều băn khoăn của học sinh, phụ huynh về chọn trường, chọn ngành, định hướng nghề nghiệp đã được các chuyên gia giải tỏa
Chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” lần thứ 15 năm 2016 do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Công ty CP Phân bón Bình Điền (tài trợ vàng), Ngân hàng Phương Đông (tài trợ bạc) và Tập đoàn Vingroup (tài trợ đồng) chính thức khai mạc tại Trường THPT Tân Bình (quận Tân Phú, TP HCM) lúc 7 giờ 30 phút ngày 23-1. Chương trình được Đài Truyền hình TP truyền hình trực tiếp.
Băn khoăn chọn ngành
Mở đầu chương trình, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, dành thời gian cung cấp thông tin mới nhất về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 2016. TS Nghĩa lưu ý để tránh tình trạng hỗn loạn, dự kiến mỗi thí sinh chỉ được cấp 1 giấy báo điểm duy nhất. Thí sinh đăng ký được 1 ngành ở 2 trường khác nhau, có cùng mã ngành.
Video đang HOT
Học sinh đặt câu hỏi về chọn trường, chọn ngành với ban tư vấn Ảnh: Tấn Thạnh
Nhiều em đặt ra câu hỏi về các ngành, nghề mới. Trước câu hỏi của một học sinh về ngành logistics, trường nào đào tạo về ngành này và cơ hội việc làm ra sao, ThS Trương Tiến Sĩ, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết đây là ngành học khá mới mẻ nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng. “Để học ngành này, các em có thể thi vào các trường khối kỹ thuật, liên quan dịch vụ giao thương hàng hải, vận tải đa phương thức, giao nhận…”.
Học sinh Lê Ngọc Thanh Thùy (lớp 12A7 Trường THPT Tân Bình) đặt câu hỏi: “Em rất thích công việc lồng tiếng trong đài truyền hình, các hãng phim, vậy phải học ngành nào để ra trường làm nghề này?”. Trả lời câu hỏi rất “thời sự” này, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết lồng tiếng tuy là một nghề nhưng hiện chưa có trường nào đào tạo chính thống. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM hoặc Trường CĐ Phát thanh – Truyền hình có đào tạo ngành báo chí, gồm các loại hình báo in, báo hình, báo điện tử… sẽ dạy các nghiệp vụ, kỹ năng chung về nghề báo, trong đó có kỹ năng này. Ngoài ra, các trường đào tạo về sân khấu, điện ảnh cũng có môn học liên quan. “Tuy nhiên, các em khi đăng ký ngành nào thì cần xác định trước ngành đó học gì, ra trường sẽ làm gì?” – TS Nghĩa khuyên.
Cân nhắc chọn trường
Theo đánh giá của ban tư vấn tuyển sinh, học sinh ngày càng có những câu hỏi cụ thể, xoáy sâu vào những vấn đề mà các em quan tâm.
Đơn cử, một học sinh Trường THPT Nhân Việt hỏi: “Em rất thích ngành sư phạm nhưng điểm đầu vào của Trường ĐH Sư phạm TP HCM rất cao, vậy có trường nào ở TP HCM đào tạo ngành này nhưng điểm thấp hơn?”. Chia sẻ câu hỏi cũng được rất nhiều học sinh quan tâm, ThS Lê Ngọc Tứ, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM, nói rõ tại TP HCM có 3 trường ĐH đào tạo ngành sư phạm là Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Sài Gòn và khối kỹ thuật có Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Ở hệ CĐ có Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP HCM và một số trường trung cấp đào tạo hệ trung cấp sư phạm mầm non. “Các em cần căn cứ vào những thông tin của các trường để cân nhắc chọn trường phù hợp” – ThS Tứ nhấn mạnh.
Đối với những ngành, nghề có nhiều trường đào tạo, các chuyên gia tuyển sinh khuyên học sinh ngoài việc cân nhắc năng lực, cần chú ý đến xu hướng đào tạo ngành đó mỗi trường. Chẳng hạn, khi học sinh hỏi về trường đào tạo ngành ngôn ngữ Anh, ThS Trương Tiến Sĩ lưu ý tại TP HCM có nhiều trường đào tạo ngành này nhưng thế mạnh của từng trường khác nhau. Ví dụ, Trường ĐH Sư phạm TP HCM thiên về đào tạo tiếng Anh sư phạm, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM thiên về khoa học xã hội, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM có thế mạnh về kinh tế… Ông Sĩ nhắn nhủ: “Các em cần nghiên cứu việc ra trường sẽ đi theo hướng nào để đưa ra lựa chọn sáng suốt”.
Phụ huynh cũng cần tư vấn
Hàng trăm phụ huynh đã chăm chú theo dõi chương trình với sự lo lắng xen lẫn hồi hộp. Nhiều phụ huynh cũng đặt câu hỏi để nắm bắt rõ hơn thông tin tuyển sinh cũng như việc chọn trường, chọn ngành cho con em mình.
Theo các chuyên gia tư vấn, đây là chương trình đầu tiên chứng kiến sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh. Có phụ huynh còn ghi âm lại để về nghe cho rõ. Một phụ huynh băn khoăn: “Hiện nay có thực trạng cử nhân ra trường thất nghiệp, vậy nên chọn ngành nghề nào để dễ có việc làm?”. ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho rằng bên cạnh năng lực, sở trường, cần xác định xu hướng phát triển của ngành nghề trong những năm tới. “Học sinh có đam mê, khả năng gì thì hãy lựa chọn ngành nghề đó. Phụ huynh cũng cần xác định con đi theo khối ngành nào là phù hợp” – ông Vinh chia sẻ.
Theo dõi chương trình ngay từ những phút đầu, ông Đặng Ngọc Cường (cha của em Đặng Tuyết Nhi, lớp 12A1 Trường THPT Tân Bình) cho biết ông nắm bắt được nhiều thông tin bổ ích. “Cả nhà ai cũng muốn cho Nhi theo ngành kế toán nhưng cháu lại chọn ngành quản trị khách sạn. Thấy con quyết tâm lại được nghe ban tư vấn khuyên chọn nghề theo năng lực, sở trường nên tôi sẽ ủng hộ con” – ông Cường bộc bạch.
Hôm nay ( 24-1), chương trình sẽ diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TP HCM).
Chọn ngành xã hội đang cần
Tại buổi tư vấn, TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, nhắn nhủ các bạn trẻ 3 điều. Thứ nhất, cần có đam mê bởi chỉ có đam mê mới vượt qua khó khăn để học tốt. Thứ hai, cần chuẩn bị cho mình khối kiến thức nền trước khi chọn trường, chọn ngành; đồng thời nên lựa chọn ngành theo thế mạnh của bản thân. Thứ ba, cần chọn ngành mà nhu cầu trong xã hội đang cần trong những năm tới.
Theo NLĐO