Đưa ra nhiều tình huống chuẩn bị cho học sinh TP.HCM trở lại trường
Học sinh trở lại trường vào thời điểm dịch bệnh vẫn phức tạp, trường học phải chuẩn bị cho nhiều tình huống phát sinh để các em yên tâm quay lại học tập.
Theo kế hoạch của ngành giáo dục TP.HCM, dự kiến, học sinh lớp 9, 12 ở vùng an toàn tới trường học trực tiếp từ giữa tháng 12, mốc thời gian cụ thể nhiều khả năng là ngày 10/12. Đây cũng là phương án Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khuyến khích.
Học sinh trở lại trường là niềm mong mỏi của cả phụ huynh, giáo viên và bản thân các em. Ngay từ bây giờ, các trường đã lên phương án, dự trù nhiều tình huống có thể phát sinh để chuẩn bị đón học sinh.
Học sinh lớp 9, 12, đã được tiêm 2 mũi vaccine có thể trở lại trường từ giữa tháng 12. Ảnh: Duy Hiệu.
Nhiều F0 rải rác thì xử lý sao?
Thời điểm này, học sinh trong độ tuổi 12-17 ở TP.HCM đã được tiêm mũi 2 vaccine Covid-19. Tính đến giữa tháng 12 là đủ 14 ngày kể từ mũi tiêm thứ 2, học sinh đã có kháng thể Covid-19, yên tâm hơn khi đến trường.
Đây là yếu tố thầy Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng trường THPT Gò Vấp (quận Gò Vấp), nhắc đến khi nói về kế hoạch cho học sinh đến trường. Thầy cho biết nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, tình huống để đón học sinh trở lại vào giữa tháng 12 tới.
Đặt thêm nước rửa tay, vệ sinh, khử khuẩn khuôn viên trường học, phân luồng, đo nhiệt độ khi học sinh vào trường là những việc quen thuộc trong 2 năm qua nên nhà trường tự tin đã chuẩn bị đủ và thực hiện thuần thục.
“Những việc này cả nhà trường và học sinh đã rất quen thuộc, chỉ có điểm mới là xây dựng phương án xử lý khi trường có F0″, thầy Hải nói.
Video đang HOT
Từ chỉ đạo chung của ngành giáo dục, trường THPT Gò Vấp lên phương án nếu có F0 là giáo viên, học sinh đang ở trường thì phải cách ly và báo y tế địa phương nhanh nhất có thể. Những học sinh trong lớp của F0 cũng được cho về nghỉ. Trường hợp phụ huynh chưa thể đón ngay, các em sẽ được bố trí ở phòng cách ly khác.
“Phòng cách ly đã được trường sắp xếp ở gần nhà vệ sinh nên khi cần, học sinh có thể tạm cách ly, phong tỏa cả phòng chờ và nhà vệ sinh”, thầy hiệu trưởng nói.
Đây cũng là cách xử lý của trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1). Nhà trường cũng băn khoăn phương án cụ thể cho tình huống có nhiều F0 rải rác ở nhiều lớp khác nhau trong trường.
“Trường có một, hai em F0, có thể cho các em này nghỉ, F1 cũng học online để theo dõi sức khỏe, các lớp khác vẫn học bình thường. Nhưng trường hợp có nhiều F0 ở các lớp khác nhau, giả sử có 5/10 lớp có F0 thì xử lý ra sao? Liệu có đóng cửa trường, chuyển sang học online hết hay không?”, cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân, băn khoăn.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du (quận 10), cho rằng đã xác định mở cửa trường học, thích ứng với dịch Covid-19 thì không thể phong toả toàn trường hoặc đóng cửa ngay khi có F0, bởi sẽ gây xáo trộn rất lớn. Cách làm hiện nay là bình tĩnh khoanh vùng, truy vết, xác định người tiếp xúc gần để có biện pháp xử lý theo hướng dẫn của y tế.
“Khi phát hiện F0, chỉ những em tiếp xúc gần mới phải ở nhà cách ly, những em khác sang phòng học dự phòng theo dõi sức khoẻ. Như vậy, quá trình học sẽ không bị gián đoạn, không khiến những em còn lại hoang mang”, thầy Phú nói.
Mỗi lớp học của trường THPT Bùi Thị Xuân chia làm 2 phòng, giáo viên dạy trực tiếp một bên và phát trực tiếp cho phòng còn lại.. Ảnh: Duy Anh.
Chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau
Thầy Phan Hồ Hải cho rằng một tình huống khác các trường cần tính đến là số ít phụ huynh không muốn cho con trở lại trường vào thời điểm này. Khi đó, trường sẽ xin ý kiến sở giáo dục nhưng tinh thần chung, ban giám hiệu đã chuẩn bị phương án tổ chức cho các em học online.
“Qua thăm dò ý kiến phụ huynh, có người chấp nhận con có thể bị lưu ban cũng không muốn cho đi học lại vào lúc này. Chỉ có vài trường hợp học online nhưng nhà trường vẫn tổ chức vì đây là quyền lợi chính đáng của học sinh. Chúng tôi cũng không thể ép các em phải đến trường”, thầy Hải nói.
Một vấn đề khác là kiểm tra, đánh giá khi học sinh quay lại trường. Theo chương trình, trung tuần tháng 12, học sinh sẽ kiểm tra kết thúc học kỳ I. Nếu theo kế hoạch, ngày 10/12 học sinh có thể học trực tiếp, trường THPT Gò Vấp sẽ kiểm tra nhanh kiến thức, khả năng tiếp thu của các em sau thời gian học online để có phương án củng cố, ôn tập.
Việc kiểm tra kết thúc học kỳ sẽ theo nội dung đã giảm tải của Bộ GD&ĐT và phù hợp với tình hình học tập trong thời gian qua. Thầy Hải cho hay các giáo viên đã lên 3 phương án kiểm tra cuối học kỳ I.
“Khi học sinh lớp 12 chưa thể quay lại trường, cả 3 khối đều kiểm tra online, triển khai làm sao, rút kinh nghiệm gì từ đợt kiểm tra giữa kỳ. Nếu học sinh 12 tới lớp học, nội dung kiểm tra có thay đổi như thế nào không? Trường hợp cả 3 khối cùng được đến trường thì tổ chức kiểm tra ra sao?”, thầy cho hay.
Qua thực tế chuẩn bị, thầy Phan Hồ Hải cho biết trường gặp khó ở việc đảm bảo khoảng cách giữa các học sinh trong lớp. Sĩ số các lớp rơi vào khoảng 45 em/lớp. Như vậy, để đảm bảo khoảng cách an toàn, trường phải chia đôi lớp học thành 2 phòng cạnh nhau. Mỗi môn, giáo viên dạy đồng thời cả 2 phòng. Bên này nghe giảng thì bên còn lại sẽ làm bài tập.
“Một giáo viên dạy, quản lý cả 2 phòng học như vậy rất khó và vất vả. Chắc chắn, khối lượng kiến thức mỗi tiết phải giảm xuống, tiến độ sẽ chậm lại”,
Đây cũng là điều khiến ban giám hiệu trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) lo lắng. Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm ngoái, khi học sinh trở lại trường sau thời gian dài nghỉ dịch, trường cũng thực hiện chia đôi lớp học thành 2 phòng cạnh nhau.
Khi giảng lý thuyết, giáo viên dạy trực tiếp ở một phòng, bên còn lại theo dõi qua màn hình chiếu. Lúc làm bài tập, giáo viên sẽ qua lại, quán xuyến cả 2 phòng. Một thời gian thực hiện, trường thấy phương án này không hiệu quả.
“Trường đang cân nhắc phương án chia mỗi lớp thành 2 lớp nhỏ. Một nửa học buổi sáng, một nửa học buổi chiều. Với phương án này giáo viên sẽ phải dạy gấp đôi, vất vả hơn”, cô Dung nói.
Nữ hiệu trưởng cho biết dù nhiều khó khăn nhưng các giáo viên, phụ huynh đều mong học sinh có thể tới trường, ít nhất để hoàn thành kiểm tra học kỳ I. Bởi sau đợt kiểm tra giữa kỳ vừa qua, các giáo viên đều nhận thấy việc kiểm tra online gặp rất nhiều bất cập, khó khăn.
Nhiều băn khoăn khi học sinh trở lại trường
Nhằm chuẩn bị đón học sinh trở lại trường vào tháng 12 tới, các trường học trên địa bàn TPHCM đã cải tạo cơ sở vật chất, xây dựng nhiều phương án dạy học trong bối cảnh bình thường mới.
Tuy nhiên, làm sao khắc phục tình trạng học sinh (HS) chênh lệch về kiến thức, thay đổi thói quen học tập sau thời gian dài học trực tuyến là câu hỏi đang đặt ra cho nhà trường.
Em Khánh An (quận 8) đang tập trung theo bài học khi học trực tuyến tại nhà. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Rà soát trình độ học sinh khi trở lại trường
Hiện tại, các trường tiểu học, THCS và THPT đã hoàn tất kiểm tra giữa học kỳ 1 năm học 2021-2022. Ghi nhận chung cho thấy, các đề kiểm tra đều ở mức độ nhận biết và thông hiểu, câu hỏi vận dụng thấp và không có câu hỏi vận dụng cao. Lý giải điều này, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, chưa thể đòi hỏi tỷ lệ 100% HS tham gia học trên internet do khó khăn về đường truyền mạng, thiết bị, dịch bệnh chi phối... "Tình trạng HS tiếp thu kiến thức không đồng đều trong lớp học luôn xảy ra dù dạy học trực tiếp hay trực tuyến. Tuy nhiên, khi tổ chức dạy học trực tuyến, chênh lệch sẽ nhiều hơn do nhiều nguyên nhân khách quan như điều kiện đường truyền, thiết bị đầu cuối, môi trường học tập lẫn nguyên nhân chủ quan từ ý thức, khả năng tự học", đại diện Sở GD-ĐT chia sẻ. Do đó, dạy học qua internet là giải pháp tình thế trong giai đoạn hiện tại.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu, khi HS trở lại trường, giáo viên ở từng lớp có trách nhiệm rà soát việc tiếp thu kiến thức của HS để có biện pháp bổ sung kiến thức phù hợp. Ở bậc tiểu học, giáo viên rà soát kiến thức, kỹ năng nào HS chưa nắm vững để bổ sung. Riêng với bậc THCS và THPT, ở từng môn học, giáo viên có kế hoạch củng cố kiến thức theo 2 hình thức: củng cố chung trên lớp hoặc tổ chức phụ đạo riêng từng nhóm HS.
Việc rà soát, bổ sung kiến thức có làm ảnh hưởng đến tiến độ dạy học của học kỳ 2 hay không? Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, các trường phổ thông hiện nay đã được trao quyền chủ động phân bổ thời gian hoàn thành các nội dung chương trình giáo dục, do đó giáo viên có thể chủ động xây dựng nội dung bài học, làm sao đảm bảo mục tiêu chương trình. Các thầy cô có thể linh động bố trí thời gian để bổ sung, rà soát việc tiếp thu kiến thức của HS song song với triển khai kiến thức mới. Điều này không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình khi kết thúc năm học. Tuy nhiên, phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận Bình Thạnh lo ngại, những lớp có tỷ lệ HS không tham gia dạy học trực tuyến cao hoặc HS cần bổ sung kiến thức nhiều, giáo viên phải phụ đạo. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tổng số tiết dạy và quyền lợi của giáo viên. Đây là vấn đề cần được cơ quan quản lý quan tâm và hướng dẫn thực hiện.
Quan tâm sức khỏe tinh thần học sinh
Theo TS Nguyễn Thụy Phương, giảng viên Trường Đại học Paris (Pháp), khi HS trở lại trường học, nhà trường đứng trước 2 lựa chọn là ưu tiên thực hiện các mục tiêu của chương trình giáo dục hoặc quan tâm phát triển các kỹ năng nhận thức, xã hội cho HS sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giãn cách xã hội. Ở góc độ khác, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập một trong những hệ thống trường ngoại khóa chuyên sâu đầu tiên ở Việt Nam, cho rằng, khi HS trở lại trường học, song song với việc điều chỉnh chương trình, thói quen học tập cũng là nội dung cần được các trường quan tâm. Sau thời gian dài học trực tuyến, nhiều HS đã quen với việc ngồi trước màn hình máy tính 3-10 giờ mỗi ngày, mất thói quen ghi chép bài học do quen với việc sử dụng điện thoại di động chụp hình, xem video clip bài giảng, tương tác qua bàn phím... Chuyên gia này dự báo, khi trường học mở cửa trở lại, các mô hình ngoại khóa sẽ "có đất dụng võ" nhằm bổ sung khoảng trống về kỹ năng và kiến thức mà trường chính khóa không giải quyết nổi. Khi đó, gia đình trở thành phòng học nối dài của nhà trường trong vai trò phối hợp cùng giáo viên nâng cao chất lượng giáo dục HS.
Một số nghiên cứu giáo dục gần đây cho thấy, khi HS trở lại trường, dạy học trực tuyến vẫn là phương pháp được các trường tiếp tục sử dụng nhằm bổ trợ cho quá trình dạy học trực tiếp. Theo nhà nghiên cứu Vũ Đức Trí Thể, dịch bệnh đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục hơn 10 năm, tạo ra áp lực lớn cho cả người dạy lẫn người học. Khi việc học triển khai phần lớn qua màn hình, đòi hỏi khả năng làm chủ của người học, các yếu tố về quản trị cảm xúc, kỹ năng thích ứng và sức khỏe tinh thần cho HS là những yêu cầu mới đặt ra trong giáo dục. Để thực hiện mục tiêu xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", ngành giáo dục cần thêm giải pháp quan tâm sức khỏe tinh thần và nhu cầu xã hội của HS.
Từ 15/11, học sinh lớp 12 ở Nghệ An đến trường học trực tiếp trở lại Theo quyết định mới nhất của Sở GD&ĐT Nghệ An, học sinh lớp 12 ở TP. Vinh sẽ được đến trường trở lại từ thứ 2 tới đây. Theo đó, Sở GD&ĐT Nghệ An đã ban hành văn bản về việc thực hiện phương án tổ chức dạy học ứng phó với dịch bệnh Covid-19, trên địa bàn thành phố Vinh. Trong văn...