Đưa học liệu số vào giảng dạy: Đòi hỏi giáo viên thích ứng nhanh
Đưa học liệu số vào giảng dạy ngày càng trở nên phổ biến và khẳng định được tính ưu việt ở bậc tiểu học.
Bài giảng học liệu số phong phú và hấp dẫn đối với HS. GV Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng – Hà Nội). Ảnh: TG
Tuy nhiên, việc triển khai học liệu số hiệu quả không chỉ đòi hỏi các nhà trường đầu tư về cơ sở vật chất mà mỗi giáo viên (GV) cũng phải nỗ lực nâng cao khả năng ứng dụng CNTT, linh hoạt trong quá trình dạy học.
Cô trò hào hứng
Cô Bùi Thị Hường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Sín Chéng (Si Ma Cai – Lào Cai) cho biết: Trong quá trình triển khai Chương trình GDPT mới và thay SGK lớp 1, GV lớp 1 nói riêng và GV các khối đã tích cực đưa học liệu số vào bài dạy trên lớp.
Học liệu số được GV đánh giá tích cực bởi phát huy nhiều ưu điểm, tiện ích hơn so với trang bị các đồ dùng dạy học trong thư viện. Với học liệu số, GV không cần chuẩn bị lách cách trước khi dạy, đăng ký mượn trả. Quan trọng nhất khi đưa học liệu số vào bài dạy là tìm ngữ liệu chưa phù hợp với HS để thay thế trước khi dạy học trên lớp.
Cô Bùi Thị Hường lấy ví dụ: HS chỉ việc nhìn và làm theo hướng dẫn chi tiết trên màn hình. GV không cần hướng dẫn thêm nhiều mà HS vẫn tiếp thu và thực hiện theo bài dạy thuận lợi. Trong quá trình HS làm theo hướng dẫn của học liệu số, GV có thời gian quan sát cả lớp và sửa ngay nếu HS làm chưa đúng.
Năm học 2020 – 2021, 24/25 GV Trường PTDTBT Tiểu học Sín Chéng triển khai dạy học với học liệu số. Khối 1 có 58 HS/4 lớp tại 4 điểm trường cũng được tiếp cận với cách dạy học này và ghi nhận những tín hiệu tích cực trong quá trình và kết quả học tập.
Cô Nguyễn Hải Yến – GV dạy lớp 1, Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) chia sẻ: Giảng dạy học liệu số, HS tỏ ra hào hứng với tiết học bởi được tiếp nhận nhiều hình ảnh, màu sắc bắt mắt. Cách thể hiện phong phú khiến HS bị cuốn hút theo bài học, từ đó nhanh chóng tiếp nhận kiến thức, nhớ bài chắc chắn. Đặc biệt, giúp việc soạn giáo án của GV nhẹ nhàng hơn mà còn tối ưu hóa phần viết của người dạy trên lớp.
Cô Đỗ Huyền Trang – GV lớp 1A8 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) cũng cho rằng, học liệu số phù hợp với tiếp nhận của HS, giúp bài giảng phong phú, sinh động, HS dễ quan sát vấn đề ở nhiều phương diện. Sử dụng học liệu số tiện ích, hỗ trợ tích cực cho hoạt động giảng dạy của GV lớp 1 trong quá trình triển khai Chương trình và SGK lớp 1 mới.
Video đang HOT
GV lớp 1 Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai). Ảnh: TG
Đầu tư cả nguồn lực lẫn nhân lực
Theo ông Nhâm Tiến Đức – Trưởng phòng GD&ĐT Si Ma Cai (Lào Cai), việc triển khai học liệu số vào dạy học hiệu quả đòi hỏi các nhà trường phải bảo đảm 2 yêu tố cơ bản là đầy đủ cơ sở vật chất (máy tính, máy chiếu, nối mạng, điện lưới) và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của GV.
Tại Si Ma Cai – dù là vùng khó nhưng 100% trường được đầu tư về đường mạng, máy tính, máy chiếu, đa số GV có máy tính riêng… nên việc triển khai khá thuận lợi. Sắp tới ngành GD-ĐT tăng cường đầu tư hơn nữa để mỗi lớp học có 1 máy chiếu sử dụng riêng. GV khi triển khai học liệu số không phải dùng chung và mất thời gian tháo gỡ lắp đặt.
Thực tế cho thấy, triển khai học liệu số vào giảng dạy phụ thuộc lớn vào điều kiện cơ sở vật chất. Do đó với nhiều trường vùng khó, trường còn hạn hẹp về điều kiện cơ sở vật chất, đây chính là bận tâm lớn. Thậm chí tại nhiều điểm trường vẫn còn tình trạng chưa có điện lưới, không có mạng Internet, dùng điện năng lượng mặt trời… việc sử dụng học liệu số vào dạy học vẫn là mong ước.
Ở một góc nhìn khác, cô Đỗ Thị Mỹ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Thắng (Hoa Lư – Ninh Bình) cho rằng: Triển khai học liệu số trong dạy học để đạt hiệu quả phụ thuộc nhiều vào năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và sự đầu tư bài giảng của GV.
“Nếu GV lấy bài giảng từ kho học liệu số xuống dạy cho HS chắc chắn có những ngữ liệu chưa phù hợp với HS. GV cần có sự điều chỉnh, thiết kế, gia công lại ít nhiều cho phù hợp với HS trên lớp về tính vùng miền, ngữ liệu… Tuy nhiên, sự “vất vả” trong việc điều chỉnh học liệu số sẽ giảm dần theo từng năm học bởi sau mỗi năm học bài giảng có sự điều chỉnh sẽ phù hợp hơn. Các năm sau GV chỉ cần giảng dạy hoặc điều chỉnh thì không nhiều…” – cô Đỗ Thị Mỹ nói.
Việc sắp xếp các bài giảng trong kho học liệu số rất khoa học, ngữ liệu giảng dạy phù hợp, ít phải thay thế bổ sung. Đây là nền tảng vững chắc để GV phát triển các bài giảng lên cao hơn. Học liệu số đặc biệt cần thiết trong giảng dạy môn Toán và Tiếng Việt lớp 1 theo Chương trình GDPT mới. – Cô Đỗ Huyền Trang
Chương trình, SGk lớp 1: Chủ động chọn ngữ liệu dạy học
SGK Tiếng Việt 1 được thiết kế mở, trao quyền chủ động, linh hoạt cho GV. Do vậy, việc điều chỉnh ngữ liệu được đa số GV áp dụng để phù hợp khả năng tiếp nhận của mỗi HS và điều kiện thực tế từng trường.
Cô Dương Thu Hằng và HS lớp 1A Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng - Hà Nội) trong tiết Tiếng Việt 1. Ảnh: Đức Trí
Trao quyền chủ động cho GV
Trong khi chờ đợi chỉnh sửa, điều chỉnh từ phía tác giả và NXB về một số ngữ liệu trong SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều, GV nhiều trường tiểu học chọn bộ sách này đã chủ động tự tìm tòi từ ngữ, lựa chọn các văn bản khác để thay thế phù hợp với tiếp nhận của học sinh (HS).
Cô Chu Thị Uyên - Tổ phó chuyên môn khối 1 đồng thời là GV trực tiếp giảng dạy lớp 1A5, Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) chia sẻ: Tôi từng dạy học theo chương trình Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục nên triển khai dạy Tiếng Việt 1 Cánh Diều nhẹ nhàng hơn nhiều.
Với một số ít ngữ liệu chưa phù hợp, một mặt GV trong tổ chuyên môn cùng trao đổi và tìm ngữ liệu mới thay thế. Mặt khác, trong quá trình giảng dạy, GV được trao quyền chủ động điều chỉnh cho phù hợp theo kinh nghiệm, hiểu biết chuyên môn của mình. Miễn sao giúp HS hiểu bài và hoàn thành được yêu cầu, mục tiêu chung.
"Việc tìm ngữ liệu mới thay thế chỗ chưa phù hợp trong bài giảng không phức tạp hay gây khó cho GV; quá trình giảng dạy theo ngữ liệu mới cũng không làm mất thời gian hơn trong tiết học. Với sự chủ độ, phương pháp giảng dạy linh hoạt của GV trong các bài giảng, HS hoàn toàn có thể tiếp thu được tinh thần, yêu cầu bài học. Nếu đâu đó có ý kiến trái chiều về những ngữ liệu chưa phù hợp với HS phải chăng họ không phải là người trực tiếp giảng dạy nên chưa hiểu cặn kẽ thực tế và yêu cầu mà thôi" - cô Chu Thị Uyên bày tỏ.
Cô Dương Thu Hằng - GV Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng - Hà Nội) có thâm niên kinh nghiệm gần 20 năm dạy lớp 1 hòa nhập (lớp có HS khiếm thị và HS bình thường cùng học) cũng cho biết: Trường chọn sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều để dạy HS lớp 1 và chuyển đổi thành sách nổi cho HS khiếm thị.
Có một số ngữ liệu khi dạy học chưa phù hợp (không sai) với tiếp nhận của HS, GV chủ động tìm nội dung khác thay thế. Mặt khác bản thân cô Hằng luôn tìm cách giải thích âm, từ theo cách dễ hiểu nhất để HS nhanh chóng tiếp thu.
"HS lớp 1 như tờ giấy trắng, các em học và hiểu theo giải thích của GV là chính. Do đó, quan trọng nhất vẫn là sự linh hoạt, chủ động của GV trong quá trình giảng dạy để tìm ra ngữ liệu thay thế hoặc cách giải thích phù hợp nhất với HS ngay cả khi vẫn sử dụng ngữ liệu cũ trong SGK. Những "sạn" nhỏ hoàn toàn có thể thay đổi và điều chỉnh dễ dàng"- cô Dương Thu Hằng khẳng định.
Cô Đỗ Thị Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Việc thay thế ngữ liệu trong quá trình dạy học được nhà trường giao quyền tự chủ cho GV. Tuy nhiên, khi có sự điều chỉnh, đính chính một số ngữ liệu trong SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều từ Bộ, nhà trường sẽ dạy học theo tinh thần sửa đổi đó đồng thời điều chỉnh lại trong bộ sách nổi của HS khiếm thị.
Cô Đinh Loan Vân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận (Quản Bạ - Hà Giang) chia sẻ: Việc dạy học Tiếng Việt 1 vẫn diễn ra theo tiến độ chung. Từ đầu năm học, nhà trường quán triệt tinh thần sách giáo khoa là tài liệu tham khảo và GV được thay thế ngữ liệu bài giảng trên lớp phù hợp nhất với vùng miền và tiếp nhận của HS... nên GV đã chủ động với vấn đề này khi dạy học trên lớp để phù hợp với nhận thức HS dân tộc.
Hơn thế, theo cô Vân do được tập huấn kĩ càng, GV tham gia dạy học lớp 1 năm đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018 có chuyên môn vững vàng nên việc chủ động linh hoạt thay đổi ngữ liệu bài dạy nằm trong khả năng và không khó khăn. Dạy học môn Tiếng Việt 1 tại Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận dù ban đầu có khó khăn khách quan mang lại song đến nay cơ bản suôn sẻ. GV và HS không áp lực.
Cô và trò HS lớp 1A5 Trường Tiểu học Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) hào hứng với tiết Tiếng Việt. Ảnh: NTCC
Điều chỉnh... việc không khó
Từ thực tế dạy học Tiếng Việt 1 sách Cánh Diều tại Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc), thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng bày tỏ quan điểm: Việc chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với HS lớp 1 không phức tạp và hoàn toàn có thể khắc phục bằng nhiều cách.
SGK mang tính mở nên GV có thể chủ động thay thế sao cho phù hợp và HS dễ tiếp thu. Hơn thế, điều chỉnh một vài ngữ liệu trong bài học không vượt xa khả năng, trình độ của GV. Khi GV đã nắm vững tinh thần, yêu cầu chung của chương trình hoàn toàn có thể làm được.
Ông Nguyễn Duy Hải - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Lâm Đồng) bày tỏ: Chương trình GDPT 2018 mở, chỉ quy định yêu cầu cần đạt vào cuối năm lớp 1 chứ không quy định yêu cầu cần đạt ở từng giai đoạn học tập. Theo đó, SGK cũng được thiết kế có tính mở, trao quyền chủ động cho GV. Ở mỗi hoạt động, GV có quyền linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học sao cho phù hợp với nhận thức HS và điều kiện thực tế của từng trường.
Khi HS trong giai đoạn làm quen với việc học, GV có thể giảm yêu cầu cần đạt ở một số kĩ năng. Đối với kĩ năng đọc đoạn, HS đọc chưa tốt chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn. Những HS này có thể vừa đánh vần vừa đọc...
Với các bài đọc ứng dụng, GV phải nghiên cứu kĩ SGK khi tổ chức dạy học là yêu cầu bắt buộc. Mỗi bài cung cấp kiến thức mới, các âm vần thường được thiết kế trong 2 trang, ở trang chẵn, GV cố gắng để tất cả HS được đọc, nhận diện âm, vần thông qua các hoạt động dạy học; kịp thời phát hiện, giúp đỡ các em chưa hoàn thành nội dung học tập...
Mỗi SGK có cách tiếp cận khác nhau nên khi triển khai thực hiện, GV cần nắm vững yêu cầu của chương trình, đặc điểm HS, điều kiện thực hiện của nhà trường để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, linh hoạt... - Ông Nguyễn Duy Hải
CTGDPT 2018 làm thay đổi diện mạo giáo dục vùng cao Bắc Hà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình GDPT) đã được triển khai trên toàn quốc. Và chỉ sau một học kỳ, có thể nhận thấy những tín hiệu tích cực từ giáo dục vùng cao Bắc Hà (Lào Cai). GV chủ động và triển khai hiệu quả CTGDPT mới. Đ ồng bộ , sáng tạo nhiều giải pháp Năm học 2020-2021,...