Du thuyền – ngành công nghiệp hàng tỷ USD trở thành vị khách không mời
Dịch bệnh do virus corona mới gây ra đã khiến ngành du lịch, đặc biệt là các hãng du thuyền thiệt hại nặng nề, đẩy họ vào lúng túng trong cách xử lý tình hình và hỗ trợ hành khách.
Đối với ngành công nghiệp tàu biển, virus corona mới (gây ra dịch bệnh Covid-19) là một cơn ác mộng về quan hệ công chúng.
Trong hơn một tuần, thế giới đã chứng kiến con tàu Diamond Princess bị cách ly ở cảng Yokohama của Nhật Bản với 3.600 hành khách và thủy thủ đoàn. Số người bị nhiễm virus Covid-19 trên tàu lên tới 355 người tính đến ngày 16/2.
Con tàu thứ hai, MS Westerdam của hãng Holland America Line đã trôi dạt trên Biển Đông một thời gian dài như tàu “Người Hà Lan bay” thời hiện đại. Tàu này đã bị 5 cảng từ chối vì lo ngại có hành khách trên tàu nhiễm bệnh.
Du thuyền Diamond Princess bị cách ly ở Yokohama, Nhật. Ảnh: AP.
Thậm chí ở nơi cách tâm dịch hàng nghìn km, ở Bayonne, New Jersey (Mỹ), 4 hành khách Trung Quốc trên một du thuyền đã bị cách ly một thời gian ngắn sau khi nhân viên y tế kiểm tra 20 hành khách. Kết quả xét nghiệm cho thấy họ không nhiễm virus Covid-19.
Tổn thất 10-15%
Ngành công nghiệp du thuyền trước đây đã phải đối mặt với khủng hoảng do norovirus gây ra. Loại virus này có thể khiến cả 1 con thuyền gặp vấn đề về tiêu hóa. Tuy nhiên, virus Covid-19 có thể là thách thức lớn nhất mà ngành du lịch này phải trải qua.
“Những con tàu như chiếc Diamond Princess càng xuất hiện trên tin tức nhiều thì càng có nhiều người chưa bao giờ đi du thuyền nghĩ rằng du thuyền không phải là kỳ nghỉ lý tưởng”, ông James Hardiman, giám đốc nghiên cứu của Wedbush Securities, người theo dõi ngành công nghiệp du thuyền, cho biết.
Các công ty du lịch rất miễn cưỡng trong việc tiết lộ dữ liệu về việc liệu có bất kỳ tác động nào đối với việc đặt chỗ trong ngành công nghiệp trị giá 45,6 tỷ USD kể từ khi dịch bệnh bắt đầu ở thành phố Vũ Hán. Tuy nhiên, một số cố vấn du lịch nói rằng con số này đã giảm 10-15%.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen bắt tay hành khách và thủy thủ đoàn tàu MS Westerdam hôm 14/2. Ảnh: Reuters.
Các du thuyền được biết đến là nơi những căn bệnh dễ bùng phát vì có nhiều người ở cùng nhau trong một không gian nhỏ.
Video đang HOT
Các công ty, bao gồm các hãng tàu lớn như Norwegian Cruise Lines và tập đoàn Carnival, tập đoàn sở hữu công ty Princess Cruise, đã từ chối bình luận hoặc chỉ nhắc lại rằng ưu tiên của họ là an toàn của hành khách. Mỗi hãng tàu cũng liệt kê các biện pháp phòng ngừa để giữ an toàn cho hành khách.
Hãng Royal Caribbean chỉ điểm qua tình hình trong một tuyên bố ngày 4/2 rằng “virus và những nỗ lực ngăn chặn nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của chúng tôi”.
Royal Caribbean sở hữu con tàu bị dừng lại một thời gian ngắn ở Bayonne, Mỹ. Hãng này tuyên bố rằng hành khách có hộ chiếu Trung Quốc không được phép lên tàu. Quyết định này sau đó đã bị hủy bỏ vì vấp phải sự phản đối dữ dội.
Erika Richter, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Du lịch Mỹ, nói rằng nhu cầu đi du thuyền đang trên quỹ đạo tăng trước khi có tin tức về virus. Sau khi virus bùng phát, nhu cầu này đã giảm từ 10 đến 15%, theo một số cố vấn.
Vụng về trong việc xử lý
Không có gì đáng ngạc nhiên khi ngành du thuyền ở châu Á và Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông Alex Sharpe, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Signature Travel Network, một công ty có 7.000 cố vấn du lịch cho biết “khách hàng mới muốn đi du thuyền hiện tại rất thấp” và “chúng tôi không thể bán được các chuyến đi mùa xuân ở thị trường”.
“Nếu ngành công nghiệp du thuyền không hiểu được điều này, nó có thể ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng Trung Quốc đối với du thuyền trong một thời gian rất dài”, ông Hardiman nói.
Trung Quốc là một trong những thị trường tăng trưởng lớn nhất trong những năm gần đây của ngành du lịch. Các chuyến đi trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm khoảng chuyến đi 10% trong ngành, theo Hiệp hội Du thuyền Quốc tế. Từ 8 đến 9% hành khách trên các tuyến du lịch của các công ty trong hiệp hội đến từ Trung Quốc đại lục, Macau hoặc Hong Kong. Số lượng tàu được triển khai ở châu Á cũng đã tăng 53% trong giai đoạn 2013-2017.
Ngày càng nhiều cảng trên khắp Thái Bình Dương, từ cảng Busan, Hàn Quốc, đến các cảng Lifou, Mare và đảo Pines của Tân Caledonia thực hiện việc cấm tàu du lịch. Cảng Hong Kong đã đóng cửa với du thuyền từ ngày 6/2.
Các hành khách cho biết thay vì cố gắng hỗ trợ và thay đổi, các công ty du lịch từ chối trao đổi và giúp đỡ hành khách. Cô Maranda Priem, 24 tuổi, ở Washington, DC, và người mẹ 53 tuổi của cô đến từ Minnesota, dự định sẽ lên tàu Norwegian Jade, một tàu chở được 2.200 hành khách do Norwegian Cruise Lines khai thác. Con tàu dự kiến khởi hành từ Hong Kong vào ngày 17/2 và sẽ dừng ở Singapore, Việt Nam và Thái Lan.
Do lo lắng về Covid-19, cô Priem liên tục gửi email và gọi cho công ty hỏi liệu cô có thể chuyển sang một chuyến đi khác hoặc được hoàn tiền. Yêu cầu của cô đã bị từ chối.
Trong một email gửi ngày 4/2, bà Roxane Sanford, điều phối viên quan hệ khách cho hãng tàu, nói với cô Priem rằng “Trung Quốc đại lục không bao gồm Hong Kong, Macau hay Đài Loan”. Bà Sanford cũng nói thêm rằng “rất tiếc chúng tôi không thể cho hủy bỏ chuyến đi và hoàn tiền”.
Khi cảng Hong Kong đóng cửa, hãng tàu chuyển địa điểm khởi hành thành Singapore. Sự thay đổi này buộc cô Priem và các hành khách khác phải đặt lại chuyến bay của họ và chịu thêm bất kỳ chi phí nào. Ngày 12/2, cô Priem quyết định hủy bỏ chuyến đi mà không biết liệu cô có nhận được gần 1.700 USD mà cô đã trả cho hành trình trở lại hay không.
“Phải làm việc với hãng Norwegian Cruise Lines là một cơn ác mộng”, Priem nói với New York Times. “Hãng không nói sẽ hoàn tiền và cũng không hỗ trợ chúng tôi”.
Norwegian Cruise Lines không trả lời yêu cầu đưa ra bình luận của New York Times.
Khi hành trình của một du thuyền bị thay đổi, “hành khách có rất ít giải pháp trên thực tế”, ông Jim Walker, một luật sư hàng hải đại diện cho những hành khách kiện các hãng tàu du lịch cho biết. “Các hãng tàu có thể tự do thay đổi hành trình của họ và nếu không có bảo hiểm, bạn sẽ bị kẹt trong tình thế khó khăn. Và rắc rối với bảo hiểm là nó thường không bao gồm đại dịch và những trường hợp như thế này”, ông Walker nói.
Ông Walker nói rằng ông đã nhận được nhiều cuộc gọi hơn từ các hành khách muốn được hướng dẫn về cách đối phó với việc hãng tàu thay đổi hành trình mà không hoàn tiền hoặc đổi chuyến.
Để đi một chuyến du thuyền 9 ngày ở châu Á mất khoảng trung bình 1.800 USD, các cố vấn du lịch cho biết. Bên cạnh đó phải đặt chỗ trước từ rất lâu. Bà Angela Jones, 56 tuổi, đến từ Canton, Georgia, Mỹ, một hành khách trên MS Westerdam nói bà đã đặt chuyến đi này trước đó một năm rưỡi.
Khi dịch bùng phát, con gái của bà Angela Jones Jordan Jones Dorman, nói: “Mẹ tôi đã cân nhắc việc hủy bỏ chuyến đi, nhưng công ty liên tục nói rằng họ sẽ ổn và không hoàn lại tiền nếu bà hủy bỏ. Bà ấy đã tiết kiệm tiền cho chuyến đi này. Tại sao chuyến đi vẫn diễn ra khi họ đã thấy trước được điều này?”
Tàu MS Westerdam cuối cùng cũng được cập cảng Sihanoukville, ở Campuchia, vào hôm 13/2. Hãng Holland America Line cho biết họ sẽ sắp xếp và trả tiền cho chuyến bay về nhà của tất cả hành khách. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ hoàn lại toàn bộ tiền mua vé đi du thuyền.
Sau khi con tàu cập cảng, hàng trăm hành khách trên tàu đã rời khỏi Campuchia và hướng đến các sân bay. Tuy nhiên, một du khách người Mỹ trên tàu đã được phát hiện nhiễm virus tại Malaysia ngày 15/2. Nước này sau đó tuyên bố những hành khách còn lại trên du thuyền Westerdam sẽ không được quá cảnh tại Malaysia trên đường về nhà.
Phó thủ tướng Malaysia Wan Azizah Wan Ismail trong cuộc họp báo xác nhận hành khách người Mỹ nhiễm Covid-19. Ảnh: AP.
Ông Hardiman ước tính rằng Royal Caribbean mất khoảng 4 triệu USD khi hủy một chuyến du thuyền dài 4 ngày gần đây. Con số này có thể thay đổi tùy thuộc vào kích cỡ tàu và các yếu tố khác.
“Các hãng tàu chưa bao giờ gặp việc này và họ không biết phải làm gì”, Ross Klein, một nhà xã hội học tại Đại học Newfoundland, người đã nghiên cứu về ngành công nghiệp tàu biển, nói. “Với các hãng tàu, rất nhiều quyết định được đưa ra dựa trên kinh tế. Họ đang tự hỏi, ‘Làm thế nào chúng ta có thể phải tiêu ít tiền nhất và mất ít tiền nhất?’”
Theo news.zing.vn
Mỹ không sơ tán 40 người nhiễm virus corona trên tàu Diamond Princess
Các hành khách Mỹ trên Diamond Princess ngày 16/2 bắt đầu rời du thuyền để bay về Mỹ. Tuy nhiên, không phải tất cả các công dân Mỹ trên con tàu này đều sẽ được về nhà.
Một quan chức y tế cấp cao của Mỹ hôm 16/2 cho biết hơn 40 người Mỹ bị cách ly trên du thuyền ở Nhật nhiễm virus corona sẽ không nằm trong nỗ lực sơ tán.
"Bốn mươi người trong số các công dân Mỹ đã nhiễm virus", ông Anthony Fauci, quan chức cấp cao tại Viện Y tế Quốc gia nói với chương trường Face the Nation của CBS.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ hôm 15/2 nói rằng 400 người Mỹ trên du thuyền Diamond Princess sẽ được sơ tán và bay về Mỹ. Và khi về tới Mỹ họ sẽ đối mặt với giai đoạn cách ly 14 ngày.
Tuy nhiên, ông Fauci cho biết những người nhiễm virus corona sẽ không bay về Mỹ.
"Họ sẽ không đi đâu cả", ông cho hay. "Họ sẽ tới các bệnh viện ở Nhật".
Du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly. Ảnh: AFP.
Các hành khách Canada, Italy, Hàn Quốc và Hong Kong dự kiến cũng sớm rời du thuyền trong các nỗ lực sơ tán tương tự.
"Tôi đã rời khỏi du thuyền vài giờ. Không rõ chi tiết (lịch trình tiếp theo). Có thể sẽ bay tới Texas hoặc Nebraska", một hành khách Mỹ có tên Gay Courter nói với Reuters sau khi rời tàu Diamond Princess.
Trước tình trạng số ca nhiễm trên du thuyền Diamond Princess liên tục tăng những ngày qua, chính quyền các nước và vùng lãnh thổ bắt đầu đề nghị sơ tán công dân khỏi tàu.
Ngày 16/2, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo tiếp tục phát hiện thêm 70 ca nhiễm mới trên du thuyền Diamond Princess, nâng tổng số trường hợp dương tính với virus corona lên đến 355 người. Số ca nhiễm liên tục tăng những ngày qua bất chấp những biện pháp cách ly hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu.
Bộ Y tế Nhật Bản đã sơ tán những hành khách trên 80 tuổi rời tàu Diamond Princess đến các cơ sở cách ly trên đất liền. Trong số 355 ca nhiễm, có đến 73 trường hợp không xuất hiện triệu chứng nhưng vẫn cho kết quả xét nghiệm dương tính với chủng virus corona mới. Cơ quan chức năng Nhật Bản chỉ mới xét nghiệm được 1.219/3701 người trên tàu.
Chính quyền Canada đã liên hệ Nhật Bản phối hợp sơ tán công dân nước ngày khỏi tàu Diamond Princess. Khi trở về nước, công dân cũng được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. Những người đã xuất hiện triệu chứng sẽ không được sơ tán và chuyển cho các bệnh viện Nhật Bản.
Du thuyền Diamond Princess đang trở thành một "ổ dịch nổi", là một thách thức lớn với hệ thống y tế Nhật Bản vốn đang lo ngại nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng trên đất liền. Du thuyền sang trọng bị cách ly sau khi một người đàn ông Hong Kong ngày 30/1 được phát hiện dương tính với virus corona sau khi rời tàu.
Theo news.zing.vn
Nhật Bản xác nhận 330 người nhiễm Covid-19 Tính đến chiều 15/2, tổng số người nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản là hơn 330 người, trong đó có 285 ca nhiễm trên du thuyền Diamond Princess. Trong số các ca nhiễm mới có 8 người sống tại Tokyo. Nhiều người trong số này đã tiếp xúc với một tài xế taxi được xác nhận nhiễm Covid-19 hôm 13/2. Tính đến nay, mẹ...