Du học sinh Việt kể chuyện Tết ở xứ sở… “cừu đông hơn người”
Tết ở quê hương của vua Thành Cát Tư Hãn đậm chất “hoang sơ” vốn có như chính lối sống phóng khoáng, dân dã của những cư dân du mục Mông Cổ trên các thảo nguyên xanh bát ngát hàng ngàn năm qua.
Cùng PV Dân trí kết nối với Trần Thìn – du học sinh Việt tại Mông Cổ để có cái nhìn gần hơn về cách chào đón năm mới theo Âm lịch đầy hấp dẫn ở đất nước du mục – nơi có lịch Tết âm trùng với Việt Nam.
22 bạn trẻ Việt học tập ở thủ đô của Mông Cổ
Chào bạn, bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân?
Xin chào độc giả báo Dân trí! Mình là Trần Thìn (26 tuổi), hiện đang theo học chuyên ngành Quan hệ quốc tế tại trường ĐH Quốc gia Mông Cổ. Hiện mình là Bí thư Đoàn sinh viên Việt Nam ở Mông Cổ.
Trần Thìn (áo trắng, thứ 2 từ phải sang) trong tiệc mừng năm mới với bạn bè.
Ở ngôi trường Thìn học có nhiều sinh viên Việt Nam không? Mỗi dịp Tết đến, các bạn thường về quê ăn Tết hay ở lại?
Có 22 sinh viên Việt Nam theo học các nghành như quan hệ quốc tế, công nghệ sinh học, kinh tế, nông nghiệp… Tất cả đều ở thủ đô Ulanbator (Mông Cổ); trong đó, ở trường mình có 13 bạn.
Dịp Tết bọn mình không về Việt Nam vì chỉ được nghỉ có 5 ngày nên rất hạn chế về mặt thời gian.
Cuộc sống của những du học sinh Việt như bạn ở Mông Cổ thế nào?
Các bạn biết đấy, Mông Cổ là một đất nước có địa hình núi cao và rất khô hanh. Thời tiết mùa Đông vô cùng khắc nghiệt với nền nhiệt độ âm 30 độ C nên rất khó khăn cho việc di chuyển và sinh hoạt.
Mông Cổ là một đất nước có nền kinh tế nông nghiệp đang phát triển. Người dân nơi đây đôn hậu và tràn đầy sức sống. Họ đa phần là những cư dân du mục sống chan hòa và tôn trọng thiên nhiên tuyệt đối.
Những quầy thịt cừu nướng và rượu sữa ngựa không thể thiếu trên bàn ăn Tết truyền thống Mông Cổ.
Ăn Tết ở xứ sở cừu đông hơn… người
Vậy, hẳn phong tục đón Tết ở đất nước này cũng đậm chất… du mục?
Tết của người Mông Cổ rất đơn giản, không đa dạng như Tết Việt nhưng cũng rất thú vị và mang bản sắc đặc trưng của vùng đất du mục.
Tết Âm lịch ở Mông Cổ là Tsagaan Sar – Tết Mặt Trăng trắng (còn gọi là Tháng Trắng). Cùng với Tết Naadam vào tháng 7, Tsagaan Sar là dịp Tết quan trọng và được chờ đợi nhất.
Video đang HOT
Ngày cuối cùng khi năm mới theo âm lịch tới, người Mông Cổ sẽ làm gì?
Ngày này gọi là Bituun, gần giống ngày 30 tháng Chạp ở nước mình vậy. Người Mông Cổ sẽ gấp rút dọn dẹp nhà cửa, rốt ráo giải quyết nợ nần. Vào tối Bituun, cả gia đình sẽ tụ tập bên nhau để đón Giao thừa. Đây là đêm bầu trời hoàn toàn vắng ánh trăng (trăng trắng).
Ở xứ sở nổi tiếng là “cừu đông hơn người”, thịt cừu có lẽ là món ăn không thể thiếu dịp Tết?
Mọi món ở đây gần như đều liên quan đến cừu, thịt cừu. Nào là bánh bao nhân thịt cừu (buuz), đến các sản phẩm bơ sữa, rượu sữa ngựa (airag) và dĩ nhiên rồi, thịt cừu nướng lúc nào cũng có trên mâm của người Mông Cổ. Ở đây có sữa ngựa lên men nổi tiếng khắp thế giới.
Vào mùa đông, váng sữa được để lên men và phơi khô rắn như đá nhưng khi cắt ra nhai lại thấy dẻo và có vị ngậy béo như phô mai. Ngoài ra còn có thịt bò, sữa dê, cơm ăn cùng sữa đông, cơm ăn cùng nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, rượu vodka trộn sữa.
Tết ở Mông Cổ có điểm gì tương đồng với Việt Nam không?
Tết ở đây cũng có tục lệ mừng tuổi cho người già và trẻ em; mọi người đến nhà nhau chơi và chúc những điều tốt lành cho nhau.
“Chúc cho đàn cừu của bạn béo tốt” là câu chúc cửa miệng vào dịp Tết. Tất cả mọi người trong gia đình sẽ chúc nhau, ngoại trừ vợ chồng.
Người Mông Cổ sẽ thực hiện lời chúc zolgokh đối với người cao tuổi bằng cách dùng khuỷu tay của mình để ôm chặt những người cao tuổi nhằm thể hiện sự ủng hộ. Trong khi chúc Tết, mọi người cầm những dải vải dài gọi là khadag, tượng trưng cho điềm lành.
Mùng 1 Tết, ai cũng dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới rực rỡ, nhóm lửa. Đó là tục đón mặt trời mọc. Sau khi ăn mừng năm mới bằng bánh bao nhân thịt cừu, thịt cừu, người ta sẽ pha chè với váng sữa để uống. Tiếp đó, người Mông Cổ sẽ mang theo thức ăn xuất hành lên núi để chào đón mặt trời với niềm tin, họ sẽ gặp rất nhiều may mắn trong năm.
Các hoạt động ngày Tết không thể thiếu ở đất nước du mục là gì?
Ở đất nước mà thời gian sống trên lưng ngựa còn nhiều hơn thời gian sống trên mặt đất, nếu không đua ngựa, bắn cung, đấu vật thì không thể gọi là Tết. Đặc biệt hơn nữa, phụ nữ Mông Cổ thuần thục đến khó tin những cuộc đua, kĩ năng thiên về phái mạnh này.
Các du học sinh Việt ở Mông Cổ họp mặt đón Tết.
Hội du học sinh Việt Nam ở Mông Cổ sẽ đón Tết cùng nhau trên đất khách chứ?
Du học sinh bọn mình mỗi năm đều tổ chức ăn tất niên cùng nhau và đi từng phòng chúc năm mới rất vui vẻ. Bọn mình chủ yếu tự tổ chức nấu ăn, gặp mặt để có không khí Tết.
Bạn có thể “bật mí” một chút về dự định trong năm mới Ất Mùi của mình?
Năm mới mình sẽ cố gắng hoàn thành chương trình tốt nghiệp và sau đó quay về Việt Nam làm việc. Thực sự sống ở đây 4 năm nhưng mình vẫn không quen khí hậu và không ăn được thịt cừu (cười).
Cảm ơn Thìn vì những chia sẻ thú vị, chúc bạn luôn thành công!
Ẩm thực truyền thống trong mâm cỗ ngày Tết tại Mông Cổ.
Bánh buuz là loại bánh nhân thịt cừu gần giống bánh bao.
Trần Thìn – Bí thư Đoàn sinh viên Việt Nam tại Mông Cổ.
Lệ Thu(Ảnh: NVCC)
Theo Dantri
Niềm vui trực Tết của sinh viên cảnh sát, quân sự
Dù không được về quê đón Tết như những sinh viên trường dân sự nhưng các bạn sinh viên cảnh sát, quân sự vẫn vui vẻ với cái Tết đồng đội tại trường.
Tết cận kề, khi sinh viên các trường đại học dân sự sửa soạn đồ đạc, đặt vé xe về quê ăn Tết thì nhiều bạn sinh viên khối lực lượng vũ trang lại sẵn sàng tinh thần cho những ngày trực Tết, đón năm mới tại trường. Trong khoảnh khắc giao thừa, họ vẫn luôn sát cánh bên nhau, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trực Tết là "trực chiến"
Trực Tết còn được các bạn sinh viên trường cảnh sát, an ninh gọi là "trực chiến". Những người nhận được lịch trực đều phải sẵn sàng với hai nhiệm vụ là hỗ trợ lực lượng bên ngoài bảo vệ an ninh xã hội và trực chiến tại trường.
Vì sinh viên ở lại trực Tết rất đông nên không khí Tết luôn nhộn nhịp. Có những người trực đến năm thứ hai vẫn mang tâm trạng háo hức khi Tết đến cổng trường.
Trong bộ cảnh phục màu xanh, Vũ Quang Vinh (sinh viên Học viện Hậu cần) hớn hở cầm cành đào đem vào phòng trang trí. Vinh háo hức vì năm nay lại được "trực Tết", chỉ tiếc là không được trực vào phút giao thừa.
Quang Vinh sát cánh cùng bạn bè trong những ngày trực Tết
Vinh chia sẻ: "Năm trước mình trực qua Tết nên được đón giao thừa tại trường. Dù đón Tết xa nhà, có chút lạ lẫm, lo lắng, nhớ nhung nhưng vẫn rất vui vì bạn bè, thầy cô ở lại trực Tết đông. Lúc giao thừa, "cả nhà" cùng đếm ngược thời gian rồi hát chúc mừng năm mới".
Vinh kể, Tết ở trường cũng có mâm ngũ quả, hoa đào cùng các món ăn truyền thống như bánh chưng, giò, chả... Đặc biệt còn có cuộc thi gói bánh chưng, chơi trò chơi, liên hoan văn nghệ, giao lưu thể thao giữa các đội trong trường. Mọi người cùng quây quần bên nhau đón một cái Tết sum vầy.
"Mình không được đón Tết đoàn viên với gia đình nhỏ nhưng bù lại là được sum vầy bên gia đình lớn, cũng hân hoan và ấm áp như vậy", Vinh cho hay.
Năm nay, Vinh rất vui được về đón giao thừa cùng gia đình vì nhận lịch trực Tết vào mồng 2. Tuy vậy, cậu bạn vẫn có đôi chút nuối tiếc bởi sẽ không được ở trong hội trường lớn nghe thầy Hiệu trưởng chúc Tết, không được "quậy" cùng đám bạn tinh nghịch và không được khai bút tại chính mái trường cậu đang theo học.
Đầy đủ, vui vẻ và ấm áp nhưng những cô, cậu sinh viên trường quân sự vẫn không tránh khỏi những phút chạnh lòng khi nghĩ về cái Tết quê nhà. Bởi cả năm đi học xa nhà Tết đến xuân về lại không được đoàn viên cùng gia đình, người thân.
Sau những phút vui vẻ cùng mọi người, các bạn sinh viên lại quay về phòng gọi điện chúc Tết cha mẹ.
Bạn Vũ Văn Hưng (sinh viên trường Học viện An ninh) tâm sự: "Mình gọi điện về nhà, chúc sức khỏe bà nội, rồi bố mẹ, nghe giọng mọi người mà rớm nước mắt. Ngồi trong bốt gác nhìn người ta tấp nập cùng gia đình đi xem pháo hoa, đón giao thừa mà thấy nhớ nhà vô cùng... Vẫn biết con trai, đặc biệt lại là sinh viên an ninh thì không được phép yếu đuối như thế, nhưng quả thực vẫn không tránh khỏi đôi phút chạnh lòng".
Nhưng phút chạnh lòng ấy rồi sẽ nhanh chóng qua đi bởi luôn có bạn bè bên cạnh và những hoạt động đón Tết nhà trường tổ chức. Hưng trầm ngâm rồi cười toe toét: "Cứ nhớ lại lúc bọn bạn hát bài "Xuân này con không về" theo phong cách remix sôi động mà mình lại muốn cười khoái chí".
Ở môi trường quân sự, thầy cô, bạn bè chính là gia đình thứ hai của chúng mình.
Dù ở lại trường trực Tết nhưng các bạn sinh viên vẫn vui vẻ bên bạn bè
Trực tết là rèn nghề
Ngày trực Tết cũng là những ngày rèn nghề cho các bạn sinh viên trường an ninh, quân sự. Việc phải đi tăng cường thêm cho lực lượng bên ngoài giúp các bạn thấu hiểu được sự vất vả, khó khăn của những chiến sĩ cảnh sát. Đây cũng là cơ hội để các bạn tích lũy kinh nghiệm, giúp ích cho công việc sau này.
Vinh chia sẻ, những ngày học bình thường trên lớp, học thực tế ngoài thao trường đã rất vất vả, ngày Tết mùa đông mưa phùn, gió rét lạnh cóng, mặc cảnh phục đứng gác còn vất vả hơn. Tuy vậy, các bạn vẫn gác rất nghiêm túc, đúng giờ, đảm bảo an ninh cho trường theo như nhiệm vụ được giao.
"Tranh thủ gọi điện về cho gia đình chúc Tết, mình nhận được rất nhiều lời động viên của bố mẹ, anh chị. Ai cũng dặn dò phải nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, không được vì vui Tết mà lơ là", Vinh chia sẻ.
Bạn Tiến sinh viên Học viện CSND chia sẻ: "Trực Tết ở trường với bản thân mình và bạn bè đó đều là niềm vinh dự. Chúng mình trực Tết nhưng "vui xuân không quên nhiệm vụ" vẫn phải đảm bảo điểm danh đủ quân số, giữ vững nề nếp và tác phong thường ngày mà các thầy cô đã dạy".
"Sinh viên của trường Học viện CSND ít nhất trong 5 năm theo học tại trường đều có một lần nhận lịch trực Tết. Điều đó thể hiện vào bản lĩnh tư tưởng vững vàng, không sợ khó khăn của các bạn. Có những bạn muốn rèn bản lĩnh sẵn sàng đăng kí để được ở lại trực Tết", Tiến chia sẻ thêm.
Có những cái Tết đoàn viên nhưng cũng có những cái Tết xa nhà như các bạn du học sinh, các bạn sinh viên trường an ninh, quân sự. Bản lĩnh sống của họ thể hiện ở việc biết cách tạo ra niềm vui cho mình trong mọi hoàn cảnh, không vì cảm xúc bản năng mà quên đi nhiệm vụ cần hoàn thành.
Theo Hạ Nhiên - Hồng Vũ
Dân Việt
Du học sinh Việt trên khắp thế giới tổ chức tiệc đón Tết Dù ở xa nhà song du học sinh vẫn không quên những phong tục truyền thống. Các bạn trẻ cùng nhau gói bánh chưng, làm mâm cỗ thịnh soạn để cúng tổ tiên... nhân dịp năm mới. Do không thể về Việt Nam ăn Tết nên nhóm du học sinh hiện sống tại London (Anh) đã nhanh chóng tụ tập lại và tổ...