Du học sinh sai lầm khi lao vào làm thêm
Lao vào làm thêm quá nhiều khiến du học sinh không có đủ thời gian để tập trung học tập, đánh mất mục đích chính khi ra nước ngoài.
“Trước khi sang Australia, tôi rất tự tin với IELTS 7.0. Nhưng ngay buổi học đầu tiên, tôi không hiểu giảng viên nói gì. Quay sang hỏi các bạn khác, họ cũng không hiểu tôi nói gì. Tiếng Anh của người Australia rất khó nghe, nhất là giọng của giảng viên lớn tuổi”, TS Trần Văn Huy, tốt nghiệp ĐH Công nghệ Sydney, chia sẻ tại một hội thảo du học mới đây.
TS Huy cho biết thêm sự lo lắng trong việc bắt nhịp, làm quen với giọng người bản xứ luôn là điều khiến du học sinh dễ nản chí. Tuy nhiên, ông cho rằng sinh viên người Việt nên nghĩ việc nắm tiếng bắt tiếng Anh của người Australia, hiểu các từ lóng chỉ là vấn đề thời gian và cần có kế hoạch để thực hiện.
TS Trần Văn Huy chia sẻ về cuộc sống, học tập ở Australia tại Ngày hội du học Australia “New Horizons” 2021 diễn ra cuối tháng 1. Ảnh: UAVS-NSW.
Học tiếng Anh của người Australia
TS Trần Văn Huy chia sẻ thời học ở Australia, để cải thiện tiếng Anh, ông chủ động giao tiếp với người bản xứ. Ông thường gặp người lớn tuổi tại các địa điểm du lịch để trò chuyện.
“Phần lớn họ đã về hưu, muốn đi xung quanh thành phố và nói chuyện cùng người khác. Do vậy, tôi học được nhiều điều hay về văn hóa và quen dần giọng Australia”, ông nói.
Ngoài ra, ĐH Công nghệ Sydney có các chương trình hỗ trợ tiếng Anh miễn phí cho du học sinh như giao tiếp 1-1 với sinh viên bản xứ, hội thảo dạy phát âm chuẩn, các buổi nói chuyện về văn hóa Australia. Các trường khác cũng có chương trình tương tự. Do đó, du học nên tận dụng cơ hội để cải thiện ngôn ngữ.
Tương tự, bà Đặng Thị Thanh Vân, tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học máy tính tại ĐH Sydney, sáng lập viên kiêm CEO tại Savvycom, cũng gặp khó khăn với tiếng Anh khi du học Australia.
Bà Thanh Vân chia sẻ lúc du học, tiếng Anh của bà chỉ ở mức “vớt” nên rất khó hiểu bài giảng của giảng viên. Bà miễn cưỡng nghe được thầy cô nói nhưng khi sinh viên khác đứng dậy đặt câu hỏi, bà hầu như không hiểu gì. Điều này khiến bà mất tự tin.
Khi làm việc nhóm, tự ti vì tiếng Anh giao tiếp không tốt, bà đẩy việc trình bày cho người khác, đánh mất cơ hội rèn kỹ năng thuyết trình và thể hiện năng lực.
Để không đánh mất cơ hội, bà Thanh Vân tranh thủ thời gian nghỉ hè để đi làm thêm nhằm cọ xát thực tế, tăng khả năng giao tiếp và thâm nhập cuộc sống người bản xứ.
Bà từng làm việc tại một cửa hàng đồ ăn nhanh, được giao phụ trách tổ chức sinh nhật cho các nhóm học sinh. Thứ bảy, chủ nhật nào, bà cũng bận rộn với các bữa tiệc.
Video đang HOT
Nhưng cũng nhờ đó, cựu sinh viên ĐH Sydney mới thấy tiếng Anh của bản thân quá học thuật, trẻ con không hiểu. Sau đó, bà học cách nói, giải thích làm sao đơn giản đến mức trẻ con cũng hiểu và thích thú. Việc đó đã tạo động lực và tiếng Anh của bà cải thiện rất nhiều.
Bà Đặng Thị Thanh Vân cho rằng du học sinh nên làm thêm ở mức độ vừa phải để rèn luyện tiếng Anh, kỹ năng mềm, có thu nhập nhưng vẫn đảm bảo việc học. Ảnh: UAVS-NSW.
Bỏ bê học tập vì làm thêm
Bà Đặng Thị Thanh Vân khẳng định làm thêm cần ở mức độ vừa phải. Một số du học sinh sai lầm khi làm thêm quá nhiều, không tập trung việc học.
Từ kinh nghiệm bản thân, bà Vân cho rằng đi làm tối đa 20 giờ/tuần hoặc vào dịp nghỉ hè là hợp lý. Số giờ làm thêm nên phù hợp năng lực bản thân. Ngoài ra, khi đi làm thêm, du học sinh cần xác định mục tiêu không chỉ kiếm tiền, mà còn để học kỹ năng giao tiếp, cách doanh nghiệp/tổ chức vận hành hay các kỹ năng mềm khác để cân bằng cuộc sống.
TS Trần Văn Huy cũng nhấn mạnh du học sinh sai lầm khi làm thêm quá nhiều. Ông từng gặp nhiều người thiếu kinh phí học tập nên làm thêm nhiều dẫn đến mệt mỏi, không có thời gian ôn lại kiến thức học trên lớp, ứng dụng, làm bài tập.
“Chúng ta cần xác định rõ mục đích của việc du học, đồng thời phụ huynh nên cố gắng thu xếp kinh phí học tập cho sinh viên. Việc học nên được ưu tiên hàng đầu”, TS Huy chia sẻ.
Theo ông, nếu du học sinh sắp xếp và cân bằng tốt giữa học tập và làm thêm, nó mang lại nhiều lợi ích. Ngoài có thu nhập, công việc làm thêm có thể giúp sinh viên mở rộng vốn hiểu biết, kinh nghiệm, mạng lưới quan hệ xã hội, bạn bè và làm quen với môi trường làm việc, bổ sung thêm kinh nghiệm trong hồ sơ xin việc. Đây chính là những điểm để sinh viên có thể cân nhắc có nên làm thêm không.
Tuy nhiên, làm thêm quá nhiều dẫn đến mất cân bằng trong việc học tập, ảnh hưởng lớn tới học tập. Trong khi đó, các môn học tại Australia yêu cầu sinh viên dành lượng thời gian nhất định cho việc lên lớp nghe giảng, làm bài tập theo nhóm và các hoạt động tự nghiên cứu để có thể hoàn thành tốt môn học đó.
Theo TS Trần Văn Huy, mức độ làm thêm vừa phải rất phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi du học sinh. Họ nên có kế hoạch cho việc học tập và đi làm thêm kỹ lưỡng để đảm bảo cân bằng.
Khi đi làm thêm, du học sinh cần cân nhắc công việc định làm, lựa chọn công việc yêu thích hoặc có ích cho việc phát triển các kỹ năng có lợi cho việc xin việc sau này.
Bên cạnh đó, họ cũng cần cân nhắc các điều kiện làm việc, an toàn không, chế độ lương và các chế độ khác xứng đáng với công sức mình bỏ ra hay không.
Ông nhắc thêm du học sinh cần lưu ý xem được phép làm việc bao nhiêu tiếng mỗi tuần để tránh việc làm quá giờ theo quy định của Bộ Di trú.
Du học sinh Việt sang Úc không nên "đắm chìm" vào việc làm thêm
Sang Úc du học, chúng ta hãy cởi mở để tiếp thu kiến thức và nền văn hóa mới. Nếu có điều kiện du học sinh hãy đi du lịch, làm thêm nhưng đừng quá đắm chìm.
Đó là kinh nghiệm được diễn giả chia sẻ trong khuôn khổ Ngày hội du học Úc 2021, do Tổng hội Du học sinh Việt Nam tại bang New South Wales (UAVS-NSW) tổ chức tại Hà Nội vào chiều ngày 24/1.
Sự kiện Ngày hội du học Úc diễn ra với mong muốn hỗ trợ các cho các học sinh, sinh viên Việt Nam đang tìm hiểu về du học Úc có được sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình học tập, cũng như kết nối với những du học sinh đã và đang học tập tại Úc.
Các bạn học sinh, sinh viên đã nhận được những lời khuyên, kinh nghiệm thực tế từ các diễn giả khách mời.
Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm sống và học tập tại Úc trong khuôn khổ ngày hội.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình học tập tại Úc, diễn giả Trần Văn Huy - tốt nghiệp tiến sĩ trường ĐH Công nghệ Sydney cho rằng, du học sinh không nên "đắm chìm" vào việc làm thêm.
Diễn giả Trần Văn Huy cho rằng du học sinh không nên đắm chìm vào việc làm thêm.
"Chúng ta hãy cởi mở để tiếp thu kiến thức và nền văn hóa mới. Nếu có điều kiện hãy đi du lịch, làm thêm nhưng đừng quá đắm chìm. Tôi đã gặp nhiều bạn do thiếu kinh phí học tập nên đã đi làm thêm rất nhiều, việc đó rất mệt, những kiến thức học trên lớp mình không có thời gian để ôn tập và ứng dụng, bài tập làm không tốt. Chúng ta cần xác định rõ mục đích của việc du học, đồng thời các phụ huynh nên cố gắng thu xếp kinh phí học tập cho sinh viên".
Anh Huy cũng nhấn mạnh khó khăn về ngôn ngữ đối với sinh viên khi du học tại Úc.
"Trước khi sang Úc tôi rất tự tin với chứng chỉ IELTS 7.0, nhưng đã bất ngờ ngay buổi học đầu tiên khi tôi không hiểu giảng viên nói gì. Quay sang hỏi các bạn khác thì họ cũng không hiểu mình nói gì.
Vì tiếng Anh của người Úc rất khó nghe, nhất là giọng của những giảng viên lớn tuổi. Để khắc phục thì chúng ta nên giao tiếp nhiều hơn với người bản xứ để quen với ngữ điệu của họ.
Việc tham gia các hoạt động cộng đồng cũng là một điểm cộng cho các du học sinh khi xin việc làm tại Úc".
Diễn giả Đặng Thanh Vân - Tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học máy tính tại trường ĐH Sydney, Australia; sáng lập và điều hành một công ty chuyên kinh doanh các dịch vụ liên quan đến phát triển phần mềm chỉ ra những điểm khác biệt giữa môi trường học tập tại Úc và Việt Nam.
Diễn giả Đặng Thanh Vân chỉ ra những khác biệt giữa môi trường học tập tại Úc và Việt Nam.
"Khác biệt thứ nhất là về hệ thống câu hỏi và đề thi. Ở Việt Nam, đề thi 90 phút thì một sinh viên giỏi chỉ cần làm trong 20 phút có thể xong. Còn ở Úc phải làm hết thời gian mới có cơ hội được điểm tốt, toàn bộ tài liệu có thể mang vào phòng thi nhưng phải có tư duy logic rất sâu, nếu không sẽ không tìm thấy bất kì tài liệu nào để chép.
Khác biệt nữa là nội dung chương trình học tập được cập nhật và thực tiễn. Hầu như tất cả các trường đại học đều hợp tác với các doanh nghiệp rất sâu và chuyên nghiệp. Vì vậy, 99% sinh viên đều có cơ hội làm việc trong khi còn đi học".
"Khó khăn lớn nhất với tôi khi sang Úc học là tính tự ti, tiếng Anh lại kém. Tôi thường trốn tránh việc thuyết trình trên lớp, như vậy tôi đã đánh mất nhiều cơ hội. Sau một kì học, tôi quyết đinh đi làm thêm, không phải vì tiền mà để tự tin giao tiếp hơn và dần dần tôi đã cải thiện khả năng giao tiếp của mình", chị Thanh Vân kể thêm.
Chị Vân cho rằng, du học sinh nên cởi mở để tự tin tiếp nhận kiến thức mới, phá vỡ các rào cản vô hình như sự tự ti, định kiến. Cần tôn trọng sự khác biệt khi tiếp xúc với những người đến từ nhiều nền văn hóa. Nên tìm ra con đường riêng cho mình, không nên theo bóng của một ai khác.
Ngoài ra, diễn giả Trần Văn Huy cho biết chương trình học tập ở Úc rất cập nhật. Các thí nghiệm đều được ứng dụng thực tiễn. Nhà trường kết hợp với các công ty bên ngoài, giảng viên làm việc với đội nghiên cứu của các công ty đó, lấy kiến thức thu lượm được trong các quá trình nghiên cứu đem vào giảng dạy luôn trong chương trình.
Trả lời câu hỏi của sinh viên "Làm thế nào để nhanh hòa nhập với môi trường sống và học tập tại Úc?", anh Huy khuyên du học sinh nên tham gia các hội nhóm của sinh viên Việt Nam tại Úc.
Các bạn có thể tham gia các hội chợ nhỏ thường xuyên được tổ chức trong khu vực, cộng tác ở những hoạt động cộng đồng. Người bản xứ rất đón nhận các bạn tham gia giúp đỡ họ.
Anh Huy nhấn mạnh rằng du học sinh không phải buộc mình định cư tại Úc sau khi tốt nghiệp. Thế giới đã "phẳng", Việt Nam cũng có nhiều môi trường tốt để các bạn quay về nước.
Phụ huynh và học sinh nghe tư vấn của đại diện các trường đại học hàng đầu tại Úc.
Ngày hội Du học Úc 2021 cũng hội tụ đại diện của gần 20 trường đại học hàng đầu tại Úc để giao lưu và chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm sinh sống và học tập tại Úc. Đồng thời cung cấp thông tin về học bổng du học Úc và hướng dẫn đăng ký ngay tại sự kiện.
Chung kết Olympia 2020: 'Tôi mới 17 tuổi, chỉ vì bộc lộ cảm xúc mà bị dân mạng tấn công' Với Thu Hằng, vô địch cuộc thi 'Đường lên đỉnh Olympia' là dấu mốc đáng nhớ nhất trong 12 năm đi học, đồng thời mở ra cho cô nhiều cơ hội mới. Nguyễn Thị Thu Hằng (sinh năm 2003) - học sinh lớp 12 trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình - là quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20. Cô...