Dụ học sinh để lột bông tai
Một số phụ huynh tại TP.HCM phản ảnh gần đây con họ bị người lạ mặt săn đón trước cổng trường, giở đủ trò dỗ ngọt rồi chở đến khu vực vắng người lột bông tai, bỏ bơ vơ.
Chưa hết bàng hoàng trước sự việc con gái mình bị một phụ nữ lạ mặt dụ chở đi mua quà, lột bông tai bỏ ngoài đường, anh Phan Duy Thiện (39 tuổi, ngụ P.5, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nói: “May mà con bé còn nhớ số điện thoại của tôi để đọc cho người dân gọi, chứ không giờ này không biết con tôi ra sao nữa”.
Anh Thiện kể con anh là cháu P.D.T.L. (7 tuổi, học lớp 2, trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Q.Bình Thạnh). Khoảng 10h ngày 27/10, cháu L. và cháu N.N.T.T. (9 tuổi, học lớp 4 cùng trường) tan học về thì có một phụ nữ trung niên (dáng mập, tay đeo đồng hồ, chạy xe máy) đứng ngoài cổng trường dụ hai bé.
Hai bé P.D.T.L. và N.N.T.T. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bị kẻ xấu dụ chở đi để lột bông tai.
“Có ca sĩ cho bông tai và điện thoại” và bảo cả hai lên xe chở đi nhận quà. Người phụ nữ lạ mặt này chở hai bé đến một con hẻm vắng trên đường Hoàng Hoa Thám (P.5, Q.Bình Thạnh) thì giở trò lột bông tai. Tuy nhiên chỉ lột được bông tai của bé T., còn bé L. do khóc quá nên bà ta bỏ cuộc.
“Lột xong bông tai, người phụ nữ này chở bé T. thả ở chợ Nguyễn Đình Chiểu và chở con tôi thả ở đường Đỗ Tấn Phong (cùng ở Q.Phú Nhuận) bảo đợi sẽ quay lại đón. Đợi lâu không thấy người phụ nữ này rước về nên hai bé khóc ré lên và may mắn được người dân hỏi chuyện gọi điện báo gia đình đến đón” – anh Thiện cho biết.
Chị Vân, bán tạp hóa trên đường Đỗ Tấn Phong, người gọi cho gia đình ra đón cháu L., kể: “Lúc đó hơn 11g, tôi thấy bé L. vừa đi vừa khóc nói bị một phụ nữ thả ở đây. Tôi hỏi bé có nhớ số điện thoại gia đình không thì may bé còn nhớ nên tôi gọi cho gia đình ra đón”.
Theo anh Thiện, hiện bé L. có biểu hiện bất ổn về tinh thần, hay sợ sệt, kêu đau ở tai vì bị giằng co lột bông tai.
“Vợ chồng tôi cùng làm nghề chạy taxi nên suốt ngày ở ngoài đường, do đó không giám sát, đưa đón con chặt chẽ. Tôi đang đề xuất nhà trường cho cháu ở nguyên ngày tại trường chứ đi về như thế này nguy hiểm quá” – chị Châu, mẹ bé L., nói.
Còn anh Nguyễn Bá Thành – cha bé T. – cho biết sau khi lột bông tai, người phụ nữ trên thả con anh bơ vơ ở chợ Nguyễn Đình Chiểu. “Người dân ở chợ thấy cháu khóc nên hỏi chuyện và bảo cháu đọc số điện thoại gọi tôi ra đón về. Bây giờ cháu vẫn còn run, khóc lóc vì sợ hãi” – anh Thành nói. Cả anh Thiện và anh Thành đều cho biết chưa trình báo công an địa phương về vụ việc.
Video đang HOT
Thượng tá Trịnh Văn Sâm – đội trưởng đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội công an Q.9 (TP.HCM) – cho biết trên địa bàn Q.9 từng xảy ra một số trường hợp dụ học sinh lột bông tai tương tự. Điển hình là vụ một học sinh bị lột bông tai trong năm 2013. Hôm ấy cháu T.T.N.Y. (học lớp 1 trường tiểu học Phước Thạnh, P.Long Trường) đi học thêm tại nhà cô giáo ở cùng phường.
Học xong, cháu Y. ra ngồi trước ghế đá thì có hai phụ nữ lạ mặt chạy xe máy đứng phía ngoài gọi cháu ra nói: “Ra đây cô cho tiền mua sách”.
Cháu Y. không đồng ý nhưng người phụ nữ ngồi sau ẵm cháu lên xe rồi chở về hướng cầu Trường Phước. Trên đường đi người phụ nữ lấy khẩu trang bịt mặt Y. và nói: “Mày la lên tao sẽ giết mày”.
Đến ngã ba Long Thuận thì hai người này kêu cháu tự lột bông tai bằng vàng. Cháu Y. không đồng ý thì hai người này dùng tay, chân đánh vào tay, mặt, bụng cháu Y. rồi lột đôi bông tai, sau đó tẩu thoát và bỏ cháu bơ vơ ngoài đường. “Cháu Y. vừa đi vừa khóc thì được một người dân phát hiện, hỏi chuyện rồi gọi cha mẹ cháu ra đón về” – một cán bộ điều tra cho biết.
Theo Hoàng Lộc/Báo Tuổi trẻ
Câu chuyện giản dị về hạnh phúc của một du học sinh
Trải qua những ngày thơ ấu đầy khốn khó với chỉ 5.000 đồng tiền ăn cho cả nhà mỗi ngày, hay bố mẹ lâm trọng bệnh, bạn gái đã không từ bỏ ước mơ để thành công trong việc học.
Bài viết của bạn trẻ có bút danh Hoàng Anh Tú nhận được sự đồng cảm khi chia sẻ lên mạng xã hội. Đó là câu chuyện của một người con gái có tuổi thơ vất vả. Gia đình nghèo tới mức chỉ có đủ 5.000 đồng để lo một ngày ăn cho 3 người. Bố bị bệnh, tới mức từng có ý định tự tử. Mẹ bị xe tải cán gần đứt lìa tay. Bạn cũng suýt phải bỏ học khi không có tiền đóng học phí.
Nhưng rồi nhờ sự giúp đỡ của cô giáo cũng như động viên của gia đình, bạn bè, Hoàng Anh Tú đã vượt qua được những thử thách của cuộc sống. Tới thời điểm này, dù con đường trước mặt vẫn còn dài, nhưng bạn luôn giữ được lạc quan. Anh Tú tâm sự: "Hạnh phúc đơn giản là có người ở bên chia sẻ ngọt bùi cay đắng, và trao cho tôi một niềm tin không cần lời nói, không cầu kì, hoa mỹ".
Dưới đây là toàn bộ câu chuyện cảm động của Hoàng Anh Tú:
Khi tôi day dứt kiếm cho mình một học bổng du học lớn để giành một phần chăm dưỡng bố mẹ, vẫn nhớ như in lời bố dặn dò: "Tiền không phải là tất cả. Bố già rồi, tiền nhiều hay ít không quan trọng. Miễn là con được hạnh phúc là bố vui rồi".
Hạnh phúc với tôi là hai quả trứng với bó rau muống cho bữa cơm của cả gia đình. Ảnh minh họa.
Tôi ngồi thơ thẩn nghĩ lại: "Hạnh phúc là gì?". Hạnh phúc với tôi chắc đến từ những điều giản dị nhất. Có điều, mỗi giai đoạn tôi cảm nhận theo những cung bậc khác nhau. Tôi là người luôn lấy quá khứ làm động lực để cố gắng trong cuộc đời mình. Vì vậy, hơn một lần, tôi cho phép mình quay lại tuổi thơ, để tự hài lòng với những gì mình đã cố gắng.
Hồi nhỏ, tôi nghĩ cuộc đời đơn giản lắm. Mẹ là giáo viên mầm non nghèo, từ cái thủa đồng lương được đong bằng những cân gạo, 80.000 đồng một tháng lương. Còn bố từ một kỹ sư giỏi, sinh ra trong một gia đình trí thức ai cũng ngưỡng mộ, tới một người bị bệnh tật giằng xé hàng ngày.
Hạnh phúc với tôi, đứa con nít 5 tuổi lúc đó, là những niềm vui mỗi ngày ngồi bán rau hết ngoài chợ. Là nhảy cẫng lên khi đưa chậu rau ra bờ ao rửa, phát hiện ra hai quả trứng vịt trong bụi cỏ. Lúc đó, đứa trẻ là tôi đã biết vui vì hai quả trứng, bó rau muống cũng đủ bữa ăn cho cả gia đình.
Hạnh phúc của tôi thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc sống.
Lớn lên một chút, tôi cảm nhận niềm vui khi được đi học. Không phải vì gia đình đủ tiền đóng học phí cho tôi, mà vì tôi được những người dấu tên âm thầm giúp đỡ tôi được đến trường như bao đứa trẻ khác. Một mình mẹ buổi đến trường, buổi đạp xe lên miền núi cách gần trăm cây số để mua mật về bán, nuôi hai đứa con, một người chồng và mẹ chồng bệnh tật. Chậm trễ học phí cả tháng là chuyện thường tình.
Tôi còn nhớ cảm giác run như cầy sấy, sợ sệt mỗi lần giáo viên chủ nhiệm đọc tên những học sinh còn thiếu học phí. Tôi chỉ cúi gằm mặt, ngồi khuất sau góc lớp để khỏi bị phát hiện. Có lúc nhà trường suýt đình chỉ học. Nhưng cứ như một phép màu, tôi đã được cứu vớt phút chót bởi người dấu tên. Mãi về sau, mới biết nhờ một cô giáo, người mà tôi vẫn giữ niềm trân trọng và nau náu niềm ân nghĩa đến tận bây giờ.
Hạnh phúc với tôi lúc đó, còn là niềm vui khi tìm thấy bố sau mỗi cơn đau làm bố đi lạc. Đồng lương mẹ làm lúc đó, còn chưa đủ để chữa bệnh cho bố. Dù lúc không bình thường, bố có đánh đau, có chửi bới, có gây ra những vết sẹo trên người, mẹ vẫn một lòng chăm sóc.
Có lúc tôi đã phẫn nộ đến phát điên vì mọi việc dường như ngoài mức chịu đựng. Nhưng tôi không quên được niềm vui khi hai mẹ con tìm thấy bố nơi cầu sông mà bố định gieo mình tự vẫn. Từ từ dỗ dành bố như một đứa trẻ, rồi mẹ đẩy chiếc xe đạp cà tàng, để bố ngồi sau xe, tôi giữ bố khỏi ngã, hai mẹ con đẩy bố về trong đêm tối. Gió ngoài sông lúc đó lạnh lắm, nhưng tôi mơ hồ hiểu được giá trị của gia đình như thế nào. Dù không hoàn hảo, nhưng làm sao có được niềm vui trọn vẹn khi mất đi một thành viên trong gia đình.
Hạnh phúc của tôi là reo lên vỡ òa vì có được những bộ quần áo cũ. Tuổi thơ tôi chắp vá với những mảnh vải chằng chịt hay những bộ đồ cũ rích người ta không còn dùng tới. Tôi còn nhớ cảm giác nhảy lên sung sướng vì nhận được thùng đồ quần áo cũ từ người chị họ.
Lớp 3 tôi còn mặc quần thủng đáy đi học, bị bạn bè chê cười, tôi về nằng nặc đòi cho được bộ quần áo mới. Giờ vẫn còn bật cười khi nhớ lại ngày xưa xin mẹ bộ quần áo ngày Tết và nhận được câu trả lời: "Mẹ mới may cho mi cái quần mới năm nào". Tôi ôm ấp câu chuyện như một kỉ niệm đẹp một thời cơ cực. Đến giờ, thỉnh thoảng, tôi vẫn mặc đồ cũ từ người khác, như không muốn quên một quãng đời đi qua tôi đã sống.
Hạnh phúc còn là những bữa ăn no và những ngày chờ mẹ đi học bồi dưỡng ở tỉnh (cách nhà 70 km) về. Đến giờ tôi vẫn không hiểu sao tôi có thể xoay xở 5.000 đồng cho một ngày ăn của ba bố con khi mẹ vắng nhà. Tôi trở nên "nổi tiếng" trong xóm làng vì điều đó.
Mỗi sáng trước khi đi học, tôi đạp xe ra đồng cắt rau muống, rau khoai, rồi về mua thêm 5.000 đồng khi thì mớ tép, khi thì mấy lạng thịt nọng toàn mỡ, chia phần thành 3 bữa, nấu cho cả nhà ăn.
Vẫn thương đứa em trai mỗi lần lén vào bếp, trộm ăn miếng thịt, miếng cá để giành lúc chiều vì đói, bị tôi phát hiện và đánh cho một trận tơi bời. Vì đơn giản em ăn hết thì buổi tối cả nhà không còn gì để ăn. Đến tận giờ, tôi vẫn có thói quen giữ những đồng tiền lẻ từ 5.000 đồng trở xuống. Tôi dạy em trai giữ những đồng tiền lẻ để làm chuyện lớn sau này.
Chập choạng tối cuối tuần là lúc bố và hai chị em ra lề đường ngồi chờ mẹ về. Chúng tôi thường trông mong đến ngày cuối tuần mẹ về, vì bữa cơm sẽ được cải thiện, nhà sẽ có thêm một niềm vui lớn.
Hạnh phúc là khi tôi trưa nắng mỗi buổi đi học về, tôi lao băng băng trên chiếc xe đạp cà tàng không phanh, từ trên đỉnh đồi lao xuống mà không bị ngã. Hồi ấy, cứ phải xe đạp mini mới là xe xịn. Cái vẻ bề ngoài nhỏ bé xù xì của tôi lại thễn thệ trên chiếc xe đạp cộc.
Cứ mỗi buổi đi học, tôi đợi học sinh trong trường về hết rồi mới bon bon đạp xe về nhà, vì sợ chiếc xe không phanh sẽ vô tình tông vào ai đó. Một phần vì tôi quê vì cứ phải dùng chân thay phanh, cà vào bánh xe trước mỗi khi xuống dốc. Giờ nghĩ lại thấy mình thật ngầu. Chiếc xe xấu xí, lạc loài so với chúng bạn nhưng gắn bó cả một thời học sinh tôi qua, nhắc tôi phải gắng để sau này có chiếc xe "xịn" hơn mà lái.
Hạnh phúc của tôi là khi nhìn thấy mẹ mở mắt tỉnh dậy sau mê man bất tỉnh khi bị chiếc xe gỗ lớn cán gần đứt lìa cánh tay phải. Để rồi tôi ngất ngay vì kiệt sức sau 2 tháng ròng bỏ học chăm mẹ dưới bệnh viện tỉnh, nhưng nhẹ nhõm vô cùng vì vẫn còn mẹ trên đời.
Hạnh phúc đơn giản là có người ở bên chia sẻ ngọt bùi cay đắng. Thầm im lặng chia sẻ những lúc tôi òa khóc vì những thất bại đầu đời, kiên nhẫn dò sửa những lỗi dấu chấm câu, lỗi chính tả trong hồ sơ xin học bổng dù ngôn ngữ không phải là lợi thế. Và trao cho tôi một niềm tin không cần lời nói, không cầu kì, hoa mỹ.
Hạnh phúc khi tôi đã không từ bỏ ước mơ đằng sau những thất bại. Khi tôi chấp nhận nó như trải nghiệm cuộc đời và bước tiếp. Giờ đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi đã thực hiện được ước mơ lớn đầu tiên. Ít nhất đúng như những gì tôi đã tưởng tượng, và đã chạm tới.
Chặng đường còn dài và còn rộng mở, rồi sẽ có những lúc thăng lúc trầm, nhưng tôi vui vì mình đã biết thế nào là hạnh phúc. Thầm cám ơn những gì mình đang có. Hạnh phúc tôi!
Theo Zing
Cô gái Việt có học bổng 6 tỷ, học một lúc 2 trường tại Mỹ Nguyễn Ngọc Minh Trang hiện là sinh viên năm thứ 3 của đại học Columbia (New York, Mỹ), nằm trong hệ thống 8 trường Ivy League danh giá nhất nước Mỹ. Minh Trang hiện đang là thực tập sinh cho dự án MSS thuộc công ty IDG Ventures thông quaSEO Vietnam - một tổ chức tạo điều kiện cho giới trẻ cơ hội...