Dự báo những thay đổi về địa chính trị, thuế quan và truyền thông thời Trump 2.0
Sự trở lại của ông Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ 2 được đánh giá là một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với thế giới.
Đặc biệt, ông Trump đã nhắm đến những sự thay đổi lớn trong nhiều lĩnh vực xương sống, là con bài chính sách quan trọng tác động mạnh mẽ đến địa chính trị, kinh tế toàn cầu.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau phiên xét xử tại Tòa án hình sự Manhattan ở New York, ngày 30/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Một trong những trọng tâm trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ là an ninh quốc gia và địa chính trị. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine kéo dài, ông Trump có thể đóng vai trò trung gian hòa giải, với mục tiêu thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình. Thỏa thuận này nhiều khả năng sẽ dựa trên sự thỏa hiệp về lãnh thổ và lợi ích quốc gia. Kiev có thể phải nhượng bộ một số vùng lãnh thổ, trong khi Moskva bảo toàn được thể diện và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục duy trì vai trò trung gian. Dù có thể một “hòa bình không bền vững” nhưng ít nhất sẽ mang lại một khoảng dừng chiến lược quan trọng đối với khu vực.
Đối với châu Âu, ông Trump sẽ buộc EU phải tăng chi tiêu quốc phòng. Trong nhiệm kỳ đầu, ông đã đặt ra các yêu cầu đối với các quốc gia thành viên NATO khi phải chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Nhiệm kỳ hai có thể ông Trump sẽ có những quyết định mang tính chất quyết liệt hơn khi sẽ thúc đẩy châu Âu tăng cường lực lượng quân sự và thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đức, quốc gia đã thảo luận về việc tái áp dụng nghĩa vụ quân sự, có thể dẫn đầu xu hướng này. Mức độ tuân thủ của EU sẽ được xem là quyết định sự hiện diện của Mỹ trong NATO.
Ở Trung Đông, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, cùng với sự can thiệp của Hezbollah và Iran, sẽ đặt ra một số thách thức. Ông Trump có thể tiếp tục phớt lờ áp lực trong nước từ những nhóm ủng hộ Hamas, trong khi áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ lợi ích của Israel.
Đối với Iran, chính quyền Trump sẽ tiếp tục áp dụng các lệnh trừng phạt tài chính mạnh mẽ. Sau chiến thắng bầu cử của ông Trump, đồng tiền của Iran đã giảm giá, cho thấy hiệu ứng tức thời của chính sách Trump đối với nước này. Tuy nhiên, mức độ gây áp lực lâu dài phụ thuộc vào các biện pháp tài chính và ngoại giao cụ thể.
Quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục căng thẳng, nhưng vẫn duy trì việc đàm phán, thỏa hiệp. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã áp dụng các biện pháp cứng rắn để đối phó với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã đưa ra các tuyên bố hòa giải, nhấn mạnh lợi ích của hợp tác. Ông Trump có thể tận dụng cơ hội này để đạt được các thỏa thuận có lợi cho Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại và công nghệ.
Video đang HOT
Quan hệ với Ấn Độ, đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ, cũng được kỳ vọng sẽ phát triển. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Ấn Độ thông qua các hợp đồng vũ khí lớn. Ở nhiệm kỳ thứ hai, sự hợp tác này có thể mở rộng sang lĩnh vực công nghệ và an ninh hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương. Đối thoại an ninh Bộ Tứ (QUAD) dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì và củng cố, tạo nên một liên minh chiến lược đối trọng với Trung Quốc.
Tại Bangladesh, ông Trump có thể áp dụng lập trường mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ cộng đồng Hindu trước các hành động bạo lực. Mặc dù chính phủ lâm thời do ông Muhammad Yunus lãnh đạo đã gửi đi thông điệp về hòa bình và ổn định, nhưng cách thức giải quyết vấn đề bạo lực sẽ là yếu tố được theo dõi sát sao. Sự ủng hộ của ông Trump dành cho cộng đồng Hindu cũng có thể lan rộng sang các cộng đồng ở Canada, nơi các vụ tấn công tương tự đang diễn ra nhưng bị Thủ tướng Justin Trudeau coi nhẹ.
Chính sách kinh tế của Trump trong nhiệm kỳ thứ hai sẽ tập trung vào việc biến Mỹ thành siêu cường sản xuất. Điều này đồng nghĩa với một nền kinh tế hướng nội hơn, với trọng tâm là gia tăng sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Trump có thể tăng sức hấp dẫn của Mỹ đối với các doanh nghiệp toàn cầu bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt trong các ngành công nghiệp tiên tiến.
Tuy nhiên, một nền kinh tế hướng nội cũng đi kèm với việc điều chỉnh thuế quan, gây ảnh hưởng đến các đối tác thương mại, trong đó có Ấn Độ. Ông Trump từng chỉ trích Ấn Độ là quốc gia “lạm dụng thuế quan” trong nhiệm kỳ đầu, và những căng thẳng thương mại có thể tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ, với kim ngạch đạt 118 tỷ USD. Mục tiêu của Ấn Độ là đưa kim ngạch này lên 1.000 tỷ USD, điều đòi hỏi cả hai bên phải có cách tiếp cận chiến lược để thúc đẩy thương mại song phương.
Về hiệu quả hoạt động, tỷ phú Elon Musk – người ủng hộ Trump và đang là tỷ phú giàu nhất thế giới – được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng.
Tỷ phú Musk được đánh giá sẽ lãnh đạo một “bộ” mới được thành lập dưới thời ông Trump, nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ, với mục tiêu cắt giảm 2.000 tỷ USD trong tổng ngân sách liên bang 6.750 tỷ USD. Nếu thành công, điều này sẽ mang lại những thay đổi lớn trong cách vận hành của chính phủ Mỹ, đồng thời giảm thiểu tình trạng tham nhũng và lãng phí.
Một lĩnh vực khác đáng chú ý là tiền điện tử. Ông Trump có thể thúc đẩy hợp pháp hóa tiền điện tử, mặc dù quá trình này sẽ gặp nhiều thách thức. Việc hợp pháp hóa đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, cũng như các biện pháp bảo vệ để tránh gây tổn hại cho người dân và nền kinh tế.
Trong bối cảnh toàn cầu, đồng USD đang đối mặt với áp lực giảm vai trò của đồng tiền dự trữ quốc tế. Việc Mỹ và EU loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT đã thúc đẩy các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) tìm kiếm các giải pháp thay thế. Ông Trump có thể chọn cách đưa Nga trở lại SWIFT để duy trì vị thế của đồng USD, đồng thời hạn chế sự phát triển của các đồng tiền thay thế.
Sự trở lại của ông Trump cũng phản ánh thất bại của truyền thông chính thống trong việc tác động đến cử tri. Các phương tiện truyền thông lớn, vốn thường xuyên chỉ trích ông Trump đã không thể ngăn cản ông giành chiến thắng. Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump sẽ tiếp tục tận dụng mạng xã hội, đặc biệt là mạng xã hội X để giao tiếp trực tiếp với cử tri.
Tỷ phú Elon Musk, người đã biến X thành “nguồn sự thật theo thời gian thực”, sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cách thức truyền thông hoạt động. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn, khi mạng xã hội ngày càng trở thành nền tảng quan trọng để truyền tải thông điệp, thay vì các phương tiện truyền thông truyền thống.
Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ mang lại những thay đổi lớn trên nhiều lĩnh vực, từ an ninh, địa chính trị, kinh tế đến truyền thông. Các chính sách hướng nội và cứng rắn của ông có thể tạo ra những tác động lâu dài đối với Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, thành công của ông Trump sẽ phụ thuộc vào khả năng cân bằng giữa lợi ích quốc gia và hợp tác quốc tế, cũng như việc triển khai hiệu quả các chính sách đã đề ra.
Tác động với Nga sau khi chính phủ Syria sụp đổ
Chính phủ Syria sụp đổ không phải là dấu chấm hết cho ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông. Thay vào đó, đây có thể là một bước ngoặt để Nga điều chỉnh và tối ưu hóa chiến lược địa chính trị của mình trong khu vực nhạy cảm này.
Các lực lượng đối lập tiến về miền bắc Syria. Ảnh: AA/TTXVN
Theo bình luận của hãng thông tấn Nga RIA Novosti ngày 8/12, sự kiện ở Syria cho thấy chính sách đối ngoại của Nga đã được lật sang một trang hoàn toàn mới - nơi các quyết định hoàn toàn dựa trên lợi ích thực tế.
Năm 2015, Nga can thiệp vào Syria với những mục tiêu cụ thể và có lợi cho mình. Mục tiêu quan trọng nhất là tiêu diệt IS (Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) - một mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga. Nga lo ngại rằng sau khi thống trị Trung Đông, IS sẽ nhanh chóng mở rộng sang Trung Á và tiến sát biên giới Nga, nhất là trong bối cảnh quan hệ Nga - phương Tây đang căng thẳng vì vấn đề Ukraine.
Bên cạnh đó, chiến dịch của Nga ở Syria đã mang lại cho Moskva những lợi ích địa chính trị to lớn. Nga trở thành một trong những quốc gia có vai trò then chốt tại khu vực quan trọng bậc nhất thế giới. Lực lượng vũ trang Nga có được trải nghiệm chiến đấu quý giá, đồng thời phá hỏng các kế hoạch của phương Tây trong việc sử dụng lãnh thổ Syria để chống lại Nga, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.
Mặc dù Syria đang trong tình trạng suy yếu, nhưng Nga cho rằng hầu hết các thành quả của mình vẫn không bị lung lay. Mối đe dọa khủng bố ở biên giới phía Nam đã được loại bỏ, kinh nghiệm quân sự được đúc kết và trong 10 năm qua, Nga đã thể hiện được sức mạnh trước phương Tây bằng chiến dịch này.
Câu hỏi cấp thiết hiện nay là tương lai các căn cứ quân sự của Nga tại Latakia và ảnh hưởng địa chính trị của Moskva ở Trung Đông. Tuy nhiên, Moskva dường như vẫn tự tin sẽ tìm cách giảm thiểu thiệt hại và xoay chuyển tình thế có lợi.
Điều quan trọng nhất cần nhấn mạnh là: Mỗi quốc gia phải chịu trách nhiệm về vận mệnh của chính mình. Nga đã và sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao hoàn toàn thực tế, hỗ trợ các đối tác trên cơ sở cùng có lợi và trong khuôn khổ phù hợp với lợi ích quốc gia.
RIA Novosti cho rằng tình hình Syria hiện tại được đánh giá là vô cùng phức tạp và thảm khốc. Các cơ quan có thẩm quyền của Nga đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn. Tuy nhiên, quan điểm chính vẫn là: Nga sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình một cách hiệu quả nhất có thể.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi ngừng giao tranh ngay lập tức ở Syria và thực hiện Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại quốc gia Arab này.
Theo hãng thông tấn TASS của Nga, ông Lavrov đã đưa ra lời kêu gọi trên khi phát biểu với các phóng viên vào tối 7/12 sau cuộc họp với những người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ theo khuôn khổ Astana về Syria.
"Chúng tôi đã tái khẳng định rõ ràng cam kết của mình đối với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trước hết là trong bối cảnh bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, và liên quan đến nhu cầu thiết lập đối thoại chính trị", ông Lavrov nói khi đề cập đến cuộc họp tại thủ đô Doha của Qatar.
Các bộ trưởng ngoại giao Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tổ chức cuộc họp ba bên tại Doha, tập trung vào những diễn biến gần đây ở Syria như đã được nhà ngoại giao hàng đầu của Iran Abbas Araghchi công bố.
Trước khi tham dự Diễn đàn Doha, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã đến Damascus, nơi ông có cuộc gặp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhấn mạnh sự ủng hộ hoàn toàn của Iran đối với chính phủ, người dân và quân đội của nước này. Sau đó, ông Araghchi đã đến Ankara và thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan về những diễn biến trong khu vực, đặc biệt là tình hình ở Syria.
Chuyên gia Ấn Độ: Việt Nam - quốc gia quan trọng không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới Việt Nam đã trải qua một năm 2024 vô cùng ấn tượng trong mắt bạn bè quốc tế. Để hiểu rõ hơn về những thành tựu này, phóng viên TTXVN tại New Delhi đã có cuộc phỏng vấn cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ SD Pradhan. Công ty TNHH Sợi Đà Lạt ở cụm công nghiệp Phát Chi, thành...