Đột nhập những ‘lò’ luyện… tỷ phú
Đây không chỉ là nơi có bề dày lịch sử và thành tích đáng nể trong giảng dạy, mà còn xứng đáng với danh hiệu những “lò” sản sinh các nhân vật “máu mặt” trong giới chính trị, truyền thông, công nghệ, bất động sản, dầu mỏ….
Nở rộ trường học đại gia tại Trung Quốc
Với số lượng “bùng phát” của đại gia, tỷ phú tại Trung Quốc như hiện nay quả có sự đóng góp đáng kể của hệ thống giáo dục. Tại Trung Quốc, hai ngôi trường nổi tiếng bậc nhất trong việc đào tạo những tỷ phú trứ danh là ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa. Trong đó, ĐH Bắc Kinh được đánh giá là nơi sản sinh nhiều nhân vật “lừng lẫy” nhất trong giới lắm tiền, nhiều của. Theo báo cáo năm 2010 của Hiệp hội Alumni University Chinese, kể từ năm 1999, có hơn 60 tỷ phú sở hữu tổng giá trị tài sản lên tới gần 140 tỷ NDT (tương đương 20,3 tỷ USD), từng theo học tại ngôi trường danh tiếng này.
Đại học Bắc Kinh.
ĐH Thanh Hoa đứng thứ hai với hơn 54 tỷ phú là cựu sinh viên, ĐH Chiết Giang đứng thứ ba với 53 tỷ phú. Tiếp đó là các trường ĐH Phúc Đán, ĐH Nhân dân và ĐH Giao thông Thượng Hải.
Ngược lại, những tỷ phú Trung Quốc du học nước ngoài không thấm thía so với các anh tài học tập trong nước. Trong số 39 tỷ phú Trung Quốc có tài sản trên 10 tỷ NDT (tương đương 1,46 tỷ USD), chỉ có 11 tỷ phú từng tu nghiệp tại quốc gia khác.
So với lớp đàn anh chuyên tâm “dùi mài kinh sử” với phương pháp học tập truyền thống, các “cậu ấm, cô chiêu” con nhà giàu ở Trung Quốc hiện nay sớm được tiếp thu những kỹ năng cần thiết, sẵn sàng tâm lý để trở thành tỷ phú khi tuổi đời còn non trẻ. Tại ĐH Bắc Kinh hay Thanh Hoa đang áp dụng những tiết học thực tế đào tạo sinh viên cách ứng xử văn minh, cách uống rượu khi giao tiếp, cách đánh golf, đua ngựa, hay đơn giản chỉ là cách viết một biên bản. Đó là những kiến thức nền tảng, giúp bọn trẻ vững vàng hơn trước khi thực sự dấn thân vào kinh doanh và phát triển cơ nghiệp.
Thậm chí, thời gian gần đây, để rèn luyện cho con biết cách tiếp quản gia tài cũng như cân đối tài chính, những gia đình giàu có không ngại chi số tiền khổng lồ lên tới 99.000 USD cho một khóa học kéo dài hai năm tại Học viện Nghiên cứu quản trị kinh doanh Bắc Kinh.
Yuan Qingpeng, hiệu trưởng trường này cho biết: “Chúng thường không có khả năng chịu đựng khó khăn và rèn luyện những kĩ năng cần thiết, làm được những điều như bố mẹ chúng đã làm. Tuy vậy, các ông bố bà mẹ này vẫn muốn con cái tiếp quản công ty hay gia tài kếch xù của mình hơn là người ngoài”.
20 lớp học đầu tiên của khóa học cao cấp này đã tốt nghiệp vào tháng 9 vừa qua. Các “cậu ấm, cô chiêu” hy vọng, khóa đào tạo bổ ích này sẽ trang bị cho họ kiến thức nền, bản lĩnh tự tin và phong cách đại gia từ rất sớm. Tuy nhiên, dư luận không ủng hộ hoàn toàn trào lưu này của giới trẻ Trung Quốc. Briton Alex Newman, giảng viên trường ĐH quản lý Nottingham cho biết: “Ở phương Tây, người ta thường nói thế hệ thứ nhất xây dựng cơ nghiệp, thế hệ thứ 2 làm nó thành công, thế hệ thứ 3 phá hủy nó. Nhưng ở Trung Quốc, dường như nhiệm vụ phá hủy thuộc về thế hệ thứ 2″.
Video đang HOT
“Anh tài” quần tụ tại Mỹ
Nhiều năm qua, Mỹ luôn được đánh giá là nơi quần tụ của giới nhà giàu. Theo bình chọn của tạp chí lừng danh Forbes trong tháng 8 vừa qua, ít nhất có 10 trường đại học lừng danh trong nước là nôi nuôi dưỡng tỷ phú.
ĐH Havard giữ vị trí độc tôn với số lượng 62 tỷ phú, tăng 8 người so với con số thống kê năm 2009. Những gương mặt nổi bật, từng là cựu sinh viên của trường phải kể tới Micheal Bloomberg – thị trưởng New York, Kenneth Griffin – người sáng lập tập đoàn tài chính Citadel và tỷ phú David Rockerfeller Sr. – cháu duy nhất còn sống của ông trùm dầu mỏ John D. Rockefeller.
Đại học Stanford.
28 tỷ phú là “gia tài” đáng nể của ĐH Stanford. Con số này tăng thêm 3 người so với thống kê năm 2009. Đây được xem là nôi nuôi dưỡng tài năng của hàng loạt tỷ phú tiếng tăm tại thung lũng Silicon. Điển hình là người sáng lập Yahoo – Jerry Yang; hai nhân vật đồng sáng lập Google – Sergey Brin và Larry Page. Ngoài ra còn có Philip Knight, ông chủ hãng đồ thể thao Nike, David Shaw, người đứng đầu quỹ đầu cơ DE Shaw.
Đại học Columbia.
Bám đuổi sát sao trong danh sách xếp hạng của Forbes là ĐH Columbia với 20 tỷ phú, tăng 4 người so với năm 2009. Ngôi trường này là đơn vị quản lý giải thưởng Pulitzer trứ danh, đồng thời có công đào tạo và bồi dưỡng những ông trùm “máu mặt” trong giới kinh doanh của Mỹ, như nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, ông chủ tập đoàn KKR Henry Kravis và nhà tài phiệt Robert Kraft – chủ sở hữu New England Patriots.
Đại học Pennsylvania.
Xếp ở vị trí thứ 4 là ĐH Pennsylvania. Ngôi trường này vinh dự là “con đẻ tinh thần” của nhà khoa học, nhà phát minh danh tiếng Benjamin Franklin, cũng là chủ sở hữu của trường kinh doanh Wharton.Có 18 “anh tài” từng là cựu sinh viên tại đây, nổi bật trong đó là trùm bất động sản Mortimer Zuckerma, Daniel Och – nhà sáng lập quỹ đầu tư Och-Ziff và ông vua trái phiếu Michael Milken.
Đại học Yale.
Yale là ngôi trường ghi dấu những năm tháng đèn sách của 16 tỷ phú Mỹ. Đặc biệt nơi đây “nuôi dưỡng” rất nhiều gia đình doanh nhân giàu có, như cha con Forrest Mars Jr. và John Mars của hãng kẹo Mars, cha con Cargill MacMillan Jr. và Whitney MacMillan của hãng nông sản Cargill. CEO Stephen Schwarzman của Blackstone và nhà đầu tư Eddie Lampert cũng từng “dùi mài kinh sử” tại Yale.
Đại học Chicago.
Xếp thứ 6 trong bảng danh sách này là ĐH Chicago với tổng số 13 tỷ phú, tăng 3 người so với thống kê năm 2009. Được sáng lập bởi ông trùm dầu lửa John D. Rockefeller, ngôi trường này là lựa chọn thời cắp sách của nhà đầu tư tài chính Joseph Mansueto thuộc quỹ Morningstar, David Rubenstein và William Conway thuộc ngân hàng đầu tư Carlyle.
Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Với 11 cựu sinh viên là tỷ phú, Viện Công nghệ Massachusetts ổn định ở vị trí thứ 7. Nơi đây từng ươm mầm tài năng cho anh em Charles và David Koch của tập đoàn công nghiệp Koch Industries hay Irwin Jacobs, chủ tịch hãng sản xuất con chip Qualcomm.
Danh sách các trường top cuối gồm ĐH New York (NYU), ĐH Northwestern đều sở hữu 10 tỷ phú và ĐH Cornell với 9 tỷ phú.
Anh quốc với bề dày kinh nghiệm “luyện” tỷ phú
Không kém cạnh Mỹ, Trung Quốc, nước Anh cũng lừng danh bởi biệt tài sản sinh rất nhiều tỷ phú, triệu phú của thế giới. Nghiên cứu dựa trên khảo sát của Skandia đối với 459 triệu phú cho thấy, tỷ lệ tỷ phú cao nhất 10.9% đã từng theo học tại ĐH London. Nổi bật trong số này là tác gia nổi tiếng Ken Follett.
Ken Follett.
ĐH Oxford, ĐH tốt thứ 5 trên thế giới theo xếp hạng của QS, có nhiều triệu phú thứ 2 (7,8%). ĐH lâu đời nhất nước Anh đã cho ra đời những nhà văn, nhà tư tưởng, nhà khoa học nổi tiếng thế giới bao gồm tỉ phú Nat Rothschild.
Đứng thứ ba theo kết quả nghiên cứu này là ĐH Cambridge với tỉ lệ 5,5% sinh viên là triệu phú. Trong đó có Stephen Fry, người đã trở thành triệu phú hai năm sau khi tốt nghiệp nhờ viết lại tác phẩm nhạc: “Me and My Girl”.
Triệu phú Stephen Fry.
ĐH Leed, ĐH lớn nhất nước Anh có 3,9% số học viên trở thành triệu phú sau khi tốt nghiệp. Mark Knopfler – triệu phú lừng danh với vai trò là nghệ sĩ ghi ta, ca sĩ, nhà viết nhạc.. đã gắn bó quãng đời sinh viên tại Leed.
Nếu từng nghe tới tên tuổi của nhà hài kịch giàu có Ben Telton, hẳn nhiều người sẽ nắm rõ xuất phát điểm của ông tại ĐH Manchester. Đây là ngôi trường lừng dan với gần 40.000 sinn viên theo học, có 3,5% trong số đó nhanh chóng đổi đời thành các đại gia sở hữu số tài sản kếch xù.
2,7% là tỷ lệ cựu sinh viên trở nên sang giàu sau khi tốt nghiệp ĐH Birmingham. Người giới thiệu chương trình “Ai là triệu phú” Chris Tarrant cũng từng học tại đây và hiện có tài sản trị giá 20 triệu bảng .
ĐH Bristol, ĐH Ediburgh, ĐH Aston University hay St Andrews nơi đánh dấu những năm tháng đèn sách của công nương nổi tiếng Kate là những địa chỉ quen thuộc khác được các tỷ phú, triệu phú nước này lựa chọn thời sinh viên.
Theo ĐVO