Đồng Nhân dân tệ có thể giảm giá xuống thấp kỷ lục 10 năm
Goldman Sachs cho rằng đồng Nhân dân tệ có thể suy yếu và chạm ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD trong 3 tháng tới.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs vừa có báo cáo cập nhật về triển vọng của đồng Nhân dân tệ (NDT). Theo đó, ngân hàng này dự báo đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ suy yếu xuống mốc 7 NDT đổi 1 USD trong ba tháng tới – mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Lần cuối cùng đồng NDT chạm mốc này là trong khủng hoảng tài chính năm 2009.
Dự báo này của Goldman Sachs bắt nguồn từ nguyên nhân NDT có thể giảm giá để bù đắp cho sự mất cân bằng do cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Goldman dự báo tỷ giá CNY/USD lần lượt ở mức 7,05, 6,95 và 6,80 trong 3, 6 và 12 tháng tới, so với dự báo được đưa ra trước đó là 6,95, 6,65 và 6,65.
Video đang HOT
Đồng nhân dân tệ có thể thấp nhất 10 năm. Ảnh: Bloomberg.
Mansoor Mohi-uddin, một chiến lược gia cao cấp của NatWest Market có trụ sở tại Singapore cho rằng đồng NDT có thể chạm ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD nếu cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không mang lại thỏa thuận mới.
Vì tỷ giá hối đoái thấp khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn, làm dấy lên lo ngại cuộc chiến thương mại trở thành cuộc chiến tỷ giá.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Goldman cũng lưu ý áp lực kiểm soát dòng vốn có thể hạn chế sự mất giá của đồng NDT.
BẰNG LĂNG
Theo vtc.vn
Nhân dân tệ mất giá có thể gây nhiều áp lực lên VND
Những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối quốc tế có thể có tác động nhất định tới tỷ giá USD/VND.
Mới đây, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã công bố Báo cáo đánh giá khả năng Trung Quốc có phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) hay không.
Theo nhóm tác giả, khả năng Trung Quốc phá giá NDT là không cao. Thứ nhất, họ lo ngại sự rút vốn mạnh như đã xảy ra trong năm 2015; Thứ 2, Trung Quốc không muốn bị cho là thao túng tiền tệ, gây căng thẳng thêm trong cuộc chiến thương mại; Thứ 3, Trung Quốc vẫn kiên định tiến trình quốc tế hóa đồng NDT...
Đồng Nhân dân tệ mất giá có thể gây áp lực lên VND (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể dẫn tới những biến động lớn trên thị trường ngoại hối quốc tế. Giá trị đồng USD có xu hướng tăng lên, trong khi giá trị đồng NDT và một số đồng tiền khu vực giảm. Do đó, những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối quốc tế có thể có tác động nhất định tới tỷ giá USD/VND.
TS. Bùi Quang Tín cho rằng, về trung và dài hạn, tỷ giá USD/VND sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, trạng thái cán cân thanh toán tổng thể, cán cân thương mại, thu hút FDI, giá vàng... của NHNN. Trong cách thức tính tỷ giá của NHNN, tỷ giá trung tâm của Việt Nam được dựa trên một rổ tiền tệ gồm 8 loại tiền chủ chốt đó là: USD, EUR, JPY, CNY, SGD....
Trong 8 đồng tiền đó thì đồng NDT là phương tiện giao dịch trong thương mại đầu tư lớn nhất với Việt Nam, cho nên sự phá giá của đồng tiền này sẽ tác động lớn tới chính sách tỷ giá của Việt Nam.
Thực tế thời gian qua, rõ ràng lạm phát đã có những dấu hiệu bị áp lực tăng lên. Ngoài vấn đề tăng giá điện, giá y tế, giáo dục... thì tỷ giá cũng là một trong những yếu tố tạo đà tâm lý, tỷ giá tăng sẽ kéo lãi suất tăng, tạo nhiều áp lực lên chỉ số lạm phát.
"Với việc phá giá đồng NDT, như mọi khi sẽ kéo theo các đồng ngoại tệ khác phá giá theo. Về góc độ vĩ mô đối với các nhà xuất khẩu, thì khi các nước phá giá mà VND vẫn giữ giá hoặc tỷ giá tăng không cao thì điều đó có nghĩa VND bị tăng giá. Khi VND tăng giá như vậy thì sẽ không có lợi cho xuất khẩu trong trung và dài hạn. Do đó, các nhà xuất khẩu nên chú ý đến sự biến động của tỷ giá cũng như rủi ro khi tỷ giá tăng lên; cần phòng ngừa tỷ giá bằng cách mua các hợp đồng phái sinh để bảo vệ rủi ro tỷ giá", TS Bùi Quang Tín đưa ra lời khuyên....
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù khả năng Trung Quốc phá giá đồng NDT là không cao, song bài toán tỷ giá đã trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, định chế tài chính phải theo dõi sát sao diễn biến chiến tranh thương mại, biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế; từ đó đưa ra các kịch bản phù hợp và ứng xử, can thiệp kịp thời, linh hoạt.
Đồng thời, cần theo dõi, bám sát diễn tiến động thái của Bộ Tài chính Mỹ để phối hợp thông tin, tránh bị đưa vào diện thao túng tiền tệ, gây bất lợi cho Việt Nam./.
Chung Thủy
Theo VOV.VN
Căng thẳng thương mại leo thang, đồng Nhân dân tệ giảm "sức hấp dẫn" Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao đồng Nhân dân tệ - được coi là một chỉ số quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang gia tăng. Đồng Nhân dân tệ đang có dấu hiệu giảm xuống với 7 yuan bằng 1 USD giữa thời điểm cuộc chiến tranh thương mại đang xấu đi...