Đông Nam Á với chiến lược biến rác thành năng lượng
Cuộc chiến môi trường tại Đông Nam Á đã khó nay càng khó hơn khi tình trạng buôn bán bất hợp pháp chất thải vào Đông Nam Á ngày càng đáng lo ngại.
Theo các ước tính của Ủy ban châu Âu, có tới 15 – 30% lô hàng rác thải nguồn gốc châu Âu là trái phép, kéo theo hàng tỷ euro doanh thu bất hợp pháp hàng năm.
Văn phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) đầu tháng 4 công bố báo cáo có tên “Turning the Tide” (tạm dịch: Đảo ngược thủy triều), trong đó chỉ ra rằng Đông Nam Á hiện là điểm nóng về chất thải bất hợp pháp được vận chuyển từ khắp nơi trên thế giới, nhất là từ châu Âu.
“Vùng trũng” của rác thải
Thế giới thải ra khoảng 2 tỷ tấn rác thải/ năm và những ước tính gần đây nhất cho thấy khoảng 1/10 lượng rác thải này được đưa vào chu trình buôn bán rác thải toàn cầu. Nhiều nước phát triển xuất khẩu đồ tái chế sang các nước đang phát triển, nơi những người lao động lương thấp phân loại rác. Sau đó, các nhà sản xuất nấu chảy kim loại và nhựa phế liệu để sản xuất hàng hóa mới. Giả định lý tưởng nhất là quá trình này giúp tái chế tất cả chất thải được xuất khẩu. Tuy nhiên, một số vật liệu bị ô nhiễm tới mức không thể được tái sử dụng, trong đó có cả những vật liệu bị dán nhãn sai, bị trộn lẫn với những vật liệu không thể tái chế hoặc được làm sạch không đúng cách. Những thứ này cuối cùng sẽ được đưa ra bãi chôn lấp hoặc đổ ra biển.
Cần những giải pháp dài hạn cho một vấn đề không dễ giải quyết.
Ngành công nghiệp rác thải toàn cầu đang phát triển với trị giá hàng trăm tỷ USD. Liên minh châu Âu là nhà xuất khẩu nhựa phế liệu lớn nhất thế giới, tiếp theo là Mỹ, nước xuất khẩu khoảng 1/3 lượng rác tái chế. Suốt nhiều thập kỷ, các nước giàu có hơn đã xuất khẩu rác sang châu Á để xử lý, tái sử dụng hoặc tiêu hủy.
Trung Quốc từng là nước mua rác thải lớn nhất thế giới, phần lớn là do chi phí vận chuyển thấp. Tuy nhiên, việc nhập khẩu rác thải của thế giới đã làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm của Trung Quốc trong khi tiền lương tăng khiến vấn đề chi phí không còn là lợi thế như trước. Bản thân Trung Quốc cũng ngày càng có nhiều rác thải sinh hoạt cần phân loại. Kết quả là vào tháng 1/2018, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu nhiều phế liệu và từ chối tiếp nhận bất kỳ chất thải nào bị ô nhiễm hơn 0,5% – một tiêu chuẩn gần như không thể đạt được.
Biện pháp này làm giảm 99% lượng nhựa nhập khẩu của Trung Quốc trong vòng một năm. Song đồng thời kéo theo một cuộc khủng hoảng cho các quốc gia dựa vào Trung Quốc để quản lý chất thải. Các điều chỉnh cũng tác động mạnh đến dòng rác thải toàn cầu và buộc chúng chuyển hướng sang Đông Nam Á. Nói cụ thể hơn, quyết định cấm nhập khẩu hầu hết rác thải của Trung Quốc đã khiến các nước xuất khẩu rác thải rơi vào tình trạng trì trệ và các bãi chôn lấp ở Đông Nam Á tràn ngập.
Video đang HOT
Mối nguy của những nước tuyến đầu
Từ năm 2016-2018, lượng rác thải nhựa nhập khẩu trong khu vực đã tăng 171% lên hơn 2 triệu tấn, phần lớn trong số đó đã bị ô nhiễm và không thể xử lý được. Thông thường, các công ty nhập khẩu sẽ loại bỏ nhựa có vấn đề hoặc chuyển cho cộng đồng địa phương phân loại và đốt bất hợp pháp. Đốt nhựa sẽ tạo ra dioxin và các hóa chất độc hại, sau đó chúng xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người. Do khói và thực phẩm độc hại, nhiều người tiếp xúc gần dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, dạ dày hoặc thậm chí là ung thư. Loại rác thải được quản lý sai này đe dọa môi trường và sức khỏe con người tại Đông Nam Á. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi một số nước xuất khẩu và các công ty tái chế cố tình dán nhãn sai để buôn lậu rác vào khu vực.
Giải bài toán rác thải hiệu quả để phục vụ sự phát triển của xã hội.
Malaysia là một trong những điểm đến chính của rác thải nhựa trên thế giới, với ngành sản xuất và tái chế nhựa trị giá hơn 7,2 tỷ USD. Tuy nhiên, Chính phủ Malaysia không muốn nước này trở thành bãi rác của thế giới, do đó đã có nhiều biện pháp quyết liệt từ năm 2019 khi trả lại hàng ngàn tấn rác thải nhựa cho nhiều quốc gia, đồng thời đóng cửa 200 trung tâm tái chế nhựa bất hợp pháp kể từ năm 2019.
Tại Philippines, những căng thẳng về rác thải cũng khiến nước này mâu thuẫn với một số quốc gia. Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines và Canada từng tranh cãi gay gắt về khoảng 2.700 tấn rác thải Canada bị dán nhãn sai. Khi đó, Tổng thống Rodrigo Duterte dọa tuyên chiến hoặc đổ rác xuống vùng biển Canada, đồng thời triệu hồi các nhà ngoại giao nước này ở Canada sau khi họ bỏ lỡ thời hạn thu hồi rác. Các nhà ủng hộ môi trường cáo buộc hành động chậm chạp của Canada đã vi phạm Công ước Basel, một thỏa thuận quốc tế quy định việc buôn bán chất thải nguy hại. Tại Thái Lan, từ năm 2018 đã cấm nhập khẩu rác thải điện tử, loại rác thải thường có độc tính cao và chấm dứt nhập khẩu rác thải nhựa vào năm 2021, sau áp lực mạnh mẽ từ dư luận.
Năm 2018, Việt Nam đã cắt giảm 90% hạn ngạch nhập khẩu rác hàng tháng và chính phủ ngừng cấp giấy phép nhập khẩu rác thải. Việt Nam có kế hoạch cấm nhập khẩu phế liệu nhựa vào năm 2025.
Cần giải pháp đường dài
Tuy nhiên, các lệnh cấm nhập khẩu nhựa ở cấp quốc gia không phải là chìa khóa giải quyết vấn đề rác thải toàn cầu vì ngành công nghiệp rác thải có thể đơn giản di dời đến một khu vực khác hoặc diễn ra dưới các hình thức bất hợp pháp. Châu Phi có thể là một “ứng cử viên” tiềm năng khi một số quốc gia ở đây đã và đang phải vật lộn với dòng chất thải bất hợp pháp.
Rõ ràng, người ta cần những giải pháp lâu dài như thay đổi mô hình tiêu dùng và thiết kế các sản phẩm có thể tái sử dụng, từ đó giảm thiểu chất thải trước khi nó tồn tại bởi rác thải được xử lý không đúng cách trở thành vấn đề của tất cả. Quản lý chất thải hiệu quả và hợp pháp để giảm thiểu thiệt hại cho môi trường, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn bằng cách giảm, tái sử dụng và tái chế chất thải là hướng đi căn cơ, cần có sự chung sức, đồng lòng và tăng cường hợp tác xuyên quốc gia để có những quy định tương tự giữa các nước, các khu vực và trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh ấy và với sự phát triển của các loại công nghệ bền vững, Đông Nam Á muốn tạo ra nhiều cơ sở biến rác thải thành năng lượng trong khi nhiều doanh nghiệp, nhất là ở châu Âu cũng tỏ ra háo hức với tiềm năng của thị trường này.
Mô hình đơn giản nhất của quy trình chuyển rác thải thành năng lượng có thể hình dung là các nhà máy đốt rác thải chôn lấp không thể tái chế để sản xuất điện. Các công ty châu Âu và Nhật Bản từ lâu vốn thống trị ngành này song số liệu thống kê cho thấy đã có hơn 100 dự án chuyển rác thải thành năng lượng đã hoàn thành hoặc đang triển khai ở Philippines, Indonesia và Thái Lan. Trong số đó có thể kể đến nhà máy ở Pangasinan (Philippines) do Allied Project Services có trụ sở tại Anh tài trợ, hay chính phủ Đan Mạch rót tiền đầu tư một nhà máy tại thành phố Semarang (Indonesia). Dự án khác ở Chonburi (Thái Lan) đang được hỗ trợ các công ty Pháp là ENGIE và Suez Environment cùng tham gia đầu tư.
Năm 2021, Công ty Harvest Waste có trụ sở tại Hà Lan đã đề xuất xây dựng một cơ sở tại Cebu ở Philippines, được kỳ vọng trở thành nhà máy WtE tiên tiến nhất châu Á, sử dụng công nghệ tương tự như cơ sở tại Amsterdam, có thể tạo ra 900 kilowatt giờ (kWh) điện từ mỗi tấn rác thải.
Thị trường Đông Nam Á đang phát triển và tiềm năng trong ngành chuyển đổi rác thải thành năng lượng nhờ nguồn tài trợ từ các ngân hàng phát triển lớn và ưu đãi từ một số chính phủ trong khu vực, bao gồm cả thuế quan và chính sách cởi mở thu hút đầu tư. Những doanh nghiệp đang đi đầu lĩnh vực đầu tư ngành này tại Đông Nam Á có thể kể đến là Veolia Environment SA có trụ sở tại Pháp, tiếp đó là Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản, và các công ty địa phương tại Indonesia và Singapore.
Theo nhiều ước tính, dân số thành thị tại các quốc gia Đông Nam Á đến năm 2023 tăng lên khoảng 400 triệu người và nhu cầu năng lượng đến năm 2040 sẽ tăng 2/3. Cùng với những con số này, lượng rác thải chôn lấp và rác thải không được tái chế sẽ tăng cao trong những năm tới. Việc có thể tái chế thành năng lượng sẽ là giải pháp đa chiều hiệu quả, vừa giải bài toán rác thải, vừa cung cấp nguồn năng lượng phục vụ nhu cầu tăng cao của dân số.
Công ty nghiên cứu Mordor Intelligence ước tính thị trường biến rác thải thành năng lượng của Đông Nam Á có tốc độ phát triển hàng năm khoảng 3,5% trong giai đoạn 2021-2028.
Đông Nam Á với kế hoạch giảm thải Carbon
Một số quốc gia Đông Nam Á đang trên đà phát triển đáng kể năng lượng tái tạo trong ngắn hạn, nhưng còn có những hạn chế về công nghệ, chính trị và tài chính, cùng các yếu tố khuyến khích sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng nghĩa với việc khó đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng trong dài hạn.
Giống như phần lớn các nước trên thế giới, tất cả các nước Đông Nam Á đều có những kế hoạch đầy tham vọng nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và, trong hầu hết các trường hợp, đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong những thập kỷ tới. Brunei, Campuchia, Lào, Việt Nam, Malaysia, Singapore đều đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050, trong khi Indonesia có kế hoạch đạt mục tiêu tương tự vào năm 2060.
Myanmar, quốc gia đang nội chiến, cũng duy trì mục tiêu chính thức là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040 ở một số lĩnh vực thâm dụng đất đai nhất định - mục tiêu cao đối với một quốc gia có ngành nông nghiệp quy mô lớn. Philippines là thành viên duy nhất của ASEAN chưa chính thức công bố mục tiêu trung hòa carbon, nhưng đã đặt mục tiêu giảm 75% lượng khí thải carbon trong khung thời gian 2020-2030. ASEAN cũng đặt mục tiêu trung hòa carbon cho toàn khối vào năm 2060.
Cánh đồng điện năng lượng mặt trời và điện gió tại Ninh Thuận, Việt Nam.
Có điều, mặc dù những quốc gia này đều đưa các kế hoạch giảm phát thải carbon táo bạo vào luật pháp và chính sách, nhưng các mục tiêu phát triển kinh tế lại cho thấy khoảng trống trong kế hoạch trung, dài hạn. Các quốc gia trong ASEAN, trừ Singapore, đều có nền kinh tế đang phát triển. Điều này có nghĩa là nhu cầu năng lượng sẽ tăng trong những năm tới, khi đặt mục tiêu tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch và hướng tới các công nghệ tái tạo.
Do đó, các nước ASEAN sẽ phải cân bằng cam kết trung hòa carbon với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng. Có thể nói Indonesia có động cơ lớn hơn cả bởi Jakarta mong muốn trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2050. Nhìn chung, các nước ASEAN đều mong muốn đạt mức tăng trưởng GDP hằng năm tương tự để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, vốn đòi hỏi phải gia tăng mức tiêu thụ năng lượng - điều mà năng lượng tái tạo khó có thể đáp ứng nếu không có nguồn nhiên liệu hóa thạch bổ sung đáng kể.
Cơ quan năng lượng quốc tế (IAEA) dự báo nhu cầu năng lượng của các nước ASEAN sẽ tăng trung bình hằng năm 3% đến năm 2030. Chính phủ các nước Đông Nam Á luôn thận trọng để tránh làm tăng gánh nợ, nhất là khi hầu hết các nước này đều vay nợ nhiều trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, một mình khu vực tư nhân sẽ không thể đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo để các quốc gia này đạt được mục tiêu trung hòa carbon - nhất là khi bối cảnh pháp lý khó lường vẫn phổ biến ở nhiều nơi trong khu vực và than đá vẫn là ngành có lãi lớn.
ASEAN sẽ tiến gần đến việc hoàn thành các mục tiêu tái tạo ngắn hạn, nhưng sẽ chỉ có một số quốc gia thành viên đóng góp đáng kể vào mục tiêu này. Theo báo cáo tháng 1/2024 của Cơ quan giám sát năng lượng toàn cầu (GEM), công suất năng lượng mặt trời và gió ở ASEAN đã đạt 28 Gw trong năm 2024, chiếm 9% mức tiêu thụ năng lượng của khối. Đây là bước tiến lớn ảnh hưởng tới mục tiêu của khối là đến cuối 2025, năng lượng tái tạo chiếm 35% tổng năng lượng.
Theo báo cáo, các nước ASEAN chỉ cần lắp đặt thêm thiết bị năng lượng mặt trời và gió ở quy mô tiện ích với công suất 17 Gw trong 2 năm tới - cụ thể là những thiết bị được kết nối trực tiếp với lưới điện - để đáp ứng mục tiêu trên. Báo cáo cũng nêu rõ, ASEAN đang trên đà bổ sung 23 Gw thông qua các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo hiện đã được lên kế hoạch. Chỉ riêng Philippines và Việt Nam đã chiếm 80% tổng tiềm năng năng lượng mặt trời và gió của khu vực, với công suất năng lượng mặt trời và gió dự kiến lần lượt là 99 và 86 Gw Cho đến nay, hai nước đã đóng góp lần lượt 19 và 3 Gw vào tổng sản lượng của ASEAN. Thái Lan cũng đóng góp 3 Gw năng lượng gió và mặt trời.
Theo báo cáo khoảng cách phát thải năm 2023 của Liên hợp quốc, Indonesia chuẩn bị đạt được mục tiêu giảm phát thải. Tuy có quy mô nền kinh tế nhỏ nhưng Lào vẫn tự hào là quốc gia có công suất năng lượng gió và mặt trời tiềm năng trên 3 Gw. Điều này có nghĩa là trong hầu hết các trường hợp, mục tiêu giảm phát thải ngắn hạn trong toàn khối ASEAN là khả thi. Tuy nhiên, Lào, Brunei và thành viên sắp tới của ASEAN là Timor Leste hiện không có dự án năng lượng mặt trời hay gió với quy mô tiện ích nào đang hoạt động. Các nước ASEAN cũng đang đặt cược vào năng lượng hạt nhân như một cách để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải xóa bỏ sự hoài nghi của công chúng đối với nó.
Nhu cầu năng lượng trong tương lai dựa vào tăng trưởng kinh tế có nghĩa rằng các nước ASEAN cần đầu tư đáng kể vào công nghệ năng lượng tái tạo để đạt được mục tiêu của mình, nhưng viện trợ nước ngoài khó có thể lấp đầy mọi khoảng trống. Nhiên liệu hóa thạch, vì thế, sẽ tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong cơ cấu năng lượng của ASEAN trong tương lai gần, bất chấp các kế hoạch quốc gia và toàn khối nhằm loại bỏ chúng vào giữa thế kỷ, vì khu vực sẽ tiếp tục dựa vào công nghệ hydrocarbon để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những hạn chế như chi phí cao, nguồn tài chính hạn chế và cơ hội sinh lời cho đầu tư tư nhân giảm - cùng với các cải cách chính sách năng lượng chưa hoàn thiện và đôi khi mâu thuẫn nhau - cũng sẽ làm chậm tiến trình triển khai năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. Một số sáng kiến giúp khu vực dịch chuyển khối nhiên liệu hóa thạch đang được thực hiện, chẳng han như Cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) và Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) lần lượt kết nối các nước đang phát triển với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các nhà tài trợ G7.
Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu gì tại Đối thoại Shangri-La? Mặc chiếc áo màu xanh ô liu đặc trưng của mình, ông Zelensky phát biểu vào ngày cuối cùng của diễn đàn Đối thoại Shangri-La, kêu gọi các quốc gia tham dự Hội nghị Hòa bình về Ukraine dự kiến tổ chức ngày 15-16/6 tới tại Thụy Sĩ. "Chúng tôi cảm thấy rằng thế giới của chúng ta muốn đoàn kết và có...