Đối tượng nào nên dùng Windows 8?
Windows 8 đã được tung ra hơn 1 tháng và nhận được nhiều lời khen chê khác nhau. Và những điểm mạnh, điểm yếu của HĐH này đã được GenK phản ánh qua nhiều bài viết như sự kém trực quan của trình duyệt IE, những điểm được yêu thích của Windows 8…
Tuy nhiên, đối tượng người dùng máy tính hiện nay khá đa dạng với các nhu cầu khác nhau. Một người dùng phổ thông sẽ có cách dùng PC khác với game thủ. Hay nếu bạn là một người đam mê máy tính cũng là một câu chuyện khác…Điều này dẫn tới việc một tính năng mới trên Windows 8 sẽ rất có ích với đối tượng này nhưng lại không mang nhiều lợi ích cho đối tượng kia. Do đó, câu trả lời cho câu hỏi có nên nâng cấp lên Windows 8 hay không đôi khi khó có thể tìm được 1 đáp án chung. Dựa vào những điểm mạnh và điểm yếu của Windows 8, GenK sẽ phân tích các đối tượng người dùng nên và không nên nâng cấp lên HĐH mới nhất của Microsoft để bạn đọc tham khảo trước khi đưa ra quyết định.
Người dùng phổ thông
Windows 8 được thiết kế hướng tới nhiều đối tượng người dùng nhưng chắc chắn người dùng phổ thông là một trong các đối tượng chính. Phổ thông ở đây nhằm chỉ đối tượng dùng máy tính để phục vụ các nhu cầu cơ bản như lướt web, check mail, soạn thảo văn bản.
Với đối tượng này, lời khuyên đưa ra là bạn nên cài Windows 8 (tất nhiên, với điều kiện PC của bạn có cấu hình đủ mạnh). Mặc dù trong thời gian đầu, Windows 8 sẽ khiến bạn phải mất thời gian tìm hiểu do nó quá mới mẻ so với các phiên bản trước. Giao diện Metro rõ ràng sẽ là một sự “đánh đố” với bất cứ ai đã quen với Windows 7 hay Windows XP. Rõ ràng, nếu không theo dõi thường xuyên các tin tức công nghệ hàng ngày, bạn sẽ khó lòng biết được cách tìm thanh Charm Bar nằm ở đâu và có tác dụng gì. Bạn cũng sẽ khổ sở để tìm cách tắt 1 trang web đang mở trên IE 10…
Nhưng cân nhắc thiệt hơn, Windows 8 vẫn đáng để nâng cấp bởi những cải tiến đáng kể có ích cho đối tượng người dùng này. Đầu tiên phải kể đến công cụ diệt virus được tích hợp sẵn. Người dùng phổ thông thường khó khăn hơn trong việc nhận thức các nguy cơ virus lây lan vào máy tính, do đó, một chương trình diệt virus được cài sẵn trong Windows 8 sẽ rất có ích với họ. Bên cạnh đó, trình duyệt IE 10 trên Windows 8 cho tốc độ duyệt web tuyệt vời – đặc biệt là trên môi trường Metro, phù hợp cho người dùng phổ thông vốn hay đọc tin tức, check mail…Những cải tiến khác như thời gian khởi động thiết bị cực nhanh: các máy dùng ổ SSD chỉ mất khoảng 10 giây để khởi động còn ổ HDD sẽ dao động từ 30 đến 15 giây; laptop chạy Windows 8 tiết kiệm pin hơn so với Windows 7…cũng là rất tuyệt vời đáng để nâng cấp. Một điểm nữa đó là giá bán của Windows 8 là khá rẻ. Nếu đang sở hữu 1 chiếc PC dùng Windows bản quyền, bạn chỉ cần hơn 300 ngàn Việt Nam Đồng là đã có thể nâng cấp lên Windows 8 (chương trình này sẽ hết hạn vào 31/1 năm sau).
Người có nhu cầu hay di chuyển
Với đối tượng người dùng hay có nhu cầu di chuyển, khả năng đồng bộ là một yếu tố quan trọng và Windows 8 làm rất tốt điều này. Microsoft cung cấp 7 GB đến 25 GB miễn phí dịch vụ lưu trữ đám mây SkyDrive, mức dung lượng miễn phí khá lớn, đủ cho bạn lưu trữ các thông tin quan trọng để sử dụng trên nhiều thiết bị khác nhau nhờ tính năng đồng bộ hóa.
Video đang HOT
Windows 8 còn giới thiệu một tính năng tuyệt vời nữa cho đối tượng người dùng này, đó chính là Windows To Go. Windows To Go là tính năng giúp bạn cài đặt HĐH vào các thiết bị lưu trữ di động như USB và đem sử dụng nó trên các PC khác mà không làm mất đi các thiết lập mà họ đã cài trên HĐH. Tuy nhiên, lưu ý rằng tính năng này chỉ có trên phiên bản Windows 8 Enterprise, do đó nếu bạn thuộc nhóm đối tượng hay có nhu cầu di chuyển và ưa thích tính năng này, bạn buộc phải nâng cấp lên phiên bản Windows 8 này.
Đối tượng đam mê công nghệ
Nhóm người đam mê công nghệ mà người viết muốn nói tới bao gồm các bạn trẻ yêu thích tìm hiểu các công nghệ mới, và những người phải làm các công việc liên quan tới máy tính như thiết kế đồ họa, biên tập video…
Nếu bạn là một người đam mê công nghệ và am thích tìm hiểu những cái mới thì Windows 8 vẫn là một sản phẩm đáng thử. Cho đến nay, giao diện Metro vẫn đang nhận được nhiều đánh giá trái chiều khác nhau nhưng cảm nhận của người viết, Metro có những ưu điểm đáng kể. Icon ứng dụng được thiết kế to rõ, dễ dàng nhận biết hơn. Các ô gạch sinh động nhiều màu sắc của Windows 8 xét về mặt thẩm mĩ, đẹp hơn so với biểu tượng ứng dụng trên Windows 7 hay Windows XP. Tính năng tìm kiếm ứng dụng của Windows 8 hoạt động rất tốt, tốt hơn cách sắp xếp ứng dụng trong thanh Start của Windows 7. Tính năng tìm kiếm in-app và lọc kết quả giúp việc tìm kiếm cũng chính xác hơn.
Với các đối tượng thường xuyên làm việc về lập trình, đồ họa như đã nói trên, họ được thừa hưởng những cải tiến tốt ở khả năng hỗ trợ đa màn hình của Windows 8. Ngoài khả năng cho phép thiết lập hình nền riêng trên từng màn hình, mở rộng taskbar, Windows 8 giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc truy cập màn hình Start, thanh Charm Bar, các ứng dụng mới mở…Khả năng đa nhiệm trên nhiều màn hình cũng cải thiện rõ ràng hơn, giúp người dùng có thể chạy cả 2 loại ứng dụng Metro và Desktop, cho phép di chuyển ứng dụng Metro từ màn hình này sang bất kì màn hình nào khác, cũng như cho phép 2 ứng dụng Desktop chạy trên 2 màn hình song song với nhau.
Đối tượng game thủ
Game thủ là những người dùng xem PC chỉ là…công cụ để họ cài đặt và chơi các tựa game yêu thích của mình. Họ thường không quan tâm tới các yếu tố như sự mới mẻ trong giao diện mà chỉ quan tâm tới hiệu năng game, các cải tiến đồ họa mà HĐH có thể mang lại. Đáng tiếc là điều đó không có trên Windows 8 và lời khuyên dành cho đối tượng này là họ không nên nâng cấp. Microsoft không phát triển nhiều tính năng mới dành cho game thủ. Không có phiên bản DirectX mới nào cho Windows 8 đồng nghĩa với việc đồ họa trên game chạy trên Windows 8 sẽ không có gì khác so với Windows 7. Một số cải tiến đồ họa của Microsoft trên Windows 8 chỉ tập trung cho giao diện Metro, và đơn giản là nó không dành cho đối tượng này.
Có chăng chỉ có 1 tính năng mới trên Windows 8 liên quan tới game đó là việc tích hợp HĐH này với Xbox Live và Xbox 360. Tính năng này cho phép họ kết nối dễ dàng hơn với bạn bè trên Xbox Live từ PC và chơi một số game Xbox 360 trên máy tính của mình. Tuy nhiên, lượng người dùng các dịch vụ này ở Việt Nam là không nhiều.
Kết
Windows 8 cho tới nay vẫn đang nhận được nhiều đánh giá trái chiều. Nhiều người chỉ trích Microsoft và cảm thấy khó hiểu vì sao họ lại phải mất công “học lại” cách dùng Windows, cũng như giao diện Metro không phù hợp với PC truyền thống. Tuy nhiên, theo cảm quan người viết, việc sử dụng Windows 8 trên PC không thực sự quá rắc rối, và những ai chưa quen sẽ chỉ mất 1 thời gian ngắn để thích ứng. Bù lại, những cải tiến khác của Windows 8 là rất đáng chú ý: giúp hệ thống nâng cao hiệu năng, bảo mật tốt hơn…Ngoại trừ đối tượng game thủ vốn ưu tiên sự ổn định, tương thích với các tựa game đang chơi thì Windows 8 tỏ ra có nhiều tính năng phù hợp với nhiều đối tượng người dùng khác. Nếu bạn vẫn còn “lăn tăn”, giải pháp cài đặt song song Windows 8 lên HĐH hiện tại cũng là 1 lựa chọn không tồi. Bạn có thể vừa trải nghiệm những cải tiến tốt trên Windows 8, vừa không sợ làm xáo trộn những tác vụ hiện tại của mình cho tới khi mọi thứ đã quen thuộc với HĐH mới.
Theo Genk
Microsoft bị kiện vì "ăn bớt" dung lượng lưu trữ trên Surface RT
Cảm thấy bức xúc vì Microsoft "ăn bớt" quá nhiều dung lượng lưu trữ thực tế trên máy tính bảng Surface RT so với quảng cáo, một luận sư ở California đã quyết định khởi kiện "gã khổng lồ" phần mềm Mỹ vì điều này.
Theo đó, mặc dù hiện tại Surface RT được bán với 2 phiên bản bộ nhớ 32 GB và 64 GB, tuy nhiên, trên thực tế với phiên bản ổ cứng 32 GB của Surface RT, người dùng sẽ chỉ có thể sử dụng tối đa 16 GB dung lượng để lưu trữ. Trong khi đó với phiên bản 64 GB, cũng sẽ chỉ có 45 GB dung lượng trống để lưu trữ dữ liệu.
Sở dĩ có điều này là bởi lẽ một phần không nhỏ dung lượng trên Surface RT dùng để lưu trữ Windows và các công cụ để khôi phục hệ thống. Chẳng hạn với phiên bản 32 GB sẽ phải tốn 5 GB cho các công cụ khôi phục Windows, 8 GB cho hệ điều hành Windows RT và các ứng dụng kèm theo như Microsoft Office... Như vậy, Surface RT đã mất đến 13 GB để lưu trữ các thành phần cần thiết của hệ thống, có vẻ như đây là lí do để Microsoft không sản xuất phiên bản bộ nhớ 16 GB.
Dung lượng dùng để chứa hệ điều hành và các thành phần kèm theo trên Surface RT là quá lớn so với tổng dung lượng có thể sử dụng.
Bên cạnh đó, cách tính dung lượng thực tế của phiên bản Surface 32 GB sẽ chỉ là 29 GB, còn của phiên bản 64 GB chỉ là 59 GB, đây là kết quả của sự khác biệt trong cách làm tròn đơn vị tính dung lượng (thông thường 1 GB = 1024 MB, tuy nhiên thường được làm tròn thành 1 GB = 1000 MB, tạo nên sự khác biệt về thông số dung lượng).
Việc dung lượng lưu trữ thực tế bị thiếu hụt so với tổng dung lượng như quảng cáo là điều thường gặp không chỉ trên Surface mà với hầu hết các thiết bị công nghệ hiện nay, từ máy tính bảng, smartphone đến ổ cứng... Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng cảm thấy hài lòng với điều này.
Cụ thể, Adrew Sokolowski, một luật sư sống tại California đã cảm thấy không hài lòng về việc dung lượng lưu trữ thực tế trên Surface RT thiếu hụt quá nhiều so với dung lượng thực sự như quảng cáo, và Sokolowski đã quyết định khởi kiện Microsoft vì điều này.
Vấn đề xảy ra sau khi Sokolowski mua một chiếc máy tính bảng Surface RT phiên bản 32 GB và nhận thấy ổ cứng đã bị đầy nhanh chóng sau khi vừa chỉ mới thêm vào những file media giải trí.
Sau khi tìm hiểu, Sokoloswki đã phát hiện ra rằng phiên bản Surface RT thực tế chỉ có được 16 GB dung lượng trống để người dùng sử dụng nên đã quyết định khởi kiện Microsoft vì đã quảng cáo sai sự thật về dung lượng trên sản phẩm.
Trên thực tế, người dùng Surface RT vẫn có thể dễ dàng mở rộng thêm dung lượng lưu trữ trên sản phẩm của mình, nhất là khi Surface RT hỗ trợ thêm khe cắm thẻ nhớ ngoài (có khả năng mở rộng tối đa lên 64 GB) và cổng kết nối USB 2.0, giúp người dùng dễ dàng di chuyển các dữ liệu ra bên ngoài để tiết kiệm dung lượng lưu trữ.
Ngoài ra, Microsoft cũng trang bị cho người dùng Surface RT thêm ứng dụng lưu trữ đám mây SkyDrive, cho phép mở rộng thêm dung lượng lưu trữ trên thiết bị thông qua dịch vụ lưu trữ trực tuyến.
Tuy nhiên, với tỉ lệ chiếm dụng dung lượng lưu trữ của người sử dụng cho Windows và các thành phần kèm theo như trên Surface RT là quá lớn, nếu so với các sản phẩm khác. Chẳng hạn, máy tính bảng iPad của Apple sẽ chứa hệ điều hành và các ứng dụng sẵn có trên iOS ở một phân vùng bộ nhớ riêng biệt, thay vì sử dụng chung bộ nhớ lưu trữ như trên Surface RT.
Hiện Microsoft chưa đưa ra bình luận nào về vụ kiện.
Theo Dân Trí
Đừng tin vào bảo mật đám mây! Hãy tự bảo vệ dữ liệu của bạn Các dịch vụ lưu trữ đám mây thực sự rất hữu ích, cho phép người sử dụng có thể truy cập vào dữ liệu tại mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị kết nối internet. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của các dịch vụ đám mây, trong đó có cả các dịch vụ đám mây có tiếng như Dropbox hay SkyDrive,...