Đổi mới tốt nghiệp THPT: Lập luận thuyết phục thì phải nghe
Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến mà những lập luận thuyết phục chứ không chỉ dựa vào ý kiến số đông…
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: Tuy dự kiến đổi mới thi tốt nghiệp mà Bộ GD&ĐT mới đưa ra hồi đầu tháng 1/2014 nhưng đến nay chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp cũng như trên các phương tiện truyền thông.
Trong số những người đóng góp ý kiến một số chưa thật sự hiểu đúng ý của lãnh đạo Bộ. Chẳng hạn, họ nói nếu Bộ GD&ĐT đưa môn ngoại ngữ thành môn thi khuyến khích thì đó là một động thái thiếu coi trọng môn này.
Thật ra, vì rất coi trọng việc dạy và học môn ngoại ngữ nên Bộ GD&ĐT mới đưa ra phương án xem ngoại ngữ như một môn thi khuyến khích, thay vì bắt buộc hay tự chọn. Bằng chứng là Bộ GD&ĐT hiện đang triển khai Đề án ngoại ngữ 2010, trong đó đặt ra yêu cầu đảm bảo chất lượng dạy học môn ngoại ngữ.
Coi trọng việc dạy và học môn ngoại ngữ nên Bộ GD&ĐT mới đưa ra phương án xem ngoại ngữ như một môn thi khuyến khích. Ảnh: Hồng Vĩnh
Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của đề án này là phải tìm cách thi cử, đánh giá khác để học sinh được bộc lộ năng lực nghe nói đọc viết. Chắc chắn không thể ngồi một lúc 90 phút như hiện nay mà kiểm tra được những năng lực này của 1 triệu học sinh trên cả nước.
Bộ đưa ra hai phương án, một là xem ngoại ngữ như một môn khuyến khích, hai là xem ngoại ngữ như một môn bắt buộc cùng với toán và văn. Những góp ý mà Bộ nhận được nghiêng về phương án nào?
Đa số ý kiến ở khu vực thành phố đề xuất đưa môn ngoại ngữ vào thi tự chọn chứ họ lại không hẳn là chọn phương án hai, tức thi bắt buộc. Còn đa số ý kiến của những người sống vùng xa thì đồng tình với phương án một là khuyến khích thi.
Video đang HOT
Nói chung nếu là thi thì thi theo kiểu gì cũng có tác dụng khuyến khích việc học và việc dạy, dù nhiều hay ít. Nếu không thi cũng không có nghĩa là không thi hẳn mà chỉ tạm thời để tập trung vào cái đổi mới cách thi cử kiểm tra đánh giá, đổi mới chương trình.
Đặc biệt, khi không có áp lực về chuyện học và chuyện thi nữa thì mình có thể đưa giáo viên đi đào tạo lại để đạt chuẩn, khi có chương trình mới có cách thức thi cử mới thì mới bắt buộc phải thi. Việc tạm thời “ngắt” ra một thời gian sẽ giúp quá trình đến chuẩn nhanh hơn. Nhưng Bộ vẫn chưa quyết phương án nào.
Căn cứ để Bộ quyết có phải phương án nào được đa số ủng hộ?
Không, đây là Bộ xin ý kiến chứ có phải tổ chức bình bầu gì đâu mà lại dựa vào số phiếu? Bộ sẽ phải cân nhắc dựa vào những phân tích của những người đóng góp ý kiến. Nếu ý kiến trái chiều mà thuộc về số ít nhưng lập luận thuyết phục thì Bộ vẫn phải nghe. Tất nhiên, nếu nhiều người cùng chung ý kiến mà lập luận thuyết phục thì càng phải nghe.
Ngoài những băn khoăn về môn ngoại ngữ, còn những thắc mắc nào của dư luận mà Bộ thấy cần phải giải thích kỹ hơn không, thưa ông?
Về căn cứ nào để đưa ra tỷ lệ 20% thí sinh được miễn thi, vấn đề này Bộ cũng đã giải thích nhiều rồi. Về việc chỉ thi 4 môn, nhiều người cũng có ý kiến, cho rằng, như thế là học lệch, là thiếu toàn diện… Tôi cho rằng, nhiều người nhận xét dựa vào quán tính cũ trong suy nghĩ, cứ bảo phổ thông là phải toàn diện nhưng cần có một tư duy mới về “toàn diện”.
Với dự định chỉ thi 4 môn, Bộ căn cứ vào chỉ đạo của Nghị quyết T.Ư 8, theo đó mục tiêu giáo dục của cấp THCS là trang bị cho học sinh kiến thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS, còn THPT thì tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sinh phổ thông có chất lượng. Như vậy, ở THPT học sinh sẽ được phân hóa, Bộ không yêu cầu tất cả các em phải học giống nhau.
Cảm ơn Thứ trưởng
Hôm nay, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức một hội nghị “ba trong một”: quán triệt và triển khai Nghị quyết T.Ư 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013 – 2014; công tác thi và tuyển sinh năm 2014 đối với khối sở GD&ĐT.
Theo TNO
Các trường đang 'ngồi trên đống lửa'
Vào thời điểm này các năm học trước, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đã triển khai kế hoạch ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Tuy nhiên, năm nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa quyết định phương án thi tốt nghiệp THPT nên các trường lúng túng chưa biết nên triển khai ôn tập thế nào.
Thấp thỏm, lo lắng, nghe ngóng!
Tâm trạng chung của ban giám hiệu nhiều trường THPT hiện nay là thấp thỏm, nghe ngóng và trông chờ Bộ GD-ĐT công bố chính thức phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Cùng tâm trạng này, ông Nguyễn Văn Tú, Hiệu trưởng trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) cho biết, nhà trường lúng túng trong việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12. Việc giảm môn thi tốt nghiệp là có lợi cho học sinh nhưng nếu như Bộ GD-ĐT có phương án sớm hơn, thì các trường có thời gian chuẩn bị, kịp thích nghi và việc tổ chức ôn tập cho học sinh sẽ tốt hơn rất nhiều.Ông Phan Ngọc Tấn, Phó hiệu trưởng trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) lo lắng: "Thời điểm này những năm trước, nhà trường đã triển khai kế hoạch ôn tập cho các lớp 12. Nhưng năm nay, đến giờ Bộ vẫn chưa công bố chính thức phương án thi tốt nghiệp nên nhà trường chưa thể đề ra kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh. Trong khi đó, học lực của phần đông học sinh chỉ ở mức trung bình nên nhà trường rất sốt ruột".
Cũng theo đại diện các trường, nếu theo phương án 1 (phương án được phần đông ý kiến lựa chọn), ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Văn, học sinh được lựa chọn 2 môn tự chọn trong số các môn tự chọn do Bộ GD-ĐT quy định, thì việc tổ chức ôn tập cho học sinh lường trước sẽ gặp khó khăn do phải thay đổi hoàn toàn so với cách bố trí trước đây.
Ông Nguyễn Văn Tú cho biết, trước đây học sinh ôn tập theo lớp, lớp nào học theo lớp đấy, nhà trường chỉ cần phân thời khóa biểu theo buổi sáng và chiều. Còn theo phương án thi tốt nghiệp mới, trong một lớp sẽ phải phân ra nhiều nhóm theo từng bộ môn, chưa kể còn phải phân hóa theo năng lực học sinh.
Như vậy, nhà trường phải cho học sinh đăng ký nguyện vọng trước, rồi mới phân chia, sắp xếp nhóm lớp theo môn mà các em đăng ký thi, tiếp đó là bố trí giáo viên giảng dạy. Việc tổ chức ôn tập như thế rõ ràng là phức tạp hơn nhưng nhà trường lại không có nhiều thời gian để kịp thay đổi.
"Hiện nay đa phần học sinh học nghiêng về khối A nên sẽ khó tránh khỏi việc lựa chọn môn đăng ký môn thi tốt nghiệp sẽ tập trung vào các môn tự nhiên, còn các môn xã hội sẽ rất ít học sinh đăng ký. Điều đó cũng khiến cho việc phân chia lớp ôn tập thi tốt nghiệp khó khăn do có những bộ môn sẽ bị quá tải, còn có môn sẽ chỉ có vài học sinh", ông Phan Ngọc Tấn dự đoán.
Chủ động đón đầu
Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn vài tháng để ôn tập nên trong khi chờ quyết định của Bộ GD-ĐT, nhiều trường cũng chủ động có kế hoạch "đón đầu".
Ông Nguyễn Bá Lộc, Hiệu trưởng trường THPT Trần Quang Khải (huyện Long Điền) cho biết, nhà trường đã tiến hành thăm dò ý kiến học sinh về các môn tự chọn. Mỗi học sinh được phát một bảng đăng ký trong đó có 6 môn: Hóa, Lý, Sinh, Sử, Địa, tiếng Anh.
Các em sẽ đánh số thứ tự theo mức độ thích chọn từng môn. Chẳng hạn nếu thích môn Hóa nhất thì các em sẽ đánh số 1, thứ nhì đến môn Lý thì đánh số 2... Hiện nay nhà trường đang tổng hợp ý kiến khảo sát của học sinh. Trên cơ sở này, nhà trường tính toán và dự trù trước việc bố trí các lớp ôn tập theo bộ môn.
Khi Bộ GD-ĐT công bố chính thức phương án thi tốt nghiệp mới, nhà trường sẽ tổ chức ngay các lớp ôn tập thi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, mặc dù tiếng Anh không phải là môn thi bắt buộc nhưng nhà trường cũng dự đoán phần đông học sinh sẽ chọn thi tiếng Anh để được cộng điểm khuyến khích.
Bởi lẽ, nếu môn này được điểm cao thì các em sẽ được cộng thêm điểm vào tổng điểm thi tốt nghiệp, còn điểm thấp thì cũng không ảnh hưởng gì đến kết quả thi tốt nghiệp.
Với trường THPT Võ Thị Sáu, nhà trường tập trung ôn thi vào 5 môn là Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa. Ông Nguyễn Văn Tú giải thích: "Khi định hướng học sinh theo các khối thi ĐH, đa số học sinh của trường đều chọn khối A, còn khối D và C rất ít học sinh chọn.
Do vậy, ngoài 3 môn Toán, Văn, Anh nhà trường xác định Lý, Hóa là môn chủ lực nên việc ôn tập thi tốt nghiệp cũng như thi ĐH đều tập trung cho các môn này".
Hiện nay, không chỉ riêng trường THPT Võ Thị Sáu mà nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đều thực hiện ôn tập theo hướng này.
Theo TNO
Các phương án thi tốt nghiệp THPT: Xem xét ngoại ngữ là môn tự chọn Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Vinh Hiển (ảnh), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định đang và sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp về đề án thi tốt nghiệp THPT và chỉ quyết định khi thấy yên tâm về tính khả thi cũng như điều kiện thực hiện. Học sinh lớp 12 đang chờ đợi quyết định...