Đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực của học sinh
Việc lựa chọn giáo viên căn cứ vào cơ cấu, độ tuổi và số năm thực dạy lớp 1, ưu tiên những giáo viên có độ tuổi dưới 50, có kinh nghiệm giảng dạy lớp 1 từ ba năm trở lên.
Giờ giáo dục thể chất của học sinh lớp 1, Trường tiểu học Trần Nhân Tông (Nam Định).
Năm học 2020 – 2021 là năm đầu tiên cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, các địa phương còn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, giao quyền tự chủ cho giáo viên trong việc lựa chọn hình thức tổ chức dạy học để các tiết học trở nên sinh động, phát huy tính tích cực của học sinh.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hải Phòng, Vũ Văn Trà, để thực hiện chương trình GDPT mới, ngành giáo dục Hải Phòng đã tích cực chuẩn bị các điều kiện như rà soát bổ sung cơ sở vật chất cấp tiểu học, tuyển bổ sung và tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên dạy lớp 1.
Việc lựa chọn giáo viên căn cứ vào cơ cấu, độ tuổi và số năm thực dạy lớp 1, ưu tiên những giáo viên có độ tuổi dưới 50, có kinh nghiệm giảng dạy lớp 1 từ ba năm trở lên. Ngoài các đợt tập huấn của bộ, sở và huyện, các trường chú trọng bồi dưỡng tại tổ nhóm, tổ chức chuyên đề để giáo viên cùng thảo luận và rút kinh nghiệm phương pháp dạy học.
Trong khi đó, tỉnh Nam Định ngay từ năm học 2019 – 2020 đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, phòng chức năng tại một số trường tiểu học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới. Hệ thống bàn ghế, bảng đen, đèn chiếu sáng, quạt mát, diện tích phòng học được bố trí đáp ứng yêu cầu quy định. Phần lớn các trường có bộ thiết bị tối thiểu bảo đảm việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT Nam Định chỉ đạo các nhà trường tập trung sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, tập thể giáo viên nhà trường cùng nhau hỗ trợ giáo viên dạy lớp 1 để giải đáp thắc mắc, kịp thời xử lý những tình huống khi giáo viên gặp khó khăn.
Chúng tôi có mặt tại giờ học giáo dục thể chất ở Trường tiểu học Trần Nhân Tông (Nam Định), không khí sôi nổi, học sinh không chỉ hoạt động vận động mà còn được học thêm kiến thức của các môn khác. Cô giáo Trần Thị Phương Nhung, giáo viên bộ môn giáo dục thể chất chia sẻ: Do chương trình GDPT mới là chương trình mở, cho nên giáo viên đã chủ động thay đổi phương pháp, tích hợp các môn học như Âm nhạc, tiếng Việt, Tự nhiên Xã hội để học sinh vừa được rèn luyện thể chất, vừa được lĩnh hội kiến thức.
Thí dụ, giáo viên đã chủ động tìm kiếm những hình ảnh có những vần mà học sinh đã được học ở môn tiếng Việt để học sinh đọc, việc làm này giúp các con ghi nhớ được kiến thức lâu hơn. Cô giáo Nguyễn Thu Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3 cho biết: Do được chủ động tổ chức các hoạt động khơi gợi sự sáng tạo của học sinh. Với bộ môn tiếng Việt, giáo viên có thể phối hợp cùng các bộ sách khác để chắt lọc những từ ngữ hay và phù hợp để giảng dạy, miễn sao học sinh được phát triển năng lực tốt nhất và phù hợp với học sinh.
Triển khai chương trình GDPT mới đã phát huy khả năng sáng tạo, giáo viên đã mạnh dạn đưa những ý tưởng mới để giảng dạy cho học sinh. Cô giáo Vũ Thanh Phương, giáo viên Trường tiểu học Ngọc Sơn (quận Kiến An, Hải Phòng) chia sẻ: Ở môn Toán, học sinh được học nhiều hình trong một bài, để học sinh nhận biết được hình dạng một cách nhanh nhất, giáo viên đã tổ chức trò chơi tiếp sức, nhóm nào chọn đúng, nhanh và nhiều hình nhất thì nhóm đó sẽ chiến thắng.
Qua trò chơi này, học sinh được củng cố, nhận biết lại những hình đã học, đồng thời rèn cho học sinh phản xạ nhanh trong quan sát các nhóm hình cũng như có khả năng tương tác, chia sẻ, giúp đỡ để cùng bạn hoàn thành nhiệm vụ cô giáo yêu cầu. Quá trình dạy học, điều dễ nhận thấy không khí lớp học rất đổi khác, học sinh năng động, tự tin, tiết học trở nên sôi nổi và hứng thú, học sinh được chủ động thể hiện khả năng của mình.
Video đang HOT
Theo cô giáo Phạm Thị Thu Hà, giáo viên Trường tiểu học Ngọc Sơn, điểm thuận lợi của chương trình GDPT mới là trong quá trình giảng dạy, giáo viên được triển khai mềm dẻo, linh hoạt. Đối với những bài khó, giáo viên có thể chuyển sang tiết bổ trợ vào buổi chiều. Trong hoạt động giảng dạy, giáo viên được sử dụng linh hoạt các phương pháp. Thí dụ, trong các tiết học đều có hoạt động ôn và khởi động, đây là điểm rất mới, sẽ tạo tâm thế cho học sinh khi vào lớp, hứng thú và tập trung vào bài giảng.
Theo Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ, để triển khai chương trình GDPT mới hiệu quả, các cơ sở giáo dục cần xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học, môn học phù hợp điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung chương trình.
Thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; vận dụng những thành tố tích cực của mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Các trường tích cực tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại các tổ chuyên môn trong trường và cụm trường. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống… đáp ứng nhu cầu đổi mới GDPT.
Giáo viên lý giải phản ứng của phụ huynh về chương trình SGK mới
Theo các giáo viên, điểm sáng là SGK có hình ảnh đẹp, kích thích sự hứng khởi, tư duy sáng tạo của học sinh. Ở môn Tiếng Việt, từ các vật để trẻ bật được ra các tiếng, nẩy ra các âm cần học, chứ không trừu tượng.
Chia sẻ với VietNamNet, cô Trần Thị Kim Tình, giáo viên Trường Tiểu học Đại An (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) cho hay, trong thời gian qua, rất nhiều phụ huynh ý kiến về nội dung sách giáo khoa mới.
Với 21 năm dạy trẻ lớp 1, đã từng dạy sách giáo khoa phổ thông trước đây, sách Công nghệ giáo dục và sách mới, cô Tình thừa nhận cách tiếp cận của chương trình phổ thông mới hơi gấp gáp trong phần xuất hiện âm ở môn Tiếng Việt. "Nhưng số đông học sinh theo được, chỉ có một vài học sinh chậm thì thực sự hơi khó để tiếp cận với chương trình", cô Tình nói.
Cô Trần Thị Kim Tình, giáo viên Trường Tiểu học Đại An (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) trong một tiết học chương trình phổ thông mới.
Cô Tình cho rằng, năm nay cũng là năm tương đối khó khăn bởi ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. "Trong thời gian đó, trẻ cũng không được đến trường mầm non. Bước vào năm học mới này, các giáo viên cũng không có tuần 0 (tuần đệm) để rèn luyện nề nếp học sinh lớp 1 như các năm học trước. Do đó vào năm học, vừa phải dạy kiến thức mới vừa phải rèn nề nếp cho học sinh nên cả cô và trò đều khá vất vả".
Thế nhưng, theo cô Tình, điểm sáng là sách giáo khoa có nhiều hình ảnh đẹp, bắt mắt, kích thích sự hứng khởi, tư duy tò mò sáng tạo của học sinh.
Đặc biệt, môn Tiếng Việt được xây dựng một cách cụ thể hơn theo hướng từ các vật để trẻ bật được ra các tiếng, nẩy ra các âm cần học, chứ không trừu tượng.
"So với những chương trình với quan điểm "chân không về nghĩa" khi xuất hiện nhiều từ không có nghĩa, thì trong sách giáo khoa mới lần này đã trực quan hơn. Tức khi đã xuất hiện tiếng nào, từ nào thì phải gắn với nghĩa của tiếng, từ đó".
Bà Mai Thị Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại An (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) cho hay: "Vẫn còn một số phụ huynh bỡ ngỡ bởi việc thay sách. Từ trước đến nay, tỉnh Nam Định dạy học theo chương trình Công nghệ giáo dục, thậm chí, cách đánh vần từ ngày xưa đã in sâu vào tâm trí của nhiều phụ huynh. Nhiều phụ huynh tưởng rằng mình có thể tự dạy được cho con và về nhà cũng tự thêm thắt vào. Song cũng chính vì những điều đó đôi khi gây khó khăn cho nhà trường".
Bà Mai Thị Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại An (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).
Nói về chương trình, bà Quỳnh cho rằng một thứ rất mới, thực hiện chưa được 1 tháng rưỡi thì chưa thể kết luận rằng có nặng hay không. "Tôi có nghiên cứu và cũng được đi tập huấn thì biết rằng tổng thể số âm, số vần vẫn như vậy thì không thể nói là nặng được".
Song, bà Quỳnh cho rằng, với một chương trình mới, vừa được đưa vào một thời gian ngắn, lại trong bối cảnh năm học ảnh hưởng bởi Covid-19, các giáo viên tự mày mò hoặc được tập huấn qua kênh trực tuyến, nên chắc chắn sẽ rất khó khăn.
Vì vậy, nhà trường tích cực tổ chức sinh hoạt chuyên môn. "Hai tuần trường tổ chức họp chuyên môn một lần. Riêng giáo viên dạy lớp 1 được tập huấn riêng và được đưa ra những thắc mắc trên thực tế để giải đáp", bà Quỳnh nói.
Nói về nội dung của SGK Tiếng Việt 1, cô Nguyễn Thu Trang (giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3 Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định) cho hay: "Có ý kiến của một số phụ huynh cho rằng những bài tập đọc dài, không phù hợp khi chọn những từ ngữ chưa hay. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần hiểu rằng, để tạo được ra những bài tập đọc đó, các tác giả cũng đã rất cố gắng lựa chọn làm sao cho phù hợp nhất, làm sao trong bài tập đọc đó xuất hiện được nhiều nhất những từ ngữ mà các âm, vần mà các con đã được học; ngoài ra còn đảm bảo quy tắc không sử dụng những âm, vần mà các con chưa được học để đưa vào bài. Ví dụ như cụm "Thỏ nhá cỏ", có phụ huynh ý kiến rằng tại sao không thay từ "nhá" bằng từ "nhai" vì phổ thông hơn.
Nhưng các bậc phụ huynh cũng cần hiểu rằng là các con chưa học đến vần "ai", do đó sách đã phải đưa vào tiếng "nhá" thay cho tiếng "nhai". Lý đo đôi khi chỉ đơn giản là như vậy, nên cũng rất mong phụ huynh thấu hiểu và cùng đồng hành với giáo viên để giúp các con tiếp cận chương trình, sách giáo khoa mới được tốt nhất".
Một giờ học Tiếng Việt theo chương trình phổ thông mới của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định.
Sau 6 tuần dạy học, cô Trang cho rằng "chương trình phổ thông mới trao quyền chủ động hơn cho giáo viên trong việc lựa chọn kiến thức nào dạy trước hay sau, thậm chí có thể kết hợp với sách giáo khoa của các bộ khác để chắt lọc những từ ngữ, bài đọc hay để đưa vào dạy học sinh".
Cô Trần Thị Phương Nhung cùng học trò trong giờ Giáo dục thể chất của Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (TP Nam Định). Tiết học Giáo dục thể chất mà mình vừa tổ chức đã tích hợp cả các nội dung về Âm nhạc, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội, Bảo vệ môi trường và An toàn giao thông.
Ông Nguyễn Thế Lâm, Trưởng phòng GD-ĐT TP Nam Định chia sẻ: "Việc một số phụ huynh cho rằng chương trình nặng có thể do phụ huynh chưa hiểu hết. Bởi chương trình mới là khung, còn sách giáo khoa chỉ là tài liệu để giáo viên tham khảo, vận dụng và triển khai. Trong sách giáo khoa cũng có thể có những "hạt sạn" nhưng điều đó cũng khó có thể tránh khỏi, bởi trong quá trình biên soạn các tác giả tập trung vào mục tiêu chuyên môn. Tuy nhiên, ngành giáo dục sẽ phải hướng tới việc lắng nghe, tiếp thu để làm sao vừa đạt được mục tiêu chuyên môn vừa đảm bảo phù hợp thực tiễn, thỏa mãn phụ huynh".
Ông Lâm cho hay, ý kiến nặng hay nhẹ cần phải kết thúc học kỳ 1 khi có đánh giá tổng kết qua kết quả của các học sinh. "Tôi nghĩ cần phải có những ý kiến thì mới cho thấy tính mới, thay đổi của bộ sách. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới này, ngành giáo dục rất cần lắng nghe và có sự chắt lọc, phân tích có cơ sở khoa học để có quyết định điều chỉnh hay không".
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho hay, chương trình là cốt lõi của sự đổi mới, còn sách giáo khoa chỉ là công cụ giúp giáo viên thể hiện sự đổi mới phương pháp, ý tưởng bài dạy.
Theo ông Hồng, truyền thông tinh thần của chương trình phổ thông mới là điểm quan trọng.
"Học sinh lớp 1 vừa từ bậc mầm non lên nên còn bỡ ngỡ. Do đó, nếu phụ huynh không nắm được ý tưởng đổi mới, cốt lõi của chương trình thì dễ dẫn đến không hiểu rõ bản chất và dạy học sinh theo lối cũ gây va vấp, khó thống nhất, đồng bộ trong quá trình dạy học".
Cô giáo Bình Thuận kêu gọi Tỉnh hãy bỏ mô hình trường học mới VNEN Nếu vì học sinh, vì chất lượng giáo dục hãy để cho chúng tôi được lựa chọn phương pháp dạy học miễn sao thật sự hiệu quả với học sinh của mình. Đi dạy gần 30 năm nhưng tôi có thể khẳng định rằng chưa bao giờ chất lượng học tập của học sinh lại bết bát như năm học này. Một tiết...