Đổi mới giáo dục không phải chỉ ở trên giảng đường, lớp học
GD&TĐ – Đây là khẳng định của PGS.TS Phan Quang Thế – Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) – khi chia sẻ kinh nghiệm tâm huyết trong triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 của nhà trường.
- Có không ít người bày tỏ nghi ngờ về kết quả của Đề án Ngoại ngữ 2020, thậm chí cho rằng, Đề án này khó có thể cán đích. Thầy nghĩ sao về những ý kiến này?
Ngày nay, ở nước ta, khi nói đến bất cứ điều gì cần làm, cần cải cách câu cửa miệng của không ít người là chê bôi, phản bác và không biết bao nhiêu lý lẽ được mang ra để chứng minh rằng không thể làm được, sau đó là những lời đại loại “lấy đâu ra tiền mà làm”, “tiền ít thế thì làm được gì”, “Hoa Kỳ và Châu Âu khác ta làm sao có thể áp dụng vào nước ta được”. Đặc biệt, khi những việc cần làm, cần cải cách lại ảnh hưởng trực tiếp đến những người đó thì họ tìm cách chống lại.
Có một điều quan trọng nhất đó là nhân cách của những người phản bác, chê bôi đó là thế nào và người đó đã làm được gì thật sự cho tập thể, sự nghiệp và đất nước chưa, thì hầu như chẳng ai mấy quan tâm.
PGS.TS Phan Quang Thế
Chủ nghĩa cá nhân với tư tưởng “ai cũng như ai cả thôi” đã tạo ra môi trường để cái tôi phát triển và làm cho “công bằng xã hội” khó mà trở thành hiện thực.
Đấu tranh vì một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh” dần bị thủ tiêu và thay vào đó là “sự thỏa hiệp” để bằng mọi giá đạt được mục tiêu cá nhân. Đất nước vì thế “phát triển chưa xứng với tiềm năng” cũng là lẽ thường tình.
Hiện nay, có nhiều quan điểm đánh giá không hay về GD&ĐT cũng như Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, nhưng nếu không thấy con đường đầy chông gai mà xã hội đang tạo ra cho đổi mới giáo dục và đào tạo thì việc đánh giá như thế là quá phiến diện.
Xin đưa ra ví dụ, sau hơn bốn năm triển khai đổi mới nhà trường toàn diện, theo quan điểm và đường lối của Đảng tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp – ĐH Thái Nguyên, nhà trường đã đạt được những thắng lợi mang tính đột phá trong lịch sử 50 năm phát triển.
Sinh viên của trường đa số từ các tỉnh miền núi phía Bắc với điểm tuyển sinh đầu vào chỉ từ điểm sàn đến trên điểm sàn vài điểm, thế nhưng họ đã vượt lên để hoàn thành chuẩn tiếng Anh khi tốt nghiệp theo tinh thần của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 một cách bất ngờ. Chỉ trong 1,5 năm đã có gần 2.700 sinh viên của trường đạt chuẩn tiếng Anh Toefl-ITP390 đến Toefl-ITP620 và cứ mỗi tháng, trường lại có thêm gần 200 sinh viên đạt chuẩn.
- Trên thực tế, khó có trường có khả năng để tổ chức các lớp tiếng Anh cho hàng ngàn sinh viên/ học kỳ. Vậy có cách nào hiệu quả để giúp sinh viên đạt chuẩn tiếng Anh trong điều kiện hiện có của trường mình hay không?
Về điều này, xin chia sẻ những kinh nghiệm đã được Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp rút ra qua quá trình triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.
Video đang HOT
Thứ nhất, không phải cứ đặt chuẩn thấp là sẽ có nhiều sinh viên đạt được chuẩn. Thực tế tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp, tỷ lệ sinh viên đạt Toefl-ITP450 cao hơn tỷ lệ sinh viên đạt Toefl-ITP390.
Thứ hai, tăng thời lượng lên lớp học tiếng Anh chưa phải giải pháp hữu hiệu bởi vì thực tế khi tăng thời lượng lên gấp đôi, vẫn với các thầy cô giáo tiếng Anh ngày xưa, nay trình độ đã vượt hẳn lên tới Toefl-ITP550 đến 600 dạy mà vẫn không đạt được kết quả mong đợi.
Như câu hỏi của bạn, vấn đề của học tiếng Anh đó là rèn luyện kỹ năng mà kỹ năng thì không bao giờ đủ thời gian để rèn luyện theo kiểu tổ chức các lớp học chính thức của nhà trường.
Việc giúp sinh viên đạt chuẩn tiếng Anh không chỉ dừng lại ở việc mở và dạy tiếng Anh trên lớp và đúng là nhà trường không thể có khả năng để tổ chức các lớp tiếng Anh cho hàng ngàn sinh viên/ học kỳ. Thực tế chứng tỏ việc học tiếng Anh đạt kết quả chủ yếu là do tự học và học lẫn nhau theo tinh thần “Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1945″.
Điều này đã được giảng viên của trường áp dụng trước. Sau khi học xong các lớp tiếng Anh do nhà trường tổ chức mà vẫn chưa đạt yêu cầu, giảng viên đã tự tổ chức các lớp nhỏ tự học và nhờ người giỏi hơn, biết hơn dạy lẫn nhau.
Sinh viên học tập thầy cô nhưng với quy mô lớn hơn trong các câu lạc bộ vài chục em đến hàng trăm em. Sau đó nhờ người giỏi hơn dạy và tự học trong khuôn viên trường vào buổi sáng sớm và buổi chiều sau giờ lên lớp. Tự học và học theo nhóm là chính giúp sinh viên đạt chuẩn tiếng Anh nhanh và hiệu quả với chi phí thấp.
Để tạo động lực cho sinh viên, nhà trường đã tạo nhiều hướng để sinh viên học tiếng Anh. Sinh viên có thể học 10 tín chỉ tiếng Anh ở Trường và thi Toefl-ITP để được xét tốt nghiệp hoặc có thể học tiếng Anh ở nơi khác hoặc tự học, tự thi Toefl-ITP và nộp điểm cho nhà trường.
Nếu kết quả thi Toefl-ITP đủ cao, điểm thi sẽ được quy đổi sang điểm các học phần tiếng Anh và sử dụng để xét tốt nghiệp. Trung tâm đào tạo theo nhu cầu xã hội là địa chỉ tin cậy để các em có thể học và tự học cho đến khi đạt chuẩn và chỉ phải nộp học phí một lần.
Nhà trường đã ký kết với Đại diện của Viện khảo thí Hoa Kỳ tại Việt Nam, IIG, lên tổ chức thi Toefl-ITP cho giảng viên, sinh viên tại trường ít nhất 1 lần/ tháng.
Quan điểm học tiếng Anh đi đôi với sử dụng tiếng Anh thông qua xây dựng môi trường tiếng Anh đang được áp dụng rộng rãi làm cho giảng viên và sinh viên bắt buộc phải tiếp cận với việc dùng tiếng Anh trong dạy và học…
Chúng ta không thể cái gì cũng mang lên giảng đường để dạy cho sinh viên mà phải tạo ra môi trường tập thể để sinh viên sinh hoạt, rèn luyện tại ký túc xá, cộng đồng dân cư nơi cư trú, tham gia các hoạt động tình nguyện, câu lạc bộ … nhằm giúp các em tránh xa và quên đi các tệ nạn xã hội.
Để sinh viên dành nhiều thời gian hoạt động trong khuôn viên trường thì cơ sở vật chất phải xây dựng để sinh viên có thể ăn, ở, sinh hoạt tại Trường như ký túc xá, nhà tắm nóng lạnh, wifi miễn phí, các khu thể dục, thể thao và đặc biệt là khu liên hợp dịch vụ nơi sinh viên có thể mua các nhu yếu phẩm cần thiết mà không phải ra ngoài khuôn viên trường…
- Thầy vừa nói đến giải pháp tự học và học theo nhóm. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chính là điểm yếu căn bản của sinh viên Việt Nam hiện nay. Vậy có cách nào để những giải pháp đưa ra không là hô hào, hình thức mà phải đi vào thực chất, tạo ra hiệu quả thực sự?
Thắng lợi của việc triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp – ĐH Thái Nguyên cho thấy đổi mới GD&ĐT không phải chỉ ở trên giảng đường, lớp học.
Không phải là năng lực làm việc theo nhóm của người Việt Nam quá kém như người ta thường nói; cũng không phải là chúng ta ít tiền nên không làm được; càng không phải là chỉ có các trường đại học ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mới có khả năng đổi mới GD&ĐT.
Tôi cho rằng, phải bằng việc xây dựng cho được môi trường giáo dục tiên tiến trong nhà trường, những việc làm thật không bệnh thành tích theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng; vận dụng sáng tạo chính sách, pháp luật, quy định của Nhà nước trong công việc chung và phải bảo vệ được những con người dám hy sinh cái tôi cho sự nghiệp GD&ĐT của Đảng; và cuối cùng thông qua công cuộc đổi mới thật sự mới dần thay đổi được tư tưởng con người theo hướng thiện.
Tất nhiên, con đường đi đến thành công như thế, không phải êm ả và nhẹ nhàng mà đầy chông gai và những phản ứng quyết liệt của một bộ phận không nhỏ cán bộ viên chức trong nhà trường. Để có được thành công trong triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, thực chất nhà trường phải triển khai đổi mới tất cả các mặt hoạt động một cách nghiêm túc.
Trường đã lựa chọn và chỉ sử dụng chuẩn đánh giá Toefl-ITP, với chuẩn này kết quả theo yêu cầu không thể có được ngoài học thật, thi thật. Khi con người buộc phải làm thật, phân hóa giỏi và yếu kém; chăm chỉ và lười biếng trở nên rõ ràng trong đội ngũ giảng viên, cán bộ viên chức và sinh viên.
- Xin cảm ơn thầy!
Theo GD&TĐ
Khi các bà, mẹ đi học xóa mù
Học để khỏi lăn tay trên xã, hát được karaoke, biết chữ như mấy cháu nội ngoại, viết được tên cha mẹ đặt cho mà xưa giờ không viết được.
Bấy nhiêu ước muốn đó là của các bà, các mẹ đang tham gia lớp học xóa mù chữ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế...
Đó là lớp học xóa mù chữ tại thôn Cự Lại Đông, xã Phú Hải, huyện Phú Vang, do thầy Huỳnh Văn Hưng - giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phú Vang - phụ trách vào các tối thứ hai, tư, sáu mỗi tuần. Phần lớn học viên đã có cháu nội, cháu ngoại.
Lớp học xóa mù chữ do thầy Huỳnh Văn Hưng phụ trách ở Cự Lại Đông, Phú Hải, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Thái Lộc/Tuổi Trẻ.
Lớp có 32 o, mệ
Khi cả lớp đang đồng thanh đọc dãy chữ cái thì bà Tĩnh (64 tuổi) đọc sai hoài. Thầy Hưng nhắc nhở, bà nói: "Mắt tôi kèm nhèm, đọc không rõ, để tôi lên bảng đọc cho coi!". Bước lên bảng, bà cụ đọc: "pờ, ku...". Dưới lớp có tiếng vọng lên: "Ku mô mà ku, quờ chớ!". Cả lớp rộ cười...
Khi cả lớp đang ngồi vắt óc trước những dấu lớn, bé hay bằng giữa các con số của bài tập toán thì từ góc lớp, một cụ bà sang sảng kể chuyện làm toán của mình. Cả lớp nhìn sang, đó là bà Nguyễn Thị Hái (60 tuổi) kể với người bên cạnh.
"Đi chợ về, tôi đổ ngay bao ớt ra nền. Rồi lấy vở ra, làm theo, cộng mấy thì bỏ qua mấy trái. Trừ thì lấy lui. Bỏ qua bỏ về, cuối cùng loạn xạ, không tính được nữa!" - nói đoạn bà Hái cười ha hả khiến cả lớp cười theo. Thầy Hưng kể có lần thầy viết chữ "ọp ẹp" trên bảng thì có người nhắc: "Chữ răng mà kỳ cục rứa!"...
Lớp học đang nửa chừng, một cụ bà đến trễ, cụ vừa bước vào lớp thì có người đàn ông ngoài sân nói: "Già rồi mà mệ còn đi học, xấu hổ chưa!". Cụ bà tức thì đáp trả: "Mắc chi mà xấu hổ. Phải động viên người ta đi học chớ. Học biết chữ còn đỡ hơn lên xã cứ lăn tay hoài à!".
Thật ra, để đến được lớp học, không ít học viên phải vượt qua nhiều lời dè bỉu, trêu ghẹo. Một cụ kể có người nói thẳng mặt cụ rằng: "Sắp xuống lỗ rồi mà còn đi học làm chi". Có trường hợp người ngăn cản dữ dội nhất chính là chồng, sợ vợ đi học xóa mù chữ làm... xấu mặt mình! Một số người đấu tranh vượt qua được để đến lớp, trong khi nhiều người khác thì đành ở nhà. Theo lời thầy Hưng: "Nhiều o, nhiều chị nói lúc mô chồng ra biển mới đến lớp học được. Nghe mà thương, quyền được đi học cũng bị cấm đoán, vô lý hết sức!".
Theo thầy Hưng, 32 học viên trong lớp thầy dạy là rất ít so với con số mù chữ thực tế của xã Phú Hải. Dù nam giới chiếm phần lớn số người mù chữ nhưng cả lớp toàn phụ nữ. Theo thầy Hưng: "Xóa mù chữ cho đàn ông nghề biển vô cùng khó thực hiện. Cứ tối trời là lênh đênh ngoài biển đến trăng sáng mới về, không học được!".
Anh Trần Vĩnh, người dân làng Cự Lại Đông, lý giải tình trạng mù chữ rất phổ biến ở quê mình rằng: "Hồi đó vùng ni rất cực, thường thiếu ăn. Làng toàn nghề biển nên con trai 4-5 tuổi đã theo cha ra biển làm nghề. Mà đã đi là đi mãi, khó ở nhà. Còn con gái ở nhà nội trợ, chăn nuôi, phụ mẹ phơi cá, làm mắm hay ngồi vá lưới suốt ngày. Vì rứa mà rất ít người được đi học chữ!".
Mỗi người mỗi ước muốn
Hầu hết học viên cho biết trước đây do hoàn cảnh nhà nghèo, đông con, lại chiến tranh loạn lạc nên không có điều kiện học chữ. Sau năm 1975, chính quyền cũng có tổ chức lớp bình dân học vụ nhưng có nơi tổ chức vài tháng, có người lại bận rộn chỉ theo học ít bữa nên có học cũng như không.
Lần này, mọi người quyết chí học để "ra xã khỏi lăn tay", tức khi đến UBND xã làm các thủ tục thì cầm bút ký tên chứ không phải điểm chỉ như lâu nay nữa. Với một cụ bà khác thì: "Thấy thằng cháu nội trong nhà giở sách ê a mà mình không biết chi, lắm lúc cũng tủi, cũng xấu hổ thiệt. Vì rứa mới gắng mà học".
Hơn thế, nhiều bà, nhiều mẹ còn tham vọng hát được karaoke: "Mấy lần bạn bè rủ rê, trong khi chúng bạn hát tưng bừng thì mình ngồi chầu rìa, xếp xó vì không biết chữ!". Hay như bà Nguyễn Thị Hoa mơ ước giản dị hơn: "Ba mạ (bố mẹ) sinh tôi ra đặt cho cái tên, rứa mà chưa một lần viết nó ra xem như thế nào. Lần ni thì phải học để viết tên cho bằng được!".
Ước muốn biết chữ mãnh liệt bậc nhất trong lớp là bà Trần Thị Gòn, 59 tuổi. Bà đem mắm ruốc từ quê lên bán ở các xã miền núi huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), cách quê Phú Hải của bà chừng 50km. Bà cho biết mình đi bán trong mấy ngày liền, vừa về tức thì sửa soạn cơm nước xong là tới lớp luôn, để về ăn sau.
Đây cũng là lớp học mà bà mong chờ suốt 37 năm qua. Hồi trước còn chiến tranh, nhà quá nghèo, anh chị em đông, bà không được đi học. Năm 1978, sau khi lấy chồng chừng một năm, chính quyền mở lớp bình dân học vụ xóa mù chữ, bà cũng có tham gia và biết đánh vần, biết viết nguệch ngoạc vài ba chữ.
Bà Gòn lận lưng dăm ba chữ đi buôn mắm ruốc, phần lớn người mua thiếu, trong mấy tháng mới trả tiền một lần, buộc bà phải ghi nợ. Bà viết nguệch ngoạc, đôi khi đọc lại không hiểu mình viết gì, mà chỉ nhớ. "Vì rứa nhiều lần người ta cãi. Đưa chứng cứ (sổ) ra thì mình thua, vì không rõ ràng. Rứa là lần ni tôi quyết học chữ cho bằng được để mà buôn bán!".
Vận động đàn ông đi học khó hơn phụ nữ
"Tỉ lệ mù chữ ở đàn ông nhiều hơn phụ nữ, nhưng thực tế các lớp xóa mù chữ chủ yếu phụ nữ tham gia. Trung tâm đã phối hợp với nhiều ban, ngành đi vận động tích cực, đến từng người nhưng các anh không đi học nên đành chịu. Việc tổ chức lớp học phải áp theo khung chương trình và thời gian, điều này không phù hợp với thời gian làm nghề biển, nên đàn ông gần như không đến lớp được. Ngoài ra, các anh còn mặc cảm, tự ái rất cao, khiến việc vận động đàn ông lớn tuổi đến lớp xóa mù chữ không đạt kết quả mong muốn".
Ông Tôn Thất Ái Đạm - Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phú Vang
Theo Thái Lộc/Tuổi Trẻ
Hơn 30% học sinh cận thị vì lớp học thiếu sáng Theo bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, khảo sát 39 trường học tại Hà Nội, có tới 32,42% học sinh bị tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị. Nguy cơ bị tật khúc xạ rất cao Theo khảo sát của PV tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội,...