Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là yêu cầu cấp thiết
Ngày 6-5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ Tám (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết số 29). Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Phạm Vũ Luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì buổi làm việc.
Điều chỉnh phương thức xác định điểm sàn
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã trình bày báo cáo về công tác chuẩn bị về kỳ thi và công nhận tốt nghiệp THPT; về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Về thi và công nhận tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng đề cập đến một số thay đổi chính như: Giảm số môn thi từ 6 môn xuống 4 môn gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn; trong đó 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn tự chọn là do học sinh tự chọn chứ không phải do Bộ Giáo uducj và Đào tạo quyết định. Điều này phù hợp với nội dung của Nghị quyết số 29 là đảm bảo cho học sinh có trình độ THCS (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn sau học phổ thông có chất lượng; đồng thời đáp ứng yêu cầu “phân hóa dần ở các lớp học trên”.
Bộ công bố đề án đổi mới sách giáo khoa sau 2015. Ảnh: http://kenhtuyensinh.vn
Bên cạnh đó, việc kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi với kết quả học tập tất cả các môn của lớp 12 (với trọng số đánh giá là 50% 50%) để xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp, khuyến khích học sinh học đều tất cả các môn, nhất là lớp 12 để có kết quả tốt nghiệp và hồ sơ dự tuyển đại học tốt; khắc phục tình trạng học lệch của học sinh. Điều đó cũng tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học có thêm căn cứ để tuyển sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo và yêu cầu chất lượng của từng trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên 2 tiêu chí: Số học sinh, sinh viên chính quy trên một giảng viên và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo trên một học sinh. Các trường căn cứ vào năng lực thực tế của mình và quy định của Bộ để tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Với phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh như trên, sẽ đảm bảo được quyền tự chủ của các trường, mặt khác chỉ tiêu tuyển sinh không vượt quá năng lực đào tạo của trường.
Trong năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học. Thông tin về phương thức tuyển sinh riêng của các trường được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Báo Giáo dục Thời đại điện tử. Danh sách các trường tổ chức tuyển sinh riêng và thông tin cơ bản về phương thức tuyển sinh được đưa vào cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014″. Bộ Giáo dục và Đào tạo rất khuyến khích các trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng nhưng năm nay là năm đầu tiên thực hiện chủ trương này nên các trường còn dè dặt.
Để hỗ trợ các trường chưa xây dựng được đề án hoặc các trường chưa đủ điều kiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng nói chung. Kỳ thi chung vẫn giữ ổn định như năm 2013 nhưng điều chỉnh phương thức xác định điểm sàn với 2 điểm mới là:
Video đang HOT
- Phân chia nhiều mức điểm xét tuyển cơ bản (3-4 mức), trong đó có mức sàn tối thiểu đối với đại học và mức sàn tối thiểu với cao đẳng. Các trường tùy theo uy tín, khả năng thu hút thí sinh lựa chọn mức tuyển phù hợp. Việc quy định nhiều mức điểm sàn là bước đầu tiên để thực hiện phân tầng về chất lượng đầu vào.
- Nhân hệ số 2 thi môn chính của khối thi để tuyển vào ngành phù hợp. Những năm trước đây, Bộ vẫn cho phép các trường nhân hệ số môn chính khi xét tuyển nhưng chỉ áp dụng đối với thí sinh đã có kết quả trên điểm sàn. Nay quy định mới cho các trường nhân hệ số môn chính theo nguyên tắc bình quân điểm xét tuyển có tính hệ số môn chính không thấp hơn bình quân mức xét tuyển cơ bản mà trường đã lựa chọn. Với quy định này, những thí sinh có điểm thi môn chính cao vẫn có thể trúng tuyển mặc dù kết quả 3 môn thi chưa nhân hệ số thấp hơn mức sàn tối thiểu.
Đổi mới mạnh mẽ thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục: Chuyển từ chủ yếu đánh giá kết quả học tập cuối cùng (chủ yếu là đo lường bằng điểm số) thông qua yêu cầu ghi nhớ kiến thức sang đánh giá toàn diện chất lượng giáo dục theo yêu cầu đánh giá năng lực học sinh, coi trọng hoạt động đánh giá bằng nhận xét, động viên, hướng dẫn học sinh qua quan sát, kiểm tra hoạt động học, kết hợp đánh giá trong quá trình đánh giá kết quả, đánh giá cá nhân với đánh giá địa phương, đánh giá trên toàn quốc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận ý kiến về các nội dung: Thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014; đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông giai đoạn sau năm 2015 và vấn đề phân luồng-liên thông trong giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29.
Phải phân tách giáo khoa và chương trình
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, phải phân tách sách giáo khoa và chương trình vì đây là hai vấn đề khác nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Về xây dựng chương trình, cần phải có sự thảo luận kỹ, làm thế nào để phát triển năng lực của người học, thông tin mang giá trị cốt lõi, cách tiến hành, tổ chức hoạt động học, làm rõ yêu cầu của đầu ra. Về sách giáo khoa, cần kiến nghị với Đảng và Nhà nước tiến tới một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Cần chọn lọc, tập huấn người viết sách giáo khoa. Hình thành các nhóm thẩm định sách giáo khoa.
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng cũng hoàn toàn đồng tình với phương án thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó có 2 môn học sinh tự chọn mà Bộ đã đề xuất. Đồng chí cho rằng, tiến tới, học sinh THPT sẽ được tự lựa chọn môn học của mình. Vì đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa việc học cơ bản và học nghề.
Về vấn đề thi và tuyển sinh, cần có sự tuyên truyền để người dân hiểu rõ về vấn đề này, tránh tình trạng tạo ra tâm lý “học nhiều thi ít”. Đề thi phải được ra theo hướng mở, kiểm tra năng lực người học và sớm tạo ra ngân hàng đề thi.
Về những điểm mới chủ yếu của chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh chương trình sẽ định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh thay vì chương trình trang bị kiến thức, kỹ năng; yêu cầu này chi phối toàn bộ các thành tố trong chương trình giáo dục.
Chương trình được thiết kế theo 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) với đặc điểm tích hợp sâu và giáo dục sau cơ bản (THPT) với đặc điểm là phân hóa mạnh để định hướng nghề nghiệp bằng dạy học tự chọn các môn học và chuyên đề học tập. Chuyển từ chủ yếu chỉ có hoạt động dạy học trên lớp sang chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm để giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng của học sinh.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có những phối hợp chặt chẽ hơn trong thời gian tới, tăng cường công tác tuyên truyền về tiến trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để toàn xã hội hiểu rõ và thấu đáo. Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng cũng nhấn mạnh, trong xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cái nhìn tổng thể, hệ thống, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng.
Theo VNE
Đảm bảo chất lượng và an toàn cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014
Ngày 6-5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) chính thức công bố hướng dẫn các trường đại học, học viện, các trường cao đẳng tham gia kỳ thi chung do Bộ GD và ĐT tổ chức xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.
Theo đó, đối với các trường, các ngành không quy định môn thi chính, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là các mức điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi. Căn cứ vào kết quả thi đại học, cao đẳng của thí sinh trong cả nước, Hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào đề xuất Bộ trưởng Bộ GD và ĐT xem xét công bố một số mức (3 hoặc 4 mức) điểm xét tuyển cơ bản cho từng khối thi, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào đại học và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào cao đẳng.
Ảnh minh họa
Đối với trường, ngành quy định môn thi chính, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số môn chính (tổng điểm 3 môn thi, trong đó có một môn thi chính nhân hệ số 2) vào trường hay vào từng ngành của trường. Nguyên tắc xác định điểm chuẩn xét tuyển trong trường hợp này là giá trị trung bình của điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính không được thấp hơn giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào đại học hoặc cao đẳng đã được Bộ công bố và trường đã lựa chọn (các điểm trung bình này được làm tròn với 2 số lẻ).
Bộ GD và ĐT yêu cầu, trước ngày 20-5, các trường công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và báo cáo Bộ GD và ĐT môn thi chính được nhân hệ số 2 đối với từng ngành của trường.
Sau khi Bộ GD và ĐT công bố các mức điểm xét tuyển để vào đại học, cao đẳng:
Đối với các trường, ngành không quy định môn thi chính, xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển vào trường hay vào từng ngành của trường.
Điểm chuẩn xét tuyển này không được thấp hơn mức điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố và trường đã lựa chọn.
Đối với các trường, ngành đã công bố môn thi chính: Xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính theo quy định.
Các trường đại học, cao đẳng tổ chức xét tuyển các thí sinh có kết quả thi đạt mức từ mức điểm chuẩn xét tuyển trở lên (điểm chuẩn xét tuyển cơ bản hoặc điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số của môn chính) theo các quy định hiện hành của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.
* Cùng ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có công điện yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố, các cơ sở giáo dục tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên trong đợt cao điểm từ tháng 4 đến tháng 8-2014...
Theo công điện, để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về người, tài sản do tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố, các trường đại học, học viện, các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho học sinh, sinh viên. Quán triệt cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Phổ biến, tuyên truyền nguyên nhân và hậu quả của tai nạn giao thông; các quy định xử phạt vi phạm đối với người tham gia giao thông; tuyên truyền, trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ năng về phòng tránh tai nạn đuối nước và phải mặc áo phao khi đi các phương tiện giao thông đường thủy. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ và các trường hợp do cơ quan công an, thanh tra giao thông xử lý thông báo về nhà trường. Đồng thời nhà trường thông báo cho các cơ quan này về quyết định xử lý của nhà trường.
Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương có kế hoạch cụ thể để đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp phối hợp chặt chẽ với công an, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, ùn tắc giao thông tại các điểm tổ chức thi tuyển sinh năm 2014; quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện cho thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích của nhà trường tham gia hỗ trợ về giao thông trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.
Theo VNE
Phương án điểm sàn mới: Không khác cũ, khó hiểu Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng dư thao quy đinh "vê công tac xet tuyên trong tuyên sinh cua cac trương đai hoc, cao đăng" không khác quy định cũ. Không mới Một số chuyên gia cho rằng vơi dư thao quy đinh như trên thi bao đam chât lương đâu vao vân phai bao đam "ngương tôi thiêu" trên cơ sơ...