Đội của Tiến sĩ 9X thắng cuộc thi quốc tế nhờ mê nông nghiệp sạch
Nhóm giảng viên, sinh viên Việt Nam đã vượt qua 265 đội của 80 trường ĐH từ 24 quốc gia trên thế giới giành giải nhất cuộc thi sáng tạo kinh doanh xã hội năm 2021 với tiền thưởng 30.000 đô la Canada.
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung và nhóm trong buổi thi trình bày về dự án Nanoneem (ảnh: N.Ngọc)
Cuộc thi Sáng tạo Kinh doanh Xã hội (Social Business Creation-SBC) do Đại học HEC Montréal Canada (HEC) và giáo sư Muhammad Yunus – Nobel hòa bình 2006 – khởi xướng tổ chức với sự tham gia của các trường đại học từ nhiều quốc gia trên thế giới như Canada, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Argentina, Mexico…
Trong vòng chung kết, vượt qua đội Argentina và Mexico dự án của đội Việt Nam có tên là Nanoneem- ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất thuốc bảo vệ thực vật an toàn từ thảo mộc, hướng đến nông nghiệp sạch và bền vững giành ngôi vị quán quân toàn cầu.
Dự án Nanoneem là “sản phẩm” do TS Dương Nguyễn Hồng Nhung – giảng viên khoa công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) – làm trưởng nhóm, sinh viên của khoa công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế đồng nghiên cứu cùng một số sinh viên Trường ĐH Ngoại thương tham gia hỗ trợ.
Hành trình theo đuổi 2 năm bước đầu có “quả ngọt”
Cách đây 2 năm, TS Dương Nguyễn Hồng Nhung đã bắt đầu có những dự án nghiên cứu về thuốc bảo vệ thực vật sinh học từ dầu hạt neem và các tinh dầu thảo mộc, đã từng giới thiệu tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 năm 2019 do TƯ Đoàn tổ chức.
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ sau cuộc thi (ảnh: N.Ngọc)
Nếu như khi còn ở Mỹ, lĩnh vực mà Hồng Nhung nghiên cứu là năng lượng tái tạo và vật liệu ống nano carbon thì một năm sau khi về Việt Nam cô chuyển hướng sang nghiên cứu các chế phẩm hữu cơ phục vụ nông nghiệp bởi nhận thấy nhiều vấn đề cấp bách trong vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Tôi có niềm cảm hứng đặc biệt với tất cả những sáng kiến có thể giúp ích cho cuộc sống của chúng ta. Khi tìm thấy ý tưởng có thể làm một sản phẩm tốt, hiệu quả hay giúp giải quyết vấn đề nào đó cho xã hội, tôi rất hứng thú. Việt Nam lại là đất nước nông nghiệp với nguồn “vàng xanh” thảo dược sẵn có nên hoàn toàn có thể tận dụng”, cô từng chia sẻ.
Nghĩ là làm, nữ tiến sĩ bắt tay vào chọn nguyên liệu là các loại dầu, tinh dầu được chiết xuất từ cây neem. Loại cây này có rất nhiều ở Ninh Thuận, Bình Thuận với tác dụng kháng viêm, trừ sâu bọ trong khi ở Ấn Độ, dầu neem cũng được ứng dụng rộng rãi.
Video đang HOT
Bên cạnh đó ở Việt Nam cũng có rất nhiều loại thảo mộc khác như sả, tràm gió, khuynh diệp, đinh hương, hương nhu… phục vụ công tác nghiên cứu của tiến sĩ này. Cũng trong giai đoạn này, TS Nhung và các cộng sự bắt tay sử dụng các công nghệ khác nhau để đưa dầu và tinh dầu về dạng nano với kích thước siêu nhỏ, giúp tăng tính thẩm thấu cũng như dược tính của thuốc bảo vệ thực vật. Sử dụng nguồn thảo mộc, nghiên cứu của cô nhằm hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn và thân thiện môi trường.
Chiến thắng của dự án Nanoneem lần này là thành quả bước đầu đáp lại sự kiên trì, nỗ lực trong nghiên cứu phục vụ cho phát triển nông nghiệp bền vững của nữ tiến sĩ này.
Chiến thắng cuộc thi chỉ là bước khởi đầu
Sau khi giành giải nhất, TS Hồng Nhung – đại diện cho nhóm chia sẻ rằng cảm thấy rất hạnh phúc xen lẫn vinh dự và tự hào với chiến thắng của cả đội. “Lần này tất cả các đội ở Việt Nam không tham gia trực tiếp được ở Canada do tình hình dịch bệnh mà phải thông qua Zoom, là một điều bất lợi lớn so với các đội từ những quốc gia khác. Tuy nhiên nhóm đã cố gắng khắc phục và khai thác tối đa ưu thế của việc tham gia trực tuyến. Đây cũng là lần đầu tiên một đội từ Việt Nam đạt giải nhất, với sự công nhận từ những chuyên gia trong giới tài chính, đầu tư, khởi nghiệp của thế giới”, nữ tiến sĩ 9x nói.
TS Hồng Nhung và sinh viên khi cô mới về Việt Nam (ảnh NVCC)
TS Hồng Nhung cho biết cảm thấy biết ơn các cố vấn, trường ĐH Quốc tế đã luôn đồng hành, ủng hộ, đưa ra lời khuyên rất hữu ích và các sinh viên, đồng nghiệp luôn sát cánh cùng cô.
Theo “bật mí” của nữ tiến sĩ này, trải qua 9 tháng với nhiều vòng thi và những thử thách từ các vị giám khảo ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chính những câu hỏi rất sắc sảo của họ đòi hỏi nhóm phải chuẩn bị và liên tục đổi mới nhờ vậy mà tiến bộ hơn. “Có giám khảo/cố vấn còn kết nối giúp nhóm để thử nghiệm sản phẩm ở Canada, New Zealand, Úc… chứng tỏ nông nghiệp sạch vẫn luôn là vấn đề rất nhiều quốc gia quan tâm. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục và cố gắng hơn nữa”, TS Hồng Nhung chia sẻ.
Khi được hỏi về những dự định trong tương lai của dự án, TS Nhung cũng cho biết: “Đây mới chỉ là khởi đầu. Vấn nạn thuốc hóa học độc hại tuy đã rất quen thuộc nhưng vẫn luôn nhức nhối, không chỉ ở Việt Nam mà là ở quy mô toàn cầu”.
Cô cũng chia sẻ, trong vòng chung kết của cuộc thi, cô đã kể câu chuyện mẹ của mình luôn phải ngâm rau cả giờ đồng hồ, hay ăn trái cây gì cũng phải gọt vỏ, từ ổi, táo đến cả quả nho bé tí, ăn gì cũng sợ độc hại… Đó không phải là chuyện hiển nhiên, mà cần phải thay đổi.
Theo TS Nhung bản thân cô và đối tác vẫn đang cố gắng để đưa những sản phẩm của mình đến tay nhiều người nông dân hơn, với sự cam kết về hiệu quả, độ an toàn với giá thành hợp lý. Cô hy vọng trong tương lai có thể kết hợp nhiều hơn nữa với các dự án khác cũng đang làm về nông nghiệp sạch để cùng nhau tạo ra sự thay đổi thật sự.
Đối với dự án Nanoneem, cô cam kết sẽ dành 100% lợi nhuận cho việc tái đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, hỗ trợ nhân rộng mô hình nông nghiệp sạch, khắc phục hậu quả môi trường do hóa chất độc hại và bảo vệ rừng. Nói về hành trình sắp tới, nữ tiến sĩ dùng lại câu kết từng chia sẻ trong vòng chung kết của cuộc thi rằng: “Đây là một hành trình dài và để biến nó thành một cuộc cách mạng, chúng tôi cần rất nhiều hỗ trợ. Nếu bạn muốn trở thành một phần của sự thay đổi này, hãy tham gia cùng chúng tôi.”
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung sinh năm 1990 tại Vũng Tàu, trong gia đình có bố mẹ đều là công chức, giáo viên. Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, với thành tích học tập tốt, Hồng Nhung được nhận học bổng du học ở Hoa Kỳ.
Năm 2013, cô tốt nghiệp đại học hạng summa cum laude với số điểm gần tuyệt đối 3.95/4.00 GPA chuyên ngành Chemical Engineering (Kỹ thuật hóa học). Sau đó, cô tiếp tục học lên Thạc sĩ (2014) và Tiến sĩ (2018) tại ĐH Oklahoma (Hoa Kỳ).
Sau gần 10 năm, cô quyết định rời Mỹ trở về Việt Nam giảng dạy và bén duyên với lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm hữu cơ phục vụ nông nghiệp.
Nữ tiến sĩ 9X sang Mỹ học làm nông nghiệp xanh
Sau gần 10 năm học tập lấy bằng TS tại Trường ĐH Oklahoma (Mỹ), TS Dương Nguyễn Hồng Nhung quyết định trở về Việt Nam giảng dạy tại Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM.
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung cùng sinh viên IU.
Sau gần 10 năm học tập lấy bằng TS tại Trường ĐH Oklahoma (Mỹ), TS Dương Nguyễn Hồng Nhung quyết định trở về Việt Nam giảng dạy tại Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM. Mới đây, dự án Nanoneem do TS Hồng Nhung làm trưởng nhóm nghiên cứu, lọt vào Top 5 dự án được trao giải thưởng "Impactful Social Innovative Concepts" của Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021.
Bén duyên với lĩnh vực Hóa công nghiệp
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung hiện là giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM. Nữ giảng viên sinh năm 1990 tại Vũng Tàu, trong gia đình có bố mẹ là công chức, giáo viên. Sau khi tốt nghiệp THPT (chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với thành tích học tập tốt, Hồng Nhung nhận được học bổng toàn phần ngành Kỹ thuật Hóa học tại Trường ĐH Oklahoma, Hoa Kỳ.
"Đây là điều bất ngờ, dự tính ban đầu của tôi là thi vào Trường ĐH Ngoại thương, theo ngành Kinh doanh quốc tế, vì đây là ngành hot, được đi nhiều nơi. Nghe hơi buồn cười nhưng đây là sự thật 100%, định hướng nghề nghiệp của tôi lúc đó không được tốt lắm" - TS Hồng Nhung nhớ lại thời điểm mới tốt nghiệp THPT.
Sau khi có tin được nhận học bổng đi du học, bố mẹ của chị có chút ái ngại vì là ngành kĩ thuật, sợ con gái học cực. "Nhưng tôi quyết tâm xin đi, vì thích đi du học, đặc biệt là học ở nước phát triển như Mỹ. Hơn nữa, ở Mỹ, 2 năm đầu là học đại cương, có thời gian để tìm hiểu ngành học nhiều hơn" - chị chia sẻ.
Dự định ban đầu là vậy, nhưng đến khi học, chị cảm thấy rất thích ngành Kỹ thuật Hóa học. Mới nghe tưởng chỉ có liên quan đến hóa nhưng thật ra là ngành Hóa công nghiệp, chuyên về các quy trình sản xuất thực phẩm, hóa phẩm, mỹ phẩm, năng lượng, vật liệu...
"Đây là ngành đào tạo kỹ sư, nghĩa là được dạy tư duy giải quyết vấn đề, được nhìn một quy trình sản xuất từ khâu thiết kế máy móc đến xem xét hiệu suất kinh tế, tận mắt chứng kiến những nguyên liệu thô chế biến thành sản phẩm chất lượng cao. Với tôi, đó là điều kỳ diệu nên hy vọng có thể gắn bó với ngành lâu hơn nữa" - TS Hồng Nhung chia sẻ thêm.
Tốt nghiệp ĐH ngành Kỹ thuật Hóa học (2013) với số điểm 3.95/4.00 GPA, Hồng Nhung tiếp tục học lên ThS (2014) và TS (2018) tại Trường ĐH Oklahoma (Mỹ). Sau gần 10 năm du học, chị quyết định trở về Việt Nam giảng dạy tại IU và bén duyên với lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm hữu cơ phục vụ nông nghiệp.
Nói về TS Dương Nguyễn Hồng Nhung, PGS.TS Huỳnh Kim Lâm (Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Hóa học, Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM), nhận định: "TS Hồng Nhung được đào tạo bài bản từ bậc ĐH đến TS về Kỹ thuật Hóa học ở Mỹ (ĐH Oklahoma) với chuyên môn sâu về vật liệu nano và chất xúc tác dị thể. Khi về công tác tại bộ môn Kỹ thuật Hóa học, TS Nhung cùng với các đồng nghiệp trẻ đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng chương trình đào tạo cũng như trực tiếp giảng dạy và đào tạo các lứa kỹ sư hóa học đầu tiên của trường.
Bên cạnh đó, TS Nhung đã xây dựng và mở rộng nhóm nghiên cứu của mình cũng như hợp tác, liên kết với đối tác công nghiệp theo hướng năng lượng, môi trường, tinh chế và nâng cao hiệu quả của các hợp chất tự nhiên và tạo ra được một số sản phẩm có tính ứng dụng cao. Dưới sự hướng dẫn của TS Nhung, các sản phẩm của nhóm đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi về nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp trong nước và quốc tế...".
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung.
Dự án vào Top 5 Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021
Mới đây, Dự án Nanoneem do TS Hồng Nhung làm trưởng nhóm cùng sinh viên của IU và một số sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, lọt vào Top 5 dự án được trao giải thưởng "Impactful Social Innovative Concepts" của Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021. Dự án đã vinh dự đạt số điểm 91/100, điểm số cao nhất vòng bán kết của cuộc thi. Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021 (Social Business Creation) - do Trường Đại học HEC Montréal Canada (HEC) và Giáo sư Muhammad Yunus (đoạt giải Nobel Hòa bình 2006) khởi xướng, tổ chức và đảm bảo về chuyên môn và phương pháp.
Theo TS Dương Nguyễn Hồng Nhung, Nanoneem là dự án nghiên cứu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nguồn gốc thảo mộc an toàn, thân thiện môi trường nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả và giá thành hợp lý. Sản phẩm ứng dụng công nghệ nano trong việc đưa các thành phần tự nhiên về dạng bền hơn và dễ thẩm thấu hơn, từ đó nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh. Nanoneem hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn và thân thiện môi trường.
Ngoài ra, việc sử dụng thành phần thảo mộc chính từ neem cũng giúp sản phẩm tận dụng khai thác rừng neem bền vững, góp phần bảo vệ rừng và mang lại thêm kinh tế cho người dân bản địa. Neem (xoan Ấn Độ) là một loài cây có thể sinh trưởng tốt ở những vùng đất cát cằn cỗi, giúp giữ nước, chống xói mòn, ngăn bão và điều hòa hệ sinh thái.
Nói về lý do hình thành dự án, TS Hồng Nhung cho biết: "Tôi mong muốn tạo ra những sản phẩm tốt từ nguồn nguyên liệu và công nghệ mà mình có thể chủ động được ở Việt Nam. Và hơn nữa là góp phần giải quyết vấn đề lạm dụng thuốc BVTV hóa học độc hại đã và đang trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người (trong đó có tôi)".
Nói về nhữ̃ng dự định của nhóm, TS Hồng Nhung cho biết, Nanoneem chỉ là một trong các dự án mà nhóm nghiên cứu của chị và các cộng sự đang theo đuổi. Các dự án này có điểm chung đều xoay quanh những công nghệ lõi như công nghệ chiết tách, nhũ hóa nano, vi bao nano... Sản phẩm đầu ra có thể ứng dụng trong nhiều mảng khác nhau như nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc nhà cửa, dược mỹ phẩm".
"Không ai có thể đi một mình, đặc biệt là những dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực thế này. Tôi vẫn đang trong quá trình mở rộng và tìm kiếm thêm nhiều người đồng hành để đi được xa hơn. Người đồng hành có thể là chuyên gia, doanh nghiệp, đối tác, nhà tài trợ, nhà đầu tư, nghiên cứu viên, sinh viên..." - TS Hồng Nhung chia sẻ.
"Thông qua những dự án như Nanoneem, tôi cũng mong muốn tạo ra môi trường cho sinh viên trải nghiệm, tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất, lên ý tưởng sản phẩm... Ngoài việc học, đây cũng là điều kiện để sinh viên phát triển tư duy giải quyết vấn đề, năng lực tự học và khả năng thích nghi...". - TS Dương Nguyễn Hồng Nhung
ĐH Ngoại thương giành giải 30.000 USD cuộc thi Sáng tạo kinh doanh toàn cầu Trường ĐH Ngoại thương vừa nhận danh hiệu "Trường ĐH xuất sắc tiêu biểu - Hạt nhân thay đổi tạo tác động lớn nhất" tại cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội toàn cầu năm 2020 và 2021 với giải thưởng trị giá 30.000 USD. Sáng tạo kinh doanh xã hội (Social Business Creation) là nền tảng đào tạo sáng tạo kinh...