Đôi bạn mồ côi nắm tay nhau vào đại học
Cùng lớn lên trong mái ấm của Làng trẻ SOS Hà Tĩnh, ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, hai bạn chung một khát khao học thật giỏi để thay đổi số phận.
Đôi bạn Trần Văn Nguyên (trái) và Thiều Đức Hoàng – Ảnh: NGỌC THẮNG
Trần Văn Nguyên (quê xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc) trúng tuyển khoa xét nghiệm y học Trường đại học Y dược Huế. Người bạn của Nguyên – Thiều Đức Hoàng, trú tại xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh, trúng tuyển khoa du lịch Trường đại học Huế.
“Mình sẽ học thật giỏi để sau này ra trường sẽ quay lại giúp các em trong mái ấm SOS. Đó là ngôi nhà thân thương, cưu mang những tháng ngày đau đớn nhất cuộc đời mình” – Nguyên nói.
Hai mảnh đời, một ước mơ
Ánh mắt lanh lợi, thông minh với nụ cười hiền khô của Nguyên mang đến cảm giác gần gũi với người đối diện. Nguyên sinh ra trong gia đình nghèo, có ba người con, trước và sau Nguyên còn hai chị em gái. Năm Nguyên 4 tuổi, mẹ qua đời sau thời gian lâm bệnh nặng. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, một năm sau, cha cũng bỏ ba chị em mà đi…
Bơ vơ giữa cuộc đời, cô chị gái vào Tây Nguyên sống cùng người dì, Nguyên và em gái được đưa vào làng trẻ em SOS. Trong làng, Nguyên gặp Hoàng – một người chung số phận. Năm Hoàng vào lớp 1, cha qua đời vì căn bệnh thế kỷ. Một năm sau, mẹ cũng mắc căn bệnh này và bị người đời xa lánh, xua đuổi, phải dọn ra sống một mình. Hoàng rời vòng tay mẹ, một mình sống tự lập từ năm 8 tuổi trong làng trẻ.
Nhắc đến hai bạn, chị Trần Thị Thanh Toàn (mẹ nuôi) không khỏi xúc động. Chị kể thời gian đầu hai anh em Nguyên sống khép kín, ít giao tiếp, cô em gái không bao giờ cười.
“Nguyên chăm sóc và bảo vệ em từng chút, dành trọn vẹn tình yêu thương, thời gian sau cô bé cũng cười trở lại. Hai anh em Nguyên hơi nhút nhát, hiền lành và đặc biệt cả hai học giỏi. Còn Hoàng, em đi học bị bạn bè kỳ thị, trêu chọc nên mang nhiều mặc cảm. Khi được người thân đưa vào làng trẻ, tổn thương rất lớn biến em thành một người nghịch ngợm và phá phách hơn. Nhưng em là một người rất thương mẹ, thương vô bờ bến và sẵn sàng bảo vệ mẹ trong mọi hoàn cảnh”, chị Toàn chia sẻ.
Nhiều hôm mẹ em đi mua thuốc, trời mưa tầm tã nhưng vẫn ghé làng trẻ nhìn Hoàng qua khe cổng để thỏa nỗi nhớ con rồi lủi thủi đi về. Những lần biết tin mẹ sẽ đến thăm mình, em đứng đợi gần tiếng đồng hồ, mời mẹ vào cùng ăn cơm. Mỗi khi nhắc đến mẹ, Hoàng òa khóc, nhiều đêm không ngủ. Chứng kiến những hình ảnh đó, chị Toàn và những mẹ nuôi khác rơi nước mắt. “Vì mẹ, Hoàng quyết thay đổi, cố gắng học tập và nghe lời các mẹ nuôi trong làng. Em nói đỗ đại học, người đầu tiên em thông báo là mẹ”, chị Toàn nói.
Đôi bạn cùng tiến
Hoàng và Nguyên nói ước mơ của cả hai là vào giảng đường đại học, bởi chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời mình.
Nguyên trải lòng, cả hai lớn lên bên nhau sẻ chia từng niềm vui, nỗi buồn, Hoàng không chỉ là bạn thân mà còn là người thân của Nguyên. “Các bạn ở ngoài còn có bố mẹ quan tâm, lo lắng và giúp đỡ. Tụi mình không còn ai nên luôn động viên nhau cùng nuôi ước mơ vào đại học. Chỉ có học mới giúp chúng mình có tương lai tươi sáng hơn”, Nguyên nói.
Dù theo đuổi hai chuyên ngành khác nhau, nhưng hai bạn vẫn hỗ trợ nhau rất nhiệt tình. Hoàng không giỏi toán được Nguyên hướng dẫn, Nguyên không giỏi văn thì được Hoàng hỗ trợ. Cả hai đạt học sinh tiên tiến, học sinh giỏi suốt 12 năm.
Nguyên và Hoàng học rất chăm, ban ngày học ở lớp, đêm về rủ nhau học thêm. Có những đêm cả hai ôn thi đến 2h sáng mới đi ngủ, có miếng bánh mì hay hộp sữa đều chia cho nhau.
Ngày hai bạn chính thức cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học, cả hai ôm chặt nhau vì hạnh phúc.
Hoàng gọi điện báo tin ngay cho mẹ, hai mẹ con rưng rưng nước mắt. Hoàng học ngành du lịch với mong muốn được đi nhiều nơi. “Mình thương mẹ lắm, mẹ đã chịu quá nhiều đau khổ. Nỗi lo lớn nhất của mình là khoản tiền học rất lớn, mẹ giờ sức khỏe cũng yếu rồi”, Hoàng chia sẻ.
Nguyên ước mơ trở thành bác sĩ, cha mẹ bệnh tật rồi qua đời, gia đình nghèo đã ám ảnh sâu đậm trong tâm trí Nguyên. “Mình mong sau này có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn” – Nguyên nói.
Ngày nhận tin Nguyên và Hoàng đậu đại học, ông Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh, vô cùng hạnh phúc. Các bạn học được cách sống tự lập ngay từ bé nên ông tin rằng các bạn sẽ vượt qua được khó khăn. “Nỗi trăn trở lớn nhất lúc này là tiền đâu để giúp các em ăn học những năm tới. Ngoài số tiền trợ cấp khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, tới đây các em sẽ phải đi làm thêm để trang trải việc học hành” – ông Sơn cho biết.
Cô Hồ Thị Xuân Hương – giáo viên chủ nhiệm Hoàng – nói thêm về người học trò thân thương: “Hoàng viết thư pháp rất đẹp. Về nghị lực và ý chí của em, tôi rất cảm phục”.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu có thể gửi hồ sơ học bổng tại đây: tiepsuc.tuoitre.vn.
Cùng Tuổi Trẻ vượt COVID đến giảng đường
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Quả ngọt từ mô hình "Nâng bước em tới trường"
Những năm còn học phổ thông cơ sở rồi lên tiếp phổ thông trung học, bên cạnh em Phan Khánh Duy (sinh năm 2002) luôn có sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Gành Hào, BĐBP Bạc Liêu.
Những người lính Biên phòng như là người cha, người anh, nâng đỡ Duy vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để em vượt khó, vươn lên trong học tập. Sau những năm, tháng vất vả "gieo trồng", chăm sóc, giờ đây, "mầm xanh" nơi biên giới đã ra mùa "quả ngọt". Đó là thành quả những người lính Đồn Biên phòng Gành Hào có được khi Duy chính thức bước vào giảng đường đại học, tiếp tục thực hiện hoài bão, khát khao của đời mình.
Các nhà hảo tâm tặng quà hỗ trợ kinh phí cho các em học sinh do Đồn Biên phòng Gành Hào nhận nuôi, đỡ đầu năm học 2019-2020. Ảnh: Hồ Phúc
Hiện tại, Phan Khánh Duy đã là học viên năm thứ 3 của trường Sĩ quan Công binh, một ngôi trường quân đội tại tỉnh Bình Dương. Đối với Duy, được học tập và rèn luyện trong một ngôi trường quân đội là đích đến cho những nỗ lực trong những năm tháng học phổ thông trung học của mình.
Bởi, từ khi em được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Gành Hào nhận đỡ đầu theo mô hình "Nâng bước em tới trường", Duy đã ấp ủ ước mơ sẽ trở thành một người lính để sau này có thể giúp đỡ những phần đời khó khăn như những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Gành Hào đã hỗ trợ em thuở nào. Chính từ suy nghĩ đó đã thôi thúc Duy không ngừng phấn đấu trong học tập và rèn luyện.
Cho đến bây giờ, nhiều người dân ở xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) vẫn không khỏi xót xa khi nhắc đến hoàn cảnh đáng thương của Duy. Sinh ra trong một gia đình thuộc diện khó khăn, năm Duy đang học lớp 6, bố em không may qua đời. Cuộc sống vất vả, khó khăn khiến có lúc Duy định nghỉ học để giảm bớt gánh nặng cho mẹ. Nhưng với sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời của những người lính Biên phòng và các thầy, cô giáo trong trường đã tiếp thêm động lực cho cậu học sinh nghèo tiếp tục đến trường.
Năm 2016, Duy được Đồn Biên phòng Gành Hào nhận đỡ đầu, cũng từ đó, con đường đến trường của Duy được rộng mở. Suốt những năm cuối cấp 2 và cấp 3, ngoài hỗ trợ tiền học hằng tháng và phương tiện đi lại để em đến trường, bám lớp, cán bộ Đồn Biên phòng Gành Hào còn thường xuyên quan tâm, động viên, cũng như bồi dưỡng kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, giúp Duy đứng vững trước mọi khó khăn.
Trung úy Lê Nhật Tường, Phó Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Gành Hào, cán bộ đã gắn bó, đồng hành cùng Duy suốt những năm em còn học phổ thông nhớ lại: "Thời điểm nhận đỡ đầu, từ Ban Chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều đặc biệt quan tâm đến Duy, coi em như con, em của đơn vị. Đợt đó, mỗi lần có công việc ở địa bàn hay tận dụng thời gian rảnh rỗi cuối tuần, tôi đều đến thăm và nắm bắt về tình hình học tập của em. Ngoài số tiền đơn vị hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, đơn vị còn trao tặng sách, vở và trao thêm kinh phí để em trang trải cuộc sống. Ngoài ra, mỗi khi kêu gọi được các nhà hảo tâm giúp đỡ những hoàn cảnh éo le trên địa bàn, chúng tôi đều ưu tiên tặng Duy một suất".
Sự quan tâm, động viên từ thầy cô và những người lính Đồn Biên phòng Gành Hào đã tiếp thêm sức mạnh, động lực cho Duy vượt qua mọi khó khăn để đến trường, nỗ lực học tập. Nhờ đó mà học lực của Duy luôn đạt tốp khá của lớp. Năm 2019, Duy đã thi đậu và trúng tuyển vào trường Sĩ quan Công binh. Gia cảnh nghèo khó, nên khi Duy được học tập trong ngôi trường quân đội, người thân của em cũng đỡ vất vả, lo toan nhiều.
Duy tâm sự: "Trước khi thi đại học, em cũng được thầy cô trong trường và các chú, các anh Biên phòng tư vấn, khuyên bảo rất nhiều. Ước mơ của em là được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội nên mọi người đã định hướng em thi vào trường Sĩ quan Công binh. Thế rồi, niềm vui như vỡ òa khi em nhận được giấy báo trúng tuyển. Đợt đó, những người đầu tiên em báo tin vui là các chú Đồn Biên phòng Gành Hào. Nếu không có sự giúp đỡ chân thành, quý báu của các chú Biên phòng thì em không có ngày hôm nay".
Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đồn Biên phòng Gành Hào mà Duy (ngoài cùng bên phải) đã thực hiện được ước mơ được học tập trong ngôi trường quân đội (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: CTV
Trung tá Lê Bá Thuyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Gành Hào chia sẻ: "Hiện tại, đơn vị nhận đỡ đầu 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo theo Chương trình "Nâng bước em tới trường" và nhận nuôi dưỡng 1 em tại đồn theo mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng".
Ngoài ra, thời gian qua, vào những dịp khai giảng năm học mới hay tổng kết năm học, Ban Chỉ huy đều trích quỹ đơn vị và kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ nhiều suất quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới biển huyện Đông Hải để động viên các em. Đối với trường hợp của Duy, chúng tôi lấy đó là tấm gương sáng để cho các em mà đơn vị đang nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng noi theo, từ đó, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu nỗ lực vươn lên trong học tập".
Mặc dù chặng đường phía trước còn dài, song, giờ đây, Duy đang vững bước trên con đường mình đã lựa chọn. Duy bộc bạch: "Em rất biết ơn các chú BĐBP đã giúp đỡ, hỗ trợ em trong những năm tháng học phổ thông cơ sở, phổ thông trung học. Tình cảm, sự quan tâm đó đã tiếp thêm độc lực, sức mạnh để em không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt, sống có ích, góp sức cho xã hội, đồng thời, báo đáp công ơn của thầy cô, cũng như không phụ lòng mong mỏi của các chú BĐBP".
Một lớp học trường dân tộc nội trú có 35/39 học sinh đỗ đại học Thầy Trần Văn Chúng, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bạc Liêu cho biết, trường có 83 học sinh lớp 12 đăng ký xét tuyển đại học năm 2021, trong đó đã có 56 em trúng tuyển. Đặc biệt, có một lớp 39 học sinh nhưng có đến 35 trúng tuyển đại học, tỷ lệ gần 90%. Được biết,...