Độc lạ đặc sản bánh “gật gù”, thực khách ăn theo cân ở Quảng Ninh
Bánh “gật gù” có hình thức khá giống bánh cuốn, bánh phở nhưng cách làm độc đáo hơn. Bánh không có nhân, khi ăn quệt với nước mắm chưng đặc biệt khiến thực khách cũng phải “gật gù” thích thú.
Tiên Yên là một huyện lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lâu đời của tỉnh Quảng Ninh. Đến với Tiên Yên, du khách không chỉ được ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khám phá những ngôi nhà cổ kính của bà con dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu mà còn được thưởng thức nền ẩm thực đa dạng, hấp dẫn.
Ngoài những món ăn nổi tiếng như khâu nhục, gà đồi,… thì ở Tiên Yên còn một đặc sản không thể không nhắc đến – đó chính là bánh gật gù.
Theo cô Tuyết – một người làm bánh gật gù lâu năm ở huyện Tiên Yên cho biết, sở dĩ bánh có tên gọi ngộ nghĩnh là nhờ vẻ ngoài “lắc lư” độc đáo.
Trước đây, người dân Tiên Yên thường ăn sáng bằng bánh phở nhưng không thích có nhân mà thích giữ nguyên vị đậm đà của loại gạo đặc trưng trong vùng. Miếng bánh cuộn tròn, dài, dẻo quẹo, gật lên gật xuống khi cầm trên tay.
Bánh được ăn kèm với nước mắm chưng khiến thực khách khen ngon nên có tên “gật gù” từ đó.
Bánh gật gù được làm từ bột gạo, hình thức khá giống bánh cuốn, bánh phở nhưng cách làm có phần kỳ công hơn. Ảnh: Hương vị Bình Liêu
Để làm ra mẻ bánh ngon thì gạo cần được ngâm từ tối hôm trước, đến sáng hôm sau vớt lên, chờ ráo nước mới đem nghiền thành bột nước.
Video đang HOT
Người dân Tiên Yên thường nghiền gạo bằng cối xay đá thay vì sử dụng máy móc hiện đại. Cách làm thủ công này vừa giữ được nét chân phương của món bánh truyền thống, vừa giúp hạt gạo được xay nhuyễn, mịn màng hơn để bánh giữ được vị đậm đà vốn có.
Đặc biệt, trong quá trình nghiền bột, người dân thường cho thêm cơm nguội để khi tráng bánh có độ phồng, xốp, dẻo mịn mà các loại bánh cùng loại không sánh bằng.
Công đoạn tráng bánh đạt chất lượng cũng rất kỳ công. Người làm bánh phải đong đủ lượng bột bánh để không bị đặc quánh hay quá loãng. Đổ một lớp bột bánh dày vừa phải lên khuôn, không đổ mỏng như bánh cuốn cũng không quá dày như bánh đa.
Tráng bột đều thành hình tròn, đậy nắp đợi bánh chín. Lửa đun cũng phải đều tay, không được quá nóng, nếu không bánh sẽ không chín đều và dễ bị rách miếng.
Khi bánh chín nở phồng lên, người dân dùng que nứa, khéo léo xiên từ dưới miếng bánh đưa lên rồi tiếp tục tráng mẻ mới. Khi chưa cuộn, bánh gật gù cũng giống bánh cuốn, bánh phở Hà Nội nhưng không có nhân. Sau khi cuộn tròn đều lại, bánh dẻo quẹo, được đặt lên lớp lá chuối để không bị dính sát vào nhau.
Ngoài quá trình chế biến kỳ công, bí quyết làm bánh gật gù ngon còn phụ thuộc vào nước chấm “thần thánh”.
Mặc dù nước chấm làm nên đặc sản bánh gật gù khá đa dạng, tùy theo khẩu vị các vùng nhưng chủ yếu vẫn là nước mắm chưng với mỡ gà (dùng gà đồi thả tự nhiên ở Tiên Yên). Người dân cho thêm hành phi và thịt băm để nước chấm đậm đà và ngon hơn.
Bánh gật gù có thể ăn kèm khâu nhục hoặc cắt thành miếng nhỏ xào với thịt bò hay ăn kèm nước ninh xương như bún, phở cũng ngon tuyệt. Ảnh: Thảo Sún
Mặc dù hình thức bánh có vẻ đơn điệu nhưng độ ngon đủ khiến thực khách ăn lần một muốn thưởng thức lần hai. Ở Tiên Yên, người ta thường mua bánh gật gù theo cân. Người 2kg, người 5kg bánh chẳng có gì lạ.
Không chỉ ngon, bổ, rẻ mà bánh gật gù còn là thứ thuốc giải cảm hiệu quả của người dân địa phương. Miếng bánh nóng hổi vừa được tráng xong còn nghi ngút khói, đem chấm với nước mắm chưng có vị béo ngậy của mỡ gà và thịt, vị cay của ớt, làm nên món ngon không thể thiếu, nhất là vào mùa đông ở vùng Tiên Yên.
Ở thị trấn Tiên Yên, du khách khi đến con phố Hòa Bình khó lòng mà tìm được những biển quảng cáo về món bánh gật gù nhưng đây lại là nơi nổi tiếng với những hộ gia đình làm bánh ngon nức tiếng đất mỏ.
Không chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh, bánh gật gù còn được nhiều thực khách phương xa thích thú, mong muốn được thưởng thức dù chỉ một lần.
Gà ri vàng rơm - Đặc sản nổi tiếng Uông Bí
Đến với vùng đất Uông Bí, du khách không chỉ được tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch nổi tiếng mà còn được thưởng thức rất nhiều sản vật của vùng đất địa linh nhân kiệt.
Trong đó phải kể đến gà ri vàng rơm, một giống gà thuần chủng, hiện đang là đặc sản nổi tiếng của người Uông Bí.
Gà ri vàng rơm hay còn gọi là gà cỏ là giống gà ri cổ của Việt Nam.
Gà ri vàng rơm hay còn gọi là gà cỏ, đây là giống gà ri cổ của Việt Nam có màu lông vàng, chân vàng, mỏ vàng, mào cờ răng cưa, thịt mềm và rất thơm ngon...Được biết, giống gà này được một chuyên gia người Pháp nhân giống từ thế kỷ 19 và đã được người dân Uông Bí nuôi dưỡng từ nhiều năm nay, nhưng chủ yếu nhỏ lẻ, tự phát tại các hộ gia đình.
Để bảo tồn giống gà này, năm 2018, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TP Uông Bí đã triển khai Dự án nuôi gà ri vàng rơm với quy mô 4.600 con gà, trong đó có 1.600 con gà sinh sản. Tổng trị giá dự án là 2,1 tỷ đồng, trong đó thành phố dành 700 triệu đồng để hỗ trợ 100% chi phí con giống và 30% chi phí thức ăn, phần còn lại do người dân đối ứng. Dự án được triển khai tại 20 hộ chăn nuôi thuộc 6 xã phường: Thượng Yên Công, Phương Đông, Thanh Sơn, Quang Trung, Yên Thanh và Điền Công.
Theo Chủ tịch UBND TP Uông Bí Nguyễn Mạnh Hà, hằng năm thành phố Uông Bí đón khoảng 2 triệu lượt khách, vì vậy ngoài việc khuyến khích người dân nhân rộng đàn gà ri vàng rơm, nâng cao dinh dưỡng trong bữa ăn của mỗi gia đình thì còn góp phần tạo ra món ăn đặc trưng của thành phố để phục vụ khách du lịch khi đến Uông Bí.
Gà ri vàng rơm được các hộ dân chăn thả tự nhiên và nuôi sinh học bằng ngô ủ men.
Sau hơn một năm triển khai Dự án, theo đánh giá, giống gà này rất phù hợp với hình thức chăn thả tự nhiên, có khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, sức đề kháng khỏe hơn các giống gà khác, trung bình trọng lượng đạt từ 1,5-2,5 kg/con. Với giá bán từ 100.000-110.000đồng/kg, mô hình này cho hiệu quả khá cao so với các vật nuôi khác. Sau khi trừ chi phí, thu nhập của các hộ dân mỗi tháng trung bình đạt gần 4 triệu đồng đối với gà thịt; hơn 1 triệu đồng đối với gà lấy trứng.
Từ hiệu quả của mô hình, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đã học hỏi và áp dụng tái đàn, tăng quy mô. Anh Lài Thiêm Hải (xã Thượng Yên Công), cho biết: Do được chăn thả tự nhiên và nuôi sinh học bằng thân chuối thái nhỏ, trộn ngô ủ men nên chất lượng gà rất ngon, da vàng, thịt trắng. Vì vậy hiện người dân trên địa bàn thành phố rất ưa chuộng giống gà này, lượng tiêu thụ ngày một tăng, nhất là ở những địa điểm phục vụ khách du lịch.
Các món ăn được chế biến từ gà ri vàng rơm ở các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP Uông Bí hiện đang được người dân và du khách rất ưa chuộng.
Được biết, do sức tiêu thụ tăng cao nên có những hộ ban đầu chỉ nuôi 100-200 con/lứa thì giờ đã mở rộng diện tích, tăng lượng đàn lên khoảng 2.000 con/lứa. Theo thống kê của TP Uông Bí, trung bình mỗi lứa, sản lượng gà ri vàng rơm trên địa bàn thành phố có thể cung cấp ra thị trường khoảng 3-4 tấn.
Để có thể chọn và mua được gà ri vàng rơm, người dân và du khách có thể tới mua trực tiếp tại 6 xã, phường triển khai dự án, các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố. Hoặc có thể mua tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên địa bàn, như: Cửa hàng giới thiệu sản phẩm gà ri vàng rơm cạnh Toà án đường đôi vào UBND thành phố đối diện cửa hàng Viettel post; phía Đông của Sân vận động thành phố. Ngoài ra, người dân và du khách có thể đặt mua trên trang fanpage "Gà ri vàng rơm".
Vịt trời Duy Khương - đặc sản Hải Hà Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, huyện Hải Hà có những đồi chè bát ngát, các loại thủy hải sản mang lại giá trị kinh tế cao, như tôm, cá, hàu, hà, ngao. Bên cạnh đó, phải kể đến vịt trời Duy Khương, một trong số ít mô hình nuôi vịt trời bán hoang dã thành công trong tỉnh, hiện...