Đọc bài thơ ‘Lời không ghi trong giáo án’ nghĩ về nghề dạy học
Bài thơ ‘Lời không ghi trong giáo án’, đã thể hiện được trách nhiệm thiêng liêng của người thầy đối với cuộc đời.
Câu chuyện được kể ở đây là chuyện của một người thầy giáo dạy Văn phổ thông, rất yêu Văn và rất tâm huyết với nghề…
“Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai? “
Trước mắt tôi một cơn mưa dài không dứt
Một người mẹ ru con tiếng chìm, tiếng nấc
Một cơn mưa nước mắt trong hồn
Tràn lên nỗi cô đơn và lòng thương con của chị.
Cả lớp lặng đi, một em bé nhất
Đôi vay gầy nức nở cứ rung lên
Tôi biết mình không thể giảng gì thêm…
Trong đời dạy học của tôi
Tôi đã nói nhiều về vinh quang của người ngã xuống
Tôi hết lời ngợi ca sự cao cả của người chờ đợi
Nhưng có lẽ chưa bao giờ
Tôi nói về nỗi cô đơn của đứa trẻ
Nỗi nhớ cha và lòng thương mẹ
Cứ chất đầy trên vai nhỏ dường kia.
Và từ phút đó trở đi
Thầm cất lên trong tôi lời gì thiêng liêng trang trọng lắm.
Lời không ghi trong giáo án
Video đang HOT
Còn cao hơn cả trách nhiệm người thầy…
Đặng Hiển
(Báo Người giáo viên nhân dân, tháng 5/1990)
Bài thơ “Lời không ghi trong giáo án” của thầy giáo Đặng Hiển được đăng trên báo Người giáo viên nhân dân, số ra tháng 5/1990. Bài thơ ra đời trong lúc cả hệ thống giáo dục nước nhà đang từng bước chuyển mình về mọi mặt, nhất là chuyển biến về nội dung, phương pháp dạy học nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Bài thơ “Lời không ghi trong giáo án”, đã thể hiện được trách nhiệm thiêng liêng của người thầy đối với cuộc đời. Câu chuyện được kể ở đây là chuyện của một người thầy giáo dạy Văn phổ thông, rất yêu Văn và rất tâm huyết với nghề…
” Trời mưa bong bóng phập phồng/Mẹ đi lấy chồng con ở với ai…?”. Tiết học bắt đầu, thầy mở bài bằng hai câu ca dao quen thuộc nói về thân phận người phụ nữ…Lời thơ, lời bình của thầy mượt mà, lắng đọng, giọng văn của thầy hết sức truyền cảm nên không chỉ lôi cuốn các cô cậu học trò, mà còn giúp các em cảm thông và sẻ chia với cảnh ngộ của người mẹ bất hạnh, tội nghiệp trong câu chuyện. Từ bài giảng trên lớp, người thầy giáo đã tác động đến nhận thức, tình cảm của các em, giúp các em hiểu thêm về thân phận những người phụ nữ lỡ làng, rẻ rúng trong xã hội xưa…
Nếu như giờ dạy Văn hôm ấy chỉ dừng lại ở đó, thì người thầy giáo sẽ rất hạnh phúc, vì bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu sự chuẩn bị kỹ càng của mình đã được đền đáp. Nhưng rồi bất ngờ đã có một tình huống sư phạm xẩy ra : “… Cả lớp lặng đi, một em bé nhất/Đôi vay gầy nức nở cứ rung lên”. Nghe thầy đọc thơ, bình thơ, dưới lớp có một em học sinh đã bật khóc “nức nở”. Có lẽ bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu tủi hờn, bao nhiêu nỗi cô đơn kìm nén bấy lâu, đến giờ phút này em mới “nức nở” thành lời. Bởi vì câu chuyện trong bài ca dao thầy giảng lại rất giống với hoàn cảnh đáng thương của chính cuộc đời em.
Lời “nức nở” của em học sinh tội nghiệp ấy đã kéo người thầy dạy Văn trở lại với thực tại cuộc đời: “Trong đời dạy học của tôi/Tôi đã nói nhiều về vinh quang của những ngưòi ngã xuống/Tôi hết lời ngợi ca sự cao cả của người chờ đợi/Nhưng có lẽ chưa bao giờ/Tôi nói về nỗi cô đơn của đứa trẻ”. Vốn yêu nghề, tấm huyết với văn chương, ngày đêm người thầy ấy đã dồn gần như tất cả sức lực, trí tuệ và tình yêu cho từng trang giáo án. Và thầy cho đó là hạnh phúc, là thành công mỹ mãn.
Vì đâu, một thầy giáo dạy Văn đầy kinh nghiệm lại rơi vào một tình huống sư phạm thật “trớ trêu” như vậy? Bởi vì từ trước đến giờ, thầy vẫn vốn quen dạy Văn và bắt các em học sinh tư duy văn chương theo kiểu “một chiều” - thầy giảng, trò chép, đến khi kiểm tra, làm bài, thì trò chỉ việc chép lại những gì thầy đã “nhả ngọc phun châu”, rồi trả lại cho thầy. Nếu như cái giờ Văn hôm ấy, sau khi đọc thơ và bình thơ, người thầy giáo cho học sinh phát biểu ý kiến, bày tỏ cảm xúc của mình, thì chắc rằng, có em sẽ phát hiện ra trong bài ca dao, ngoài nỗi đau của người mẹ lỡ làng, còn có một nỗi đau khác gấp bội phần, một thân phận khác rất đáng thương, đó là một đứa con xa mẹ, một đứa trẻ bơ vơ, tội nghiệp khi mẹ phải “đi bước nữa”, mà trong bài giảng thầy đã bỏ quên.
Bởi vì trong dạy Văn nói riêng và dạy học nói chung, người thầy giáo không được phép áp đặt hoàn toàn những suy nghĩ, tư duy, hiểu biết của bản thân mình cho học sinh, mà phải thường xuyên quan tâm hơn và biết lắng nghe tiếng lòng, sự cảm nhận và suy nghĩ của các em, cũng như luôn động viên, khuyến khích các em tư duy, sáng tạo đa chiều, để cùng thầy phát hiện ra những điều lý thú của mỗi bài học. Dạy và học như thế mới thực sự đổi mới, hiệu quả và thành công mỹ mãn.
“Và từ phút đó trở đi/ Thầm cất lên trong tôi lời gì thiêng liêng trang trọng lắm/Lời không ghi trong giáo án/Còn cao hơn cả trách nhiệm người thầy…“. Vâng, nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ, dạy người cho cho học sinh, mà mỗi ngôi trường, mỗi lớp học còn là những tổ ấm thực sự để chở che, giúp đỡ các em vươn lên trong cuộc đời. Trong mỗi hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, ngoài thiên chức “làm thầy”, có lúc người thầy giáo còn là một người bố, người mẹ, người chị, người anh và người bạn tin cậy của các em. Ta phải biết quan tâm đến hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của từng em học sinh mà ta dạy dỗ, ta gắn bó hàng ngày. Đó là “lời không ghi trong giáo án” nhưng chính là điều thiêng liêng, cao cả nhất, mà những ai làm nghề dạy học phải luôn khắc ghi trong trái tim mình.
Phải không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, phải thực sự lấy học sinh làm trung tâm; không chỉ làm tốt công việc dạy chữ, dạy người, người thầy giáo còn có một thiên chức khác thiêng liêng, cao cả hơn, đó là phải biết đồng cảm, sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn của các em học sinh trong cuộc sống.
Những năm tháng ấy và cả cho đến bây giờ, khi nền giáo dục của nước nhà đang chấn hưng và đổi mới từng ngày, thì những lời tâm sự của người thầy giáo dạy Văn, nhà thơ Đặng Hiển vẫn còn có ý nghĩa là một tiếng chuông cảnh tỉnh, một lời tâm tình nghề nghiệp tác động mạnh vào nhận thức và tình cảm của những ai làm nghề dạy học, giúp mỗi người vượt qua những khó khăn trở ngại để vươn lêm làm tròn trách nhiệm thiêng liêng, cao cả của mình: làm nghề dạy học.
Ước gì giáo viên đến trường chỉ cần lo việc dạy học
Khi thầy cô đến trường với một tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng sẽ có những bài giảng hay, sẽ có nhiều thời gian gần gũi để yêu thương học trò nhiều hơn.
Ai cũng biết, nhiệm vụ chính của giáo viên là dạy học. Tuy nhiên hiện nay, ngoài trách nhiệm giảng dạy và giáo dục học sinh trên lớp thì các thầy cô giáo đang bị rất nhiều công việc khác gây áp lực.
Đáng buồn hơn, trong số những công việc trực tiếp phục vụ cho việc giảng dạy thì có hàng chục đầu việc không tên bủa vây hay việc của ngành nghề khác lại buộc giáo viên phải làm. Thầy cô cứ quay cuồng suốt ngày lẫn đêm dẫn đến sao nhãng công việc chuyên môn của mình.
Ảnh minh họa (Ảnh tác giả)
Bộn bề nhiều việc không tên
Hãi nhất là mỗi lần nhận tin nhắn từ cấp trên về việc báo cáo số liệu gì đó mà thời hạn nộp cứ y như đánh trận. Ví như báo cáo sĩ số học sinh tham gia học online, nêu lý do vì sao không học? rồi địa chỉ, số điện thoại của phụ huynh, thống kê thiết bị, bao nhiêu máy tính, bao nhiêu điện thoại, có mạng hay không?
Hết học online đến việc tiêm vacxin, ai tiêm, ai chưa tiêm, mũi mấy, loại vacxin đã tiêm, vì sao không tiêm, tên học sinh, tên cha, mẹ, số điện thoại, nơi ở...
Giáo viên báo cáo rồi nhưng chỉ ít lâu sau lại phải báo cáo lại và bổ sung thêm cái mới. Khổ nỗi, thông báo đưa ra chỉ vài tiếng là hết hạn. Thông báo bất kể vào giờ giấc nào trong ngày như giờ hành chính, giờ tối thậm chí 11 giờ đêm, hoặc bất kể đó là ngày lễ, ngày cuối tuần.
Để lấy được số liệu từ phụ huynh, giáo viên phải gọi vài chục cuộc điện thoại mỗi lần. Có phụ huynh hợp tác, người bận rộn lại không bắt máy hoặc cáu bẳn vì bị làm phiền. Chỉ nghĩ đến thôi cũng đã thấy mệt.
Nói thời đại 4.0 thì lẽ ra giáo viên phải được giảm áp lực công việc, trái lại công việc của nhà giáo lại tăng gấp đôi bình thường vì phải "ôm xô" cả hai. Bởi khi chưa dùng đến "4.0" thì thầy cô chỉ lo làm trên giấy một lần là xong. Khi phát triển công nghệ thông tin, giáo viên vẫn phải làm hồ sơ bằng tay và thêm luôn phần nhập số liệu vào máy.
Ví như vào học bạ vừa đánh giá trên phần mềm vừa phải nhận xét vào học bạ giấy. Hoặc vừa làm học bạ trên máy lại phải in ra để dán vào học bạ giấy. Hay như việc báo cáo thống kê các số lượng học sinh tham gia, các thầy cô giáo vừa phải vào số liệu ở cơ sở dữ liệu của ngành, vừa phải vào sổ lưu cá nhân và gửi báo cáo về trường.
Một số địa phương còn giao việc cho giáo viên nhập danh sách học sinh đã tiêm vacxin vào phần mềm của ngành y tế, thi thoảng lại yêu cầu báo cáo đã tiêm mấy mũi, loại vacxin gì.
Công việc phổ cập như việc đến từng hộ dân trong địa bàn để điều tra nhân khẩu, xác nhận học sinh đang học lớp đó, trường đó...thay vì cán bộ thôn xóm biết nhà, nắm khẩu chỉ làm một buổi là xong thì các thầy cô giáo phải làm suốt cả tuần.
Cứ sau giờ tan trường, giáo viên phải hối hả chạy đi hỏi thăm từng nhà để lấy thông tin. Ngoài ra, giáo viên phải ghi sổ theo dõi khám sức khỏe cho học sinh, ghi cân nặng, chiều cao trong khi công việc này là của các cơ sở y tế vì họ đã nhận khoản tiền từ % trích lại của bảo hiểm y tế cho nhà trường.
Mệt mỏi không kém là việc thu nhập minh chứng để trường lên chuẩn quốc gia hoặc duy trì mức độ đạt chuẩn. Rất nhiều công việc vô lý vẫn được yêu cầu làm. Ví như minh chứng về cơ sở vật chất chỉ cần tham quan trường, quan sát bằng mắt đã đánh giá được thì lại yêu cầu chụp hình nhà xe, thư viện, cổng trường, dãy phòng học, nhà vệ sinh...
Có những minh chứng hiện hữu còn dễ, không ít minh chứng tìm hoài không ra. Giáo viên cứ đánh vật hết ngày này qua ngày khác lục tìm trong đống hồ sơ.
Ngoài ra còn tìm minh chứng để đánh giá giáo viên. Điều vô lý hết sức dù đã được phản ánh nhiều lần nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Năm học nào cũng chụp các loại bằng và chứng chỉ để tải lên hệ thống trong khi chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể kiểm tra.
"Đẻ" ra nhiều công việc chuyên môn
Chuyện hồ sơ sổ sách là câu chuyện mà thầy cô bị hành nhiều nhất. Mặc dù Bộ Giáo dục đã có nhiều chỉ đạo giảm nhiều hồ sơ sổ sách cho giáo viên nhưng hiện không ít trường lại "đẻ" thêm một số loại hồ sơ khác như sổ hội họp. Có trường kiểm tra và đọc xem giáo viên viết có đúng nội dung đã triển khai trong cuộc họp.
Trong khi Bộ Giáo dục cho phép dùng giáo án điện tử, giáo án vi tính thì có trường vẫn bắt giáo viên in giáo án ra chỉ để ký mỗi tuần. Rồi việc kiểm tra giáo án cũng bị hành lên bờ xuống ruộng. Có trường người duyệt săm soi từng dấu chấm, dấu phẩy. Yêu cầu phải soạn chi tiết cả lời nói của giáo viên, câu trả lời của học sinh.
Có giáo viên bức xúc khi giáo án đã in ra, nhà trường góp ý xong lại bắt in nộp lại đến vài lần. Thế nên, có giáo viên nói từ tuần 1 đến tuần 6 đã in hết 2 gam giấy A4 (một ngàn tờ giấy) vì bắt in đi in lại.
Giáo viên đã có sổ báo giảng ghi những tiết dạy trong tuần và nội dung điều chỉnh, bổ sung... thì nay một số địa phương nghĩ thêm cuốn "Kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục". Thế là, cùng lúc giáo viên phải làm cả 2 cuốn sổ mà nội dung cũng chẳng khác nhau là bao.
Rồi góp ý các thông tư sửa đổi, góp ý sách giáo khoa lên đến vài chục cuốn trong khi sách không có mà thời gian cũng không (đôi khi đưa yêu cầu và buộc phải nộp gấp trong một vài ngày). Giáo viên đi dạy suốt ngày thì lấy thời gian nào nghiên cứu với góp ý? Nực cười nhất là bắt buộc góp ý cả những cuốn sách của bộ môn giáo viên không dạy.
Bội thực các hội thi, giao lưu chuyên môn, sân chơi tiết dạy tốt...
Chỉ một hội thi được tổ chức cả 3 cấp như hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Dù đã có quy định, hội thi cấp trường 2 năm tổ chức một lần, cấp thị 3 năm còn cấp tỉnh sẽ 4 năm.
Tuy thế, có năm chỉ cấp trường giáo viên phải tham dự 2 hội thi giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi. Nếu năm của trường trùng với năm thi của huyện thì thầy cô giáo đó phải tham dự một năm tới vài hội thi.
Ngoài các hội thi, không ít địa phương thường xuyên tổ chức giao lưu chuyên môn giữa các trường học trong địa bàn gọi là thao giảng cụm trường.
Rồi từng trường lại vẽ ra diễn đàn dạy tốt nhằm chào mừng các ngày lễ đặc biệt là ngày kỷ niệm của ngành.
Một năm có biết bao ngày lễ, ngày kỉ niệm. Trường có hiệu trưởng thích chạy đua thành tích thì giáo viên càng khổ. Không ngày lễ, ngày kỉ niệm nào bỏ qua. Càng tổ chức được nhiều hoạt động thì trường càng nổi, hiệu trưởng càng được cấp trên đánh giá cao.
Người ngoài ngành đôi khi nghĩ đơn giản, chuẩn bị một tiết dạy đi thi hoặc tiết dạy chào mừng có gì mà khó khăn, mà phải kêu ca. Tuy thế trong thực tế, tiết dạy cho nhiều người dự lại vô cùng áp lực.
Bởi, khi đó giáo viên không dạy cho học sinh của mình mà dạy cho chính vài chục vị giám khảo ngồi đó đánh giá. Ai cũng muốn tiết dạy của mình hoàn hảo nhất để đỡ bị góp ý, đỡ bị mang ra mổ xẻ và bị mặc định luôn trong đầu họ "dạy chẳng ra gì".
Vì những điều này, giáo viên buộc phải dành quá nhiều thời gian để chăm chút cho tiết dạy từ soạn giáo án, tập dợt cho học sinh cách trả lời. Ai nói dạy dự thi hay dạy dự giờ (trừ dạy dự giờ cấp tổ) mà không dạy trước, không gà bài học sinh là nói chưa đúng. Càng thi, càng dự giờ cấp lớn (ví như cấp huyện, thị, tỉnh) thì giáo viên càng phải bỏ thời gian nhiều để chuẩn bị.
Thế nên, nâng cao chuyên môn, nâng cao chất lượng giờ dạy đâu chưa thấy chỉ thấy học sinh lớp có giáo viên đi thi, chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Đâu chỉ tổ chức hoạt động giảng dạy là xong, có trường còn tổ chức thi đồ dùng dạy học. Mặc dù họ thừa hiểu, thay đổi chương trình, thay đổi sách giáo khoa, thay đổi cả phương pháp dạy học thì những đồ dùng dạy học như trước đây đã không còn phù hợp nữa.
Tuy nhiên, hiệu trưởng vẫn tổ chức hội thi. Điều này chỉ khổ giáo viên phải vắt óc suy nghĩ đề tài và bỏ công sức, tiền bạc (đôi khi phải thuê người làm) mới có sản phẩm tham gia. Thế mà, đồ dùng dạy học dự thi xong cũng chỉ để trưng bày trong tủ đồ dùng của trường cho đẹp.
Ngoài hội thi của giáo viên, nhiều trường học còn liên tục tổ chức các sân chơi cho học sinh. Nào là trạng nguyên tiếng Việt, giao lưu chữ đẹp, chương trình ngoại khóa theo chủ điểm, hoạt động trải nghiệm trước cờ, hội thi tiếng hát măng non, hội diễn văn nghệ, thi sáng tạo trẻ thơ, khoa học kĩ thuật...
Có trường tổ chức nhẹ nhàng nhưng không ít trường đưa vào thi đua xếp thứ hạng để đánh giá công tác chủ nhiệm của các thầy cô. Vì thế, giáo viên lớp này cũng phải cố gắng chạy đua với lớp khác. Không có nhiều thời gian, nhiều thầy cô giáo phải bớt thời gian giảng dạy để luyện tập cho học sinh.
Hãi nhất vẫn là các cuộc thi khoa học kĩ thuật. Mặc dù, tinh thần của hội thi là đối tượng học sinh. Tuy nhiên, vì thành tích nên có trường lại ép chỉ tiêu mỗi khối phải có vài sản phẩm đi thi. Tổ chuyên môn lại ép mỗi lớp đều phải có sản phẩm dự thi. Học trò thì dửng dưng vì em có năng khiếu rất ít còn thầy cô lại sốt ruột.
Cũng vì muốn thành tích, có giáo viên đăng ký sản phẩm, đầu tư làm còn học sinh được đứng tên để báo cáo.
Có thể nói, trường nào càng hoạt động phong trào nhiều thì chất lượng học tập của học sinh càng bị sa sút.
Giáo viên kiêm việc bán hàng, thu tiền và đòi nợ
Trong tất cả những việc ngoài chuyên môn, nhiều thầy cô giáo cho biết mệt mỏi nhất vẫn là công việc bán hàng, thu tiền và đòi nợ. Hiện có những trường học không buộc thầy cô giáo dính đến chuyện tiền bạc. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường giao việc bán hàng và thu tiền cho giáo viên.
Những thứ có thể bán ở trường học như bán sách giáo khoa, đồ đồng phục, các loại bảo hiểm và thu các loại tiền quỹ lớp, quỹ trường, tiền học buổi 2, học một số câu lạc bộ. Thế là, cứ mỗi ngày bước vào lớp, một số thầy cô giáo đều hỏi câu hỏi đã trở thành quen thuộc "Hôm nay, lớp ta có ai đóng tiền không?".
Học sinh đóng đầy đủ còn đỡ, có em cha mẹ cứ khất lần lữa gần hết năm vẫn chưa đóng hết. Ngày nào cũng đòi tiền thì mệt, có giáo viên chia sẻ "còn vài em nợ dai thì móc tiền túi đóng luôn cho đỡ phải đòi".
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều quy định giảm áp lực cho giáo viên bằng cách quy định lại một số hồ sơ sổ sách giáo viên cần có, cắt giảm khá nhiều hồ sơ không cần thiết trước đây. Cùng với đó, giảm một số sân chơi như thi Violimpic Toán, hội thi viết chữ đẹp các cấp...Giáo viên được quyền chọn lựa các hình thức soạn giáo án và tiến tới sử dụng giáo án điện tử, phổ biến một số phần mềm quản lý giáo viên, quản lý học sinh nhằm giúp giáo viên dễ dàng trong việc đánh giá học sinh. Cùng với đó, tăng thời gian bảo lưu danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường 2 năm thay vì 1 năm như trước...
Tuy thế, ở nhiều địa phương không ít trường học vẫn chưa lĩnh hội được tư duy đổi mới, giảm tải áp lực cho giáo viên từ Bộ. Vẫn cách quản lý cũ, cách làm cũ và kiểm tra cũ, nhiều trường học đã làm tăng áp lực cho các thầy cô giáo.
Công việc ngập đầu đang chiếm khá nhiều thời gian giảng dạy của giáo viên. Bởi thế, nếu nói thầy cô mong ước điều gì cho nghề nghiệp của mình lúc này, ai cũng mong muốn được giảm những áp lực để chú tâm cho việc giảng dạy.
Muốn có được điều này, người lãnh đạo ở trường học cần thay đổi tư duy và cách làm, nên chú trọng vào chất lượng giảng dạy mà bỏ qua một số công việc hình thức như hiện nay.
Khi thầy cô đến trường với một tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng sẽ có những bài giảng hay, sẽ có nhiều thời gian gần gũi để yêu thương học trò nhiều hơn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nội dung giáo dục địa phương: Tăng tiết để đảm bảo chương trình Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) là môn học bắt buộc và được triển khai dạy 1 tiết/tuần. Tuy nhiên, Tài liệu GDĐP tỉnh chậm được phê duyệt và in ấn nên đến tuần 12 của năm học 2022 - 2023 (từ ngày 21/11), Sở GD&ĐT mới có văn bản triển khai dạy học...