Doanh nghiệp Mỹ nỗ lực giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam chia sẻ về những nỗ lực giúp Chính phủ Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh tiêu chuẩn, minh bạch và ổn định, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đẩy mạnh đầu tư – thương mại
“Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) sẽ tiếp tục nỗ lực giúp Chính phủ Việt Nam tạo ra một môi trường kinh doanh tiêu chuẩn, minh bạch và ổn định để đảm bảo tất cả các nhà đầu tư có quyền tiếp cận một cách công bằng khi kinh doanh tại Việt Nam”, ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội thông tin trong cuộc trò chuyện với phóng viên Kinh tế & Đô thị.
Ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội.
Ông Adam Sitkoff cho biết, năm nay, Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và có nhiều thay đổi đáng kể diễn ra. Một trong những điểm mạnh của mối quan hệ giữa hai nước là bản chất đa diện. Về kinh tế, Mỹ là đối tác thương mại và nhà đầu tư quan trọng của Việt Nam. Về mặt chính trị, Việt Nam và Mỹ có cùng mối quan tâm: Hòa bình và ổn định ở Đông Á; giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống, tác động lớn đến việc làm của hàng triệu người và phá vỡ hệ thống thương mại toàn cầu mà cả hai quốc gia phụ thuộc.
Nổi bật là hai quốc gia hiện có một tình bạn bền chặt gắn bó và tôn trọng lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực bao gồm an ninh khu vực, giáo dục, y tế toàn cầu, an ninh lương thực và năng lượng, ứng phó thảm họa và các lĩnh vực khác.
Mối liên kết văn hóa giữa hai nước cũng rất quan trọng. Mỹ có dân số Việt kiều lớn nhất. Người Mỹ gốc Việt đang đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Các khoản đầu tư, tài năng và tinh thần kinh doanh của họ đã giúp thúc đẩy Việt Nam tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Năm 1995, chỉ có 60.000 người Mỹ đến Việt Nam, đến năm 2019, con số này là gần 700.000 lượt khách. AmCham hy vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khách du lịch Mỹ một khi du lịch quốc tế bình thường hóa sau đại dịch.
Giám đốc điều hành AmCham đánh giá, thương mại là nền tảng của mối quan hệ song phương giữa hai nước và nhiều doanh nghiệp Mỹ đã đạt được kết quả ấn tượng khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ngay sau khi nối lại quan hệ kinh tế, một nhóm nhỏ người Mỹ đã thành lập AmCham tại cuộc họp đầu tiên tại khách sạn Dragon gần Hồ Tây vào tháng 4 năm 1994.
“Các thành viên AmCham đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam và nhiều thành viên lâu năm của chúng tôi là công cụ giúp bình thường hóa mối quan hệ song phương. Cụ thể, các thành viên AmCham đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam, tạo ra hàng chục ngàn công việc cho nhân viên trực tiếp, hàng trăm ngàn nhân viên gián tiếp và đóng góp một phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu Việt Nam và doanh thu thuế.
Video đang HOT
Hiện nay, các công ty và nhà đầu tư Mỹ hoạt động trong hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đã tăng hơn 4 lần trong thập kỷ qua. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ngay cả trong đại dịch Covid-19″, ông Adam Sitkoff thông tin.
Nhiều nhà đầu tư Mỹ lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam
Hướng tới tương lai, AmCham hy vọng Chính phủ hai nước có thể bắt đầu nỗ lực hướng tới hiệp định thương mại tự do song phương. Điều này sẽ cải thiện dòng đầu tư và thương mại, hỗ trợ chuỗi cung ứng bền vững và cải thiện điều kiện kinh doanh nhằm củng cố khu vực tư nhân, đảm bảo phát triển kinh tế và xã hội bền vững và thúc đẩy sự thịnh vượng tại Việt Nam.
Theo ông Sitkoff, nhiều nhà đầu tư Mỹ mà ông làm việc đều rất lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. AmCham ủng hộ những nỗ lực tạo ra môi trường kinh doanh theo hướng hiện đại, từ đó sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong tương lai và tạo ra nhiều việc làm với thu nhập cao cho người Việt Nam.
Để đạt được thành công, theo ông Adam Sitkoff, Việt Nam cần kiểm soát việc “trải thảm đỏ” cho các dự án đầu tư không hiệu quả và khung pháp lý cần ổn định và có thể dự đoán được. Nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng về những thay đổi chính sách và quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế.
“Chúng tôi khuyến khích Việt Nam cần cải tiến liên tục trong phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, cải cách giáo dục, đảm bảo chính sách pháp luật và thuế và tăng cường tính minh bạch tại Việt Nam” – ông Sitkoff đề xuất.
Các nhà đầu tư Mỹ thường xuyên cảm nhận rằng Việt Nam vẫn có một hệ thống kiểm toán và thuế không thể đoán trước. Tiến bộ trong các lĩnh vực này không chỉ giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư nước ngoài, mà còn giúp tham vọng của Việt Nam có thể gia nhập khu vực cạnh tranh kinh tế tiếp theo.
“Ngoài ra, chúng tôi khuyến nghị rằng các hạn chế đầu tư nước ngoài, khung pháp lý hạn chế quá mức và các thủ tục hành chính nặng nề cần được xem xét kỹ lượng và nới lỏng có chọn lọc để khuyến khích đầu tư của Mỹ tăng lên” – ông Sitkoff cho biết.
Sống và làm việc tại Hà Nội gần 20 năm, ông Sitkoff nhận thấy cơ hội tuyệt vời và một tương lai tươi sáng ở đây. Tuy năm nay cho thấy là khá thách thức đối với nhiều người. Bởi hệ luỵ mang tính kinh tế của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam là nghiêm trọng và sẽ tác động đến cộng đồng doanh nghiệp Mỹ trong thời gian khá dài. Hàng triệu việc làm đã biến mất, nhiều người đã thấy mức lương của họ bị cắt giảm và hoạt động kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực vẫn chậm.
Theo ông Sitkoff, số người nhận trợ cấp thất nghiệp trong nửa đầu năm tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý II đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu công bố dữ liệu kinh tế vào năm 1991. Ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, áp lực tài chính cho nhiều công ty sẽ là đáng kể.
Trong khi tương lai là không thể biết được, mọi người dân Việt Nam đã thực hiện một công việc xuất sắc để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Thành công này cho phép Việt Nam khởi đầu nhanh chóng trên con đường phục hồi kinh tế và phản ứng hiệu quả của Chính phủ đối với đại dịch sẽ tiếp tục thúc đẩy vị thế Việt Nam như một thị trường hấp dẫn.
Bầu cử Mỹ: Biden thay đổi "kế sách" tranh cử, quyết "vượt mặt" Trump
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tung ra một loạt đề xuất mới, nhằm phục hồi nền kinh tế Mỹ giữa cơn khủng hoảng.
Trong một nỗ lực để giành được lợi thế trong cuộc bầu cử vào mùa Thu năm nay, ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đang đề xuất sử dụng các quy định và quyền hạn chi tiêu của chính phủ liên bang nhằm thúc đẩy năng lực các công ty sản xuất và công nghệ của Mỹ.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNBC.
Biden thay đổi chiến lược tranh cử
Ông Biden đã kêu gọi chính phủ chi tiêu 400 tỷ USD để mua dịch vụ và hàng hóa được sản xuất trong nước, cộng thêm 300 tỷ USD đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ. Ông cũng đề xuất thắt chặt luật lệ "Mua hàng Mỹ", được ban hành với mục đích mang lại lợi cho cho các công ty Mỹ, song lại rất dễ dàng bị các cơ quan của chính phủ lách luật.
Bản dự thảo do đội ngũ tranh cử của ông Biden đưa ra cũng nêu bật những cam kết của ứng cử viên nhằm tăng cường quyền thương lượng tập thể của các công nhân và bãi bỏ những khoản thuế được cắt giảm đối với doanh nghiệp Mỹ do đảng Cộng hòa ủng hộ, có thể mang công ăn việc làm của người dân Mỹ ra nước ngoài.
AP dẫn lời Cố vấn cấp cao của chiến dịch tranh cử Jake Sullivan cho biết: "Đây sẽ là đợt huy động vốn đầu tư công lớn nhất trong việc mua sắm và phát triển cơ sở hạ tầng, nghiên cứu, phát triển, kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Chiến lược này ưu tiên các thị trường nội địa trước khi đàm phán bất cứ thỏa thuận thương mại quốc tế nào".
Đề xuất nói trên cho thấy ông Joe Biden đang thay đổi chiến lược tranh cử, chuyển hướng từ công kích Tổng thống Trump sang thúc đẩy nền kinh tế. Kinh tế từng được coi là "con át chủ bài" của đảng Cộng hòa, đã mang lại lợi thế rõ ràng cho Tổng thống trump trước khi dịch bệnh Covid-19 làm giảm các hoạt động chi tiêu và đẩy tỉ lệ thất nghiệp lên cao ở mức gần thời kỳ "Đại Suy thoái".
Phiên bản mới của "Nước Mỹ trên hết"?
Sự chuyển hướng sang chính sách lao động và sản xuất của ông Biden không phải là ngẫu nhiên.Ứng cử viên này muốn tận dụng mối quan hệ của ông với các tổ chức công đoàn và thực hiện mục tiêu giành được sự ủng hộ của các cử tri thuộc tầng lớp lao động, từng giúp ông Trump giành được chiến thắng vang dội cách đây 4 năm.
Dự kiến, ông Biden sẽ tiếp tục công bố kế hoạch sử dụng năng lượng để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu và gói "chăm sóc kinh tế" tập trung vào việc thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc trẻ em và người già với giá cả phải chăng hơn và giảm bớt áp lực cho những người trong độ tuổi lao động ở Mỹ.
Các trợ lý chiến dịch cho biết, tất cả chính sách của ông Biden nhằm mục đích phục hồi kinh tế ngay lập tức từ cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra và giải quyết tình trạng bất bình đẳng vốn ăn sâu bám rễ trong lòng nước Mỹ.
"Chúng ta cần phải xây dựng lại không chỉ nơi chúng ta đang ở mà cả những nơi chúng ta đã từng ở. Chúng ta sẽ thực hiện một bước tiến vượt bậc nhằm đảm bảo sự thịnh vượng, sức mạnh, sự an toàn và phẩm giá của tất cả những người lao động Mỹ", cựu Phó Tổng thống Biden phát biểu trước nghiệp đoàn công nhân điện lực Mỹ vào hôm 8/7.
Giới phân tích đánh giá chương trình nghị sự của đảng Dân chủ có phần giống với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump, tuy nhiên, ông Biden khẳng định cách tiếp cận của ông rõ ràng và chặt chẽ hơn.
Đội ngũ tranh cử của ông Biden cho rằng, việc Tổng thống Trump tăng cường áp thuế và thất bại trong đàm phán thương mại với nhiều quốc gia khác đã khiến nước Mỹ ngày càng bị cô lập. Hơn nữa, kinh tế Mỹ còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi những chính sách về thuế làm lợi cho các tập đoàn đa quốc gia.
Theo họ, dưới sự điều hành của chính quyền Tổng thống Trump, nước Mỹ đã tăng cường chi tiêu mua sắm từ nước ngoài, còn các tập đoàn có trụ sở tại Mỹ thì tiếp tục mang công ăn việc làm của người dân ra nước ngoài.
Phía Đảng Cộng hòa đã bày tỏ rõ lập trường sẽ tấn công Biden về vấn đề thương mại và kinh tế, cho rằng ứng cử viên này là một nhân vật có chính sách thương mại làm tổn hại đến người lao động Mỹ. Trước đó Tổng thống Trump cũng chỉ trích ông Biden "yếu thế trước Trung Quốc".
Cả Tổng thống Trump và ông Biden đều cáo buộc Trung Quốc có hành vi thương mại không công bằng. Tuy nhiên ông Biden cho rằng ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với một quốc gia có sức mạnh kinh tế tương đương và "không có kế hoạch" chiến thắng.
Ông Biden đã bỏ phiếu cho Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ tại Thượng viện năm 1994 - Hiệp định mà Tổng thống từng nhiều lần phản đối. Kể từ những năm 1990, ông Biden đã ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ các thỏa thuận thương mại trong tương lai.
Đội ngũ tranh cử của ông Biden khẳng định cách tiếp cận của ứng cử viên này nằm trong khuôn khổ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tuy nhiên các trợ lý của ông thừa nhận, nếu thắng cử, chính quyền ông Biden sẽ sửa đổi một thỏa thuận hiện có với WTO và Hiệp định Mua sắm của chính phủ, vốn tạo ra một thị trường quốc tế mở chung cho các chính phủ tham gia để bảo đảm hàng hóa và dịch vụ.
Pompeo tố các công ty Trung Quốc gian lận Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo các nhà đầu tư Mỹ về "thủ đoạn kế toán gian lận" của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc. "Các nhà đầu tư Mỹ không nên chịu những rủi ro tiềm ẩn và không đáng có liên quan đến các công ty không tuân thủ các quy tắc giống như doanh nghiệp Mỹ", Ngoại...