Đỗ tốt nghiệp THPT nhờ ‘phao cứu sinh’
Một số địa phương đã công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay rất cao như Trà Vinh: 99,07%; Đồng Nai: 99,37%; Long An: 99,51%; Sơn La: 98,34%…
Nếu không nhờ vào chiếc “phao cứu sinh” là điểm học bạ, kết quả liệu có gây bất ngờ hơn không?
Ảnh minh họa
Tỷ lệ vàng trong “làng” tốt nghiệp
Điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 đã có. Nhiều thí sinh đã nhận được giấy báo điểm và giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS-THPT, bằng tốt nghiệp THPT qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến trường lấy. Trừ những thí sinh thi đợt 2 và thí sinh xét đặc cách tốt nghiệp, chỉ một số rất ít thí sinh trượt tốt nghiệp và chưa được cấp bằng tốt nghiệp THPT năm nay.
Nhìn vào tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của các địa phương năm nay có thể thấy so với năm 2020, số tỉnh thành đạt kết quả trên 99% không hiếm.
Cụ thể, Lâm Đồng có tới 99,63% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 (tăng 0,09% so với năm học trước). Tiếp theo là Bạc Liêu có tỷ lệ 99,6% (tăng 0,1% so với năm 2020). Long An 99,51%. Đồng Nai: 99,37%. Bình Dương là địa phương duy nhất đạt điểm trung bình trên 7,0 trong đợt thi vừa qua. Địa phương này cũng nằm trong top tỉnh thành có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao, với 99,28% học sinh tốt nghiệp trong đợt này.
Trong số 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, Lào Cai xếp thứ 3 (sau Phú Thọ và Bắc Giang) và xếp thứ 24 cả nước (xếp liền trước Hà Nội) về điểm thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là tỉnh hiếm hoi ở khu vực miền núi phía Bắc có học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,26%. Trong khi đó, tại Hà Nội, tỷ lệ này là 98,9%, là một trong số ít tỉnh thành có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT giảm so với năm 2020.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ xấp xỉ tuyệt đối này không gây bất ngờ vì năm nào cũng vậy, với chính sách điểm thi tốt nghiệp chỉ chiếm 70% còn lại 30% điểm học bạ THPT lớp 12 chính là chiếc “phao cứu sinh” quan trọng giúp nhiều thí sinh vượt ải vũ môn thành công.
Tăng hơn 40% tỷ lệ đỗ tốt nghiệp nhờ điểm học bạ
Video đang HOT
Theo thống kê của TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH FPT, phao cứu sinh 30% điểm học bạ đã có tác động đáng kể đối với một số địa phương trong việc nâng tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021. Đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chỉ có khoảng 2% thí sinh nên không ảnh hưởng đến bức tranh chung của cả nước.
Cụ thể, đối với các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, nếu chỉ tính điểm thi tốt nghiệp THPT 2021, tỷ lệ tốt nghiệp của thí sinh cao nhất là tỉnh Lào Cai, đạt 87,58%. Kế đến là Yên Bái, 82,70% và thấp nhất là Hòa Bình 64,77%.
Nhưng khi dùng đến phao cứu sinh 30% điểm học bạ THPT lớp 12, tỷ lệ tốt nghiệp Hòa Bình tăng thêm 32,72%, trở thành 97,49%. Của Lào Cai là 99,26% và Yên Bái là 98,78%.
Trong khi đó, thống kê tại khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ tốt nghiệp nếu chỉ tính điểm thi của Đăk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai lần lượt là 72,98%; 76,40%; 79,07%. Cộng thêm với 30% điểm học bạ, tỷ lệ này đã tăng lên thành 97,1%; 97,01%; 97,85%.
Hà Giang nếu không có “phao cứu sinh”, chỉ 51,49% thí sinh đỗ tốt nghiệp và sau khi có điểm học bạ là 93,22%, chênh lệch tới 41,73%.
Rõ ràng, nếu không có 30% điểm học bạ cứu, bao nhiêu thí sinh của kỳ thi đợt 1 năm nay chưa thể cầm tấm bằng tốt nghiệp THPT? Nhiều chuyên gia đã từng bày tỏ quan điểm về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm gì khi tỷ lệ tốt nghiệp năm nào cũng trên 90%, thậm chí có nhiều tỉnh thành trên 99% dù rằng nếu không có điểm học bạ chiếm 30% thì con số này chỉ là 60, 70%? Hiện việc cộng 30% trung bình điểm học bạ lớp 12 có ý nghĩa “phao cứu sinh” hơn là đánh giá năng lực là vấn đề đặt ra hiện nay.
Cơ cấu học bạ chiếm 30% điểm tốt nghiệp đang làm dị dạng bức tranh giáo dục
Chính "phao" cơ cấu 30% điểm học bạ trong tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông làm cho kết quả thi trở nên hư ảo, dập dềnh như "phao" trên mặt biển.
Kết quả kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm được coi là "bức tranh giáo dục" của mỗi địa phương, mỗi cơ sở giáo dục.
Lãnh đạo ngành giáo dục địa phương, cơ sở giáo dục, tự hào, hãnh diện khi kết quả kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao, "bức tranh giáo dục" của mỗi địa phương, cơ sở giáo dục "đẹp" và ngược lại.
Sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, dư luận lại đặt câu hỏi: kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay tỷ lệ học sinh đỗ thật sự là bao nhiêu, "bức tranh giáo dục" thật như thế nào?
Quyền được biết sự thật là quyền lợi chính đáng của mọi người dân quan tâm đến giáo dục. Mặt khác, sự thật cũng là cơ sở để ngành giáo dục đề ra giải pháp, chỉ đạo, chấn hưng giáo dục.
Theo số liệu thống kê của Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đại học FPT, "phao cứu sinh" 30% điểm học bạ trong cơ cấu điểm tốt nghiệp trung học phổ thông đã có tác động đáng kể đối với kết quả thi tốt nghiệp phổ thông trung học của một số địa phương.
Phần lớn, "phao cứu sinh" 30% điểm học bạ trong cơ cấu điểm tốt nghiệp trung học phổ thông đã nâng tỷ lệ tốt nghiệp tăng cao; nơi cao nhất, nâng tỷ lệ học sinh đậu tăng thêm 41,73%; nơi thấp nhất 0%. [1]
Bảng tổng hợp tỷ lệ tốt nghiệp nếu không có điểm học bạ và có điểm học bạ của một số địa phương theo số liệu thống kê của Tiến sĩ Lê Trường Tùng:
Số liệu dẫn theo thống kê của Tiến sĩ Lê Trường Tùng đăng trên tienphong.vn.
Số liệu thống kê của Tiến sĩ Lê Trường Tùng đã cho ta thấy một phần sự thật kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 của 12 địa phương.
Điểm học bạ làm "bức tranh giáo dục" méo mó, dị dạng?
Số liệu thống kê không biết nói dối, nếu không có cơ cấu 30% điểm học bạ trong cơ cấu tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông, Hà Giang chỉ có 51,49% thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp.
Ngược lại, cơ cấu 30% điểm học bạ trong tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông không làm thay đổi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Bình Dương.
Chênh lệch điểm học bạ và điểm thi của Hà Giang cao nhất (2.439), Bình Dương thấp nhất (-0.03), thế nhưng tỷ lệ tốt nghiệp của hai địa phương này tương đương nhau.[2]
Rõ ràng, cơ cấu 30% điểm học bạ trong tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông đã làm "bức tranh giáo dục" nước ta trở nên méo mó, dị dạng, không phản ánh sự thật, thực tế, thực tiễn.
Đã đến lúc bỏ cơ cấu điểm học bạ trong tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông
Như vậy, cơ cấu 30% điểm học bạ trong tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông đã làm không công bằng trong giáo dục, giữa học sinh chăm học và học sinh "nhờ phao học bạ", giữa học sinh nơi này với nơi khác.
Phao "học bạ" sẽ làm cho một bộ phận không nhỏ học sinh ỷ lại, không học tập rèn luyện. Phao "học bạ" sẽ làm cho không ít cơ sở giáo dục "bơm phao", "nâng điểm", bệnh ngụy thành tích càng trầm trọng hơn.
Chính "phao" cơ cấu 30% điểm học bạ trong tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông làm cho kết quả thi trở nên hư ảo, dập dềnh như "phao" trên mặt biển, kết quả đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông của các địa phương và cả nước trở nên "ảo ảnh", không thật.
Muốn dạy thật, học thật, thi thật, tiến tới có nhân tài thật, như chỉ đạo "Học thật, thi thật, nhân tài thật" của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, "bức tranh giáo dục" của mỗi địa phương phải là thật.
"Bức tranh giáo dục" của mỗi địa phương thật, mới có giải pháp thực tế, thực tiễn nâng cao chất lượng dạy học. Học sinh muốn qua sông phải học bơi, tự bơi, cũng là cách giáo dục học sinh tự lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Bỏ "phao" cơ cấu 30% điểm học bạ trong tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông, chắc chắn làm kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông thấp, "bức tranh giáo dục" của địa phương không còn "lung linh" như hiện nay, nhưng là việc làm cần thiết, nếu chúng ta muốn nói đi đôi với làm, làm thật.
Nên chăng, sau khi kết thúc đợt thi lần 2, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai minh bạch tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước, các địa phương, từng cơ sở giáo dục.
Minh bạch kết quả giáo dục thật cũng là giải pháp để chúng ta nhìn vào sự thật, cùng chung tay góp sức chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://tienphong.vn/nho-phao-cuu-sinh-co-dia-phuong-tang-tren-40-do-tot-nghiep-thpt-post1362984.tpo
[2]https://laodong.vn/giao-duc/nhieu-dia-phuong-co-chenh-lech-lon-giua-diem-hoc-ba-va-diem-thi-thpt-935388.ldo
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Đối sánh điểm học bạ với điểm thi tốt nghiệp chỉ là phần nổi của tảng băng Học sinh lớp 12 được "cấy" điểm học bạ cao ngất ngưởng, không chịu học, có khả năng bị điểm liệt khiến giáo viên chủ nhiệm ăn không ngon, ngủ không yên. Một giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh trải lòng, thầy có 1 học sinh lớp 12 tổng kết điểm học bạ cuối năm trên 8.0 nhưng sau kì thi...