Đỗ Bảo và dàn ca sĩ sung sức đến cuối show diễn dài gần 4 tiếng
Dù đêm nhạc kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ, đến tận nửa đêm, khán giả vẫn ở lại hòa nhịp cùng các nghệ sĩ đến giây phút cuối cùng.
Tối ngày 25/11, liveshow “Một mình bao la” đánh dấu chặng đường âm nhạc 30 năm của nhạc sĩ Đỗ Bảo đã diễn ra thành công tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Đây là đêm nhạc thứ 2 sau đêm diễn đầu tiên được diễn ra vào ngày 11/11 tại Nhà hát Hòa Bình – TP.HCM.
Tại đêm nhạc, khán giả đã được chiêu đãi bằng âm nhạc, thị giác và những khoảnh khắc tri ân 30 năm làm nghề đầy ý nghĩa từ nhạc sĩ Đỗ Bảo cũng như dàn khách mời gồm: Thanh Lam, Tấn Minh, Hà Trần, Hồ Quỳnh Hương, Trung Quân, Lân Nhã, Nguyễn Ngọc Anh, GiGi Hương Giang, Uyên Linh, Tùng Dương và Hoàng Dũng.
Trải qua nhiều vai trò và hoạt động tích cực trong ngành âm nhạc, Đỗ Bảo luôn là cái tên được khán giả ghi nhớ bởi chất nhạc đầy cảm xúc, chứa đựng cái tôi nghệ sĩ giản dị, chân thành, hoà cùng tình yêu cuộc sống dồi dào và đầy nhịp điệu. “Một mình bao la” là cái tên ý nghĩa Đỗ Bảo chọn cho chương trình, cũng là tên của một bài hát mới được ra mắt trong đêm nhạc.
Nghệ sĩ chia sẻ, cái tên mang hàm ý khơi gợi cả những suy tư cùng cảm hứng đẹp về con người giữa bao la đời sống, bao la cảm xúc con người.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo.
Đỗ Bảo gửi gắm tình yêu vào âm nhạc
Đỗ Bảo mở màn buổi diễn bằng tiếng đàn piano dịu êm và lời gửi gắm: “Cuộc sống này ta buộc càng phải yêu thương nhau nhiều hơn” như thông điệp xuyên suốt các nốt trầm bổng của đêm nhạc. Tấn Minh và Hà Trần dẫn dắt buổi diễn với loạt bài hát gồm Những mùa đông yêu dấu, Thời gian để yêu, Nghịch lý.
Nếu Tấn Minh đem đến những lời ca đầy tình tứ thì Hà Trần đem tới những bản phối mới lúc mênh mang, lúc bùng nổ khiến khán phòng không ngớt những tiếng hò reo. Đỗ Bảo chia sẻ đã muốn được làm một buổi biểu diễn âm nhạc từ khi còn nhỏ. Vậy nên, điều anh gửi gắm vào sự nghiệp 30 năm của mình là thật nhiều tình yêu đến từ trái tim và sẽ dùng âm nhạc kể câu chuyện của mình.
Ca sĩ Tấn Minh.
Hồ Quỳnh Hương.
Buổi diễn tiếp tục với những nốt nhạc đầy quyến rũ đến từ Hồ Quỳnh Hương qua Những khung trời khác và Bức thư tình thứ tư.
Hồ Quỳnh Hương còn hài hước chia sẻ, tại đêm nhạc ở TP.HCM cô hát sung đến nỗi bị ngã không ít lần. Trong đêm nhạc này, cô hứa sẽ hát sung tiếp nhưng cũng đề phòng để không bị ngã nữa nhưng nếu có ngã cô hi vọng khán giả sẽ thông cảm cho mình.
Với Thủy chung và Điều ta đang có, Lân Nhã và Ngọc Anh tiếp tục “bản nhạc lớn” của Đỗ Bảo với những câu tình ca trong trẻo. Nguyễn Ngọc Anh cũng gây ấn tượng lớn với ca khúc Cánh cửa mùa xuân được cô “xin phép” Đỗ Bảo để hát riêng trong đêm diễn tại Hà Nôi.
Video đang HOT
Ca sĩ Lân Nhã
Ca sĩ Thanh Lam
Sự xuất hiện ấn tượng của Thanh Lam trong ánh sáng đỏ ma mị và tiếng saxophone thực sự là một trong những điểm sáng nhất của chương trình “Một mình bao la”. Khán giả đã bị mê hoặc bởi giọng hát sắc lẹm và cách biểu diễn độc đáo của Nữ hoàng nhạc nhẹ Việt Nam.
Đỗ Bảo hóm hỉnh khi hỏi và nói rằng Thanh Lam là phép bù trừ của sự dữ dội đối với tính lãng mạn và sự mềm mại trong nhạc của anh. Khi trình bày ca khúc Tôi khóc biển xưa, Thanh Lam nói đùa rằng khi đọc lời, cô đã tưởng rằng đây là một bài hát về bảo vệ môi trường nhưng thực tế đây là một bài hát về sự “rút cạn” của hai người khi yêu nhau. Diva cũng cảm ơn người bạn đời là bác sĩ Bùi Tiến Hùng vì là người đã đem đến tình yêu mà không rút cạn chị.
Khán giả ngồi gần 4 tiếng để cháy hết mình với âm nhạc
Đỗ Bảo đưa khán giả sang hồi tiếp theo của đêm nhạc. Anh tâm sự: “Khi một ca khúc mới ra đời, tôi được đắm chìm trong hành trình mới. Trong 30 năm qua tôi chưa từng mệt mỏi trong hành trình gửi gắm tới bạn bè và người thân tôi những chân trời mới. Tôi cảm thấy mình mới chỉ là một phần nhỏ trên con thuyền khám phá những điều ấy mà thôi”.
Anh cũng chia sẻ về sự chảy trôi của thời gian và “cây cầu” bắc ngang những thập kỷ khác nhau: “Chúng tôi sống với tình yêu đầy phép tắc. Khi bước sang một thế kỷ mới, cây cầu đó như đưa tôi sang hẳn một hòn đảo mới. Chúng tôi có cách sống mới. Và qua đây chúng tôi tìm cách trở lại với những chiếc hồn trong veo và những giấc mơ tuyệt đẹp”.
Ca sĩ Trung Quân
Trung Quân xuất hiện đầy tươi trẻ với loạt ca khúc Biết mãi là bao lâu. Trung Quân tiết lộ rằng, đĩa Bức thư tình thứ 3 chính chiếc đĩa mà anh mang bên mình khi xuống TP.HCM học đại học và khẳng định sẵn sàng hát bù cho bất cứ ca sĩ nào trong show vì anh đều thuộc tất cả các bài của nhạc sĩ Đỗ Bảo. Anh cũng hát Bức thư tình thứ 3 – ca khúc chủ đề trong album mà anh đã mang theo xuống TP.HCM và đã… làm mất. Với Trung Quân, việc hát Bức thư tình thứ 3 như tái hiện một thời tuổi trẻ đầy thanh xuân và hoài bão.
Hà Trần trở lại và làm nóng sân khấu với Cầu vồng đêm mưa và Đôi giày lười. Nhạc sĩ Đỗ Bảo cho biết Cầu vồng đêm mưa là một khúc nói về tình yêu xuyên không gian và thời gian. Diva Hà Trần gặp nhiều sự cố trên sân khâu như rơi bông tai, rơi thiết bị âm thanh nhưng chị đã thể hiện thành công tất cả các ca khúc.
Hà Trần và Thanh Lam cũng song ca với nhau một ca khúc có tên Đỉnh núi lãng quên. Sau tiết mục cao trào này, hai diva đã ra ôm Đỗ Bảo rồi sau đó Hà Trần trêu đùa với Thanh Lam rằng không biết nên ôm hay nên cấu Đỗ Bảo vì viết bài quá khó. Như vậy, hai hit Cầu vồng đêm mưa và Đỉnh núi lãng quên được chờ đợi từ lâu đều đã xuất hiện trong “Một mình bao la”.
Thanh Lam – Hà Trần
Gigi Hương Giang – một cái tên mới mẻ, mà theo Đỗ Bảo là “tài năng và rất dễ thương”, đã tiếp nối bản nhạc 30 năm “Một mình bao la” của anh với hai ca khúc Chỉ cho tôi, Cứ mãi ngây thơ và biết đợi chờ. Màn thể hiện của nữ ca sĩ trẻ gây bất ngờ và tràn đầy cảm xúc cho khán giả. Đây là bài hát mà Đỗ Bảo viết với tâm tư rằng anh nợ Sài Gòn, nơi anh lập nghiệp một bài hát.
Lần đầu trình làng bài hát Nhớ chiếc hồn trong cùng Tấn Minh, Đỗ Bảo xúc động nói về bài hát như hồi tưởng lại chặng đường 30 năm làm nghề của mình. Tấn Minh cũng chia sẻ thêm rằng anh nghĩ mình là người hạnh phúc nhất đêm nay bởi được giao trọng trách hát ca khúc mở đầu và các ca khúc mới của Đỗ Bảo như Một mình bao la, Mắt ngày thăm thẳm. Anh tiết lộ cả hai sắp có thêm dự án lớn và mong được khán giả ủng hộ.
So với đêm nhạc tại TP.HCM, “Một mình bao la” tại Hà Nội còn có thêm sự xuất hiện của Uyên Linh, Tùng Dương và Hoàng Dũng. Uyên Linh thể hiện 3 ca khúc: Cánh buồm đỏ thắm song ca cùng Lân Nhã, Điều hoang đường nhất và Điều ngọt ngào nhất. Cô chia sẻ, hi vọng Đỗ Bảo sẽ làm thêm album Cánh cung 4, 5, 6 để cho cô và các anh chị em nghệ sĩ được hát.
Ca sĩ Tùng Dương hát cùng Hà Trần.
Tùng Dương thể hiện Mây (Hà Nội Version), Ru em và Những ô màu khối lập phương. Nam ca sĩ chia sẻ Mây là ca khúc nhạc sĩ Đỗ Bảo dành tặng cho bà xã Ứng Thanh Vân nhưng anh hi vọng tất cả các phụ nữ có trong khán phòng đều là mây trên cuộc đời. Trong khi đó, Hoàng Dũng góp giọng trong Cứ mãi ngây thơ và biết đợi chờ, Bài ca tháng sáu…
Đêm nhạc kết thúc với sự bùng nổ của liên khúc Bức thư tình thứ hai – Ngày cuối tuần rực rỡ – Thời gian để yêu do Hồ Quỳnh Hương thể Hiện. Phần trình diễn của Hồ Quỳnh Hương tạo ra sự hào hưng phấn khích cực độ nơi khán giả, nhiều người ước rằng nữ ca sĩ đất mỏ sẽ đi hát trở lại nhiều hơn.
Người tham dự đêm nhạc còn được thêm một bất ngờ mang tên Tháng ngày chờ mong với sự góp giọng lần đầu tiên của Thanh Lam – Hà Trần – Trung Quân – Gigi Hương Giang.
Khán giả trong đêm nhạc “Một mình bao la” đã được tận hưởng những phút giây âm nhạc thăng hoa cùng với phần nhìn được đầu tư mãn nhãn. Sân khấu biến đổi liên tục theo từng ca khúc cùng với phần hình ảnh sang trọng, chỉn chu đã giúp khán giả thăng hoa theo từng giai điệu của người nhạc sĩ tài hoa.
Đỗ Bảo đưa người nghe qua từng cung bậc cảm xúc từ những bản tình ca trong trẻo, đến những câu chuyện về giai đoạn khó nhằn trong cuộc đời anh, và trở lại để cùng ăn mừng sự trọn vẹn của 30 năm âm nhạc. Chính vì thế, dù đêm nhạc kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ đến tận nửa đêm, các ghế ngồi vẫn kín, khán giả vẫn ở lại hòa nhịp cùng các nghệ sĩ đến giây phút cuối cùng.
Đỗ Bảo với 'Một mình bao la'
Lâu lắm tôi chưa gặp lại Đỗ Bảo. Tôi hẹn một cuộc trò chuyện về show diễn cá nhân của anh có tên 'Một mình bao la' - kỷ niệm 30 năm âm nhạc Đỗ Bảo vào tháng 11 này nhưng anh chưa nhận lời bởi lý do quá nhiều việc.
Chọn lối sáng tác đầy suy tưởng
Tôi từng biết một Đỗ Bảo luôn bận rộn. Không ít người như: Phó Đức Phương, Phú Quang, Ngọc Đại, Trần Thu Hà, Tấn Minh, Ngọc Anh, Tùng Dương, Nguyên Thảo, Hoàng Quyên... chọn Đỗ Bảo để gửi gắm việc soạn hòa âm, sản xuất album hay dàn dựng chương trình. Toàn những việc nặng, dài hơi và đòi hỏi sự tài năng...
Là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm được công chúng yêu thích, lại được giới chuyên môn tin cậy, ngoài ra còn là giảng viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội nên Đỗ Bảo khá bận rộn. Không ở phòng thu thì ở sân khấu, không mơ màng tìm giai điệu thì cũng tập cho ban nhạc, muốn gặp được anh là rất khó.
Trong giới showbiz, Đỗ Bảo chọn một góc riêng, phía sau tĩnh lặng và chậm rãi, có phần cô đơn. Sau 10 năm, với thành công của concert "Cánh Cung: Live In Hanoi", Đỗ Bảo làm một liveshow đồng tác giả Phú Quang - Đỗ Bảo (Hà Nội - Mùa chuyển), "Đàn chim Việt" Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao và bây giờ là "Một mình bao la" - concert riêng, ở 2 địa điểm: TPHCM và Hà Nội.
Với "Một mình bao la", Đỗ Bảo cho biết: "Bên cạnh tình yêu là đề tài bất biến, tôi thích viết những nhạc phẩm có tính triết lý, suy tư. Song cho dù đề tài nào thì về âm nhạc, các tác phẩm của tôi gần gũi với người trẻ hơn, đồng thời có sự du nhập các xu hướng quốc tế...
Tôi cho rằng chúng ta dù sinh ra lớn lên trong hoàn cảnh nào, yêu và sống ra sao, vẫn luôn là mình ta (cô đơn) giữa bao la đời sống, tự nhiên và bao la cảm xúc con người. Cuộc đời mỗi người là một hành trình riêng và dẫu cho cuộc hành trình đó bắt đầu từ đâu, như thế nào thì tình yêu và bản sắc con người của chúng ta luôn tồn tại giữa vẻ đẹp bao la của cuộc sống".
Những bài hát của Đỗ Bảo không dễ hát, không dễ nghe nhưng những người ca sĩ đã mến mộ để gắn bó thì đều đặt được dấu ấn lớn trong sự nghiệp ca hát của mình. Nếu ai đã nghe thì sẽ thích, sẽ "nghiện". Tuổi đời còn khá trẻ nhưng Đỗ Bảo có lối suy tư của một người cao niên, vì thế nên người ta thấy Đỗ Bảo ở đời thường chỉ cười mà ít nói, trong âm nhạc thì nhiều suy tưởng và triết lý về cuộc đời. Tác phẩm càng về sau càng được viết rất kỹ và luôn có ý thức về cái mới. Có những ca khúc anh viết từ vài chục năm trước nhưng chờ qua năm tháng mới công bố.
"Một mình bao la" được hòa âm tỉ mỉ, dàn nhạc và các ca sĩ đã quen thuộc với âm nhạc Đỗ Bảo như: Thanh Lam, Hà Trần, Tấn Minh, Tùng Dương, Hồ Quỳnh Hương, Nguyễn Ngọc Anh còn thêm nhiều yếu tố và nhân tố mới với sự tham gia của các ca sĩ trẻ tài năng như: Uyên Linh, Trung Quân, Hoàng Dũng, Lân Nhã, Gigi Hương Giang...
Từng lập nên ban nhạc Sao Mai, lúc mới 15 tuổi. Năm 24 tuổi, Đỗ Bảo đã được mời làm hòa âm, phối khí cho album "Nhật thực" (2002) của ca sĩ Trần Thu Hà và nhạc sĩ Ngọc Đại. Liên tục sau đó, anh cho ra mắt các album "Cánh cung" (2004), "Thời gian để yêu" (2008) và "Chuyện của mặt trời - Chuyện của chúng ta" (2013) với nhiều bản hit gắn liền với những ca sĩ nổi tiếng như: series "Bức thư tình" - với giọng ca Tấn Minh và Hồ Quỳnh Hương, "Chuyện mặt trời - Chuyện của chúng ta" - Trần Thu Hà, "Thời gian để yêu" - Nguyên Thảo.
26 tuổi, Đỗ Bảo đã có được thành công lớn khi hoàn thiện bộ album "Cánh cung" (2004). Rồi tiếp sau đó là "Thời gian để yêu" (2008) và "Chuyện của mặt trời - Chuyện của chúng ta" (2013). Bộ 3 album này giúp anh có được nhiều đề cử tại Giải thưởng âm nhạc Cống hiến, nhưng hơn hết mang về cho anh 2 lần giành cú đúp "Nhạc sĩ của năm" và "Album của năm" (2009 và 2014). Ngoài ra cũng cần kể đến album "Những ô màu khối lập phương" (2007) của ca sĩ Tùng Dương do anh phối khí và biên tập cũng được trao giải "Album của năm" tại Giải thưởng âm nhạc Cống hiến năm 2008.
Thích được riêng tư như... một hòn đảo
Đỗ Bảo sáng tác từ rất trẻ, tới nay anh đã có hàng trăm ca khúc nổi tiếng.
Đỗ Bảo rất kỹ tính trong âm nhạc, chỉn chu trong đời sống. Không ai thấy Đỗ Bảo ở các cuộc nhậu nhẹt, la cà. Có lẽ mọi tình cảm, sự lãng mạn anh dành cả cho sáng tác. Nếu gặp, ta sẽ thấy một Đỗ Bảo rụt rè, nhỏ nhẹ và... nhút nhát.
Có lần Bảo nói với tôi: "... Mỗi người một sở thích... Em tin rằng chỉ có tác phẩm là quan trọng, là cần cá tính, còn người nhạc sĩ sống sao cũng được, miễn họ không làm ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh. Hơn nữa, em cũng thích được riêng tư như... một hòn đảo để có không gian cho công việc. Sáng tác nhạc đã đủ sung sướng và khổ ải rồi nên thật lòng em không thấy cần tìm kiếm thêm những điều đó từ những gì bên ngoài âm nhạc..."
Đỗ Bảo quan niệm rằng việc sáng tác nhạc giống như tạo mẫu, phải có cái gì đó để thuyết phục rõ ràng dẫu mơ hồ đối với người nghe. Anh nói: "Thỉnh thoảng tôi thích tìm xem cái gì chưa ai làm để tôi làm, điệu Funky lần đầu xuất hiện ở Việt Nam có lẽ là bản hòa âm "Thành phố trẻ" của nhạc sĩ Trần Tiến mà tôi soạn cho tam ca 3A vào những năm 1996 - 1997, hay sau đó với "Tháng ngày chờ mong" - một sáng tác của tôi chừng năm 1998 - 1999; điệu nhạc Alternative rock đầu tiên có lẽ là "Bài hát cho em" của tôi; bản nhạc Dance pha trộn âm hưởng dân gian đầu tiên là "Mùa cây trổ lá"; bản nhạc Walking Ballad "Những khung trời khác" cũng là một trong những bản ca khúc Swing pop đầu tiên ở Việt Nam; hay các bản nhạc Newage dài có trộn tiếng động trong album "Những ô màu khối lập phương" của Tùng Dương... Chúng không mới với âm nhạc quốc tế nhưng có lẽ là rất mới mẻ ở Việt Nam khi chúng ra đời...".
Về ca từ, anh thường tìm kiếm để đưa vào ca khúc của mình những từ ngữ hay câu hát ít hoặc chưa được dùng, ví dụ như: "Thời gian để yêu, điều hoang đường nhất, cỏ mềm, thế giới, người buông neo...", hay cách sử dụng các đại từ "anh ấy, cô ấy, người đàn ông..." trong các ca khúc mà cách nêu vấn đề và giải quyết vấn đề rất độc đáo, để rồi sau đó chúng dần được sử dụng đâu đó một cách phổ biến hơn trong ca khúc hay kể cả sách, phim ảnh...
Năm 2016 Đỗ Bảo nhận lời làm đạo diễn âm nhạc trong liveshow "Trên đỉnh Phù Vân" của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Âm nhạc của Phó Đức Phương rất đặc biệt, nó không chỉ có những cội rễ chắc chắn và rất sâu từ âm nhạc dân gian, chắt lọc từ chèo, tuồng, ca trù, xẩm, hay cảm thức về âm nhạc tâm linh đậm màu Á Đông... Bằng những bản hòa âm của mình, Đỗ Bảo đem lại sự hấp dẫn, hiện đại và tươi mới. Nhạc sĩ Phó Đức Phương rất hài lòng và chương trình rất thành công.
Các sáng tác của Đỗ Bảo có nội dung vô cùng đặc biệt khi chúng được lấy cảm hứng trực tiếp từ cuộc sống của cá nhân nhạc sĩ... "Bức thư tình đầu tiên" viết cho người bạn gái trước kia, "Bức thư tình thứ hai" viết trong những tháng ngày gặp gỡ và ở bên người sau này là vợ. "Bài hát cho em" cũng là một bản tình ca nổi tiếng được Trần Thu Hà trình bày rất thành công trong chương trình Gala năm 2000. "Điều ngọt ngào nhất" viết cho mối tình cũ...
Trong album "Những ô màu khối lập phương" (2007) của ca sĩ Tùng Dương, Đỗ Bảo có: "Những ô màu khối lập phương", "Cô đơn", "Vòng tròn" và "Đỉnh núi lãng quên".
Trong số những ca khúc đã viết, còn có "Mây" cũng là một tác phẩm được dành tặng cho vợ, còn "Ngược sáng" với ca từ nhiều ẩn dụ hơn, nhạc điệu trúc trắc hơn như ngầm khẳng định phần vẫn sẵn sàng bứt phá trong Đỗ Bảo, trong khi "Bài ca tháng sáu" được anh coi là "một bài tình ca mà thiếu vắng tình yêu", "Chìm trong muôn thuở" được viết ở TPHCM rồi sửa qua nhiều năm, là quà tặng của Đỗ Bảo cho ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh khi cô làm album và được bản thân cô gọi là "nhân chứng" cho câu chuyện buồn của mình.
Đỗ Bảo có thói quen ghi những suy nghĩ hàng ngày vào một quyển sổ, sau đó chọn ra những câu ngắn gọn, dễ hiểu nhất thành một đoạn văn.
Từ đó chỉnh nó thành một bài thơ, cấu tứ thành từng đoạn như bài hát, sau đó mới viết nhạc. Không sáo rỗng, ca từ trong âm nhạc Đỗ Bảo chắt ra từ sự bình thường, giản dị nhưng sâu sắc để người nông dân đến trí thức khi nghe đều ít nhiều cảm thấy có họ ở đó...
Nhạc sĩ Đỗ Bảo thấy 'lãi' trước đêm concert ở Hà Nội Sau đêm nhạc còn đọng lại nhiều dư âm với 2000 khán giả TP.HCM, live-concert 'Một mình bao la' kỷ niệm 30 năm sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Bảo - sẽ tiếp tục diễn ra tại Hà Nội vào ngày mai. Trước đêm diễn, nhạc sĩ Đỗ Bảo đã có một số chia sẻ riêng với Đài Hà Nội về những điều...