Điều tra nghi phạm tấn công 2 nhà thờ tại miền Nam Tây Ban Nha
Ngày 26/1, giới chức Tây Ban Nha cho biết nghi phạm bị bắt giữ liên quan đến vụ tấn công 2 nhà thờ ở miền Nam nước này khiến 1 người thiệt mạng và 1 người bị thương nặng đã có lệnh trục xuất từ tháng 6/2022.
Chuyển thi thể nạn nhân tại hiện trường vụ tấn công ở thành phố Algeciras, Tây Ban Nha ngày 25/1/2023. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Vụ tấn công xảy ra tối 25/1 khi một đối tượng cầm rìu tấn công một số người tại 2 nhà thờ San Isidro và Nuestra Senora de La Palma, cách nhau khoảng 300 mét, tại thành phố cảng Algeciras. Vụ việc khiến 1 người trông coi nhà thờ thiệt mạng và 1 linh mục bị thương nặng. Cảnh sát đã bắt giữ hung thủ tại hiện trường. Các công tố viên đang mở cuộc điều tra vụ tấn công theo hướng khủng bố.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Tây Ban Nha thông báo nghi phạm đến nay được xác định là một nam giới Maroc, 25 tuổi, chưa có tiền án, tiền sự hay khủng bố tại Tây Ban Nha và các nước đồng minh, cũng như không bị cảnh sát giám sát trước khi vụ tấn công trên xảy ra. Theo người phát ngôn, thủ tục trục xuất đối tượng trên bắt đầu vào tháng 6/2022 và đang trong quá trình tiến hành.
Cảnh sát đã lục soát nhà của nghi phạm rạng sáng 26/1 và đang phân tích tất cả các tang chứng và vật chứng thu giữ được. Đối tượng này sẽ bị đưa ra trình diện tại một tòa án ở thủ đô Madrid cùng ngày.
Cảng Algeciras ở vùng Andalucia là điểm nhập cảnh chính của người Maroc khi đến Tây Ban Nha. Năm 2004, quốc gia Tây Nam Âu này từng hứng chịu nhiều vụ đánh bom vào hệ thống tàu điện ngầm của Madrid, khiến 192 người thiệt mạng và trên 1.800 người bị thương. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử châu lục. Theo một phán quyết của Tòa án tối cao, thủ phạm có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda và Nhóm chiến binh Hồi giáo Maroc. Năm 2017 cũng xảy ra loạt vụ tấn công trên đại lộ Las Ramblas ở thành phố Barcelona khiến 16 người thiệt mạng và gần 200 người bị thương.
Chủ tịch Hội đồng Tư pháp quốc gia Tây Ban Nha từ chức
Ngày 10/10, Chủ tịch Hội đồng Tư pháp quốc gia (CGPJ) kiêm Chánh án Tòa án Tối cao Tây Ban Nha Carlos Lesmes đã từ chức nhằm phản đối bế tắc chính trị kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho việc bổ nhiệm thành viên mới vào cơ quan tư pháp quan trọng này.
Chủ tịch Hội đồng Tư pháp quốc gia (CGPJ) kiêm Chánh án Tòa án Tối cao Tây Ban Nha Carlos Lesmes. Ảnh tư liệu: Reuters
CGPJ là cơ quan chịu trách nhiệm bổ nhiệm các thẩm phán và đảm bảo sự độc lập của cơ quan tư pháp. Nhiệm kỳ của hội đồng hiện nay đã kết thúc vào tháng 12/2018. Kể từ thời điểm đó, cơ quan này đã hoạt động trong tình trạng tạm thời, do đảng Xã hội cầm quyền và đảng Nhân dân (PP) đối lập không đạt được nhất trí về thành viên mới. Bế tắc chính trị đã kéo theo nhiều vấn đề trong việc vận hành hệ thống tòa án Tây Ban Nha.
Ông Lesmes, người giữ chức Chủ tịch CGPJ kể từ năm 2013, đã chính thức từ chức nhằm phản đối tình hình hiện nay. Trong tuyên bố, CGPJ xác nhận ông Lesmes đã thông báo Vua Felipe VI về ý định từ chức. Sau thông báo của ông Lesmes, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã tiến hành đối thoại khẩn cấp trong 3 giờ với lãnh đạo phe đối lập Alberto Nunez Feijoo.
Với vai trò là cơ quan giám sát tư pháp của Tây Ban Nha, CGPJ có 20 thành viên gồm 12 thẩm phán và 8 luật sư - những người phải nhận được sự ủng hộ của 60% nghị sĩ trong Quốc hội. Tuy nhiên, kể từ khi các thành viên CGPJ hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2018, Thủ tướng Sanchez đã không thể thúc đẩy việc bổ nhiệm thành viên mới do thiếu sự ủng hộ trong Quốc hội, đặc biệt là từ PP.
Trong chuyến thăm Madrid vào tháng trước, Ủy viên Tư pháp của Liên minh châu Âu (EU) Didier Reynders đã hối thúc các bên tại Tây Ban Nha sớm giải quyết vấn đề này.
Khí đốt Nga sang châu Âu bị gián đoạn, Algeria tăng giá khí đốt bán cho Tây Ban Nha Ngày 6/10, tập đoàn dầu khí quốc gia của Algeria, Sonatrach, thông báo rằng họ đã ký hợp đồng với khách hàng chính của mình ở Tây Ban Nha, Naturgy, để sửa đổi giá khí đốt mà họ đang cung cấp cho đối tác này. Một cơ sở lọc dầu ở In Amenas, Algeria. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Bản chất của việc "sửa...