Điều tra Chu Vĩnh Khang, án lớn nhất Trung Quốc từ vụ “bè lũ bốn tên”
Ông Chu Vĩnh Khang đã từng được tạp chí Forbes (Mỹ) đưa vào danh sách những người quyền lực nhất thế giới.
Theo Tân Hoa Xã, ngày 29/7, ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính Pháp Trung ương Trung Quốc đã bị Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Kể từ cuối năm 2013, các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Trung Quốc đã liên tục đưa tin về cuộc điều tra chống tham nhũng của các nhà chức trách nước này đối với ông Chu Vĩnh Khang.
Ông Chu Vĩnh Khang
Ông Chu Vĩnh Khang là thành viên cấp cao nhất bị điều tra kể từ năm 1980 khi “Bè lũ 4 tên” – bị đưa ra xét xử.
Các thông tin gần đây cho thấy có vẻ như cuộc điều tra chống tham nhũng quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua ở Trung Quốc đang bước vào giai đoạn cuối. Nếu ông Chu Vĩnh Khang bị truy tố, đây sẽ là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị về hưu đầu tiên ở Trung Quốc bị truy tố vì các cáo buộc tham nhũng.
Đường quan lộ của ông Chu Vĩnh Khang
Ông Chu Vĩnh Khang được coi là một trong những chính trị gia quyền lực nhất ở Trung Quốc trong thập niên vừa qua. Theo hãng tin Reuters, ông Chu chính là người đã bảo trợ cho ông Bạc Hy Lai, một chính trị gia nổi tiếng nhưng đã thất thế khác.
Theo thông tin trên “Nhân dân Nhật báo” online, ông Chu Vĩnh Khang sinh tháng 12/1942, là người dân tộc Hán, gốc Vô Tích (Wuxi), tỉnh Giang Tô (Jiangsu). Trong giai đoạn 1961-1966, ông theo học chuyên ngành khảo sát và thăm dò địa chất tại Khoa Khảo sát và Thăm dò thuộc Học viện Dầu khí Bắc Kinh. Trong giai đoạn này, ông Chu đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 12/1964.
Ông Chu Vĩnh Khang (trái) và ông Bạc Hy Lai trong những ngày còn đương chức
Với tấm bằng cử nhân đại học trong tay, ông Chu Vĩnh Khang được coi là một kỹ sư cao cấp với cấp bậc tương đương một giáo sư. Năm 1967, ông đã khởi đầu sự nghiệp trong ngành dầu khí với tư cách một thực tập sinh và sau đó là kỹ sư tại đội thăm dò địa chất của Nhà máy số 673, mỏ dầu Daqing – một trong những mỏ dầu lớn nhất Trung Quốc nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hắc Long Giang.
Trong giai đoạn 1967-1985, ông Chu đã liên tục thăng tiến trong ngành dầu khí. Đến giữa những năm 1980, ông đã trở thành Thứ trưởng ngành dầu khí và sau đó được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) – một trong những doanh nghiệp hùng mạnh nhất tại nước này. CNPC được coi là bệ phóng quan trọng để chính trị gia này tiếp tục thăng tiến trên đường quan lộ.
Năm 1998, ông Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Đất đai và Tài nguyên. Một năm sau đó, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan). Sau đó, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại khóa 14 và trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại khóa 15.
Video đang HOT
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, năm 2002, ông Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an và được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007. Trong giai đoạn 2007-2012, ông giữ chức Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính Pháp Trung ương. Năm 2012, ông Chu đã nghỉ hưu.
Ông Chu Vĩnh Khang đã từng được tạp chí Forbes (Mỹ) đưa vào danh sách những người quyền lực nhất thế giới và ví như “Dick Cheney của Trung Quốc”. Trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới năm 2011 của Forbes, ông này đứng ở vị trí thứ 29, cao hơn cả nhà lãnh đạo Tập Cận Bình (xếp ở vị trí 69), người khi đó đang giữ chức Phó Chủ tịch Trung Quốc.
Vòng vây siết chặt
Theo Reuters, cuối tháng 11 đầu tháng 12/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh thành lập đội điều tra đặc biệt để điều tra về một số cáo buộc liên quan tới nhân vật Chu Vĩnh Khang từ một số đối thủ chính trị của ông này, trong đó có các cáo buộc về tham nhũng và vi phạm kỷ luật đảng.
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) quyết tâm xử lý cả những cán bộ cao cấp nếu có tham nhũng
Trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng mô tả tham nhũng như một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì vậy, ông coi chống tham nhũng như một nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền hiện nay.
Sau khi có lệnh từ nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, các cơ quan chức năng nước này đã mở rộng điều tra, liên tục thẩm vấn hoặc bắt giữ nhiều người có liên quan tới ông Chu Vĩnh Khang, trong đó có nhiều người đang giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan Nhà nước.
Reuters dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết trong vòng hơn 6 tháng qua, hơn 300 người thân, đồng minh chính trị, nhân viên và những người được ông Chu Vĩnh Khang bảo trợ đã bị cách chức, thẩm vấn hoặc bắt giữ. Trong số này, đáng chú ý có ông Tưởng Khiết Mẫn (Jiang Jiemin), người đã từng giữ chức Chủ tịch của PetroChina và CNPC; nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh (Li Dongsheng); và Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam Ký Văn Lâm (Ji Wenlin). Một nguồn tin giấu tên nói: “Ông Tập (Chủ tịch Tập Cận Bình) đang nhổ dần tất cả răng của con hổ này”.
Website của CCDI hôm 2/7 thông báo cho biết, phó Thống đốc tỉnh đảo Hải Nam Ký Văn Lâm (Ji Wenlin) bị cáo buộc 2 tội danh tham nhũng và ngoại tình. Với tội danh đó ông này bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Ký Văn Lâm và Chu Vĩnh Khang đã cùng làm việc với nhau khi ông Chu đang giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Đất đai và Tài nguyên vào cuối những năm 1990. Ngoài ra, hai người còn làm việc chung tại Bộ Công an vào đầu năm 2000.
Một cánh tay phải đắc lực khác của “con hổ” họ Chu là Yu Gang, cựu phó Giám đốc Văn phòng Ủy ban Chính trị và Luật Trung ương (CPLC) cũng bị khai trừ Đảng. Ngoài ra còn có Tân Hồng, cựu sĩ quan cấp cao thuộc Bộ Công an Trung Quốc. Đây là hai thư ký của ông Chu Vĩnh Khang khi cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị này còn làm công việc giám sát Bộ.
Trong một động thái mang tính quyết định, hôm 30/3, Reuters dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết các nhà chức trách Trung Quốc đã thu giữ một lượng tài sản khổng lồ có tổng trị giá lên tới 90 tỷ NDT (14,5 tỷ USD) của gia đình và những người có liên quan tới ông Chu Vĩnh Khang.
Trong khối tài sản có tới 300 căn hộ và biệt thự, nhiều đồ cổ, các tác phẩm hội họa nổi tiếng có giá trị lớn, hơn 60 ô tô các loại. Ngoài ra còn có ngoại tệ, vàng, tiền mặt, rượu đắt tiền. Tuy nhiên những tài sản này không đứng tên ông Chu Vĩnh Khang mà có tên của những người bị bắt giữ.
Để có tài sản khổng lồ như vậy, ông Chu còn để con trai, mẹ vợ, người nhà…giành được nhiều hợp đồng dầu khí (trong thời gian ông Chu làm Phó Tổng Giám đốc kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc). Hơn thế nữa, khi ông Chu là Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên (1999-2002), có nhiều công ty đầu tư trong lĩnh vực năng lượng (có trụ sở tại Tứ Xuyên) được coi là “sân sau” của ông Chu.
Trong một phát biểu với các phóng viên tại cuộc họp báo bế mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội vào giữa tháng 3/2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói: “Chúng tôi sẽ không khoan nhượng với hành vi tham nhũng và các quan chức tham nhũng. Bất kể ai hay bất kể họ giữ chức vụ cao đến mức nào, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.
“Nếu họ vi phạm kỷ luật đảng hay pháp luật, họ sẽ bị xử lý và trừng phạt một cách nghiêm khắc theo luật”, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định.
Phát biểu trên của nhà lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Trung Quốc trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đặc biệt việc quyết định điều tra công khai ông Chu Vĩnh Khang thể hiện lập trường cứng rắn của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng dù quan chức cấp cao nhất mà tham nhũng cũng bị trừng phạt nghiêm khắc.
Theo Bùi Hùng
VOV
35 năm qua, chính trường Trung Quốc vẫn đầy "khói súng"
Sau khi CHND Trung Hoa thành lập, những cuộc đấu đá chính trị đã diễn ra liên miên kéo theo những hệ lụy xấu về xã hội và kinh tế. Ngay cả nguyên thủ quốc gia như chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ hay "thái tử" Lâm Bưu cũng không được cái chết yên bình.
Bạc Hy Lai và Từ Tài Hậu đều "ngã ngựa"
Sau cách mạng văn hóa, Trung Quốc (TQ) có vẻ bình yên hơn nhưng những cuộc đấu đá chính trường vẫn đầy căng thẳng và mùi "khói súng" vẫn chưa nguội. Báo Wall Street Journal điểm mặt một số vụ tiêu biểu:
Bè lũ 4 tên bị kết án1980
Giang Thanh - Vợ của Mao Trạch Đông và 3 thành viên khác trong "Bè lũ 4 tên" đã bị bắt giữ ngay sau khi Mao chết. Họ bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm về cuộc Cách mạng Văn hóa đẫm máu. Họ đã bị kết tội hoạt động chống đảng trong một phiên tòa kéo dài suốt 6 tuần năm 1980 và năm 1981. Giang Thanh bị kết án tử hình, sau đó giảm xuống tù chung thân và bà đã tự sát vào năm 1991. Những người khác bị kết án tù từ 20 năm đến chung thân.
Trần Hy Đồng: bị kết án năm 1998
Trần Hy Đồng làm thị trưởng thành phố Bắc Kinh vào năm 1989. Sau đó, ông được thăng chức lên Bộ Chính trị và Bí thư thành ủy Bắc Kinh. Năm 1995, ông bị điều tra về tội tham nhũng và 3 năm sau đó bị kết án 16 năm tù giam.
Nội bộ đảng và nhà phân tích chính trị đã mô tả sự sụp đổ của ông là kết quả của một cuộc đấu tranh quyền lực với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân. Trong một cuốn sách xuất bản sau khi được thả tự do, ông chối tội biển thủ " Tôi không ăn cướp dù chỉ một xu".
Trần Hy Đồng qua đời năm 2013 vì bệnh ung thư, thọ 82 tuổi.
Trần Lương Vũ: xét xử năm 2008
Ông Trần Lương Vũ là bí thư thành ủy Thượng Hải và là thành viên của Bộ Chính trị vào năm 2006. Sau ông Trần đã bị tước bỏ mọi chức vụ do bị cáo buộc tham gia trong vụ bê bối quỹ an sinh xã hội và một loạt hành vi vi phạm kỷ luật khác.
Ông Trần vốn là 'môn đồ' của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và nhiều người ở Trung Quốc tin rằng ông là nạn nhân trong cuộc đấu đá giữa phe nhóm của Giang Trạch Dân và phe nhóm của Hồ Cẩm Đào.
Sau một phiên tòa xét xử vào tháng 3.2008, ông Trần đã bị kết án 18 năm tù, tài sản cá nhân của ông đã bị tịch thu.
Bạc Hy Lai: bị xét xử 2013
Ông Bạc Hy Lai từng là Bí thư tỉnh Trùng Khánh và từng được coi là ứng cử viên sáng giá cho vị trí lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng ông Bạc đã bị kết tội hối lộ, tham ô, lạm dụng quyền lực và bao che vụ vợ Cốc Lai Lai giết doanh nhân Neil Heywood người Anh, nên bị kết án tù chung thân vào năm 2013 trong phiên tòa kéo dài 5 ngày.
Nhiều người Trung Quốc cho rằng ông Bạc bị thanh trừng vì cạnh tranh vị thế chính trị với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Từ Tài Hậu: bị khai trừ năm 2014
Từ Tài Hậu là một nhân vật quân sự hàng đầu tại Trung Quốc. Tướng Từ đã về hưu năm 2012 nhưng vẫn còn mục tiêu của ông Tập trong chiến dịch chống tham nhũng.
Tướng Từ dù là một cựu thành viên Bộ Chính trị nhưng đã bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc, bị buộc tội nhận hối lộ và lợi dụng chức quyền. Ông phải nhập viện hồi đầu năm nay để điều trị ung thư bàng quang. Ông là nhân vật quân sự cấp cao nhất bị cáo buộc công khai tội tham nhũng trong 35 năm qua.
Chu Vĩnh Khang: điều tra năm 2014
Chu Vĩnh Khang là cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Là đối thủ chính trị của ông Tập, Chu bị quản thúc tại gia để điều tra từ năm 2013, sau khi đồng minh Bạc Hy Lai bị kết án tù chung thân vì tham nhũng và lạm quyền, bao che vụ vợ Cốc Lai Lai giết doanh nhân Neil Heywood người Anh.
Quá trình điều tra ông Chu đang tiến hành, nhưng ông nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với cáo buộc phạm tội tham nhũng, lợi dụng chức quyền.
Theo Một thế giới
Vì sao ông trùm an ninh Chu Vĩnh Khang bị điều tra? Không phải một chính khách quá mạnh như Đặng Tiểu Bình, nhưng Tập Cận Bình chắc chắn hơn nhiều so với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Bưu điện Hoa Nam ngày 29/7 dẫn lời giới phân tích bình luận, việc thông báo chính thức điều tra "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng...