Điều nguy hại gì xảy ra nếu bạn ăn thịt gà chưa nấu chín?
Các chuyên gia cho biết, sử dụng nhiệt kế thực phẩm để kiểm tra độ chín của gà là cách tốt nhất để đảm bảo gà đã chín, an toàn để ăn.
Phương pháp tốt nhất là đo nhiệt độ bên trong con gà đã đạt 74 độ C chưa để đảm bảo gà đã chín, an toàn để ăn – ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Các nhà nghiên cứu cho biết nhìn màu thịt bên trong gà để kiểm tra độ chín sẽ không đảm bảo an toàn.
Theo các chuyên gia, phương pháp an toàn tốt nhất là đo nhiệt độ bên trong con gà đã đạt 74 độ C hay chưa, theo Health Line.
Nghiên cứu mới, từ Viện Nghiên cứu Thực phẩm, Thủy sản và Nuôi trồng thủy sản Na Uy, cho thấy có đến một nửa số đầu bếp gia đình đánh giá độ chín của gà chưa đúng.
Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã khảo sát 3.969 hộ gia đình trên khắp 5 quốc gia châu Âu về các phương pháp phổ biến để kiểm tra độ chín của gà.
Kết quả cho thấy, có một số chỉ số không đạt về an toàn thực phẩm. Ví dụ, xem màu thịt gà hay màu nước dịch tiết ra từ gà để đánh giá độ chín của thịt gà.
Mặc dù là phương pháp phổ biến, các nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng thịt gà chuyển màu ở nhiệt độ quá thấp – không đủ để tiêu diệt mầm bệnh phổ biến từ gia cầm là Salmonella và Campylobacter – gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, theo Health Line.
Thịt gia cầm nấu chín một cách an toàn có thể đổi màu từ trắng sang hồng đến vàng sẫm, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Các nhà nghiên cứu cũng báo cáo vi khuẩn còn sót lại trên bề mặt gà ngay cả sau khi nấu, do đó cần tăng cường kiểm tra an toàn khi luộc hoặc chiên, nướng gà.
Mặc dù dùng nhiệt kế là hiệu quả nhất, nhưng rất ít người sử dụng. Các nhà nghiên cứu báo cáo chỉ 1/75 hộ gia đình sử dụng nhiệt kế trong khi luộc hoặc chiên, nướng gà.
Điều gì xảy ra nếu bị nhiễm khuẩn từ gà chưa nấu chín?
Ăn thịt gà chưa nấu chín gây bệnh dẫn đến sốt cao, rối loạn tiêu hóa và mất nước.
Sau đây, chuyên gia dinh dưỡng Caroline West Passerrello, phát ngôn của Viện Dinh dưỡng và Ẩm thực Mỹ, cho biết điều gì xảy ra nếu bị nhiễm khuẩn từ gà chưa được nấu chín, theo Health Line.
1. Nhiễm Salmonella
Nhiễm Salmonella có thể gây tiêu chảy, sốt và co thắt dạ dày bắt đầu từ 6 giờ – 6 ngày sau khi nhiễm. Các triệu chứng có thể kéo dài từ 4 – 7 ngày.
2. Nhiễm Campylobacter
Người bị nhiễm Campylobacter trải qua các triệu chứng tương tự, bắt đầu từ 2 – 5 ngày sau khi nhiễm và kéo dài đến một tuần. Cũng có thể buồn nôn và nôn.
C. perfringens có thể gây tiêu chảy và co thắt ruột trong vòng 6 – 24 giờ, thường là 8 – 12 giờ. Bệnh thường bắt đầu đột ngột và kéo dài trong vòng 24 giờ, nhưng nôn và sốt, theo Health Line.
Đảm bảo an toàn bắt đầu từ khâu mua gà
Các chuyên gia đồng ý rằng luộc hoặc chiên, nướng gà đến nhiệt độ bên trong tối thiểu là 74 độ C – là biện pháp an toàn thực phẩm tốt hơn việc canh thời gian, theo Health Line.
Video đang HOT
Nhưng ô nhiễm và nhiễm khuẩn có thể xảy ra ngay cả trước khi ăn.
Nên chuẩn bị đúng cách bắt đầu từ lúc mua gà, chuyên gia Passerrello nói.
Cô khuyên khi mua gà, nên cho gà vào túi xốp rồi để ở đáy giỏ để tránh lây nhiễm chéo các mặt hàng khác.
Tiến sĩ Kristin Kirkpatrick, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, cho biết, để đảm bảo an toàn, cần cho thịt gà sống vào đồ đựng, đặt ở phần thấp nhất của tủ lạnh, để nước tiết ra từ thịt gà không dính vào kệ tủ lạnh và thức ăn khác.
Khi chuẩn bị nấu ăn, hãy sử dụng găng tay và thớt dành riêng cho gia cầm để chặt gà, theo Health Line.
Điều này giúp ngăn ngừa nước dịch và các thành phần khác gây ô nhiễm chéo các loại thực phẩm khác, tiến sĩ Mitch Kirkpatrick nói.
Ngoài ra để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn, hãy rửa kỹ tay sau khi chạm vào gà sống. Những giọt nước từ gà sống dính vào xung quanh khu vực bồn rửa và bàn bếp, có thể lây lan mầm bệnh, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh từ gà, nên cần rửa kỹ những khu vực này bằng xà phòng.
Làm sao để biết có an toàn để ăn hay chưa?
Ngăn chặn bệnh từ thực phẩm đòi hỏi phải kiểm tra một cách khách quan, chuyên gia Passerrello nói.
Không thể chủ quan với sự an toàn. Để đảm bảo thịt gà đã an toàn để ăn, hãy sử dụng biện pháp khách quan thay vì quan sát chủ quan, theo Health Line.
Và cách đáng tin cậy nhất để xác định xem gà đã an toàn để ăn hay chưa – là sử dụng nhiệt kế thực phẩm, đo ở phần dày nhất của thịt gà, theo chuyên gia Passerrello. Hãy chắc chắn rằng đầu của nhiệt kế không chạm vào xương hay mỡ.
Tiến sĩ Kirkpatrick cũng đồng ý rằng đây là phương pháp tốt nhất để kiểm tra độ chín của gà.
74 độ C là nhiệt độ tiêu chuẩn đủ để an toàn, cô nói. Nhưng tùy vào loại gia cầm, vị trí đặt nhiệt kế có thể khác nhau.
Ở nhà, tiến sĩ Kirkpatrick thường kiểm tra nhiệt độ bên trong của gia cầm ở nhiều vị trí, như ức và đùi, để đảm bảo gà chín đều và an toàn để ăn, theo Health Line.
Không muốn thịt gà thành 'thuốc độc' thì đừng ăn theo những cách này
Thịt gà không chỉ ngon miệng mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, các bài thuốc từ thịt gà cũng chữa bệnh rất tốt. Nhưng ăn thịt gà thế nào cho đúng cách để bổ dưỡng lại không 'sinh độc' thì không phải ai cũng biết.
Ảnh minh họa: Internet
Những cách chế biến thịt gà sai lầm gây hại
Để thịt gà quá lâu ngoài không khí
Một số người có thói quen sau khi đem thịt gà đang đông đá ra để bên ngoài để nó tự rã đông. Tuy nhiên, vì không biết chính xác thời gian cần thiết cho việc rã đông nên đôi khi vô tình để quá lâu, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Điều này rất dễ gây ra ngộ độc thực phẩm.
Nếu muốn rã đông an toàn, cách tốt nhất là cho vào ngăn mát tủ lạnh để thịt gà được tan tự nhiên, trước khi nấu mới mang ra chế biến.
Lưu trữ không đúng cách
Bạn có chắc rằng để thịt gà đúng chỗ trong tủ lạnh chưa. Nước thịt gà có thể bị rò rỉ, chảy ra bên ngoài nếu bạn không để đúng vị trí và chứa trong vật dụng đúng cách.
Lời khuyên đưa ra là bạn nên đặt thịt gà vào trong một chiếc đĩa vừa phải hoặc đựng vào trong một hộp nhựa có nắp đậy để đảm bảo mùi hôi không ám vào tủ lạnh.
Ảnh minh họa: Internet
Ướp thịt gà không đúng cách
Thông thường mọi người hay ướp thịt gà với nước ướp thịt (giấm, muối, dầu, gia vị...). Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng lại nước ướp thịt còn dư sau khi đã tiếp xúc qua với thịt sống.
Bạn nên ướp thịt gà vào trong một túi zip rồi đặt vào trong ngăn mát tủ lạnh, như vậy thịt sẽ thấm đậm đà gia vị mà không phải lo lắng việc vi khuẩn sinh sôi.
Sử dụng lại công cụ chạm vào gà sống
Có thể nhiều người thường dùng một con dao để cắt nhiều thực phẩm khác nhau cùng một lúc. Vi khuẩn salmonella có trong thịt sống là nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy.
Sau khi cắt thịt gà cần phải rửa sạch dụng cụ trước khi cắt những thứ khác để tránh bị nhiễm khuẩn.
Để gà sống chạm vào thực phẩm khác
Với những căn bếp nhỏ, mọi người thường hay đựng thực phẩm chung với nhau để tiết kiệm không gian. Nhưng bạn sẽ không ngờ rằng nước thịt gà khi rã đông tan ra mang nhiều vi khuẩn gây ô nhiễm thực phẩm bên cạnh.
Cách tốt nhất là tránh để thịt gà sống tiếp xúc với những đồ chưa nấu chín.
Ảnh minh họa: Internet
Những thực phẩm kỵ với thịt gà
Theo lương y đa khoa Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình (Hà Nội), những người có chứng bệnh phong cần phải kiêng ăn thịt gà vì loại thịt này hay động phong phát hỏa (gây nóng), ăn vào sẽ phát bệnh. Đó là lý do nhiều người thường nói ăn thịt gà độc.
Thịt chó
Thịt gà tính cam ôn, kiêng ăn thịt gà với thịt chó vì, thịt chó, gan chó cũng cam ôn đại nhiệt. Ăn phải hai thứ trên bị nhiệt sinh ra đi kiết. Nếu uống nước cam thảo sẽ khỏi.
Hành tỏi
Ăn thịt gà kiêng ăn tỏi, rau cải và hành sống vì thịt gà tính cam ôn, hành tỏi đại nhiệt, rau cải cam hàn. Các thứ đó ăn cùng nhau sinh ra kiết lị. Nấu nước lá dâu uống sẽ khỏi. Thịt gà không nên ăn cùng những thực phẩm đại kỵ.
Ảnh minh họa: Internet
Rau thơm
Thịt gà thuộc về phong mộc, nếu ăn với rau thơm tất động đến can phong mà sinh ra chứng chóng mặt, run rẩy cả người. Nhỡ ăn phải, nấu nước cam thảo uống sẽ khỏi.
Cá chép
Thịt gà ăn kiêng với cá chép vì thịt gà tính cam ôn, cá chép tính cam hàn, nếu ăn phải sinh ra chứng mụn nhọt. Thịt gà có tác dụng tráng dương, còn thịt cá chép tính bình, có công dụng lợi tiểu. Sự kết hợp của hai thứ này vừa mùi vị món ăn không ngon. vừa ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Cá diếc
Thịt cá diếc tính nóng, có công dụng lợi tiểu. Thịt gà tính ôn, tốt cho khí huyết, làm khỏe hệ tiêu hóa. Hai món này về mùi vị và tính năng đều không hợp nhau. Hơn nữa, vì chúng đều chứa nhiều enzym, kích thước tố và axit amin nên khi ăn chúng với nhau sẽ tạo thành những phản ứng hóa học không có lợi cho sức khỏe.
Ảnh minh họa: Internet
Tôm
Thịt gà có tính ôn, vốn khó tiêu hóa, nếu dùng chung với tôm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày và lá lách. Đặc biệt sẽ khiến chức năng tiêu hóa bị suy giảm.
Rau kinh giới
Thịt gà kiêng với rau kinh giới vì kinh giới tân tán, cay nóng. Ăn phải sẽ sinh ra chứng phong ngứa.
Mù tạt
Một đáp án khác cho câu hỏi thịt gà kỵ gì đó chính là mù tạt. Thịt gà thuộc nhóm thức ăn có tính ôn, còn Mù Tạt là thực phẩm có tính nóng. Kết hợp hai thứ này sẽ sản sinh rất nhiều năng lượng, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Ảnh minh họa: Internet
Muối mè
Thịt gà kiêng ăn muối vừng (muối mè): Thịt gà thuộc về phong mộc, nếu ăn lẫn muối vùng sẽ động đến can phong mà sinh ra chứng chóng mặt, run rẩy cả người. Nhỡ ăn phải sinh bệnh, nấu nước cam thảo uống sẽ khỏi.
Quả mận
Mận tính ôn và sáp, nếu ăn thịt gà với mận sẽ sinh ra chứng hoắc loạn (thổ tả) hoặc ngược tật (sốt nóng sốt rét). Cách chữa: Khi ăn phải, nấu nước sơn tra uống sẽ khỏi.
Thịt gà và rau cải
Rau cải tính hàn, thịt gà tính ấm nếu kết hợp với nhau sẽ dễ phát sinh bệnh lỵ vì sự "giao tranh" giữa nóng và lạnh gây nên.
Thịt gà và rau răm
Rau răm có tác dụng rất tốt về tăng cường cơ bắp, thị lực. Tuy nhiên, hậu quả của việc ăn nhiều là khiến nam giới bị giảm ham muốn tình dục. Khi kết hợp với thịt gà thì chúng lại tạo nên chất có hại cho hệ tiêu hóa.
HÒA THUẬN (TỔNG HỢP)
5 món ăn ngày Tết dễ trở thành 'thuốc độc' nếu hâm nóng nhiều lần Khoảng thời gian cao điểm về ăn uống như dịp Tết khiến nhiều bà nội chợ không đủ thì giờ để chuẩn bị những món ăn mới. Vì thế, cách được nhiều gia đình áp dụng là bảo quản đồ ăn thừa rồi đem hâm nóng lại để sử dụng cho nhiều bữa kế tiếp. Tuy nhiên, có những món ăn như cơm,...