Điều gì sẽ xảy ra nếu ngành ngân hàng Síp sụp đổ?
Đêm qua, chính phủ Síp đang tính đến khả năng đánh thuế tiền gửi lên tới 20-25% đối với các món tiền gửi lớn hơn 100.000 USD nhằm cứu hệ thống ngân hàng khỏi đổ vỡ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ngay cả quyết định này cũng không cứu được họ?
Hãng tin AFP dẫn lời kênh truyền hình quốc gia của Síp cho biết, đêm qua chính phủ nước này đang thảo luận cách để đánh thuế vào các khoản tiền gửi trị giá trên 100.000 euro mà không phải thông qua quốc hội. Theo quy định, của EU các khoản tiền như trên không được bảo hiểm.
Tình hình tại đảo Síp đang khiến cả châu Âu và thế giới dõi theo
Trong khi đó hãng tin BBC cho biết Bộ trưởng Tài chính Síp Michael Sarris hôm qua cho biết đang cân nhắc khả năng đánh thuế tiền gửi lên tới 25% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại ngân hàng lớn nhất nước này là Bank of Cyprus.
Kênh truyền hình tư nhân Sigma TV của nước này thì cho biết việc đánh thuế từ 20-25% vào người gửi tiền tại Bank of Cyprus chính là yêu cầu của bộ ba chủ nợ gồm Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Liên minh châu Âu (EU) để đổi lại việc họ sẽ cho Síp vay 10 tỷ euro.
Các chủ nợ trên chỉ chấp thuận hạ thuế suất xuống 16% nếu chính phủ Síp chấp thuận đánh thuế thêm từ 4-5% vào các món tiền gửi lớn hơn 100.000 euro tại cả các ngân hàng còn lại.
Theo hãng thông tấn của chính phủ Síp CNA news, đến nay việc thương thảo với bộ ba nhà tài trợ trên vẫn còn rất nhiều trở ngại. Dù vậy, hạn cuối để Síp đưa ra một kế hoạch được các đại diện IMF, ECB và EU chấp thuận là trước 17 giờ GMT ngày hôm nay (tức 22 giờ tối nay giờ Hà Nội), để kịp trình lên phiên họp của các nhà lãnh đạo và Bộ trưởng châu Âu tại Brussels, Bỉ.
Video đang HOT
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Síp và các nhà tài trợ không đạt được một thỏa thuận trong ngày hôm nay? Câu trả lời là không chỉ quốc đảo này mà cả khu vực eurozone và thị trường tài chính thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Trước hết với Síp, hậu quả là vô cùng tệ hại. Theo hãng tin AP, hiện các ngân hàng nước này còn “thoi thóp” là nhờ nguồn vốn vay ngắn hạn từ ngân hàng trung ương Síp, mà thực chất là vốn vay từ ECB. Họ chỉ có thể vay vốn từ đây do các tài sản nắm giữ đều không đủ tốt để đem ra chiết khấu với ECB, trong khi những chủ nợ khác không dám cho vay vì sợ không thể thu hồi vốn.
Nếu bị ECB “rút ống thở”, các ngân hàng Síp có lẽ sẽ không thể mở cửa trở lại sau ngày thứ Hai tới, hoặc nếu mở cửa cũng sẽ nhanh chóng sụp đổ vì không đủ khả năng đáp ứng làn sóng rút tiền hàng loạt từ khách hàng. Do đó tạm đóng cửa ngân hàng là giải pháp tình thế duy nhất lúc này. Nhưng nó cũng có nghĩa là không ai được trả lương, các khoản nợ đến hạn cũng không được thanh toán, hóa đơn tiền điện, nước cũng bị trễ hạn.
Người dân Síp tìm mọi cách rút tiền vì sợ ngân hàng sẽ sụp đổ trong tuần sau
Sau khi các ngân hàng phá sản, chính phủ Síp sẽ là những người tiếp theo phải tuyên bố phá sản do những tốn kém trong việc giải cứu hệ thống ngân hàng, hoặc chi phí để bảo hiểm tiền gửi cho toàn bộ các khoản tiền tiết kiệm dưới 100.000 euro.
Hậu quả tiếp theo là gì sẽ khó lường nhưng chắc chắn sẽ không nhẹ nhàng. Không chỉ nền kinh tế mà xã hội Síp sẽ đổ vỡ. Với việc đồng euro trở nên khan hiếm, có thể chính phủ Síp sẽ phải phát hành các giấy nhận nợ để người dân có thể mua hàng hóa thiết yếu.
Lạm phát sẽ tăng phi mã. Người dân có thể sẽ ồ ạt chuyển tiền ra nước ngoài khiến chính phủ phải ra tay ngăn chặn, dẫn đến giao dịch thương mại phải quay lại hình thức hàng đổi hàng, thậm chí đình đốn hoàn toàn. Sau đó Síp có thể phải rời eurozone và đến lúc đó thì không ai biết hậu quả sẽ còn tệ đến đâu.
Ngay cả khi tránh được viễn cảnh “ác mộng” trên, Síp cũng phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi. Các biện pháp họ thực hiện để được “giải cứu” sẽ khiến tăng trưởng kinh tế giảm sút, buộc chính phủ phải tăng thuế. Điều này sẽ làm họ mất đi sức hấp dẫn lớn nhất với các nhà đầu tư nước ngoài. Và chỉ riêng việc tịch thu một phần tiền gửi của khách hàng cũng đã đủ để khiến lòng tin của nhà đầu tư với Síp tổn hại nghiêm trọng.
Đối với eurozone, việc để Síp sụp đổ cũng khiến khu vực này tổn hại lớn. Nền kinh tế của quốc đảo này dù chỉ chiếm 0,2% kinh tế eurozone nhưng hệ thống ngân hàng của Síp lại kết nối chặt chẽ với Hy Lạp. Và bất kỳ sự sụp đổ nào cũng có thể gây tác động khủng khiếp tới quốc gia vốn đã kiệt quệ này.
Khi đó châu Âu sẽ phải nhanh chóng ra tay bảo vệ Hy Lạp. Việc này được thực hiện tốt bao nhiều thì tác động từ khủng hoảng hệ thống ngân hàng của Síp lên châu Âu sẽ nhẹ nhạng bấy nhiều, và ngược lại. Đó là trong trường hợp đảo Síp vẫn còn giữ được vị trí trong eurozone. Còn nếu họ phải rời đồng tiền chung này, hậu quả là khó đoán trước.
Hiện tại khủng hoảng tài chính tại Síp chưa gây hoảng loạn tại các nước chìm trong nợ như Italia hay Tây Ban Nha bởi ECB đã cam kết làm “tất cả những gì có thể” để cứu đồng euro, bao gồm cả việc cho hai nước này vay tiền thông qua mua trái phiếu.
Nhưng ngay cả khi Síp đạt được thỏa thuận giải cứu trong ngày mai, tác động của cuộc khủng hoảng có thể được cảm nhận khắp châu Âu sau đó không lâu. Chỉ riêng việc nước này từng cân nhắc đánh thuế vào cả các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro sẽ khiến người gửi tiền tại các quốc gia gặp khó khăn tài chính trong eurozone lo lắng. Câu hỏi sẽ là liệu người gửi tiền ở các nước đó có nhanh chóng đổ xô đi rút tiền hay không, một khi những cam kết bảo hiểm tiền gửi cũng không có nghĩa là bất khả xâm phạm.
Đối với thị trường toàn cầu, những bất ổn tại Síp hiện có vẻ như không mấy gây lo lắng. Có thể bởi đây là một quốc gia nhỏ và các nhà đầu tư vẫn tin vào khả năng Síp được “cứu” ở phút chót.
Nhưng cần nhớ rằng Síp là một nước có tính kết nối rất cao với hệ thống tài chính quốc tế. Nếu hệ thống ngân hàng của họ sụp đổ, nhiều công ty khắp thế giới sẽ bị tác động. Các khoản tiền gửi tại đây sẽ bị mất hoặc không thể rút về để trả lương hay thanh toán hợp đồng.
Dù vậy, nhìn chung tác động của sự sụp đổ của Síp tới thị trường thế giới sẽ phụ thuộc vào việc eurozone bị ảnh hưởng ra sao. Nếu các lãnh đạo châu Âu cứu quốc đảo này, cả thế giới có thể thở phào. Ngược lại nếu Síp rời eurozone và người dân Hy Lạp, Tây Ban Nha bắt đầu đổ xô đi rút tiền vì sợ điều tương tự sẽ xảy ra với mình, thế giới sẽ thực sự có lí đo để lo lắng.
Theo Dantri
Khủng hoảng ở Síp "thổi bay" 15 tỷ USD của các tỷ phú
Giá trị tài sản ròng của 100 người giàu nhất hành tinh theo xếp hạng của hãng tin tài chính Bloomberg giảm thêm 15,2 tỷ USD trong tuần này, chủ yếu do những bất ổn tài chính của đảo Cyprus. Trong 2 tuần trở lại đây, nhóm tỷ phú này mất hơn 33 tỷ USD.
Tỷ phú Larry Ellison, CEO Oracle.
Bloomberg cho biết, tỷ phú mất nhiều tiền nhất trong tuần này là ông Larry Ellison, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của hãng phần mềm Oracle. Giá trị tài sản ròng của ông Ellison đã giảm 4,4 tỷ USD trong tuần khi giá cổ phiếu của Oracle có phiên mất giá mạnh nhất kể từ năm 2011 vào ngày thứ Năm. Trong phiên này, Oracle công bố báo cáo cho thấy doanh thu và lợi nhuận quý 4/2012 của hãng không đạt kỳ vọng của giới phân tích.
Sở hữu khối tài sản 38,6 tỷ USD, ông Ellison hiện là người giàu thứ 8 trên thế giới trong xếp hạng Bloomberg Billionaires Index.
"Sự thật rằng Cyprus cần tới sự giúp đỡ là không hề mới. Các nhà chức trách châu Âu sẽ phải phát triển các quy chế về tài chính, giám sát và cơ cấu hợp lý để giải quyết con virus nợ ăn sâu trong nền kinh tế chung của khu vực", ông Hans Olsen, người đứng đầu mảng chiến lược đầu tư của Barclays Wealth Management, nhận định.
Các nhà chức trách châu Âu và Cyprus vẫn đang gấp rút đàm phán để ngăn chặn sự đổ vỡ trong hệ thống tài chính của nước này. Các bộ trưởng bộ tài chính thuộc Eurozone đang tính đến một kế hoạch nhằm đóng cửa hai ngân hàng lớn nhất ở Cyprus và đóng băng tài sản của những khách hàng gửi tiền không được bảo hiểm.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ cắt nguồn vốn khẩn cấp cho các ngân hàng Cyprus vào cuối ngày thứ Hai (25/2) trừ phi Cyprus chấp nhận một kế hoạch giải cứu.
Tuần này, chỉ số Stoxx Europe 600 của thị trường chứng khoán châu Âu giảm 1,1% còn chỉ số Standard & Poor's 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 0,2%.
Một thông tin đáng chú ý về các tỷ phú trong tuần này là nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã lấy lại ngôi giàu thứ ba thế giới từ tỷ phú bán lẻ người Tây Ban Nha Amancio Ortega. Ông Ortega, ông chủ của thương hiệu thời trang Zara, đã giữ vị trí này từ tháng 8 năm ngoái.
Từ đầu năm nay, giá cổ phiếu tập đoàn Berkshire Hathaway của Buffett đã tăng 14,7%, đưa giá trị tài sản của tỷ phú này lên mức 54,9 tỷ USD, nhiều hơn 200 triệu USD so với tài sản của Ortega. Trong khi đó, do những lo ngại về triển vọng doanh thu ở Tây Ban Nha, giá cổ phiếu của tập đoàn Inditex do Ortega sáng lập và lãnh đạo đã giảm 4,2% kể từ mức kỷ lục hôm 2/1, kéo giá trị tài sản ròng của tỷ phú này giảm 2,8 tỷ USD từ đầu năm, còn 54,7 tỷ USD.
Không giống như đối với nhiều tỷ phú khác, tuần này là một tuần may mắn của tỷ phú giàu nhất thế giới. Carlos Slim. "Đại gia" ngành viễn thông người Mexico chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng 2,9 tỷ USD trong tuần, đạt mức 70,7 tỷ USD, nhờ cổ phiếu của hãng America Movil tăng 8,4%. Mức tăng giá cổ phiếu này có được là do hoạt động mua lại cổ phiếu America Movil gia tăng, cũng như những tín hiệu lạc quan mới liên quan tới luật viễn thông của Mexico.
Trong tuần trước, giá cổ phiếu này giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 4 năm, kéo giá trị tài sản của ông Slim hạ 5 tỷ USD.
Theo tính toán của Bloomberg, giá cổ phiếu các ngân hàng, công ty khai mỏ và xây dựng mà tỷ phú Slim đang nắm quyền kiểm soát đang có mức định giá cao đến nỗi, nếu các cổ phiếu này giảm giá về ngang với mức trung bình của các cổ phiếu cùng nhóm ngành, thì ông Slim sẽ để mất ngôi giàu nhất thế giới vào tỷ phú người Mỹ Bill Gates, nhà sáng lập hãng phần mềm Microsoft.
Ty phú Bill Gates hiện là người giàu thứ nhì thế giới với giá trị tài sản ròng 67,3 tỷ USD.
Xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index tính toán giá trị tài sản của 100 người giàu nhất thế giới dựa trên những biến động về kinh tế và thị trường cũng như các bản tin của Bloomberg News. Giá trị tài sản ròng của mỗi tỷ phú có trong mặt xếp hạng được cập nhật trong mỗi ngày làm việc vào lúc 5h30 chiều theo giờ New York và được tính bằng USD.
Theo Dantri
Lỡ nhổ 1 chiếc răng, bác sĩ mất 2 tỷ đồng Một cụ bà 72 tuổi đã đã được đền 2 tỷ đồng sau hơn 4 năm đau đớn vì bị nhổ 1 chiếc răng khôn. Bà Rehana Musa, 72 tuổi, người Anh đã kiện Bác sĩ nha khoa của mình là Piotr Pietrusczak, vì bác sĩ này đã không kiểm tra tiền sử bệnh của bà trước khi nhổ một chiếc răng khôn...