Điều gì kích động đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ?
Theo ông Aykan Erdemir, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ dành cho quốc phòng của các Nền dân chủ ở Washington, cuộc đảo chính này là kết quả của nhiều yếu tố trong đó có nỗi lo sợ của quân đội về một thể chế mới ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một nhóm binh sĩ và sĩ quan quân đội âm mưu tiếm quyền đã phong tỏa một cây cầu ở thành phố Istanbul, bắn phá trụ sở cơ quan tình báo và quốc hội ở thủ đô Ankara đêm 15.7.
Ít nhất 265 người đã thiệt mạng trong vụ âm mưu đảo chính này. Tổng thống Erdogan đang có kỳ nghỉ ở Địa Trung Hải đã trở về Istanbul và kêu gọi người dân ủng hộ chính phủ. Tổng thống Erdogan khẳng định những kẻ âm mưu đảo chính “sẽ phải trả giá đắt cho việc này”.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công bố 2.839 người đã bị bắt giữ, trong đó có các binh sĩ và sĩ quan cấp cao.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra: “Điều gì đã kích động cuộc đảo chính?”.Trong những năm gần đây, những người chỉ trích, các chính phủ nước ngoài và công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ quan ngại về sự chuyển hướng dần dần sang chủ nghĩa độc tài dưới sự lãnh đạo của ông Erdogan.
Binh sĩ tham gia đảo chính bị trấn áp, buộc phải buông bỏ vũ khí đầu hàng.
Mặc dù ông Erdogan đã nhận được rất nhiều lời tán dương trong vài năm đầu sau khi trở thành Thủ tướng hồi năm 2003, nhưng kể từ khi trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 8.2014, ông đã bị cáo buộc bởi có các tham vọng độc tài.
Ông Erdogan muốn thay đổi Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được ban hành năm 1980 sau cuộc đảo chính thành công gần đây nhất của quân đội, để ông ta có nhiều quyền lực hơn như ở Mỹ.
Theo ông Aykan Erdemir, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ dành cho quốc phòng của các Nền dân chủ ở Washington, cuộc đảo chính này là kết quả của nhiều yếu tố trong đó có nỗi lo sợ của quân đội về một thể chế mới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng dự luật cải tổ lại các tòa án cũng như việc ông Erdogan là người có quan điểm thiên lệch là hai trong số những lý do dẫn tới đảo chính.
Tuy nhiên cuộc đảo chính cuối cùng đã thất bại. Theo ông Sinan Ulgen, Giám đốc Viện nghiên cứu Edam và là học giả tại Trung tâm Carnegie, đây không phải là cuộc đảo chính với sự tham gia của toàn quân đội như trong các vụ đảo chính trước đây, mà nó được tiến hành bởi một nhóm quân nhân bắt giữ tướng lĩnh quân đội làm con tin. Ông nói: “Đây không phải là chiến dịch được lên kế hoạch bởi tướng lĩnh chóp bu trong quân đội và chính nó cũng cho thấy điều đó. Bởi không có sự trợ giúp đầy đủ của các tướng lĩnh trong quân đội, nên nhóm này đã thiếu các trang thiết bị quân sự và năng lực cần thiết”.
Cuộc đảo chính thất bại, lại được cho là thắng lợi của ông Erdogan, sẽ mở ra nhiều cơ hội để ông thắt chặt kiểm soát Thổ Nhĩ Kỳ. Song giới phân tích cho rằng, nếu không cẩn thận, việc thể hiện quyền lực thái quá sẽ như con dao hai lưỡi, đẩy ông Erdogan vào những tình huống rủi ro khác và một cuộc đảo chính mới nguy hiểm hơn hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo Danviet