Điện Biên: Ôn thi học sinh giỏi quốc gia vào giai đoạn “nước rút”
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay muộn hơn thường kỳ 2 tháng nên diễn ra gần sát với Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Học sinh đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn tận dụng công nghệ phục vụ nghiên cứu, trao đổi thông tin.
Cùng với việc ôn luyện, hiện giáo viên được giao nhiệm vụ ôn thi đội tuyển tại Điện Biên đang tìm cách gỡ “áp lực” tâm lý cho học sinh khi bước vào giai đoạn “nước rút”.
Áp lực “nhân đôi”
Những ngày này, không khí ôn luyện của các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia tại Điện Biên đang “ nóng” dần lên. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là nơi được giao nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo nguồn.
Em Trần Đăng Hòa, lớp 12C2 là học sinh đội tuyển Vật lý, cho biết: Để rèn luyện kỹ năng và ôn luyện kiến thức, đội tuyển được thầy, cô hướng dẫn 3 buổi/ngày, thậm chí 4 buổi/ngày nếu học online. Khi giáo viên bận, đội tuyển sẽ đến trường tự học và trao đổi với nhau.
“Thời điểm dịch bệnh bùng phát, chúng em chuyển sang học online nên phần nào ảnh hưởng đến tâm lý, việc trao đổi, tiếp thu kiến thức. Tham gia kỳ thi ai cũng háo hức, nhưng do phải học dồn kiến thức, đối mặt với nhiều áp lực nên chúng em khá căng thẳng”.
Cùng chung tâm trạng, em Nguyễn Thị Linh Chi, lớp 12C5, đội tuyển Ngữ văn, tâm sự: Khi biết thông tin kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lùi lại, em khá hoang mang. Bởi theo thông lệ, sau khi hoàn thành kỳ thi này vào khoảng tháng 12 năm trước hoặc tháng 1 năm sau, học sinh sẽ có thời gian đủ dài để ôn thi tốt nghiệp THPT và đại học.
Thời điểm này là giai đoạn nước rút nên nhà trường đã dành mọi sự ưu tiên cho công tác ôn luyện đội tuyển. Theo Thạc sĩ Bùi Thị Anh, Hiệu trưởng nhà trường: Bên cạnh các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, trường đã phân công, động viên đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết tranh thủ, tận dụng thời gian hợp lý để hướng dẫn, bồi dưỡng cho học sinh.
Tuy nhiên, cũng theo Thạc sĩ Bùi Thị Anh, lùi thời gian 2 tháng so với mọi năm khiến giáo viên, phụ huynh và nhiều học sinh lo lắng khi các kỳ thi diễn ra khá gần nhau.
Video đang HOT
“Lịch thi lùi lại, các em có thời gian nhiều hơn để củng cố kiến thức, nhưng kỳ thi học sinh giỏi lại gần sát với thi tốt nghiệp THPT. Học sinh trong đội tuyển không được tham gia các lớp luyện thi đại học. Đó là thiệt thòi của các em nhưng cũng khiến nhà trường lo lắng”, cô Anh chia sẻ.
Các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đang vào giai đoạn nước rút.
“Gỡ” áp lực…
Là giáo viên được giao nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý, thầy Hoàng Tuấn Anh hiểu rất rõ những áp lực của học sinh đội tuyển. Để “gỡ” áp lực này, thầy Tuấn Anh cũng như các thầy, cô hướng dẫn đội tuyển đã kết hợp nhiều hình thức và thời gian trong ngày để tranh thủ hướng dẫn, khơi gợi cảm hứng cho học sinh. Mặc dù lượng kiến thức lớn, thời gian nghỉ không nhiều, nhưng thầy vẫn tranh thủ thời gian động viên học sinh, cố gắng giảm bớt áp lực và tạo không khí thoải mái cho các em.
Về phía nhà trường, theo cô Hiệu trưởng Bùi Thị Anh, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí giáo viên bổ trợ kiến thức cho học sinh đội tuyển. Mục đích là để các em vừa tập trung cho kỳ thi học sinh giỏi, vừa có sự chuẩn bị tốt cho thi tốt nghiệp và đại học… Mỗi thầy, cô giáo luôn đồng hành, sát sao với từng diễn biến tâm lý của học sinh.
“Trước khi các em bước vào kỳ thi, nhà trường cũng tổ chức tiếp lửa, gặp mặt học sinh đội tuyển. Qua những hoạt động như vậy cũng phần nào giúp các em giải tỏa áp lực”, cô Hiệu trưởng chia sẻ.
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia là thử thách quan trọng, bước ngoặt trước ngưỡng cửa cuộc đời mỗi học sinh. Chính bởi vậy, theo em Trần Đăng Hòa, khi được lựa chọn vào đội tuyển đều xác định rõ mục tiêu và nỗ lực. Tuy nhiên, tác động từ phía thầy cô, gia đình cũng rất quan trọng.
“Nhờ đẩy nhanh, gọn kế hoạch học tập nên chúng em đã hoàn thành chương trình kiến thức lớp 12. Bên cạnh đó, thầy cô, bố mẹ cũng thường xuyên động viên, trao đổi về lựa chọn để bước vào con đường đại học nên chúng em bớt phần căng thẳng”, Hòa bộc bạch.
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2022, Điện Biên có 48 học sinh tham dự 8 môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh (6 học sinh/môn). 100% đều là học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Tuyển giáo viên chất lượng cao: Vì sao người giỏi không chọn trường chuyên?
Là cơ sở giáo dục chất lượng hàng đầu của Điện Biên, song nhiều năm qua công tác giáo dục mũi nhọn tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn lại gặp khó do thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên chất lượng cao.
Đối với trường chuyên, ngoài nhiệm vụ dạy chương trình THPT, giáo viên còn đảm nhiệm bồi dưỡng HSG quốc gia nên cường độ công việc rất lớn.
Áp lực chuyên môn
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn hiện có 92 giáo viên, nhân viên, người lao động. Trong đó: 3 người trong Ban Giám hiệu; 74 giáo viên; 15 nhân viên, người lao động. 100% nhà giáo đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn; 60% là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 11 nhà giáo ưu tú.
Theo cô Bùi Thị Anh, Hiệu trưởng nhà trường: Đơn vị còn thiếu 6 biên chế tính theo đầu lớp, thuộc các môn: Toán, Tiếng Anh, Tiếng Trung. Với lực lượng hiện có, các thầy cô giáo phải làm việc với cường độ rất lớn mới có thể đáp ứng yêu cầu chuyên môn đặt ra của một trường chuyên.
Tại Tổ Ngoại ngữ, năm học này có 8 giáo viên môn Tiếng Anh, thì 1 giáo viên đang theo học Thạc sĩ tại Vương quốc Anh và "mắt kẹt" vì dịch; 3 giáo viên Tiếng Trung, trong đó 1 giáo viên nghỉ thai sản.
Cô Nguyễn Hạnh Tuyết, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, cho biết: Nhiều năm qua, do đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tiếng Trung thiếu nên các thầy cô khác trong tổ thường xuyên phải dạy số lượng tiết dày đặc, tăng giờ... để đảm bảo yêu cầu chất lượng.
"Có thầy cô tăng giờ trong 1 năm vượt quá 200 tiết, đặc biệt là đội ngũ giáo viên đảm nhiệm công tác dạy lớp chuyên, kiêm nhiệm. Trong khi đó, đối với trường chuyên, ngoài dạy theo chương trình THPT chúng tôi còn đảm nhiệm bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) quốc gia" - cô Tuyết bộc bạch và cho biết thêm: Cũng vì thiếu giáo viên nên Sở GD&ĐT đã dừng thành lập đội tuyển HSG quốc gia môn Tiếng Anh để củng cố. Tuy nhiên đến nay, đội ngũ giáo viên vẫn vậy, chưa thể tuyển dụng bổ sung.
"Phụ đạo cho các lớp không chuyên, dạy nâng cao và ôn thi đại học cho lớp chuyên và học sinh có nhu cầu... Buổi tối lại lên lớp cho học sinh ôn thi đại học. Vì vậy, thầy cô không có thời gian để đầu tư nhiều cho đội tuyển HSG quốc gia. Chúng tôi tha thiết mong ngành tạo điều kiện cho trường có thể tuyển thêm những giáo viên thực sự chất lượng để chia sẻ, gánh vác trong những năm tới", cô Hương giãi bày.
Còn theo nhà giáo Dương Thị Hương, giáo viên môn Tiếng Anh, cô và các giáo viên trong tổ hầu như không có buổi chiều nào được ở nhà do lịch dạy phụ đạo "dày đặc".
Theo số liệu tổng kết, hàng năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn luôn đạt 100%, trên 98% đỗ đại học, trên 85% học sinh đi thi HSG tỉnh có giải và là nguồn đội tuyển HSG quốc gia chủ chốt của tỉnh. Tuy nhiên, theo cô Bùi Thị Anh, tỷ lệ học sinh đoạt giải trong kỳ thi HSG quốc gia 2 năm gần đây không ổn định, không cao. Một phần nguyên do không tuyển được giáo viên mới có năng lực đáp ứng yêu cầu dạy chương trình chuyên và ôn luyện HSG quốc gia.
Hiện, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tuyển dụng giáo viên chất lượng cao.
Khó tìm nguồn
Thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên chất lượng cao, song việc tuyển dụng lại gặp muôn vàn vướng mắc, đa phần là khó khăn về nguồn tuyển. Theo phân tích của cô hiệu trưởng, để có được đội ngũ nhà giáo chất lượng cao không chỉ cần sự đãi ngộ, thu hút, mà còn là chính sách tuyển dụng công khai và hợp lý, thậm chí là cơ chế đặc biệt "trải thảm" mời nhân tài.
Tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, trên thực tế những năm qua công tác tuyển dụng giáo viên cũng được địa phương ưu ái, với nhiều cách làm. Nhà trường chủ động lựa chọn và đề xuất những giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi trong tỉnh hoặc học sinh tốt nghiệp xuất sắc ra trường sau khi được tỉnh tuyển dụng để về dạy thử. Khi đảm bảo yêu cầu đề ra mới tuyển dụng.
"Tuy nhiên, là địa phương miền núi với nhiều khó khăn đặc thù nên nguồn tuyển này không nhiều. Một số giáo viên giỏi nhưng lại không có nguyện vọng về trường chuyên, bởi cường độ và áp lực công việc cao, trong khi chế độ chưa tương xứng", cô Bùi Thị Anh chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ này của người đứng đầu nhà trường, nguồn tuyển khó khăn nhất là 2 môn Tiếng Anh và Trung. Suốt quá trình thành lập đến nay trường vẫn thiếu giáo viên ở 2 bộ môn này. "Ngành GD địa phương đã tạo điều kiện tăng cường thêm giáo viên. Có giáo viên năng lực tốt, đáp ứng được yêu cầu dạy lớp chuyên nhưng khi đặt vấn đề ở lại trường công tác thì họ từ chối", cô hiệu trưởng nói.
Một thực trạng nữa cần nhắc đến là hiện chưa có chế độ đặc thù để tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp giỏi từ lớp cử nhân, tại các trường đại học để có đội ngũ kế cận những giáo viên lớn tuổi.
"Hiện nay, mỗi thầy cô vẫn đang nỗ lực tự học hỏi, bồi dưỡng kiến thức, đào sâu chuyên môn. Tuy nhiên với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, việc tăng cường cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, cần một cơ chế mở cùng chính sách thu hút phù hợp để các thầy cô giỏi không chỉ đến, mà có thể an tâm dừng chân, gắn bó", cô Bùi Thị Anh bộc bạch.
"3 năm liền Điện Biên không thành lập đội tuyển dự thi HSG quốc gia môn Tiếng Anh (năm học này mới tái lập). Năm học 2021 - 2022, trường không tuyển học sinh lớp chuyên Tiếng Trung" - cô Bùi Thị Anh cho biết.
Học sinh làm sao trước... ma trận tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay? Việc chọn đúng ngành, đúng nghề mình yêu thích, phù hợp nhu cầu của xã hội, giống như mua đúng đôi giày phù hợp cho mình, đi đường xa không mỏi. Trước đây, phương án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, chỉ dựa chủ yếu vào tổ hợp môn theo khối truyền thống A, B, C, D..., điểm tuyển sinh...