Điểm thi cao vẫn trượt đại học: Đổi mới tuyển sinh thế nào?
Điểm chuẩn đại học tăng mạnh, khiến thí sinh, giáo viên hoang mang, vậy để khắc phục tình trạng này các trường cần đổi mới tuyển sinh thế nào?
Mùa tuyển sinh 2021 ghi nhận nhiều kỷ lục về điểm chuẩn, một số ngành học vượt ngưỡng điểm tuyệt đối hay những ngành tăng gần 11 điểm so với năm ngoái. Để tránh điểm chuẩn đại học các năm tới tăng mạnh, chuyên gia cho rằng cần đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Song song với đó, các trường cũng cần tăng cường phương thức tuyển sinh riêng, giảm dần sự phụ thuộc vào xét điểm thi.
Theo TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, kỳ thi tốt nghiệp THPT đang phải gánh quá nhiều mục tiêu, vừa muốn xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, vừa muốn giảm áp lực thi cử, giảm tốn kém, điều này gần như không thể. Điều này giống như một phương trình, nếu quá nhiều biến thì kết quả sẽ vô nghiệm.
Để đổi mới tuyển sinh, chúng ta không nhất thiết phải quay lại kỳ thi “ba chung” như trước, mà có thể tham khảo mô hình từ các trung tâm khảo thí riêng hay kỳ thi riêng như SAT hoặc ACT của Mỹ. Tất nhiên, chúng ta sẽ có những điều chỉnh phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam.
Theo đó, cả nước sẽ thành lập một số trung tâm khảo thí cấp quốc gia hoặc trực thuộc trường đại học lớn, thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực học sinh.
Khi đó, thí sinh có thể thi quanh năm, nhiều lần và dùng kết quả cao nhất để đăng ký xét tuyển đại học. Với mô hình này, áp lực tại mỗi lần thi sẽ giảm đáng kể. Mục đích chính là tách việc thi cử ra khỏi tuyển sinh, tạo điều kiện cho thí sinh tự phân loại, sàng lọc để đăng ký vào các trường đại học theo kết quả thi và phù hợp với năng lực thực sự của bản thân.
Các trường đại học hoàn toàn có thể quyết định tuyển sinh theo kết quả kỳ thi này và kết hợp áp dụng với những kỳ thi riêng, kỳ thi năng khiếu sao cho phù hợp mục tiêu đào tạo của từng trường.
Ông Hiệp cho rằng, việc thành lập các trung tâm khảo thí là câu chuyện của vài năm tới, còn hiện tại, khi chưa đủ năng lực kỹ thuật để thực hiện mô hình trên thì vẫn cần thiết thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần nêu cao vai trò điều tiết và can thiệp sâu hơn. Đến khi nào các trung tâm khảo thí độc lập đi vào hoạt động ổn định, vai trò của Bộ GD&ĐT sẽ chuyển dịch theo hướng “kiểm soát từ xa” và “hậu kiểm”.
Bộ quản lý các trung tâm khảo thí, ra quy định, nguyên tắc về đề thi và quy trình thi và giám sát việc tổ chức kiểm tra, đánh giá của các trung tâm.
Video đang HOT
Các trung tâm sẽ trực tiếp vận hành. Mô hình này tương tự mô hình của các trung tâm kiểm định chất lượng hiện nay. Nếu nhìn rộng sang bên ngành giao thông, mô hình này cũng có phần hơi giống việc Bộ Giao thông Vận tải quản lý các trung tâm sát hạch lái xe.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2021. (Ảnh minh hoạ)
TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, yêu cầu thành lập ngay trung tâm khảo thí hay bài thi chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của các trường đại học trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam là không khả thi.
Để giảm dần sự phụ thuộc vào kết quả thi tốt ghiệp THPT và chuyển sang các kỳ thi đánh giá năng lực riêng mỗi trường cần giai đoạn chuyển tiếp. Còn hiện Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh lại kỳ thi tốt nghiệp THPT để sàng lọc những thí sinh khá, giỏi, xuất sắc giúp các trường tự tin hơn khi xét tuyển điểm thi. Cùng với đó, từng bước xây dựng các trung tâm khảo thí để 3 đến 4 năm tới đại trà hóa các bài thi, khuyến khích nhóm các trường đại học sử dụng các kỳ thi phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo.
Vị chuyên gia cho rằng, cần tách bạch hai kỳ thi xét tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT vì mục đích khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp mang tính đại chúng, còn xét tuyển sinh đại học lại mang tính chuyên sâu nên không thể dùng 1 kết quả để đạt được 2 mục tiêu như những năm vừa qua.
Hiện nay, việc hai đại học quốc gia tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hay bài kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội là hướng đi đúng đắn để chọn được sinh viên vào học phù hợp.
Theo ông, nếu Bộ GD&ĐT tháo khoán cho các trường tổ chức kỳ thi sẽ dẫn đến tình trạng giống như trước đây là “3 chung”, nhà nhà tổ chức luyện thi, trường nào cũng tổ chức thi. Vì vậy, cần sự định hướng của Bộ GD&ĐT để tránh tình trạng nở rộ các kỳ thi riêng.
“Chỉ cần 4 đến 5 bài thi nhưng đủ đa dạng đáp ứng yêu cầu khác nhau của các trường. Ví dụ như bài kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội có thể thống nhất sử dụng trong khối trường đào tạo tự nhiên hay kỹ thuật. Còn bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội phù hợp các ngành, trường đại học liên quan đến văn hoá, khoa học xã hội” , TS Lê Đông Phương đề xuất.
TS Nguyễn Thái Duy, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, các trường nên học tập phương thức tuyển sinh của khối trường công an nhân dân. Theo đó, các trường xét tuyển kết hợp giữa kết quả thi THPT quốc gia (chiếm 75% điểm xét tuyển) và kết quả học bạ THPT (chiếm 25% điểm xét tuyển), yêu cầu điểm trung bình học bạ những môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 7,0 điểm trở lên.
Quy định này đã phát huy tác dụng khi mùa tuyển sinh năm nay, 55 thí sinh nam đạt từ 29,5 điểm trở lên dù đủ điểm đỗ nhưng vẫn bị đánh trượt do không đảm bảo tiêu chuẩn về học bạ. Kiểm soát độ chênh lệch giữa điểm thi và điểm học tập là cách làm khá chặt chẽ, đúng thực lực thí sinh.
Gỡ bất cập trong tuyển sinh đại học - Bài 1: Vì sao điểm cao vẫn trượt?
Điểm chuẩn đại học (ĐH) năm 2021 tăng cao "chóng mặt" khiến nhiều thí sinh dù đạt điểm cao vẫn trượt.
Năm 2021 nhiều trường đại học chỉ dành khoảng 50% chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Quang Vinh.
Theo phân tích của các chuyên gia, điểm chuẩn tăng thể hiện xu hướng tự chủ của các trường rất mạnh; xu thế ngành nghề của xã hội ngày càng thay đổi. Thực tế này cũng cho thấy, các trường ĐH cần sớm có những đổi mới trong phương thức tuyển sinh để vừa không bỏ lọt thí sinh có năng lực, lại vừa nâng cao được chất lượng nguồn tuyển. Bắt đầu từ hôm nay, Báo Đại Đoàn Kết khởi đăng loạt bài "Gỡ bất cập trong tuyển sinh đại học".
Điểm chuẩn tăng "chóng mặt" tiếp tục lặp lại ở mùa tuyển sinh 2021 đã khiến nhiều người băn khoăn về phương thức tuyển sinh dựa vào điểm số.
Đổ xô vào ngành "hot"
Trước đó, điểm chuẩn ĐH năm 2021 được dự báo sẽ tăng ở nhiều khối thi, nhưng có những ngành tăng 9-11 điểm so với năm trước thì đây là một cú sốc với thí sinh mong ngóng điểm chuẩn. Một thí sinh tại Hà Nội thi khối D01 đạt 25 điểm (trung bình hơn 8 điểm/môn thi) đăng ký tới 21 nguyện vọng, và chỉ đạt ở nguyện vọng cuối cùng. Nhưng cả ngành học và trường học "chống trượt" này em đều không hào hứng. Vì thế sau mấy ngày buồn bã, thí sinh này cho biết sẽ quyết tâm thi lại ở năm sau.
Thống kê từ các trường cho thấy điểm chuẩn các ngành năm nay đều tăng so với năm trước, nhất là các tổ hợp có xét tuyển môn Tiếng Anh. Cá biệt có một số trường điểm chuẩn tăng rất mạnh, nhiều ngành có điểm chuẩn tăng đến hơn 10 điểm so với năm trước. Tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ngành Quản trị du lịch và lữ hành có điểm chuẩn 26, tăng gần 11 điểm so với mức điểm 15,05 của năm trước. Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin cũng tăng 10 điểm, Tài chính ngân hàng tăng 10,05 điểm...so với năm 2020.
Vì sao điểm cao vẫn trượt ĐH? Trước băn khoăn của dư luận, ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lý giải, có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất điểm chuẩn tăng do số lượng thí sinh tăng mạnh, từ 900.000 lên 1.020.000 thí sinh (tăng hơn 11% so với năm ngoái). Đặc biệt, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH-CĐ cũng tăng 24% so với 2020, một phần nguyên nhân do các em không thể đi du học hoặc xu hướng chọn học đại học tăng lên; Nguyên nhân thứ hai do tác động của xu hướng chọn ngành. Hầu hết thí sinh tập trung vào các nhóm, khối ngành như kỹ thuật công nghệ, giáo dục và đào tạo giáo viên, kinh tế, kinh doanh, xã hội nhân văn; Nguyên nhân thứ ba đến từ kết quả bài thi môn Tiếng Anh có phần cải thiện so với năm 2020, từ đó góp phần làm tăng điểm chuẩn ở khối ngành này.
Từ những nguyên nhân trên, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thì điểm chuẩn ĐH 2021 tăng cao là chuyện bình thường. "Việc xét tuyển ĐH là một câu chuyện cạnh tranh. Khi Bộ GDĐT đã đưa ra mô hình để thí sinh có thể xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, cơ hội hoàn toàn nằm trong tay thí sinh"- ông Sơn nhấn mạnh.
Nhưng dù thế nào, bức tranh tuyển sinh 2 năm qua cho thấy, việc tuyển sinh bằng điểm số đã khiến cơ hội của thí sinh mong manh hơn. Nhiều nghi ngại cũng được đặt ra là điểm chuẩn tăng, nhưng chưa chắc chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH đã tăng, bởi đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chỉ phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp.
Sau 6 năm tổ chức kỳ thi "2 trong 1" , với mục tiêu vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh ĐH, bắt đầu từ năm 2020, kỳ thi THPT chỉ còn phục vụ mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Do đó lấy kết quả này để xét tuyển ĐH, có thực chất hay không? Lý giải cho hiện tượng điểm chuẩn ĐH 2021 tăng, thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, một phần nằm ở sự phân hóa của đề thi kém hơn trước.
Tuyển sinh không phụ thuộc vào điểm số
Theo ghi nhận từ thực tế, vài năm trở lại đây các trường ĐH đã dành lượng chỉ tiêu cho các phương thức khác như: xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế, phỏng vấn... nên tỷ lệ thí sinh xét điểm thi tốt nghiệp THPT đã giảm đi nhất định. Năm 2021, một số trường như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương, Học viện Tài chính, ĐH Hà Nội,... đã tuyển nhiều sinh viên bằng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Tỷ lệ sinh viên trúng tuyển ĐH không bằng điểm thi tốt nghiệp đã chiếm từ 30-50% trước khi có điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, các thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT phải cạnh tranh khốc liệt. Đây chính là một trong số nguyên nhân khiến điểm chuẩn xét tuyển vào ĐH năm 2021 cao vọt hơn các năm trước.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo - ĐH Kinh tế Quốc dân phân tích, mức điểm chuẩn năm nay thể hiện một thực tiễn là: Xu hướng tự chủ của các trường rất mạnh. Ở giai đoạn I - kỳ thi "2 trong 1", trên 90% các trường dựa hoàn toàn vào kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. Tuy nhiên, năm 2021 nhiều trường chỉ dành khoảng 50% chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện do kỳ thi THPT không còn mục tiêu "2 trong 1", mà chỉ phục vụ thi xét tốt nghiệp THPT là chính nên yêu cầu đặt ra lúc này là các trường "top" trên phải có kỳ thi riêng - như đánh giá năng lực mà 2 ĐH Quốc gia đang làm để phục vụ tuyển sinh. Đồng thời chất lượng đào tạo ở các trường này cũng phải tự đổi mới để đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Mong rằng, phụ huynh và học sinh cũng dần thay đổi tư duy về tự chủ tuyển sinh ĐH. Bởi hiện nay có nhiều con đường vào được ngành/hoặc trường ĐH mà mình mong muốn, song không nhất thiết chỉ bằng điểm số của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
(còn nữa)
Có trường Đại học lấy điểm chuẩn đến 30, 30,5 là điều không bình thường Điểm chuẩn đại học tăng cao, một số trường lấy điểm tuyệt đối, thậm chí cao hơn 30 điểm, điều đó cho thấy tính phân loại của kỳ thi chưa tốt. Vừa qua, các trường đại học trên cả nước đồng loạt công bố điểm trúng tuyển đại học chính quy theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ...