Điểm sáng đào tạo ngành Việt Nam học
Ngành Việt Nam học hiện không chỉ thu hút nhiều sinh viên, học viên nước ngoài đến Việt Nam để học mà còn được quan tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Khoa Việt Nam học của Trường Đại học (ĐH) Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) đang là một điểm sáng về đào tạo Tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam.
Học Tiếng Việt để kết bạn bốn phương
GS Hiroki Tahara, Trường ĐH Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương (Nhật Bản), là thế hệ sinh viên đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (tiền thân của Khoa Việt Nam học), chia sẻ: “Tôi bắt đầu học Tiếng Việt từ năm 1991. Sau 3 học kỳ tại Trường ĐH Ngoại ngữ Tokyo, tôi qua Việt Nam và chính thức vào học Tiếng Việt ở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á.
Sau đó, tôi làm việc ở Trường ĐH Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương khi trường thành lập vào năm 2000. Tại đây, trường đã đào tạo khoảng 750 sinh viên học Tiếng Việt đến từ nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Mexico…”.
Với kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp được học tại Khoa Việt Nam học, GS Hiroki Tahara đã làm việc ở ngành ngoại giao với vai trò là Tùy viên Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cùng học trò của mình đi lên Tây Nguyên làm từ thiện, đóng góp trong việc học tiếng Việt của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. “Nhờ có tiếng Việt, tôi đã kết bạn bốn phương, đặc biệt là quý anh chị em gốc Việt tại miền Nam California. Tiếng Việt là một phần máu thịt của tôi”, GS Hiroki Tahara tâm sự.
Sinh viên nước ngoài trong giờ học Tiếng Việt tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM
Còn Apichit Mingwongtham, một người Thái Lan khiếm thị, hiện là sinh viên năm thứ 3 Khoa Việt Nam học, đã nhận 2 giải thưởng: Giải bài viết được yêu thích nhất dành cho tác giả là người nước ngoài và giải nhất phần thi “Thư Việt Nam 2019″. Trong bài dự thi, Apichit kể về hành trình gian khó anh tìm đến Việt Nam để học tiếng Việt khiến nhiều người xúc động và trân trọng.
PGS-TS Lê Giang, Trưởng Khoa Việt Nam học, cho biết về đào tạo chính quy hiện nay khoa có 257 sinh viên nước ngoài đang theo học. Trong đó, nhiều nhất là sinh viên Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc… Hệ cao học có 64 học viên (12 học viên nước ngoài). Về giảng dạy Tiếng Việt ngắn hạn, số học viên liên tục tăng cao.
Tính từ tháng 7-2018 đến tháng 6-2019 có gần 7.000 lượt học viên. Ngoài ra, khoa còn hợp đồng với Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM, kết hợp với tổ chức KOICA (Hàn Quốc), Hiệp hội Xúc tiến thương mại đầu tư Đài Loan, nhiều trường ĐH của Hàn Quốc, Nhật Bản, các công ty… đào tạo các lớp chuyên đề về văn hóa và Tiếng Việt ngắn hạn.
Nâng cao vị thế của Việt Nam
PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, cho rằng Việt Nam có vị trí quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có đường lối đối ngoại chủ động, đa phương và coi trọng các dòng đầu tư kỹ thuật cao từ các quốc gia, vùng lãnh thổ. Từng có thời gian hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp trong mắt một bộ phận bạn bè thế giới chưa đầy đủ, còn phiến diện, nên đòi hỏi đất nước phải có những giải pháp để quảng bá lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội Việt Nam rộng rãi hơn.
Mặt khác, khi các doanh nghiệp toàn cầu đến Việt Nam đầu tư, đòi hỏi phải có những chương trình đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam để các chuyên gia có thể thấu hiểu về Việt Nam, giúp cho quá trình điều hành công việc ở Việt Nam trở nên tốt hơn. Do vậy, cần phải có những chương trình đào tạo về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử… cho bạn bè thế giới đến Việt Nam. Khi được học, họ sẽ ứng dụng vào quá trình giao tiếp với đối tác, nhân viên, người dân Việt Nam và chính họ sẽ giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện, năng động và nhiều bản sắc văn hóa đến người thân, đến người dân ở đất nước họ.
Theo PGS-TS Phan Thị Yến Tuyết, Khoa Việt Nam học, hiện nay có khoảng 4 triệu người Việt đang sống tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Về mặt học thuật, việc giảng dạy, nghiên cứu Tiếng Việt và Việt Nam học trên thế giới bao hàm nhiều sắc thái về lịch sử, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trước đây, do tình hình chiến tranh, rất nhiều quốc gia liên quan đến Việt Nam đều có nhu cầu giảng dạy, học và nghiên cứu về Việt Nam.
Còn hiện nay, về phát triển kinh tế, Việt Nam thu hút khá nhiều quốc gia đến đầu tư, nên nhu cầu học Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ngày càng tăng cao. Rất nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Pháp, Đức… cũng giảng dạy và nghiên cứu về Việt Nam từ rất lâu. Hàng trăm quốc gia đến với Việt Nam vì vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, tình hình an ninh, chính trị ổn định, thị trường đông dân, xã hội giàu tiềm năng.
Việt Nam học là khoa học liên ngành nghiên cứu về đất nước, con người Việt Nam dựa trên những yếu tố của từng chuyên ngành như địa lý, lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán, xã hội… Học và nghiên cứu ngành học này đem lại sự hiểu biết toàn diện về Việt Nam để phục vụ cho xây dựng, phát triển Tổ quốc, đồng thời tăng cường khả năng giao lưu và hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa.
Thử thách "7 ngày sáng tạo" giúp bé vui chơi thỏa thích mà vẫn học chữ tốt của bà mẹ Hải Phòng
Tận dụng thời gian rảnh rỗi, chị Ngọc Mai không chỉ dạy chữ mà còn sáng tạo cho con nhiều hoạt động, trò chơi lý thú, bổ ích.
Thời gian trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trẻ nhỏ từ cấp mẫu giáo đến THPT đều được nghỉ học. Trong những ngày này, để con không sa đà vào các trò chơi điện tử, tivi, iPad, nhiều bố mẹ đã tiến hành dạy con các kỹ năng sống bổ ích như nấu ăn, sơ cứu,... Bên cạnh đó, nhiều người lại tận dụng thời gian rảnh để dạy con học chữ, giúp các bé có hành trang vững chắc để vào lớp 1.
Chị Ngọc Mai là một bà mẹ hiện đang sinh sống và làm việc tại Hải Phòng. Con gái chị tên Hải Yến, năm nay 5 tuổi, chuẩn bị bước vào lớp 1.
Giống như nhiều bậc cha mẹ khác, chị Mai cũng rất lo lắng, sợ con đi học ở môi trường mới sẽ bỡ ngỡ và không theo kịp chúng bạn. Vậy nên ngay khi được nghỉ dài ngày vì dịch, chị quyết định tận dụng thời gian để dạy chữ cho con.
Chị Mai chia sẻ: "Bé nhà mình đang độ tuổi học chữ nên mình quyết định tìm hiểu các phương pháp vừa học vừa chơi. Theo mình thấy, đó là cách tốt nhất để trẻ tiếp thu nhanh và có nhiều hứng thú học tập. Mình mới chỉ đồng hành cùng con trong vài tháng gần đây thôi vì trước đó không nghĩ giáo dục sớm lại quan trọng đến như vậy. Thành ra bỏ lỡ nhiều giai đoạn vàng của con".
Chị Ngọc Mai và con gái Hải Yến.
Tạo niềm hứng khởi học tập cho con từ những trò chơi năng động
Kể từ khi bắt đầu dạy chữ cho con, chị Mai đã lên mạng tìm hiểu một loạt trò chơi, để lồng ghép vào việc học tập cho con. Thay vì chỉ nhìn vào sách và học đơn thuần đâu là chữ A, đâu là chữ B, mỗi ngày, chị cho con xem 3-5 chữ cái, giới thiệu với con về vai trò của từng chữ.
Chẳng hạn như đây là nguyên âm, đây là phụ âm,... Để con ghi nhớ được mặt chữ chị tổ chức các trò chơi nhỏ như: Ném bóng vào chữ mà mẹ gọi tên, viết chữ vào bóng bay rồi gắn lên tường cho con chơi phi tiêu, in hình chữ cái ra giấy rồi cho con chơi trò tìm hình giống nhau hoặc dùng đất nặn để nặn chữ rồi dán vào những nơi dễ thấy như cánh cửa, bức tường,...
"Mới đây mình đang áp dụng cho con trò "chiếc cầu thang vui nhộn". Cách thực hiện đơn giản lắm. Mình chỉ cần dán các chữ cái lên từng bậc thang rồi cho con vừa đi lên vừa đọc hoặc hát theo bài ABC. Trò này vừa giúp bé thuộc được mặt chữ, vừa tập thể dục luôn. Đặc biệt với những gia đình sống ở chung cư hay không có sân vườn thì đây là một phương pháp cực kỳ lý tưởng", chị Mai chia sẻ.
Chị Mai cho con chơi trò cầu thang vui nhộn.
Bà mẹ này tiết lộ, hiện giờ con gái nhỏ đã biết được rất nhiều từ, ngoài ra có thể đếm từ 1-10, nhận diện tốt các con số. Không chỉ dạy con học Tiếng Việt, chị Mai còn kết hợp thêm cả dạy Tiếng Anh: "Mỗi tối mình sẽ cho con học Tiếng Anh trong dùng khoảng 30 phút, sau đó áp dụng các từ trong bài học vào trò chơi, để con vừa chơi vừa nhớ được từ. Hiện tại bé nhà mình có thể nói được các chủ đề về màu sắc gia đình, số đếm, các con động vật,... Học xong thì giải lao bằng cách kể chuyện, đọc sách cho con nghe".
Chị Mai cho biết, không hề lo sợ chuyện con có thể bị nhầm lẫn giữa Tiếng Anh với Tiếng Việt bởi: "Tiếng Việt con đã nói sõi rồi nên giờ nghe ngôn ngữ khác là phân biệt được ngay".
Đặt ra những thử thách để con hoàn thiện bản thân, nuôi dưỡng thói quen tốt
Trong những ngày nghỉ dịch, ngoài việc dạy chữ, chị Mai luôn cố gắng tạo ra những hoạt động thiết thực giúp con học được tính sáng tạo, năng động. Một lần khi đang "lướt" mạng xã hội, chị tình cờ thấy một chương trình phát động trên Facebook có tên: "7 ngày sáng tạo cùng con". Cụ thể, chương trình khuyến khích các mẹ cùng con tham gia những hoạt động lý thu nhằm nâng cao kỹ năng sống, khả năng độc lập, đồng thời nâng cao sự nhanh nhẹn. Sau đó các mẹ sẽ chụp ảnh lại và chia sẻ khoảnh khắc đẹp của con với các bậc cha mẹ khác.
Ngay khi đọc được thông tin về chương trình, chị Mai liền cảm thấy hứng thú và lên kế hoạch tham gia cho con. Trong hành trình 7 ngày, chị Mai đã cho con trải nghiệm nhiều trò chơi, hoạt động như tự làm con diều, làm thiếp tặng những người thân trong gia đình, tự làm những bông hoa giấy hạnh phúc,...
Chị Mai cho con tham gia nhiều trò chơi, hoạt động sáng tạo.
"Có thể đối với mọi người các trò chơi ấy không thú vị và chưa có sáng tạo mới gì nhưng mình hiểu điều quan trọng nhất mà con cần là được bố mẹ dành thời gian chơi đùa cùng. Vui chơi thật sự chứ không phải hời hợt. Nhờ tham gia chương trình đó mà hiện tại mình vẫn tìm tòi tự làm đồ chơi và đồ dùng học tập cho con, không phải đi mua ở ngoài như trước nữa. Như vậy vừa tiết kiệm được tiền mà còn lại được tham gia sáng tạo cùng mẹ", chị Mai hạnh phúc bày tỏ.
Được biết, ngoài chương trình "7 ngày sáng tạo cùng con", chị Mai còn thường xuyên tạo ra những thử thách khác cho bé Hải Yến và cả bản thân mình như: "21 ngày đọc sách liên tục", "14 ngày chơi vui vẻ cùng con mà không quát mắng",... Thông qua các thử thách, các mẹ và con đều tạo dựng được những thói quen tốt và duy trì đến tận bây giờ.
Linh động phương án xét tuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh Tuyển sinh năm 2020 có gì mới? Thí sinh dự tuyển vào Trường Cao đẳng Cần Thơ cần lưu ý gì để chọn ngành nghề phù hợp, khả năng trúng tuyển cao? Xoay quanh vấn đề này, Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ (CĐCT), cho biết: - Năm 2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường...