Điểm danh 10 mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất thế giới hiện nay
Cùng với sự phát triển của Internet, các nền tảng mạng xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành một phần không thể thiếu của nhiều người.
Các nền tảng mạng xã hội giúp cho việc kết nối giữa người dùng Internet trở nên dễ dàng hơn, giúp người dùng có thể tìm kiếm những người có cùng sở thích, mối quan tâm và giúp cho những người bạn cũ có thể tìm và liên lạc với nhau sau nhiều năm xa cách.
Dưới đây là top 10 mạng xã hội phổ biến nhất thế giới hiện nay, dựa vào số lượng người dùng tích cực.
1. Facebook: 2,7 tỷ người dùng tích cực – Được thành lập vào năm 2004 bởi CEO đương nhiệm Mark Zuckerberg, nhưng phải đến 2006, mạng xã hội này mới được mở cửa công khai cho người dùng toàn cầu. Từ đó đến nay, Facebook đã có bước phát triển vượt bậc để trở thành mạng xã hội lớn nhất thế giới. Nếu là một quốc gia, Facebook sẽ là quốc gia có dân số đông nhất thế giới.
2. Youtube: hơn 2 tỷ người dùng tích cực - Video đầu tiên được đăng tải lên Youtube vào ngày 25/4/2005 bởi Jawed Karim, một trong 3 nhà đồng sáng lập của Youtube. Từ đó đến nay, Youtube đã vươn lên trở thành trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới và là mạng xã hội lớn thứ 2 thế giới về số người dùng tích cực. Trung bình mỗi ngày, người dùng trên toàn cầu đã xem hàng tỷ giờ video trên Youtube.
3. Instagram: 1,16 tỷ người dùng tích cực – Ban đầu chỉ là một ứng dụng xử lý và tạo bộ lọc màu sắc cho hình ảnh, Instagram sau đó đã phát triển thành một ứng dụng chia sẻ ảnh và video. Instagram có bước tiến nhanh chóng về lượng người dùng sau khi Facebook chi ra 1 tỷ USD để mua lại ứng dụng này vào năm 2014.
4. TikTok: 850 triệu người dùng tích cực – Là một trong những mạng xã hội “sinh sau đẻ muộn” khi mới được ra đời vào năm 2016, TikTok đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới. Ưu điểm của TikTok là các hiệu ứng video vui nhộn và lượng người dùng trẻ tuổi, giúp tạo ra các xu hướng trên toàn cầu để thu hút thêm càng nhiều người dùng.
Video đang HOT
5. Qzone: 653 triệu người dùng tích cực – Đây là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất tại Trung Quốc, được tạo ra bởi hãng phần Tencent vào năm 2005. Cũng như Facebook, Qzone cho phép người dùng viết blog, chia sẻ hình ảnh, video…
6. Weibo: 523 triệu người dùng tích cực – Weibo là một mạng xã hội dạng “tiểu blog”, cho phép người dùng tạo ra những bài viết ngắn để chia sẻ cảm nghĩ, bình luận của mình về một vấn đề nào đó. Ngoài ra, người dùng cũng có thể chia sẻ hình ảnh/video, livestream, mua bán sản phẩm, tạo bình chọn, chơi game… trên mạng xã hội này. Đây là một trong những trang web và ứng dụng di động được sử dụng phổ biến nhất tại Trung Quốc.
7. Pinterest: 416 triệu người dùng tích cực – Pinterest là nền tảng mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ và tìm kiếm các nội dung đa phương tiện (thường là hình ảnh). Người dùng có thể tạo ra những bộ sưu tập nội dung theo từng chủ đề và sở thích trên Pinterest. Được chính thức hoạt động vào năm 2010, Pinterest là trang web đạt cột mốc 10 triệu người dùng nhanh nhất trong lịch sử, chỉ sau 2 năm.
8. Snapchat: 398 triệu người dùng tích cực – Snapchat là ứng dụng cho phép người dùng chia sẻ hình ảnh và video cho bạn bè, nhưng các nội dung này sẽ tự động biến mất sau một khoảng thời gian được gửi đi. Snapchat cũng cho phép người dùng thêm các bộ lọc hoặc hiệu ứng thú vị vào hình ảnh hoặc video của mình. Cũng giống TikTok, đối tượng sử dụng chủ yếu của Snapchat là người dùng trẻ tuổi.
9. Twitter: 330 triệu người dùng tích cực – Đặc điểm của Twitter đó là chỉ giới hạn độ dài cho mỗi nội dung mà người dùng đăng tải ở mức 280 ký tự. Ngoài ra, người dùng cũng có thể chia sẻ hình ảnh, video… trung bình, mỗi ngày có hơn 500 triệu đoạn nội dung được chia sẻ trên Twitter.
10. Reddit: 330 triệu người dùng tích cực – Thường được ví như “trang đầu của Internet”, Reddit là một cộng đồng trực tuyến, cho phép người dùng tạo ra các chủ đề để cùng thảo luận với những người dùng có cùng mối quan tâm và sở thích. Các bài đăng trên Reddit được chia ra thành từng chủ đề riêng biệt và người dùng có thể bình chọn để sắp xếp thứ hạng hiển thị của các chủ đề trên trang web của Reddit.
Facebook trong vòng xoáy pháp lý
Gần đây, Facebook phải xoay xở giải quyết những rắc rối liên quan đến pháp luật, từ vụ kiện vì ưu ái lao động người nước ngoài đến việc vi phạm luật chống độc quyền.
Facebook đã thâu tóm WhatsApp và Instagram, rồi không ngừng lớn mạnh
Hàng chục bang khởi kiện
Mới đây, Reuters đưa tin Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cùng các tổng chưởng lý của 48 tiểu bang và vùng lãnh thổ đệ đơn kiện Facebook vì các hành vi lạm quyền và chống cạnh tranh trong giới công nghệ. Bộ đôi đơn kiện đến từ FTC và các bang được xem là một trong những thách thức lớn nhất từ trước tới giờ của gã khổng lồ công nghệ, với khả năng khiến "đế chế Facebook" có thể sụp đổ.
Từ tháng 6.2019, Chủ tịch của Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) Joseph Simons và một người được ông Trump bổ nhiệm đã mở cuộc điều tra sâu rộng về Facebook. Cơ quan này đã thu thập hàng nghìn tài liệu nội bộ từ các nhà lãnh đạo của tập đoàn này, đồng thời lấy lời khai về sự thống trị của Facebook trong lĩnh vực mạng xã hội và phương thức kinh doanh của nó từ người của các công ty đối thủ, chẳng hạn như Snap, công ty sở hữu ứng dụng Snapchat.
Cho đến thời điểm hiện tại, Facebook vẫn cương quyết phủ nhận các vi phạm luật chống độc quyền bằng cách nêu ra sự cạnh tranh giữa các mạng xã hội trực tuyến. Trong đó, một trong những bằng chứng mà Facebook đưa ra nhằm chứng minh việc không độc chiếm thị trường là sự lớn mạnh nhanh chóng của ứng dụng video TikTok do một công ty Trung Quốc sở hữu.
Thâu tóm và lớn mạnh
Tuy nhiên, với khoảng 3 tỉ người dùng trên toàn bộ các ứng dụng của mình và giá trị thị trường là 792 tỉ USD, Facebook có quy mô vô song trong số các ứng dụng mạng xã hội.
Một trong những lý do giúp Facebook lớn mạnh là thâu tóm các đối thủ nhỏ hơn. Điển hình, Facebook đã mua ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram với giá 1 tỉ USD vào năm 2012. Đến năm 2014, Facebook mua WhatsApp, ứng dụng nhắn tin, với giá 19 tỉ USD. Cả hai vụ thâu tóm đều được chấp thuận bởi FTC.
Tuy nhiên, các cuộc điều tra của FTC và 2 đơn kiện gần đây đều chủ yếu tập trung vào hai vụ sáp nhập này. FTC nhận định các thỏa thuận sáp nhập giúp Facebook loại bỏ sự cạnh tranh khỏi thị trường cũng như củng cố phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng của mình.
Về việc tăng quyền lực bằng cách thâu tóm các đối thủ cạnh tranh của Facebook, bà Amy Klobuchar, thượng nghị sĩ tiểu bang Minnesota, dẫn ra các email mà nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã gửi trước khi mua Instagram. Trong các email đó, tỉ phú Zuckerberg xem Instagram là một đối thủ cạnh tranh.
Phủ nhận cáo buộc trên, nhà sáng lập và điều hành Facebook đáp trả: "Vào thời điểm đó, tôi không nghĩ rằng chúng tôi hoặc bất kỳ ai khác xem Instagram là đối thủ cạnh tranh... Trên thực tế, vào thời điểm đó, mọi người chế giễu việc mua lại của chúng tôi vì họ nghĩ rằng chúng tôi đã chi quá lố cho một ứng dụng mà chủ yếu chỉ để chia sẻ ảnh".
Theo Reuters, Zuckerberg cũng đã từng lập luận trong lời khai trước quốc hội Mỹ rằng công ty có một loạt đối thủ cạnh tranh, bao gồm cả những gã khổng lồ công nghệ khác. Các thương vụ mua lại gây tranh cãi như vụ Instagram và WhatsApp chính là giúp các nền tảng này từ những công ty nhỏ bé, bình thường trở thành các công ty lớn mạnh hơn.
Bị kiện vì chuộng lao động nước ngoài
Đầu tháng 12 này, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) chính thức cáo buộc Facebook phân biệt đối xử với người lao động nội địa khi dành nhiều ưu đãi hơn cho những người lao động tạm thời, bao gồm cả những người có thị thực H-1B.
Theo DOJ, Facebook đã từ chối xem xét tuyển dụng những lao động đủ tiêu chuẩn là người Mỹ đối với hơn 2.600 công việc, có những công việc được trả mức lương trung bình là 156.000 USD/năm. Thay vào đó, tập đoàn này đã thuê những người lao động có thị thực tạm thời và cũng đứng ra bảo trợ để họ có thẻ xanh hoặc thẻ thường trú.
Daniel Roberts, người phát ngôn của Facebook, cho biết: "Facebook đã hợp tác với DOJ để xem xét vấn đề này và trong quá trình tranh luận về các cáo buộc trong đơn khiếu nại, chúng tôi không thể bình luận thêm về vụ kiện đang chờ xử lý".
Theo một báo cáo do Viện Chính sách kinh tế (EPI) của Mỹ công bố vào tháng 5, danh sách 30 nhà tuyển dụng sử dụng lao động có thị thực H-1B bao gồm cả các công ty lớn của Mỹ như Amazon, Microsoft, Walmart, Alphabet (sở hữu Google), Apple và Facebook. Báo cáo của EPI cũng cho biết hầu hết các công ty trên lợi dụng những quy định của thị thực H-1B để trả lương dưới mức lương trung bình của địa phương một cách hợp pháp cho những người lao động họ thuê được.
Nhiều đại gia công nghệ ủng hộ Facebook kiện NSO
Chuyên trang ZDNet hôm qua đưa tin Microsoft, Google, Cisco và VMW đã đồng loạt ký đơn tham gia amicus brief, chính thức ủng hộ Facebook kiện NSO, một công ty Israel chế tạo và bán công cụ tấn công tin tặc cho các chính phủ nước ngoài. Trong đó, amicus brief là thuật ngữ chỉ các bên tự nguyện gửi báo cáo kỹ thuật hoặc pháp lý liên quan đến vấn đề mà tòa án đang thụ lý.
Trước đó, amicus brief đã có những cái tên GitHub, LinkedIn, và Hiệp hội Internet đại diện cho nhiều hãng công nghệ khác như Amazon, Twitter, Reddit, Discord, PayPal, eBay, Uber... Tháng 10.2019, Facebook nộp đơn kiện tố cáo NSO đã phát hiện và khai thác điểm yếu của ứng dụng WhatsApp trên điện thoại và sau đó hãng này bán cho các nhà thầu của nhiều chính phủ. Kết quả điều tra phát hiện thông qua nhược điểm trên, tin tặc cài mã độc vào điện thoại của hơn 1.400 người dùng WhatsApp, bao gồm luật sư, nhà báo, chính khách...
"Quá lớn, quá nguy hiểm" - nhiều đại gia công nghệ bị siết chặt kiểm soát Từ Mỹ, châu Âu cho tới Trung Quốc... các hãng công nghệ lớn đang phải đối mặt với các biện pháp kiểm soát ngày càng siết chặt từ chính phủ các nước. Lí do đằng sau là gì? Châu Âu công bố dự luật siết chặt quản lý các nền tảng công nghệ Từ Mỹ, Trung Quốc cho tới những nền kinh tế...