Đi tìm đôi môi đẹp
Có được đôi môi khỏe đẹp như mong muốn, chị em phụ nữ cũng trở nên tự tin và quyến rũ hơn.
Vì sao môi bạn chưa đẹp như ý?
Làn môi là cơ quan tương đối đặc biệt, đó không phải là da, cũng không phải là niêm mạc của khoang miệng. Môi không được bảo vệ bởi phía dưới môi không có lớp mỡ như da. Da môi rất ít sắc tố melanin, không có tuyến nhờn nên mùa hè môi dễ có khả năng nhăn và bị tổn thương.
Khi môi có hiện tượng xấu
Lột da môi: Da đôi môi rất mỏng nên nhạy cảm, hơn nữa do không chịu được tác động của tia UV nên rất dễ xảy ra hiện tượng lột da môi.
Môi bị nứt: Đôi môi nứt nẻ hay xảy ra với những người thiếu nước và có thể trạng yếu. Các nhà khoa học cũng cho biết những vết nứt liên tục ở khóe môi là dấu hiệu báo rằng bạn đang thiếu vitamin B, đặc biệt là Acid fiolic (B9) và vitamin B2.
Môi tái nhợt và thâm: Môi thâm có thể do di truyền, do mỹ phẩm, thuốc lá hoặc do ánh sáng mặt trời làm gia tăng các hắc sắc tố.
Video đang HOT
Sắc môi thâm thường do tác động của môi trường hoặc mỹ phẩm.
7 thói quen cho đôi môi khỏe đẹp
1. Dưỡng ẩm để đôi môi luôn mịn màng. Bạn đừng nghĩ rằng mùa đông mới cần thiết phải giữ ẩm cho đôi môi nhé. Ngay cả trong mùa hè nóng nức, môi cũng rất cần kem dưỡng ẩm để chấm dứt tình trạng môi khô nẻ. Nên chọn kem dưỡng ẩm hoặc son dưỡng môi với các thành phần tinh dầu tự nhiên như lô hội, mật ong, dầu hạnh nhân, sáp ong, vaseline…
2. Tạm biệt thói quen liếm môi. Liếm môi chính là thủ phạm khiến đôi môi của bạn nứt nẻ nhiều hơn. Liếm môi có thể làm bạn cảm thấy dễ chịu trong chốc lát nhưng thói quen này sẽ làm mất độ ẩm của môi và khiến môi khô nẻ.
3. Điều chỉnh chế độ ăn uống. Đôi môi nứt có thể làm một dấu hiệu cho thấy chế độ ăn uống của bạn ít vitamin B. Những nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin B nhất là các sản phẩm từ thịt, nấm men, măng tây, bông cải xanh, rau bina, chuối, khoai tây, sữa, trứng, phô-mai, các loại hạt, đậu, cá…
4. Nước uống rất quan trọng. Uống nước không đơn giản là công việc của những tháng hè oi ả. Mọi người đều cảm thấy không có cảm giác muốn uống nước trong mùa đông nhưng uống nước sẽ tốt hơn cho cơ thể của bạn, làm cho làn da và môi của bạn đẹp hơn.
5. Bảo vệ môi dưới ánh nắng mặt trời. Hãy nhớ rằng đôi môi không chứa melanin và rất dễ bị khô dưới ánh nắng mặt trời, mặt trời vẫn còn đó trong mùa đông, ngay cả trong một ngày nhiều mây, môi của bạn vẫn dễ bị khô.
6. Chăm chỉ massage môi. Để có đôi môi đẹp mịn màng, mềm mại và không bị khô nẻ, bạn nên chăm chỉ massage môi 2 lần mỗi ngày với Vaseline hoặc các loại kem dưỡng môi có chứa vitamin A, D.
7. Tẩy tế bào chết cho môi. Bạn có thể dùng bàn chải đánh răng và nhẹ nhàng chải môi khoảng vài giây. Nếu không có bàn chải chuyên dụng bạn có thể dùng khăn rửa mặt, thấm ướt khăn mặt rồi nhẹ nhàng chà lên môi như là cách bạn chà bằng bàn chải, dùng nước ấm sẽ mang lại kết quả tốt hơn.
Tẩy tế bào chết trước khi thoa son giúp màu môi mịn hơn.
Chăm sóc môi theo độ tuổi
Tuổi 20. Vào tuổi này, bạn vẫn còn trẻ, môi của bạn lúc này vẫn còn rõ nét đẹp tự nhiên, thậm chí chỉ cần một cây son bóng là đủ.
Tuổi 30. Khi bạn gần 30 thì bắt đầu thấy xuất hiện những đường nếp trên gương mặt bao gồm cả đôi môi. Đó là dấu hiệu đầu tiên của tuổi tác, bạn nên bắt đầu quan tâm và thoa kem dưỡng cho môi thường xuyên hơn.
Tuổi 40. Hãy dùng son môi có chứa kem dưỡng nhiều hơn và màu sắc đậm nhạt tự nhiên, nhưng đừng tô son màu quá đậm.
Để dùng son mà vẫn không hại môi
Lựa chọn mỹ phẩm tốt để bảo vệ môi.
Điều đầu tiên cần ghi nhớ, không bao giờ mua son không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thế nhưng, ngay cả một số hãng mỹ phẩm có tiếng vẫn có những loại son có hàm lượng chì cao. Do vậy, khi mua son cần thử hàm lượng chì trong son. Xoa một chút son lên mu bàn tay, rồi dùng nhẫn vàng tây di đi, di lại nhiều lần. Nếu màu son không bị đổi màu, son không có chì. Nếu chỉ hơi chuyển màu sẫm thì hàm lượng chì ít, có thể chấp nhận được.
Cần chú ý đến hạn sử dụng.
Dùng son dưỡng môi có nhiều tinh chất thảo dược cả ngày lẫn đêm, son có độ bóng có thể giúp môi bạn chống nắng và mềm mại. Trang điểm cho buổi sáng nên chọn son có độ chống nắng SPF15 trở lên.
Không nên dùng chung son môi để tránh bị dị ứng và lây nhiễm bệnh.
Luôn mang theo thỏi son dưỡng nhỏ và bôi bất cứ lúc nào bạn nhớ, thói quen này cũng giúp bạn bỏ thói quen liếm môi.
Theo Bưu Điện Việt Nam