‘ĐH Quốc gia phải đi đầu khẳng định môi trường trong lành’
Đây là ý kiến của PTT Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của ĐHQG TP.HCM.
Báo cáo với PTT, lãnh đạo ĐHQG TP.HCM cho biết, tính đến tháng 8/2014 nhà trường có 330 CBVC, 100% giảng viên trình độ sau đại học, 60% giảng viên trình độ tiến sĩ. Bốn khoa có chương trình đào tạo được đánh giá đạt chuẩn AUN-QA (tiêu chuẩn kiểm định chất lượng mạng lưới trường đại học Đông Nam Á).
Các cán bộ chủ chốt của ĐHQG TP.HCM.
Với mức học phí 36 triệu/năm, tiền lương tháng khởi điểm trả giảng viên bậc tiến sĩ là 22 triệu/tháng; thạc sĩ 18 triệu/tháng.
Lương trung bình của chuyên viên và cán bộ quản lý tăng 7,72 triệu/tháng (2008) lên 16,01 triệu/tháng (2014); lương trung bình giáo viên tăng từ 9,31 triệu/tháng (2008) lên 28,96 triệu/tháng (2014).
Video đang HOT
Trước những thế mạnh về đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học, PGS.TS Phan Thanh Bình kiến nghị chính phủ cần ủng hộ và tạo điều kiện để ĐHQG TP.HCM hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước năm 2017. Đồng thời, cho phép ĐHQG TP.HCM xây dựng cơ chế tài chính với các nội dung: cơ chế khoán trong nghiên cứu khoa học và tự chủ trong hợp tác quốc tế; cơ chế tự chủ chi phù hợp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Ghi nhận những thành tựu của nhà trường, PTT Vũ Đức Đam cho rằng:
Giáo dục khó hơn các ngành khác ở chỗ khi đã hội nhập, một phần của thế giới thì phải theo thế giới. Thế giới làm gì giáo dục phải làm, nếu không làm là tụt hậu. Các quan điểm về giáo dục phải đồng ý với nhau trên quan điểm lớn nhất.
Việc đổi mới đã được nói rất nhiều lần, nếu bây giờ làm đổi mới căn bản, toàn diện không cẩn thận mười lăm năm sau lại tiếp tục phải đổi mới căn bản và toàn diện.
Về thi cử PTT nhấn mạnh: Thi cử phải đơn giản nhưng thiết thực. Mục đích cuối cùng là đầu ra. Đầu ra của ĐH, CĐ và dạy nghề hiện là vấn đề lớn. Với hơn 400 trường ĐH,CĐ đào tạo hàng chục ngàn sinh viên, phải làm sao để sinh viên ra trường được xã hội chấp nhận. Giáo dục ĐH không được coi là khâu đột phá, khâu trọng điểm nhưng phải làm để đầu ra đúng theo tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.
Vì vậy các ĐH phải đặt trong thực tế hiện nay như vậy cần làm gì. Phải sống với thực tiễn, làm việc được trong giới hạn không gian, hoàn cảnh chính trị, kinh tế đất nước như hiện nay.
Về hai kiến nghị của ĐH quốc gia, PTT cho rằng, về tài chính cần phải thuyết phục, không riêng dự án của ĐHQG mà các dự án đào tạo, nghiên cứu khác cũng vậy, trong bối cảnh đất nước khó khăn.
Về việc tự chủ, chủ trương của chính phủ hoàn toàn ủng hộ cơ chế tự chủ. Trường nào có đủ điều kiện làm tờ trình chính phủ xem xét, không nhất quyết chỉ 4 trường đã thí điểm được tự chủ.
PGS.TS Phan Thanh Bình, giám đốc ĐHQG TP.HCM.
Nhưng việc tự chủ ĐH hiện nay nhìn xuống, nhìn ngang đều tốt, nhưng nhìn lên chưa tốt. Các trường xin tự chủ, đưa ra những phương án khắc phục đối với con nhà nghèo nhưng nếu cả đầu tư cũng sẵn sàng tự chủ không?
ĐHQG phải là đơn vị tiên phong, ra những cơ chế chính sách để cho các ĐH nói chung và nhân thành chính sách.
Về việc nghiên cứu khoa học, Phó thủ tướng cho rằng ĐHQG có nhiều mô hình, sản phẩm tốt nhưng chưa ăn thua so với tầm cỡ các trường ĐH lớn ở các nước phát triển. Quy mô nghiên cứu còn ban đầu.
Phải tìm các sản phẩm trọng điểm (khoán khoa học) đổi mới. Về việc này chính phủ rất quyết liệt và có nhiều quyết định nhưng ĐHQG phải đi đầu. Hai ĐHQG làm cái gì mới, nếu vướng nghị định, quy định nên đưa ra bàn, tìm hướng giải quyết.
Các nghiên cứu của mình đã mỏng lại rất manh mún, sứ mệnh của ĐHQG không chỉ hoàn thiện điểm yếu mà phải trở thành đầu mối kết tụ được những thứ còn manh mún của các trường ĐH, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp.
Hiện nay môi trường xã hội có nhiều bất cập, tiêu cực. Phải đặt câu hỏi những tiêu cực, bất cập ngoài xã hội có trong trường đại học không? Không thể đòi một xã hội trong sạch khi trong cơ quan mình không trong sạch.
ĐHQG phải đi đầu để khẳng định môi trường ĐHQG trong lành không tiêu cực, bất cập. Sinh viên ĐHQG ra trường ngoài kiến thức còn là những người mẫu mực đem tinh thần này ra ngoài xã hội.
Theo Lê Huyền/Báo Vietnamnet