ĐH Công nghệ TP.HCM báo điểm cho phụ huynh, sinh viên bị mắng oan
Ngày 1/10, ĐH Công nghệ TP.HCM gửi tin nhắn kết quả học tập của sinh viên đến phụ huynh. Một số sinh viên cho biết họ đã nhận được tin nhắn, cuộc gọi chất vấn từ cha mẹ.
Kết quả học kỳ II năm học 2018-2019 của sinh viên được xếp theo thang 4 điểm khiến nhiều phụ huynh nhầm tưởng con mình học kém.
Nhiều sinh viên ĐH Công nghệ TP.HCM chia sẻ trên diễn đàn rằng họ bị người thân chất vấn, mắng oan. Các bạn phải giải thích cho phụ huynh hiểu sự khác nhau giữa thang điểm 10 và 4.
Tin nhắn báo điểm trường gửi đến phụ huynh là nguyên nhân khiến nhiều gia đình “dậy sóng”. Ảnh: Cộng đồng sinh viên Hutech.
“Nhiều bạn của mình bị phụ huynh mắng. Cha mẹ còn dọa cắt trợ cấp hàng tháng, học không nổi thì về quê làm công nhân hay đi nghĩa vụ”, Thanh Hải, sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh của trường, cho biết.
Thanh Sang, sinh viên năm thứ ba, ĐH Công nghệ TP.HCM, thông tin ngay trong sáng 1/10, bạn nhận được nhiều cuộc gọi từ cha mẹ vì tin nhắn báo điểm trường gửi cho phụ huynh.
“Cha mẹ mình to tiếng hỏi sao điểm thấp vậy. Mình phải giải thích một lúc, gửi cả thông tin từ nhà trường, bảng quy đổi điểm, phụ huynh mới tin”, Sang chia sẻ.
Trong khi đó, một sinh viên khác là Ngọc Minh cho hay cha mẹ ở quê bị sốc khi đọc tin nhắn. Họ tức giận, bảo nếu không học được thì nghỉ, về quê kiếm việc làm.
Video đang HOT
Nhận được tin báo điểm, phụ huynh cứ ngỡ con mình học hành thất bát. Ảnh: Cộng đồng sinh viên Hutech.
Thạc sĩ Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – Truyền thông, ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết theo quy định của Bộ GD&ĐT, để tính điểm trung bình chung học kỳ và điểm trung bình chung tích lũy, mức điểm của mỗi học phần đều được quy về thang điểm 4. ĐH Công nghệ TP.HCM chính thức áp dụng thang điểm 4 từ năm 2008 đến nay.
Trước đó, ĐH Công nghệ TP.HCM thông báo kết quả học tập của sinh cho gia đình bằng thư hoặc ứng dụng riêng của trường. Từ năm nay, nhà trường triển khai thêm hình thức gửi tin nhắn SMS cho phụ huynh về kết quả học tập mỗi học kỳ của sinh viên.
“Có thể do nhận được tin nhắn khá bất ngờ, phụ huynh chưa kịp tìm hiểu kỹ nên tưởng kết quả học tập của con em mình sa sút”, ông Nam nói.
Theo thang điểm 4, kết quả học tập được xếp loại như sau: Loại xuất sắc có điểm trung bình chung tích lũy từ 3,6 đến 4; loại giỏi phải có điểm trung bình chung tích lũy từ 3,2 đến 3,59; loại khá từ 2,5 đến 3,19; loại trung bình từ 2 đến 2,49; dưới 2 là điểm không an toàn.
Theo Zing
Hành trang cho tân sinh viên - thái độ hay trình độ?
Mỗi năm có vài trăm sinh viên bị buộc thôi học hoặc cảnh báo học vụ do kết quả học tập quá kém. Trong đó, không ít sinh viên có điểm đầu vào khá cao nhưng vẫn bị buộc thôi học.
Tham gia hoạt động vì cộng đồng. Ảnh: Thiên Thanh
Đối với phương thức đào tạo học chế tín chỉ, thái độ học tập của SV có ý nghĩa quyết định đến chất lượng trong điều kiện thời gian trên lớp giảm gần 1/2 khi lượng kiến thức không hề giảm. SV vì vậy, cần phải học kỹ năng quản lý thời gian, tự chủ kế hoạch học tập.
"Mất đà" ngay từ năm thứ nhất
Trong danh sách thông báo kết quả dự kiến xét kỷ luật cuối học vụ năm học 2018 - 2019 của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), chỉ tính riêng khóa tuyển sinh năm 2018 có 28 SV vừa hoàn thành năm học thứ nhất dự kiến sẽ bị buộc thôi học và 251 SV bị cảnh báo kết quả học tập học kỳ II năm học 2018 - 2019. Khi còn đào tạo bậc CĐ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) mỗi năm tiếp nhận khoảng 10 SV từ Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) xin chuyển bậc đào tạo, từ bậc ĐH xuống bậc CĐ. SV năm thứ nhất chiếm khoảng 60% số SV bị đình chỉ học tập, cảnh cáo học vụ... của mỗi trường.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng SV bỏ bê việc học như mê chơi, đi làm thêm quá nhiều, trúng tuyển vào ngành học không yêu thích... Sự thụ động trong học tập của SV đang là vấn đề bức xúc vì những biểu hiện của nó ai cũng có thể nhìn thấy một cách dễ dàng: SV thiếu đầu tư, quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch học tập hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện cá nhân; không chú trọng sắp xếp như thế nào, phải làm gì để đạt kết quả tối ưu trong học tập.
SV thiếu quan tâm, không nắm vững chương trình học toàn khóa, chương trình học của từng năm, từng học kỳ. Ít chú trọng đến mục đích của từng học phần mà chỉ quan tâm đến nội dung trong học phần đó nhằm mục đích đối phó trong thi cử. Việc tự học, tự nghiên cứu trong SV còn quá thiếu và yếu; chuẩn bị bài ở nhà chưa được SV xem trọng, nếu có chuẩn bị thì còn quá sơ sài, nhằm đối phó với GV là chính, không đọc tài liệu, tìm hiểu về bài học trước khi đến lớp nghe giảng cho dù đã có chương trình học, giáo trình, tài liệu.
Phần đông SV thiếu sự tập trung khi học tập, không chủ động tiếp thu kiến thức, hoàn toàn dựa vào sự chỉ bảo, hướng dẫn của GV, rất ít khi thắc mắc về nội dung học tập hay phát biểu ý kiến trong lớp; SV chỉ học và thực hiện những gì do GV yêu cầu... Một GV Trường CĐ Thương mại (Đà Nẵng) nói: "Mỗi khi GV có câu hỏi và yêu cầu SV thảo luận tìm câu trả lời thì không khí lớp học trở nên căng thẳng. Lớp học đông, GV cứ đứng trên bục giảng mà kêu gọi sự tự nguyện đóng góp ý kiến của SV, ở dưới, SV cứ cúi mặt xuống bàn".
Tuy nhiên, cũng có nhiều SV tại các trường ĐH, CĐ có ý kiến rằng, chương trình học ở năm thứ nhất, thứ hai phần lớn là các môn học đại cương và cơ bản. Phương pháp giảng dạy thiên về lý thuyết, khô khan và không hấp dẫn.
TS Nguyễn Thanh Hội - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cho rằng: Có những SV nhập học, vào học khoảng một học kỳ mới nhận ra rằng ngành nghề mình chọn không phù hợp với năng lực bản thân. "Vẫn còn tình trạng SV chọn nghề theo phong trào, không nhiều SV biết mình cần học gì, có gì và muốn gì.
Hết một học kỳ, các em mới biết mình chọn nhầm nghề, và bắt đầu xuất hiện tình trạng chểnh mảng học hành để... ôn tập và thi lại cho kỳ tuyển sinh năm tới. Mỗi năm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật có khoảng 50 - 60 SV năm thứ nhất bị cảnh báo học vụ. Số SV này chủ yếu là rơi vào tình trạng bỏ học, bỏ thi, không đăng ký học phần mới hoặc không có phương pháp học tập thích hợp", TS Nguyễn Thanh Hội trao đổi.
Chủ động và tự chịu trách nhiệm
Rèn luyện sức khỏe, kỹ năng qua hoạt động tập thể. Ảnh: Thiên Thanh
PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) trong buổi đối thoại với SV năm thứ nhất chương trình tiên tiến và chương trình chất lượng cao của nhà trường đã nhấn mạnh: "Đối với phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, khác với ở phổ thông, mỗi SV sẽ có một thời khóa biểu do chính mình tự xây dựng nên, vì vậy, phải nhớ được thời khóa biểu đến giảng đường của mình. Và tuyệt đối không đi học... theo thằng bạn, vì có những môn học, các em không trùng thời khóa biểu, không có chung phòng học với nhau, coi như những buổi học đó, các em thiếu điểm chuyên cần, thiếu cả kiến thức...".
"Một SV thành công phải có 3 thứ: Chuyên môn - kỹ năng - thái độ. Thường SV hay bỏ quên hai yếu tố sau, thậm chí ngay cả yếu tố chuyên môn nhiều khi cũng thiếu nốt. Nếu vậy, bạn tốt nghiệp sẽ chỉ mới đạt chưa tới 33% so với yêu cầu của xã hội."
TS Hoàng Nguyễn Khắc Hiếu
Một CBQLGD ở bậc ĐH nhìn nhận vấn đề, phải xem thi cử là một khâu tất yếu của quá trình học chứ không phải là mục đích cuối cùng của việc học thì người học mới có hứng thú và động cơ học tập đúng, người dạy nhờ đó cũng có được sự hứng thú, tự tin trong giảng dạy. "Cái đích cuối cùng của việc dạy - học, không chỉ ở chỗ HS học được cái gì, mà quan trọng hơn cả là các em có được những kỹ năng gì, làm được gì sau việc học đó. Và để làm được điều này, HS nhất thiết phải được trang bị phương pháp học và rèn khả năng tự học" - PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết.
Với các trường ĐH, đuổi học hoặc đình chỉ học tập đối với SV là việc đặng chẳng đừng. "Có rất nhiều phụ huynh khi biết con bị đuổi học đến trường năn nỉ nhà trường tạo điều kiện cho con thi lại, học lại vào năm sau. Nhưng những trường hợp này, nhà trường đã tạo điều kiện thi lại để cải thiện điểm rồi và đều rơi vào tình trạng bỏ học, bỏ thi, không đăng ký học phần mới hoặc không có phương pháp học tập thích hợp. Nhìn phụ huynh lam lũ, chân mang dép nhựa mòn vẹt đến trường xin cho con học, rồi thảng thốt sao điểm thi đại học của con cao thế mà giờ ra cơ sự thế này, thực tình chúng tôi rất giận các em SV đã không chú tâm học hành, làm khổ cha mẹ" - một vị hiệu trưởng tâm sự.
Ngay trong tuần lễ sinh hoạt công dân đầu khoá cho tân SV, hầu như trường ĐH, CĐ nào áp dụng hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ cũng đều hướng dẫn cho SV những đặc trưng và quy chế đào tạo cùng với phương pháp học tập ở bậc ĐH, CĐ. Như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), bên cạnh các học phần kỹ năng mềm như giáo dục môi trường; kỹ năng giao tiếp... còn đưa nội dung về phương pháp học tập và NCKH thành môn học tự chọn để SV đăng ký theo học.
Phòng Đào tạo của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã đăng tải trên website của nhà trường về giải đáp 100 thắc mắc của SV để giải thích những nội dung mà SV thường hỏi. Nếu tân SV nào đọc và ghi nhớ những hướng dẫn xử lý các tình huống tránh được rất nhiều những sai sót đáng tiếc. Trong hệ thống 100 thắc mắc mà SV hay hỏi được phòng Đào tạo đăng tải, có nội dung mà SV cần lưu ý: "SV cần phải xem thông tin chính thống ở các tài liệu do trường phát hành, tại website của trường. Thông tin ở website có tính cập nhật hơn. Nếu sử dụng thông tin truyền miệng, có thể sẽ phải chịu những hậu quả đáng tiếc do không chính xác".
Trong một clip ngắn về kỹ năng thích nghi với môi trường ĐH, TS tâm lý Hoàng Nguyễn Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TPHCM) khuyên các tân SV: "Cần phải học kỹ năng quản lý thời gian, tự chủ kế hoạch học tập. Học hành như leo cầu thang, trong khi bạn bè nó leo rần rần còn mình ngồi ở nhà coi mây họa ánh trăng thì sau 4 năm chỉ có nước ngước đầu lên nhìn bọn nó mà lệ chảy giọt ngắn giọt dài thôi".
Cũng trong clip này, TS Hoàng Nguyễn Khắc Hiếu còn chỉ ra điểm khác biệt trong cách học và thi giữa phổ thông và đại học: "HS phổ thông chỉ cần học và thi y như nội dung học trên lớp là có thể được điểm cao nhưng với SV, học và thi y như trên lớp thì chỉ nhận được điểm trung bình. Học ĐH là tự tư duy và học bằng trải nghiệm thực tế".
Ánh Ngọc
Theo GDTĐ
Tăng học phí đại học - làm sao để sinh viên và phụ huynh đồng thuận Sau khi được tự chủ, nhiều trường đại học sẽ quyết định tăng học phí. Việc tăng học phí thế nào, lộ trình ra sao. Các trường đại học có thu vượt, thu sai quy định, thu các khoản thu ngoài quy định hay không? Sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Đây là những nội dung được đặt ra tại...