Đến Tú Lệ một lần trong năm, để ngắm ruộng bậc thang và xem người dân làm cốm
Tháng 9 hàng năm, khi sắc vàng của thu phủ lên những bông lúa còn ngậm sữa, khi những thửa ruộng bậc thang bước vào mùa lúa chín, cũng là lúc người dân Tú Lệ (huyện Văn Chấn, Yên Bái) lại nô nức chuẩn bị cho mùa cốm duy nhất trong năm.
Nhắc đến Yên Bái, đa phần mọi người sẽ nghĩ ngay đến những trải nghiệm như chiêm ngưỡng mùa vàng Mù Cang Chải, đến thăm ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha; hay lễ hội dù lượn đầy thú vị tại đèo Khau Phạ. Thế nhưng, còn có một trải nghiệm đặc biệt khác mà chưa nhiều người biết khi đến với nơi này vào mùa lúa chín, đó chính là ghé thăm xã Tú Lệ – hít hà hương lúa mới và thưởng thức những hạt cốm dẻo thơm chỉ có khi thu về.
“Cả năm, người dân Tú Lệ chỉ chờ đến mùa thu để làm cốm”
Xã Tú Lệ cách thị trấn Mù Cang Chải khoảng 60km, dọc theo hướng về Nghĩa Lộ. Cứ khi nào bắt đầu ngửi thấy mùi cốm non thơm dịu dàng cùng tiếng chày đập đều đặn hai bên đường, là bạn đã đến được Tú Lệ rồi đó!
“Vì cốm được làm từ lúa non, nên trong năm chỉ có mùa thu – trong khoảng tháng 9, tháng 10 – là người dân Tú Lệ mới được làm cốm” – Chị Thao, người thôn Nà Lóng, vừa thoăn thoắt gói cốm cho chúng tôi, vừa kể chuyện người Tú Lệ làm cốm. Theo chị, đây cũng là thời điểm rộn ràng nhất của khắp các thôn bản, khi mà nhà nào cũng nô nức làm những mẻ cốm thơm ngon. Từ người già, thanh niên đến trẻ nhỏ, ai nấy đều háo hức cho một mùa cốm mới.
Người dân Tú Lệ chỉ chờ đến mùa thu để làm cốm
Cốm được bán với giá khá rẻ, chỉ 10 000 đồng/1 lạng. Chị Thao chia sẻ rằng giá trị kinh tế cốm đem lại không quá lớn, nhưng giá trị tinh thần cốm đem tới thì vô tận. Mỗi lần có khách du lịch ghé qua, không chỉ mua gạo nếp mà còn mua cốm mang về dưới xuôi làm quà, lòng chị lại thấy vui, bởi “vậy là sẽ có thêm 1 người, hoặc 2 người, 3 người, ăn món cốm mà cả làng vất vả làm ra.
Và càng hạnh phúc hơn, nếu có ai đó quay lại đây vào năm sau, chỉ để thưởng thức những hạt cốm mới ra lò ngay giữa không gian bình yên này.” Chị kể về một anh khách du lịch người nước ngoài hiện đang sống ở tận Đà Nẵng, nhưng 3 năm nay năm nào anh cũng quay lại Tú Lệ. Chị kể anh nói bằng giọng tiếng Việt lơ lớ nhưng rất dễ thương, rằng “Cốm Tú Lệ phải ăn tại Tú Lệ, lúc người dân vừa làm xong, thế nó mới đã!”. Chỉ cần một người như anh thôi cũng khiến chị và người dân Tú Lệ vui lắm, bởi họ biết có người cũng yêu cốm và trân trọng cốm mình làm.
Với người dân Tú Lệ, cốm không chỉ là một món đặc sản, mà nhiều hơn thế, cốm đã trở thành một biểu tượng văn hóa. Lũ trẻ nơi đây lớn lên trong những cánh đồng lúa và trong hương cốm dịu thơm mát lành. Người già nơi đây coi cốm như một miền kí ức trong trẻo nhất mà họ muốn lưu giữ suốt cả cuộc đời. Người trẻ nơi đây trân trọng từng hạt cốm như một niềm tự hào của cả thôn.
Cốm ở đây, đặc biệt đến thế! Có lẽ cũng chính vì vậy, mà họ làm cốm với cả một tấm lòng, cực kì tỉ mỉ và công phu trong từng bước.
Video đang HOT
“Làm cốm không vội vàng được, phải cực kì cẩn thận, tỉ mỉ trong từng bước một.”
Chúng ta đều từng ăn cốm, thích cốm, hít hà mùi cốm mỗi khi thu về, nhưng không phải ai cũng biết rằng cốm là kết quả của một quá trình làm việc cẩn thận và tỉ mỉ đến thế.
Để làm ra những hạt cốm xanh mướt, dẻo dai , mỏng nhẹcó hương thơm dịu dàng. bà con dân tộc Thái nơi đây đã phải rất công phu.
Ngay từ sáng sớm, những người dân trong thôn bản đã ra đồng lựa chọn những bông lúa còn ngậm sữa thời kỳ đang uốn câu, dùng liềm nhanh tay hái để làm sao kịp về làm trọn một mẻ cốm trong ngày. Đặc biệt, lúa vừa hái xong phải làm cốm ngay, có thế hạt cốm mới được tươi nguyên và xanh mướt. “Không nên để lúa chờ mình, vì cốm sẽ mất ngon” – Chị Thao cười mà rằng.
Làm cốm phải thật tỉ mỉ
Làm cốm cũng cần phải chọn lọc cẩn thận. Lúa để làm cốm không được vò hay đập mà phải tuốt, sàng bỏ rơm và những hạt thóc lép, đem đãi qua nước rồi cho vào chảo rang.
Theo bà con ở đây, quy trình rang cốm là quan trọng nhất. Bếp lò để rang cốm thường phải đắp xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi. Chảo rang cốm thường bằng gang đúc, có như vậy từng hạt cốm khi rang xong sẽ không bị cháy mà mềm dẻo, thơm ngon. Cốm phải được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều, không giòn mà chóc chấu đạt đến mùi thơm nhất định.
Thóc rang xong, người làm cốm đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã. Một người đạp chầy, một người ở đầu cối đảo cốm bằng đũa cả to , hai tay đảo đều để cho những hạt cốm không bị nát. Khi chầy hạ xuống, những vỏ chấu sẽ tách ra khỏi những hạt cốm .Tùy theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng…. trung bình khoảng 10 lần giã là hoàn tất.
Từng mẻ cốm ra lò, những người phụ nữ tiếp tục dùng sàng để lựa chọn những hạt cốm đẹp nhất có màu xanh rồi dùng lá dong gói lại để giữ mùi thơm, đảm bảo cho những hạt cốm thật dẻo.Như vậy, đều đặn mỗi ngày của mùa thu, từ sáng sớm đến chiều muộn, người dân Tú Lệ lại làm xong một mẻ cốm mới.
Theo các nhà khoa học, dù cũng là giống nếp tan nhưng gạo nếp Tú Lệ thơm ngon là bởi khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm, biên độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau lớn nên năng lượng cây lúa tích trữ được rất cao. Cũng chính vì thế, mà cốm ở đây có hương vị thơm ngon và khác biệt hơn so với cốm những nơi khác.
Thưởng thức những hạt cốm mới ra lò ngay tại Tú Lệ – bạn chắc chắn sẽ có một trải nghiệm không thể nào quên cho mùa thu
Cốm vẫn luôn là một trong những thức quà thơm lành của lúa non mỗi dịp thu về. Thế nhưng, thưởng thức cốm như thế nào thì không phải ai cũng để ý. Với cốm, có lẽ nên nhẹ nhàng, chậm rãi, đặc biệt có thêm một chút sự thấu hiểu sẽ càng tuyệt vời hơn.
Cốm Tú Lệ được chắt lọc từ những tinh túy của đất, trời cùng với sự mộc mạc thô sơ của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Vì vậy cốm ở nơi đây là đặc sản có một không hai mà mỗi người xuôi ngược qua lại với vùng đất Tú Lệ này đều muốn dừng chân, trò chuyện với người dân, quan sát và tìm hiểu quy trình làm cốm, lựa chọn cho mình những gói cốm để thưởng thức và mua làm quà, với niềm vui háo hức được mang một chút hương vị mùa thu Tây Bắc về nhà.
Theo Tri thức trẻ
Thi nhau đi Sa Pa nhưng không phải ai cũng biết ở đây có món cuốn sủi vừa lạ vừa hợp với thời tiết
Sa Pa đang mùa lúa chín, người ta lại kéo nhau đi rồi! Ai đó có lên đây thì nhớ ăn món cuốn sủi này cho ấm lòng nhé!
Sa Pa bốn mùa đều có những nét thú vị riêng để người ta khám phá, trải nghiệm. Mùa xuân có hoa đào, hoa mận nở rộ bao quanh phố núi. Mùa hè với những cánh đồng xanh rì, cũng là mùa quả chín, nào đào, nào mận, nào lê... Rồi đến mùa thu sẽ có những cánh đồng lúa chín vàng, từng thửa ruộng bậc thang trải rộng giữa thung lũng. Hay mùa đông lại hấp dẫn khách du lịch bởi những đợt tuyết phủ trắng xoá, những đợt sương sớm bao phủ thị trấn mờ ảo...
Nhưng nói đến Sa Pa, ngoài cảnh đẹp thì cũng không thể không nhắc đến vô vàn đặc sản và món ăn ngon. Lần nào đi du lịch, người ta cũng nhất định phải tìm xem ăn món gì cho ngon, cho bõ công đi vài trăm, thậm chí hàng nghìn cây số đến đây.
Trong cái thời tiết mùa nào cũng có chút se lạnh vào sáng sớm và buổi tối, thậm chí mùa đông còn rét đến run người thì có một món ăn nóng hổi ở Sa Pa cực kỳ thích hợp với thời tiết. Ấy vậy mà ít ai biết đến để mà đi ăn mỗi khi có dịp ghé nơi đây. Đó là một món ăn có cái tên rất lạ: cuốn sủi, hay còn gọi là phở khan.
(Nguồn: Eat.guide, troanggg)
Những ai lần đầu mới ăn cuốn sủi, hẳn sẽ thấy rất ngạc nhiên về món ăn này. Nó là những sợi bánh phở mềm thật mềm như món phở ở Hà Nội, nhưng lại được chan bởi thứ nước sốt đặc sệt như bánh canh ở Huế, Sài Gòn...
Sợi phở trắng tinh đặt dưới đáy bát, to hơn so với phở mà chúng ta thường ăn. Phía trên là thịt lợn thái sợi, miếng trứng luộc cắt làm tư. Sau đó người ta chan ngập thứ nước sốt được nấu đặc sền sệt, đã nêm nếm rất nhiều gia vị, thơm đậm mùi hương của quế, của thảo quả, của núi rừng Tây Bắc. Món ăn nhờ đó vừa thơm mà còn tạo cảm giác ấm nóng khi ăn. Ở trên cùng bát cuốn sủi sẽ không thể thiếu chút mì củ dong rang giòn cùng với lạc rang, hạt tiêu...
Khi ăn, tuỳ sở thích từng người có thể cho thêm rau thơm (thường là rau bạc hà), vài lát ớt, tương ớt... Rồi cứ thế đảo đều lên. Nhưng điều đặc biệt, món này thường sẽ được ăn kèm với dưa cải muối thái nhỏ trộn chua ngọt.
Bát cuốn sủi nóng hổi, lại thêm hương thơm nồng, cái ấm nóng từ đủ thứ gia vị hoà quyện nhanh chóng ngấm vào từng giác quan. Món này thường được ăn vào buổi sáng, cực kỳ thích hợp với khí hậu se lạnh vào sáng sớm của mảnh đất vùng cao này.
Đến Sa Pa, dù không có quá nhiều quán nhưng bạn có thể dễ dàng tìm đến những hàng bán cuốn sủi qua sự chỉ dẫn của người dân địa phương. Thậm chí, bạn có thể nhờ chính lễ tân khách sạn gọi ship về tận nơi bởi món ăn này đã quá quen thuộc với người dân nơi đây rồi!
Sa Pa đang mùa lúa chín đấy, người ta lại kéo nhau đi rồi! Ai đó có lên đây thì nhớ ăn món cuốn sủi Sa Pa này cho ấm lòng nhé!
Theo ttvn.vn
Bật mí cách làm xôi cốm mùa thu dẻo thơm chỉ trong 5 phút Một mùa cốm mới về mang theo mùi hương và vị ngọt của đồng quê len lỏi đến từng góc phố, từng căn nhà nhỏ. Nếu đã quen thuộc với cách thưởng thức cốm theo lối cổ truyền, bạn hãy thử đổi vị với món xôi cốm dừa non dẻo thơm đón mùa thu về Xôi cốm là món ăn đặc trưng riêng...