Đến Huế chiêm ngưỡng bảo vật Cửu đỉnh độc nhất vô nhị
Cửu đỉnh triều Nguyễn là bảo vật quốc gia dạng độc bản, có một mà không có hai. Được khởi tạo dưới thời vua Minh Mạng, trải qua quãng thời gian 200 năm với bao biến thiên thời cuộc, Cửu đỉnh đến nay vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Cửu đỉnh (9 chiếc đỉnh đồng) được vua Minh Mạng cho khởi đúc vào cuối năm Ất Mùi, 1835, đến tháng Giêng năm Đinh Dậu, 1837, mới hoàn thành và tôn kính làm lễ đặt đỉnh trước sân chầu Thế Tổ miếu bên trong Hoàng thành Huế, sau lưng Hiển Lâm các. Các đỉnh đồng ở nguyên tại vị trí đó cho đến ngày nay.
Cửu đỉnh có tổng trọng lượng hơn 20.300 kg, được đặt tên theo thứ tự là Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền. Mỗi tên này của đỉnh được lấy từ miếu hiệu (tên để thờ cúng) của một vị vua nhà Nguyễn. Cửu đỉnh được dùng làm biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước và ước mơ triều đại mãi vững bền. (Trong ảnh là Cao đỉnh đặt chính giữa, tượng trưng cho sự vĩ đại).
Trải qua 200 năm, với dặm dài thời gian và đi qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, Cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu. Kể từ lúc dựng lập đến nay, chín chiếc đỉnh trở nên nổi tiếng về nhiều phương diện: lịch sử, tư tưởng, tín ngưỡng, địa lý, mỹ thuật, quân sự, nông nghiệp, kỹ thuật, giao thông, xã hội…
Video đang HOT
Trên mỗi thân đỉnh, ngoài hai chữ Hán lớn ghi rõ danh xưng, nhà vua còn cho tinh tuyển 17 hình tượng đại diện cho các tinh tú, tự nhiên, núi sông, linh vật, chim muông, gỗ quý, ngũ cốc, hương liệu, hoa màu, cây trái… từ dân gian đến chốn cung đình. Trên đỉnh còn khắc ghi thành tựu nổi bật như đào sông dẫn thủy, chế tạo quân khí, xây dựng thành quách, đóng thuyền lớn vươn ra biển cả.
Hình tượng “Đông hải” – Biển Đông của Việt Nam trên Cửu đỉnh.
Long – Hình tượng con rồng trên Cửu đỉnh.
“Nam hải” – vùng biển phía Nam của đất nước trên Cửu đỉnh
Ngự Bình sơn – Núi Ngự Bình của xứ Huế trên Cửu đỉnh.
Trên mỗi thân đỉnh được đúc tạo và khắc nổi những họa tiết hoa văn, chữ viết sống động như nêu trên đã thể hiện trình độ cao, tay nghề tinh xảo của những nghệ nhân đúc đồng dưới thời nhà Nguyễn. Theo giới chuyên môn về bảo tồn văn hóa, 9 chiếc đỉnh đồng cổ này rất xứng đáng là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình độc đáo bậc nhất của Việt Nam.
Cửu đỉnh còn là những bản hiện vật nguyên gốc và cũng là bản duy nhất (độc bản). Từ khi được hình thành, Cửu đỉnh chưa từng được sửa chữa, dù chỉ một chi tiết nhỏ. Vì vậy, chúng có giá trị độc bản và không thể thay thế.
Cửu đỉnh được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2012. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện hoàn thành xây dựng hồ sơ gửi Bộ VH-TT&DL xem xét cho ý kiến trước khi đệ trình UNESCO công nhận Cửu đỉnh là “Di sản Tư liệu thế giới”.
Cửu đỉnh Huế & hành trình được công nhận di sản tư liệu thế giới
Với những giá trị độc đáo, tinh xảo và duy nhất, Cửu đỉnh Huế có giá trị tiêu biểu, đáp ứng tiêu chí để được ghi danh là di sản tư liệu thế giới.
Cửu đỉnh được xem là bách khoa toàn thư về đất nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX.
Tính xác thực có giá trị nổi bật
Cửu đỉnh được vua Minh Mạng cho khởi công đúc từ tháng 10 năm Ất Mùi (1835) đến tháng Giêng năm Đinh Dậu (1837). Với chức năng là trọng khí được đặt trước sân Thế Miếu của nhà Nguyễn, tượng trưng cho sự nghiệp của bậc đế vương, tên gọi của mỗi đỉnh theo chủ ý của vua Minh Mạng là thụy hiệu của các vua triều Nguyễn. Cửu đỉnh được coi là vật báu chốn thâm nghiêm trước Thế Miếu, nơi thờ các vua nhà Nguyễn, là một tượng đài tượng trưng cho sự vĩnh trường của vương triều, thể hiện quyền uy và vững mạnh của một triều đại thống nhất.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Cửu đỉnh như một bộ bách khoa thư bằng hình ảnh được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với 162 họa tiết được chạm nổi tinh xảo. Các nghệ nhân thời vua Minh Mạng đã thể hiện một cách khái quát nhưng súc tích sự đa dạng của nhiều cảnh vật nổi tiếng của mỗi miền đất nước, tạo nên sự giàu đẹp của Tổ quốc, như: tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, cây cối, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền... Tất cả các hình ảnh được đúc nổi trên Cửu đỉnh có thể xem như đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam. Ngoài tính cung đình, hình ảnh trên Cửu đỉnh còn mang đậm tính dân gian, gắn liền với đời sống của đại đa số người Việt.
Cửu đỉnh.
Cửu đỉnh Huế được hiểu như là bộ dư địa chí về đất nước Việt Nam thống nhất, có chủ quyền đầu thế kỷ XIX, được thể hiện dưới hình thức biểu trưng bằng hình ảnh. Những hình ảnh về biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh (Biển Đông ở Cao đỉnh, biển Nam ở Nhân Đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh) sẽ là nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời cho thấy, các vị vua triều Nguyễn đều một lòng ra sức bảo vệ và thực thi chủ quyền biển đảo của đất nước.
Trải qua thời gian dài chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt, chín đỉnh vẫn là những bản gốc, duy nhất hiện vẫn đặt ở vị trí như ban đầu khi mới sinh ra. Với những giá trị đặc sắc, cửu đỉnh được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012. Những hiện vật gốc, hoàn toàn chưa có sự thay đổi, điều chỉnh hay làm mới chính là tiêu chí xác thực của một di sản tư liệu, là điều kiện cần và đủ cho việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xúc tiến lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới nhằm ghi nhận những giá trị này ở tầm quốc gia và quốc tế, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị trong tương lai.
Mang tính quốc tế, độc đáo và duy nhất
Cửu đỉnh là loại hình di sản đặc biệt, tất cả những giá trị tư liệu được thể hiện bằng hình ảnh đắp nổi trên mỗi đỉnh đồng. Đây là những tác phẩm đạt đến độ hoàn mỹ của nghệ thuật đúc đồng truyền thống Huế và của Việt Nam trong lịch sử. Những hình ảnh chạm nổi trên Cửu đỉnh là một bộ "Đại Nam nhất thống chí" bằng đồng vô cùng độc đáo của dân tộc ta dưới thời vua Minh Mạng, không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của những người thợ đúc đồng mà còn thể hiện lòng tự hào dân tộc vô bờ bến về một đất nước Việt Nam hùng cường và giàu có. Cửu đỉnh vừa thể hiện bằng hình ảnh về đất nước Việt Nam trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tư tưởng, kỹ thuật, tín ngưỡng, giao thông... vừa thể hiện bằng ngôn ngữ chữ Hán, ngôn ngữ được sử dụng chung cho các nước đồng văn nên có tính quốc tế, tính phổ biến rất cao.
Dạng tư liệu này ngoài chữ viết còn thể hiện bằng hình ảnh đắp nổi, chạm khắc tinh xảo của nghệ nhân Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Đây là điểm rất đặc biệt và chỉ thấy xuất hiện ở cửu đỉnh Huế. Bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay: "Đến nay, chúng tôi chưa phát hiện ở nơi nào trên thế giới có bộ cửu đỉnh độc đáo như cửu đỉnh Huế. Ngoài ý nghĩa quốc tế, di sản trên gần như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nêu trong hướng dẫn chung về bảo vệ di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới, như: tiêu chí về thời gian, địa điểm, con người, hình thức và phong cách".
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: "Cửu đỉnh là dạng "độc bản, duy nhất", không thể thay thế. Đây còn là một bộ sưu tập độc nhất về hình ảnh đúc nổi, thư pháp, tác phẩm mỹ thuật vô cùng đa dạng, phong phú và có giá trị to lớn; là một cụm tượng đài bất diệt, hoành tráng về đất nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX được biểu trưng bằng hình ảnh, thể hiện trí tuệ của tiền nhân và tầm cao nghệ thuật. Với những giá trị và ý nghĩa của bảo vật quốc gia Cửu đỉnh, hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiến hành các bước hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Cửu đỉnh là di sản tư liệu thế giới".
Đối chiếu với hệ thống tiêu chí của Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO, cửu đỉnh thật sự là một bảo tàng sống về đất nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX và là một di sản vô giá mà triều Nguyễn đã di tặng cho thế hệ sau. Vì thế, di sản này hoàn toàn xứng đáng được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu thế giới.
Ngôi nhà kỳ lạ được đắp bằng hàng trăm nghìn mảnh gốm sứ cổ ở Trung Quốc Có một ngôi nhà được xây dựng bằng vật liệu đặc biệt ở Thiên Tân,Trung Quốc thu hút rất nhiều khách du lịch đến chiêm ngưỡng. Ở Thiên Tân, Trung Quốc có một ngôi nhà vô cùng độc đáo, có thể coi là độc nhất vô nhị trên thế giới. Nơi đây được mệnh danh là ngôi nhà có nhiều đồ gốm sứ...