Đến giờ chưa triển khai chương trình mới lớp 2 và 6, giáo viên sao kịp tiếp thu?
Năm học 2021 – 2022, chương trình mới sẽ được triển khai đối với lớp 2, lớp 6. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giáo viên vẫn mơ hồ ….
Thời gian qua, dù mới là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Tuy nhiên, đã có nhiều vấn đề này sinh như sách giáo khoa môn Tiếng Việt của bộ sách Cánh diều có nhiều “sạn”. Bên cạnh đó, về tiến độ chương trình, nội dung chương trình mới cũng khiến nhiều giáo viên dạy lớp 1 than “khó”. Giáo viên khó khăn trong dạy học và học sinh tiếp thu chậm và áp lực học tập nặng nề.
Theo lộ trình, năm học 2021-2022 thì ngành Giáo dục sẽ triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 2 và lớp 6 trên cả nước.
Nhiều người bày tỏ lo lắng khi trong năm học tiếp theo, chương trình mới sẽ được triển khai cho lớp 2 và lớp 6, liệu những vấn đề bất cập, khó khăn trong dạy học có còn tiếp diễn?
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thái Lê – giáo viên môn Ngữ Văn trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng: Các hoạt động chuẩn bị để triển khai chương trình mới cho năm học tới vẫn còn chậm trễ và nhiều hạn chế.
Cô Phạm Thái Lê, trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình mới cho lớp 2, lớp 6 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Giáo viên vẫn mơ hồ về chương trình mới
Theo cô Phạm Thái Lê, muốn giáo viên lĩnh hội được chương trình giáo dục mới thì cần phải có thời gian để giáo viên được tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu và tiếp thu, từ đó có định hướng và thay đổi về tư duy, phương pháp dạy.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giáo viên chỉ nhận biết một cách mơ hồ qua những công văn mang tính chất chung về chương trình giáo dục phổ thông 2018. Riêng chương trình ấn định cụ thể như thế nào, cách vận hành ra sao, giáo viên vẫn chưa nắm bắt được.
“Ngoài khung chương trình chung, đến bây giờ giáo viên vẫn chưa được tiếp cận chương trình mới lớp 6, chưa biết năm học tới có bao nhiêu bộ sách lớp 6.
Điều tôi lo lắng là nếu đến đầu năm học mới công tác tập huấn mới triển khai, như vậy, giáo viên làm sao có thời gian để hiểu về chương trình, làm sao lĩnh hội được những cái hay, cái tiến bộ của chương trình mới”, cô Lê đặt vấn đề.
Khẳng định bản thân mình là một người chú trọng việc đón nhận thông tin, tuy nhiên, cô Lê vẫn chưa thể hình dung được trong năm học tới, nếu dạy học lớp 6, mình sẽ dạy những nội dung gì, đối với mỗi tiết học, mình phải tổ chức giờ dạy ra sao.
Cô Lê cho biết: “Đọc chương trình khung, giáo viên hiểu rằng mình cần thay đổi phương pháp dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học tức là đổi mới hình thức tổ chức giờ dạy.
Thế nhưng giáo viên chưa lĩnh hội được việc đổi mới đó cụ thể như thế nào vì chưa có chương trình lớp 6, chưa có chương trình môn học cụ thể.
Thậm chí, khi có chương trình rồi, giáo viên vẫn rất cần những tài liệu hướng dẫn, cần có một quy trình mẫu cho quá trình dạy học “.
Video đang HOT
Theo quan điểm của cô Phạm Thái Lê, nếu chương trình mới triển khai chậm trễ, nếu công tác tập huấn giáo viên không đảm bảo chất lượng sẽ dẫn tới nhiều khó khăn cho việc triển khai thực hiện trong năm học tới.
Việc đẩy nhanh tiến độ các hoạt động triển khai chương trình mới cho năm học 2021 – 2022 càng trở nên cần thiết hơn khi phần lớn giáo viên hiện nay vẫn còn ngại đổi mới.
Để chứng minh, cô Lê đưa ra ví dụ về vấn đề dạy học chủ động, không lệ thuộc vào sách giáo khoa.
Đối với chương trình mới, sách giáo khoa không còn quan trọng với giáo viên. Giáo viên hoàn toàn chủ động, sáng tạo, không lệ thuộc vào sách giáo khoa.
Tuy nhiên trên thực tế, dù nắm bắt được tinh thần ấy, đa số giáo viên vẫn dạy theo những gì sách giáo khoa gợi ý.
“Việc giáo viên không dám thoát ly sách giáo khoa một phần vì bản thân giáo viên chưa chủ động tìm hiểu và làm mới mình, một phần vì cơ chế vận hành của giáo dục chưa ghi nhận sự sáng tạo của họ, giáo dục vẫn còn nặng về thành tích, nặng về hình thức và đi theo lối mòn”, cô Lê nhấn mạnh.
Bên cạnh việc ngại đổi mới, nhiều giáo viên vẫn còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong giảng dạy.
Bắt nguồn từ thực trạng đó, việc chuẩn bị triển khai chương trình mới trong năm học tiếp theo cần được đẩy nhanh tiến độ, phải cho giáo viên được tiếp cận chương trình và có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng để triển khai dạy học hiệu quả.
Đề xuất 5 vấn đề quan trọng đối với công tác chuẩn bị cho triển khai chương trình mới
Theo cô Phạm Thái Lê, vai trò của giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục mới là vô cùng quan trọng. Nếu không chuyển tải thông tin đến giáo viên, nếu chậm trễ trong công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dạy học.
Không triển khai các hoạt động chuẩn bị cho chương trình lớp 2, lớp 6 thì thời gian tới sẽ dẫn tới tình trạng: giáo viên chưa hiểu chương trình mới, chưa hiểu yêu cầu chương trình nhưng vẫn phải dạy học một cách gượng ép, vận dụng một cách cứng nhắc.
Chính vì lẽ đó, cô Phạm Thái Lê đề xuất 5 vấn đề quan trọng đối với công tác chuẩn bị cho triển khai chương trình mới trong năm học tới.
Thứ nhất, cần phải cho giáo viên thông tin về một khung chương trình ấn định theo hệ thống từ Bộ đến Sở, Phòng và nhà trường.
Theo cô Lê, hiện nay, giáo viên chỉ mới được tiếp cận qua các kênh thông tin như báo chí, mạng xã hội,… Trong khi điều giáo viên cần là thông tin chính thống theo ngành dọc về chương trình lớp học, chương trình môn học.
Thứ hai, giáo viên cũng cần sớm được tiếp cận với bộ sách giáo khoa mới. Theo phân tích của cô Lê, chương trình mới cho phép giáo viên được quyền chủ động lựa chọn ngữ liệu, tài liệu dạy học và không còn phụ thuộc vào sách giáo khoa.
Tuy nhiên, để làm được điều này, giáo viên cần có trình độ chuyên môn và bản lĩnh vững vàng. Đa số giáo viên hiện nay vẫn còn dạy học phụ thuộc vào sách giáo khoa. Chính vì lẽ đó, rất cần có bộ sách giáo khoa chuẩn mực để dạy học.
“Nói dạy học không phụ thuộc vào sách giáo khoa không có nghĩa là chúng ta xem nhẹ việc biên soạn nội dung sách giáo khoa. Bởi lẽ, với học sinh, với đa số giáo viên hiện nay, sách giáo khoa vẫn là tài liệu cần thiết nhất.
Việc cho giáo viên tiếp cận sớm với sách giáo khoa đồng nghĩa với việc họ có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu dạy học theo chương trình mới”, cô Lê chia sẻ.
Thứ ba, cần phải cung cấp và phổ biến rộng rãi các video về bài giảng mẫu cho giáo viên theo chương trình mới. Những tài liệu này cũng cần được phổ biến theo ngành dọc trong toàn hệ thống từ Bộ đến Trường để đảm bảo tất cả giáo viên đều được thông tin đầy đủ và chính xác nhất.
Thứ tư, cần có những buổi tập huấn chất lượng với quy trình mẫu cụ thể chuẩn 3 bước: từ khâu chuẩn bị, triển khai giờ học đến cách thức kiểm tra đánh giá học sinh.
Cô Lê khẳng định: “Hình thức tập huấn như hiện nay là vẫn chưa phát huy hiệu quả, chỉ có một người đến thuyết giảng, sau đó phát tài liệu, như vậy là mang tính lý thuyết.
Ngôn ngữ tập huấn cũng thường là ngôn ngữ mang tính chất hội nghị, thiếu sinh động, thiếu thực tế và làm giáo viên khó tiếp cận được nội dung tập huấn”.
Theo cô Lê, điều quan trọng nhất trong công tác tập huấn là phải giúp giáo viên hiểu rõ việc thực hiện, vận dụng chương trình mới với từng quy trình cụ thể trong dạy học. Song song với công tác tập huấn là triển khai dự giờ, đánh giá những tiết dạy.
Thứ năm, điều quan trọng là cần có những đổi mới quyết liệt đối với việc kiểm tra, đánh giá học sinh, thay đổi về thi cử.
Theo cô Lê, thi cử là một vấn đề quan trọng, mang tính quyết định đối với thành công của cuộc cải cách giáo dục.
“Mặc dù chương trình nói chú trọng đánh giá năng lực học sinh nhưng quy về chuẩn năng lực gì và đánh giá chuẩn năng lực như thế nào? Điều này chưa có một quy định rõ ràng, giáo viên vẫn mơ hồ trong việc đánh giá năng lực học sinh.
Bên cạnh đó, đối với kỳ thi chung, cần phải có quy định đánh giá mức độ cụ thể như thế nào”, cô Lê nhấn mạnh.
Hiện nay, nền giáo dục vẫn đặt nặng thành tích, đề thi vẫn bám sát vào sách giáo khoa. Đó cũng là lý do nhiều giáo viên chưa thể dạy học thoát ly sách giáo khoa.
Chính vì vậy, muốn triển khai chương trình mới, muốn chương trình đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả thì cơ chế về thi cử, đánh giá học sinh cũng cần có những thay đổi và quy định rõ ràng, cụ thể hơn.
Đầu tư thiết bị dạy học - cần chủ động từ địa phương
Thiết bị dạy học (TBDH) tối thiểu mới chỉ đáp ứng được khoảng một nửa nhu cầu đổi mới Chương trình, SGK lớp 1.
Ngành GD các địa phương thực hiện nhiệm vụ kép, lo điều kiện CSVC, TBDH cho năm học đầu tiên đổi mới chương trình, SGK ở lớp 1. Ảnh: Thanh Tuấn
Trước thực trạng trên, Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) lưu ý các địa phương cần quan tâm đầu tư TBDH cho lớp 1 và chuẩn bị cho lớp 2, lớp 6.
Nỗ lực đầu tư
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết: Năm 2020, Sở GD&ĐT đã tổng hợp nhu cầu và trình UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư trang TBDH đáp ứng Chương trình GD phổ thông mới. Các phòng GD&ĐT huyện/thành phố trong tỉnh đã chủ động kiểm tra, rà soát thực trạng cơ sở vật chất (CSVC), TBDH. Nam Định đã bố trí ngân sách để có những TBDH địa phương mua cho nhà trường, thiết bị mua từ nguồn XHH.
Thực hiện Chương trình GD phổ thông, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã rà soát, bổ sung TBDH, đồ dùng, đồ chơi; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị dạy học tối thiểu với lớp 1.
Theo ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, một trong những thuận lợi của GD Bắc Giang là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm phát triển GD-ĐT, đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch phát triển GD-ĐT hằng năm và giai đoạn theo hướng thực chất và bền vững.
"Tuy nhiên, CSVC trường, lớp học, TBDH cho Chương trình GDPT mới ở một số địa phương còn bất cập (thiếu phòng học, phòng chức năng). Một số trường thiếu diện tích sân chơi bãi tập; một số trang TBDH cũ lạc hậu chưa thay thế kịp thời"- ông Trần Tuấn Nam khái quát tình hình GD của Bắc Giang.
Trước khó khăn chung, nhiều sở GD&ĐT đề xuất Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ bố trí nguồn kinh phí và hỗ trợ nguồn lực để mua sắm trang thiết bị và đầu tư CSVC theo lộ trình đổi mới Chương trình GD phổ thông.
Các địa phương cũng đề xuất Bộ GD&ĐT có ý kiến với UBND tỉnh/thành trực thuộc Trung ương về việc thực hiện mua sắm TBDH; bảo đảm việc mua sắm trang TBDH phải do cơ quan có chuyên môn chủ trì thực hiện, nhằm đáp ứng chất lượng, phù hợp với yêu cầu dạy học năm học 2020 - 2021 và chuẩn bị cho năm học tiếp theo.
GV Bắc Giang sớm tìm hiểu về SGK, TBDH phục vụ đổi mới chương trình GD phổ thông. Ảnh: Thuý Hoàn
Cần đầu tư tương xứng
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục CSVC, Bộ GD&ĐT cho rằng: Các địa phương cần chủ động hơn về bố trí TBDH cho nhà trường; chú ý hướng dẫn của các thông tư, quy định của Bộ GD&ĐT trong triển khai để thực hiện đúng.
"Trách nhiệm xây dựng CSVC, chuẩn bị TBDH là của tỉnh/thành, quận, huyện... Nhưng nếu sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT quan tâm chất lượng GD, tham mưu, đề xuất phù hợp mới giải quyết được vấn đề. Thiếu TBDH, GV tự phải làm mô hình, thiết bị tạm để dạy học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng" - ông Phạm Hùng Anh lưu ý.
Nhìn tổng thể tình hình chuẩn bị TBDH lớp 1, chuẩn bị ban hành thông tư về TBDH tối thiểu lớp 2 và 6, Cục trưởng Cục CSVC nêu quan điểm: "Các trường không phải bỏ hết CSVC, TBDH cũ, hiện có. Chương trình mới thực chất là kế thừa và sử dụng các TBDH, CSVC có sẵn, bổ sung thêm những TBDH, CSVC mới đáp ứng yêu cầu đổi mới".
Trong khi TBDH mới được thiết kế rất cần phòng học bộ môn nhưng khảo sát của Cục CSVC thấy rằng, ở nhiều địa phương có tình trạng tận dụng phòng học nên thiếu các điều kiện điện, ánh sáng... để trở thành một phòng học bộ môn đúng tiêu chuẩn. Điều này ảnh hưởng đến việc sử dụng hiệu quả TBDH khi triển khai Chương trình GD phổ thông mới.
Đáng nói, qua rà soát, số lượng TBDH tối thiểu mới chỉ đáp ứng được khoảng một nửa nhu cầu đổi mới chương trình ở lớp 1. TBDH chậm về trường học, theo Cục CSVC có nguyên nhân: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nguồn thu ngân sách các tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Cục trưởng Phạm Hùng Anh nhận định: "Các tỉnh gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách, đặc biệt là vùng khó khăn, miền núi để đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng GD. Một khó khăn, vướng mắc trong đầu tư TBDH đáng chú ý chính là tính chủ động của các địa phương trong việc lập kế hoạch mua TBDH. Năm học 2020-2021, năm đầu tiên thực hiện Chương trình GD phổ thông mới, đồng thời cũng là năm cuối của Kế hoạch 2016 - 2020, do đó, nhiều địa phương chưa chủ động trong việc lập kế hoạch kinh phí để mua sắm TBDH lớp 1".
Cục CSVC lưu ý các địa phương, việc ban hành Danh mục TBDH tối thiểu lớp 2, 6 nhằm chỉnh sửa, bổ sung, thay thế những quy định hiện hành, phù hợp với yêu cầu của Chương trình GD phổ thông mới cũng như lộ trình đổi mới Chương trình GD phổ thông; Làm căn cứ để các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất và cung ứng TBDH cho cơ sở GD phổ thông; Giúp các địa phương, cấp quản lý GD, cơ sở GD có căn cứ chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, rà soát thực trạng TBDH, xây dựng kế hoạch, đầu tư mua sắm, quản lý và khai thác sử dụng TBDH, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí.
Cô trò chật vật chương trình lớp 1: Yêu cầu của Bộ có phù hợp thực tế? Trước thực tế môn tiếng Việt chương trình lớp 1 mới khó hơn khiến cô trò chật vật, Bộ GD-ĐT và các sở đã liên tiếp đưa ra các văn bản chỉ đạo nhằm không gây quá tải. Liệu động thái này có làm giảm 'sức nóng'? Chương trình lớp 1 mới thực hiện hơn 1 tháng, nhiều ý kiến từ giáo viên...