Đề xuất kèm điểm vào nhận xét bằng lời
Sau một học kỳ thực hiện Thông tư 30, nhiều giáo viên mong muốn trong nhiều trường hợp được kèm điểm vào phần nhận xét của mình.
Nhiều giáo viên chung cảm giác, từ ngày không có điểm, học sinh từ khá giỏi đến trung bình đều tụt lùi, thờ ơ với việc học. Phụ huynh của nhiều học sinh đến than thở với các cô: “Ở nhà nhắc học thì các con cứ đủng đỉnh, vì chúng nó chẳng sợ gì những câu nhận xét như “Con gần cố gắng hơn”.
Một thầy giáo đang làm việc tại Bắc Giang thì cho biết học kỳ I, anh chỉ nhận xét thì thấy học sinh lười học và chất lượng kiểm tra cuối kỳ thấp. Sang học kỳ II, phải ngầm quy ước điểm thì thấy học sinh chăm học và tiến bộ hơn.
Ảnh có tính chất minh họa. Ảnh: Báo NLĐ.
Một cô giáo khác tiết lộ: “Ngay từ khi mới áp dụng Thông tư 30, lâu lâu tôi cho học sinh làm một bài kiểm tra để chấm điểm, học sinh tỏ rõ hứng thú. Tôi đã nhận thấy những trò làm bài tốt, nếu được chấm điểm các con sẽ có động lực, chứ khen mãi mấy câu nhàm lắm”.
“Học sinh nào làm bài sai tôi gọi lên và hỏi lại, giảng lại luôn rồi học sinh cũng chữa lại luôn để mình kiểm tra, chứ không phải do học sinh đọc những gì cô nhận xét mà sửa đâu. Nếu không kiểm tra bài học sinh chữa lại thì có nhận xét kín cả trang cũng chả có tý tác dụng nào” – một cô giáo chia sẻ trên một diễn đàn chuyên môn chung của giáo viên tiểu học.
“Nếu Bộ GD-ĐT cho rằng, giáo viên vẫn còn thừa thời gian thì nên để cho giáo viên làm việc đó, chứ không phải là đi kiểm tra mấy cái nhận xét của giáo viên. Nhiều khi làm chỉ để đối phó với sự kiểm tra của cấp trên”.
Cô Hà Thu, giáo viên tiếng Anh ở Lạng Sơn cũng cảm thấy tiếc thời gian dành cho việc ngồi viết nhận xét, mà lẽ ra nên để dành cho việc ôn tập cho học sinh.
“Nếu thu hết vở để nhận xét sau, thì như tôi có hơn 200 học sinh, lúc đấy biết em nào với em nào? Theo tôi, nếu không phải làm công việc này, thì thời gian cuối giờ đó tôi có thể luyện nói cho các em, theo dõi các em hội thoại với nhau… như vậy tốt hơn nhiều là mấy phút cuối đấy cho các em ghi lại bài còn mình thì ngồi viết nhận xét” – cô Thu chia sẻ.
Kết hợp nhận xét với chấm điểm
Đây là một giải pháp được nhiều giáo viên nhắc đến và tán đồng sau một học kỳ được ví nhưđánh vật với Thông tư 30.
Video đang HOT
Giáo viên một trưởng tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đề xuất: “Với sĩ số học sinh luôn ở mức trên dưới 60 em/ lớp thì tôi nghĩ Bộ GD-ĐT nên để giáo viên chấm điểm cho học sinh kèm với việc nhận xét. Tất nhiên, không phải chấm thường xuyên, nhưng tuần nào học sinh cũng có điểm mỗi môn học. Vì nếu chỉ nhận xét không, với ngần đấy em, và không phải em nào cũng có gì đặc biệt để các cô nhận xét kỹ, thì việc thêm điểm sẽ làm các em có động lực phấn đấu”.
“Còn muốn giảm áp lực về điểm số đối với học sinh, thì những em làm bài kém sẽ không chấm điểm mà chỉ nhận xét”.
Một cô giáo khác nêu ý kiến: “Tôi thì muốn chấm điểm những em được 8, 9, 10, những em khác thì nhận xét. Như vậy sẽ không gây áp lực cho những em học kém. Với những em đạt điểm tốt, thỉnh thoảng cũng nhận xét động viên thêm chứ không phải nhận xét thường xuyên, bởi điểm số đã thể hiện mức độ mà các em đạt được”.
Nhiều cô giáo đồng tình với việc việc chấm điểm vì điều này sẽ tạo ra sự ganh đua trong học sinh.
“Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT phải có cách để tháo gỡ cho giáo viên chứ không thể để tình trạng như học kỳ vừa qua kéo dài” – các cô tha thiết đề nghị.
Theo cô, khi “thi công” một chính sách, dù có hay ho đến mấy, nhưng trong cách làm mà có vấn đề thì cần phải lắng nghe các bên, nhất là bên nhân lực thi công, là giáo viên chúng tôi đây, để tìm ra cách gỡ, chứ không thể vừa làm vừa sửa, rồi cứ khăng khăng bảo giáo viên cứ làm đi rồi sẽ quen như cách làm với Thông tư 30 này”.
Theo Ngân Anh/Báo Vietnamnet
Những lời nhận xét sống động từng trang vở
Học sinh tiểu học nâng niu những trang vở không chỉ thể hiện công sức học tập của các em mà cả sự quan tâm, tình cảm yêu thương của thầy cô giáo.
Sau đây là một số nhận xét của các thầy cô giáo trường tiểu học Nham Sơn (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang):
- Em viết chữ hoa đúng mẫu, cỡ chữ nhưng viết còn hơi ẩu. Em cần viết cẩn thận hơn!
- Em viết bài đúng, đẹp, trình bày sạch sẽ. Cần phát huy!
- Em đã biết kể về gia đình mình, trình bày sạch sẽ. Cần phát huy!
- Em đã biết đặt tính và làm tính cộng, trình bày khoa học. Cần phát huy!
- Em đã biết giải toán có lời văn. Cần phát huy!
Lời nhận xét trên trang vở của học sinh.
- Em viết chữ hoa chưa đúng mẫu. Em cần quan sát kỹ mẫu chữ trước khi viết để viết đúng và đẹp hơn!
- Em biết tính độ dài đường gấp khúc, trình bày khoa học. Cần phát huy!
- Em đã biết phân biệt kiểu câu: Ai làm gì? Ai thế nào? Trình bày rõ ràng. Cần phát huy!
- Em viết viết đoạn văn kể về con vật còn dùng từ chưa phù hợp. Em lưu ý cách dùng từ.
- Em làm bài còn sai do đặt tính nhầm. Em cần chú ý khi đặt tính.
- Em hiểu bài và làm bài tập rất tốt!
- Em làm toán còn nhầm lẫn. Em chú ý dạng toán tìm trung bình cộng.
- Em viết chính tả, chữ viết khá sạch đẹp song còn sai lỗi chính tả l/n. Em cần chú ý.
Và dưới đây là một số đánh giá bằng nhận xét của các thầy cô giáo Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng, Bắc Giang):
- Em đã nhớ được cốt truyện, chữ viết sạch đều. Tuy nhiên, em cần chú ý viết câu cho gọn, dùng lời nói cho nhân vật cho phù hợp nhé!
Nhận xét trong bài viết về người anh.
- Em đã nắm chắc cách làm bài văn tả người. Bài văn của em đã miêu tả cụ thể, rõ ràng người bạn em quý mến. Nếu em miêu tả thêm tình cảm của em với bạn qua những việc làm cụ thể, bài văn sẽ phong phú hơn.
- Em đã viết được bài văn hoàn chỉnh. Với việc kết hợp miêu tả ngoại hình và hoạt động biểu diễn, em đã giúp cô hình dung ra hình ảnh của cô Mỹ Tâm.
- Em đã hoàn thành bài với việc miêu tả ngôi trường theo trình tự thời gian. Khi viết, em nên chú ý hơn về cách dùng từ. Em hãy suy nghĩ và viết mở bài gián tiếp cho bài văn nhé!
- Bài viết sạch và cẩn thận hơn so với các bài viết trước. Em đã viết được bài văn đủ 3 phần rõ ràng, đã miêu tả được một số đặc điểm ngoại hình, tính tình của cô giáo, đã thể hiện được tình cảm của em đối với cô. Cô cảm ơn em. Cô mong em học tốt hơn nữa, cố gắng viết cho đúng chính tả hơn nhé!
- Em đã viết được đoạn văn miêu tả hoạt động nấu cơm của mẹ. Nhưng em nên miêu tả kĩ hơn mẹ nấu từng món như thế nào và chú ý viết đúng chính tả.
- Vì sao em lại thích cơn mưa chiều nay? Em nên nói rõ. Bài viết tuy cẩn thận, sạch sẽ, đủ ba phần nhưng nội dung ở mỗi phần chưa sâu. Nội dung hai câu đầu phần thân bài mang ý đối lập với nhau. Mưa đổ ào ào thì làm sao nghe lách tách được.
- Em đã hoàn thành bài viết, so với bài trước, bài này em viết tốt hơn. Khi miêu tả, em nên kết hợp đặc điểm các phòng học nữa thì bài văn phong phú hơn.
- Chữ viết của con đều và sạch sẽ! Nhưng chữ sẽ đẹp hơn nếu nhỏ nét khuyết mà cô gạch chân lại một chút!
- Hoài Anh ơi! Cô thấy bài viết này của con khá đều nét đấy!
Theo Hải Bình/Báo Giáo dục Thời đại
'Xuống cơ sở, tôi hoảng quá!' "Có lần xuống cơ sở, thấy vở của học sinh bài nào cô cũng chấm chữa và nhận xét - tôi hoảng quá. Như vậy, cô giáo thời gian đâu lo dạy học" - phó GĐ sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ. Cách làm hay, không nhiều Qua một học kỳ triển khai Thông tư 30 về kiểm tra đánh giá thường xuyên...