Đề xuất cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục đại học
Các chuyên gia cho rằng chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục ISCED-2011 do UNESCO ghi rõ, giáo dục đại học bao gồm Hệ cao đẳng, Cử nhân hoặc tương đương, thạc sĩ hoặc tương đương và tiến sĩ hoặc tương đương.
Ngày 24/8, Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Tại buổi họp, các đại biểu nhận định, hơn 30 năm nay, ngành giáo dục định hình những chương trình đào tạo theo định hướng thực hành, gắn với nghề nghiệp, chuẩn bị cho sinh viên bước vào thị trường lao động và có thể tiếp cận các chương trình giáo dục đại học khác.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã định rõ đặc điểm của 6 loại cao đẳng (Cao đẳng Y tế, cao đẳng Nghiệp vụ, cao đẳng Nông nghiệp, cao đẳng Kỹ thuật, cao đẳng Cơ bản). Một số trường Đại học gọi đó là “đại học ngắn hạn”, khi ra trường cử nhân sẽ có tấm bằng của hệ đào tạo trên là “cử nhân cao đẳng”.
Điều 38 quy định “văn bằng Giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm: bằng đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ”. Các đại biểu cho rằng, quy định này không phù hợp với thực tế Việt Nam.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị.
Hiện ở nước ta, ngoài các chương trình 4 năm lấy bằng cử nhân, còn có các ngành theo hướng chuyên sâu lấy danh hiệu rất đáng duy trì như bác sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư…
Theo chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục ISCED-2011 do UNESCO ban hành ghi rõ: “Giáo dục đại học bao gồm các cấp độ 5,6,7,8 trong bảng phân loại ISCED và lần lượt có tên gọi là Hệ cao đẳng, Cử nhân hoặc tương đương, thạc sĩ hoặc tương đương và tiến sĩ hoặc tương đương ” (trang 49 ISCED 2011).
Vì vậy các đại biểu kiến nghị sửa: “Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng cao đẳng, bằng cử nhân, bằng chuyên gia (bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, chuyên khoa…), bằng thạc sĩ hoặc tương đương (bác sĩ nội trú, chuyên khoa II) và bằng tiến sĩ”.
Theo vtc.vn
"Các trường đại học không thể tự nhận trường tốt, trường lớn được"
Việc hội nhập quốc tế của giáo dục đại học là cả một quá trình dài để ta xác định đâu là chuẩn, đâu là điều kiện mà chúng ta phải phấn đấu, không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Các trường không thể tự nhận là trường tốt, mà phải dựa vào đánh giá của các tổ chức kiểm định quốc tế cũng như trong nước.
Đó là ý kiến của ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về chuẩn hóa giáo dục đại học để hội nhập quốc tế.
Phóng viên Báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tất Thắng về vấn đề hội nhập quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam.
Video đang HOT
Ông Phạm Tất Thắng
Hội nhập quốc tế là yêu cầu bắt buộc đối với giáo dục đại học
Thưa ông, chúng ta có tiêu chí hay tiêu chuẩn nào để đánh giá một trường ĐH hay một nền GD ĐH được cho là hội nhập đạt chuẩn quốc tế?
Việc chuẩn hóa và hội nhập quốc tế chính là chủ đề của Hội thảo giáo dục năm 2018 về chất lượng giáo dục đại học do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tới đây.
Những tiêu chuẩn mang tính định lượng thì đến nay mỗi bảng xếp hạng có những tiêu chí riêng nhưng cũng có những yêu cầu chung nhất định. Nhưng trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, những yêu cầu trước cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, thì rõ ràng hội nhập quốc tế là một yêu cầu bắt buộc với các trường ĐH.
Giáo dục ĐH với tư cách là bậc đào tạo cao nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có trình độ cao là nơi nghiên cứu, sáng tạo những tri thức mới. Do đó, việc hội nhập quốc tế của GD ĐH cần phải đặt ra những yêu cầu cấp thiết và đòi hỏi cao hơn những lĩnh vực khác.
Đối với hội nhập quốc tế, khi chúng ta đã bước vào một sân chơi chung với các nước khu vực và trên thế giới thì chúng ta phải chấp nhận, phải đáp ứng được luật chơi chung. Các trường ĐH sẽ phải đạt được những yêu cầu trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao có thể thích ứng với hội nhập quốc tế, không đơn thuần chỉ trong phạm vi đất nước. Như vậy, chất lượng đào tạo của chúng ta phải được thế giới công nhận và đồng thời phải đủ trình độ để hội nhập.
Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có 2 ĐH được nằm trong top 1.000 ĐH xếp thứ hạng cao nhất thế giới. Đó là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Những công nhận của các tổ chức kiểm định quốc tế phần nào đã thể hiện được chuẩn hóa trong hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục ĐH nước ta.
Ông có nhắc đến một tiêu chí rất quan trọng đó là chất lượng nguồn nhân lực của nước ta, vậy phải đào tạo làm sao để đạt yêu cầu hội nhập của khu vực và quốc tế. Nhưng thực tế, câu chuyện này có vẻ đang rất khó khăn đối với các trường ĐH Việt Nam kể cả đối với 2 ĐH đã lọt top 1.000 của thế giới ?
Phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH luôn tương ứng với trình độ phát triển của nền kinh tế, xã hội của mỗi đất nước. Nghĩa là kinh tế - xã hội phát triển tới đâu thì giáo dục sẽ phát triển tới mức độ đó. Giáo dục ĐH có thể có những bước phát triển, hội nhập quốc tế nhanh hơn, sớm hơn so với cả nền kinh tế nhưng vẫn bị phụ thuộc bởi vì nó có liên quan đến việc đầu tư của Nhà nước, của xã hội cho giáo dục.
Cho nên việc hội nhập của giáo dục ĐH là một quá trình để xác định đâu là chuẩn, đâu là điều kiện mà chúng ta phải phấn đấu, không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Các trường không thể tự nhận trường tốt, trường lớn mà được xã hội công nhận mà phải dựa vào đánh giá của các tổ chức kiểm định quốc tế.
Các tổ chức xếp hạng quốc tế luôn tồn tại độc lập và có một bộ tiêu chí riêng. Cho nên khi các trường tham gia vào xếp hạng thì kết quả là khách quan và công bằng. Đây là chuẩn chung được hệ thống giáo dục ĐH Thế giới công nhận, nên các trường ĐH của Việt Nam muốn hội nhập quốc tế, muốn được so sánh vị trí với các trường trên toàn cầu thì cần trải qua khâu kiểm định này là đương nhiên.
Thưa ông, những tiêu chuẩn cơ bản mà các trường ĐH của VN cần phấn đấu để đạt được ngưỡng hội nhập với giáo dục ĐH quốc tế là gì?
Hiện nay chúng ta mới có 2 ĐH đã được lọt vào top 1000 đại học tốt nhất là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ hạng này được các tổ chức quốc tế công nhận trên nhiều tiêu chí khác nhau nhưng cũng nằm trong các tiêu chí chung về: chương trình, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất, công trình nghiên cứu khoa học, số bài báo...mỗi một tổ chức sẽ có những tiêu chí xếp hạng riêng. Cho nên đặt ra 2 vấn đề như sau:
Thứ nhất, đối với hội nhập quốc tế, khi chúng ta lọt vào các bảng xếp hạng lớn thì chúng ta phải tuân thủ luật chơi của tổ chức xếp hạng đó. Các trường ĐH phải xác định, định phấn đấu theo bảng xếp hạng nào thì cần cố gắng đạt được các tiêu chí xếp hạng của tổ chức đó.
Thứ hai, các tổ chức kiểm định trong nước cũng đang tiến hành đánh giá chất lượng giáo dục ĐH đối với các trường trên nhiều phương diện, mức độ: chương trình đào tạo, các đơn vị, khoa - trên các mặt, cơ sở vật chất, việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp... Chính câu chuyện kiểm định và xếp hạng sẽ giúp chúng ta có đánh giá chính xác về các trường ĐH theo hệ thống phân loại cụ thể.
Chính quá trình sàng lọc bên trong bản thân các trường không thật nghiêm khắc nên đã gây ra tình trạng lượng sinh viên "vào được là ra được".
Tiêu chuẩn quốc tế là thước đo sự phát triển các trường
Như vậy, có thể hiểu chúng ta đang khuyến khích các trường ĐH VN tham gia vào các bảng xếp hạng quốc tế. Điều này đang là minh chứng rõ nét nhất cho việc hội nhập quốc tế. Cách hiểu này có đúng không thưa ông ?
Tôi cho rằng đó cũng là cách hiểu đúng. Chúng ta đang đẩy mạnh chuẩn hóa và hội nhập quốc tế của giáo dục đại học nên khi các trường ĐH tuyên bố mình có chất lượng, uy tín, có trường mang đẳng cấp quốc tế thì phải có minh chứng cụ thể được thừa nhận.
Chúng tôi cho rằng khuyến khích các trường đại học căn cứ vào các yêu cầu của các bảng xếp hạng, các tổ chức mà chọn hướng đi rồi các tổ chức quốc tế sẽ đánh giá và khi đủ điều kiện họ sẽ đưa vào bảng xếp hạng của họ làm chuẩn cho chính bản thân các trường phát triển.
Điểm chuẩn đầu vào ĐH yêu cầu rất cao nhưng chất lượng đầu ra lại chưa đáp ứng được yêu cầu cho nguồn nhân lực của xã hội. Ông nhận xét như thế nào về chất lượng giáo dục đại học Việt Nam hiện nay?
Trong suy nghĩ bình thường của xã hội hiện nay, đã đỗ đại học thì đồng nghĩa sẽ tốt nghiệp được đại học. Đồng thời, trước đây chúng ta từng áp dụng mô hình đại học đại cương, trong quá trình đào tạo chia ra làm 2 giai đoạn: đào tạo kiến thức cơ bản và đào tạo kiến thức chuyên môn. Khi sinh viên hoàn thành qua được 2 giai đoạn sẽ được công nhận tốt nghiệp.
Nhưng trong xã hội vẫn chưa quen và cho rằng giai đoạn giáo dục đại cương không cần thiết, gây lãng phí, mất thời gian cho người học, bằng ĐH đại cương không có giá trị đối với thị trường lao động.
Từ sức ép của xã hội nên nhiều trường đã bỏ mô hình đào tạo này đi và tự đào tạo kiến thức cơ bản trong chương trình đào tạo của trường.
Khi vào được ĐH, sinh viên nào không thể đáp ứng được yêu cầu thì sẽ bị thôi học, nhưng trên thực tế thì cơ bản các sinh viên vẫn đủ điều kiện vượt qua. Chính quá trình sàng lọc bên trong bản thân các trường không thật nghiêm khắc nên đã gây ra tình trạng lượng sinh viên "vào được là ra được".
Nhưng sinh viên tốt nghiệp được các doanh nghiệp phản ánh cơ bản không đạt yêu cầu tuyển dụng, yếu về mặt kỹ năng, nghiệp vụ...
Đánh giá chung là chất lượng giáo dục đại học chưa tốt, sinh viên ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Một số nguyên nhân gây ra điều này là việc đổi mới phương pháp nâng cao chất lượng đào tạo của nhiều trường ĐH còn rất chậm, cơ sở vật chất còn hạn chế, thậm chí nhiều trường vẫn sử dụng giáo trình cách đây hàng chục năm. Đồng thời, phương pháp giảng dạy của giảng viên và cơ sở vật chất yếu kém, đào tạo theo khả năng của mình có, không bám sát vào yêu cầu của thị trường lao động. Khoảng cách từ yêu cầu của xã hội tới chất lượng đào tạo còn rất lớn.
Không phải cuộc đua của những trường "giàu"
Có nhiều ý kiến cho rằng, cuộc chạy đua vào các bảng xếp hạng trên thế giới chỉ dành cho các trường "giàu". Vậy theo ông, liệu có phải chỉ những trường có điều kiện về vật chất tốt mới có thể bứt phá được trong đường đua hội nhập quốc tế hay không?
Theo tôi ý kiến như vậy là không chính xác, cũng không nên dùng trường đại học "giàu" mà dùng trường đại học mạnh sẽ đúng hơn. Các trường đại học luôn có sự khác biệt về uy tín, thương hiệu trường; quy mô và chất lượng đào tạo; quá trính hình thành, xây dựng, phát triển.
Trong khi đó, chúng ta cũng chưa có một đánh giá chung bắt buộc hay đồng loạt đối với các trường. Nhưng dư luận và xã hội vẫn luôn gọi đó là các trường top trên hoặc trong quản lý vẫn gọi là các trường trọng điểm.
Trong một hệ thống giáo dục ĐH, có trường mạnh, trường yếu, đó là điều hết sức bình thường. Bởi vì nó phụ thuộc vào lịch sử, truyền thống các lĩnh vực đào tạo; phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của giảng viên và nguồn lực đầu tư tài chính đến đâu. Cho nên việc xếp hạng các thứ bậc giữa các trường đại học là đương nhiên.
Từ sự đánh giá của xã hội cho thấy, những trường trọng điểm, trường top trên đó mới có đủ khả năng để đáp ứng các yêu cầu đánh giá quốc tế. Các trường đầu tàu sẽ mang sứ mệnh dẫn dắt các trường trong hệ thống cùng phát triển.
Từ thực tế giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, theo ông đâu là điểm vướng mắc của chúng ta trong câu chuyện chuyển hóa và hội nhập Quốc tế?
Đây là câu chuyện liên quan đến nhiều yếu tố, cụ thể:
Thứ nhất, về bản thân các trường khi đã xác định tham gia vào sân chơi quốc tế thì phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định chặt chẽ, cố gắng nỗ lực hơn để đạt được ngưỡng theo yêu cầu, theo luật chơi chung.
Thứ hai, về mặt thể chế, chúng ta sẽ phải tạo ra các cơ chế giúp các trường được tự chủ nhiều hơn, nhanh chóng hoàn thiện để đáp ứng được các yêu cầu chuẩn mực quốc tế.
Thứ ba, về đầu tư của Nhà nước, trong lúc các nguồn lực đầu tư của ta còn có hạn nhưng vẫn phải đầu tư cho giáo dục đại học, cần thiết nhà nước cần phân loại, giao nhiệm vụ để có những đầu tư trọng điểm, tập trung.
Kiểm định và xếp hạng đại học là yếu tố mang tính chuyên môn cao. Nếu những người không am hiểu hoặc không để ý thì rất khó lĩnh hội được đầy đủ thông tin. Nhưng khi chúng ta tham gia "cuộc chơi" nào thì chúng ta phải chấp nhận những "luật chơi" đó
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh - Hà Cường
Theo Dân trí
Điểm cộng của trường đại học chuẩn quốc tế RMIT Việt Nam Sinh viên có nhiều cơ hội cọ sát thực tế, rèn luyện kỹ năng mềm, dễ dàng học chuyển tiếp tại nhiều quốc gia... Chương trình học chuẩn quốc tế RMIT Việt Nam là đại học quốc tế 100% vốn đầu tư nước ngoài. Trường thành lập từ lời mời của Chính phủ Việt Nam vào năm 2000. Kể từ khóa đầu tiên...