Đề xuất bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên: Người ủng hộ, người phản đối
Xung quanh đề xuất bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên của Bộ GD&ĐT, Hiệu trưởng một số trường trung học phổ thông chuyên đã nêu ý kiến.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo thông tư ban hành quy chế tổ chức trường trung học phổ thông chuyên (trường chuyên). Trong dự thảo có quy định không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Lớp học trong trường chuyên phải được tổ chức theo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành gồm: Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ 1. Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh hiện nay nhiều trường chuyên có các lớp cận chuyên, lớp chất lượng cao dành cho các em học sinh không đủ điểm trúng tuyển vào lớp chuyên.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về đề xuất quy định không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Nguyễn Đăng Bồng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Du, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nêu ý kiến:
“Hiện tại, Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Du đang có 6 lớp không chuyên và 26 lớp chuyên. Trong nhiều năm qua, các em học sinh thuộc những lớp không chuyên vẫn học và phát huy rất tốt năng lực học tập của mình, thậm chí có một số em còn trở thành học sinh giỏi quốc gia, đỗ nhiều trường đại học uy tín.
Thầy Nguyễn Đăng Bồng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Du, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk tại Hội nghị cán bộ, viên chức và người lao động năm học 2022 – 2023 (Nguồn: Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Du)
Thực tế, khi thi tuyển sinh đầu vào chuyên, cũng có nhiều em học sinh học lực rất tốt, nhưng có thể do một vài sơ sẩy lúc làm bài, khiến điểm của các em bị thiếu một chút, không thể đỗ được vào lớp chuyên. Hơn nữa, môi trường học tập trong trường chuyên rất tốt, hầu hết các em học sinh trường chuyên đều có ý chí phấn đấu học tập cao, hạnh kiểm tốt; đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên nhà trường đều là những người được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có năng lực giảng dạy tốt.
Video đang HOT
Được học tập trong môi trường tốt như vậy cũng là động lực giúp nhiều em học sinh phát triển mạnh mẽ hơn. Do vậy, mục tiêu của các lớp không chuyên trong trường chuyên ngoài hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông còn là tạo ra cơ hội cho các em học sinh phát huy thế mạnh học tập của mình, có môi trường tốt, khuyến khích các em đạt kết quả học tập cao.
Vì vậy, theo tôi vẫn nên duy trì lớp không chuyên trong trường chuyên, nhưng tất nhiên số lớp không chuyên này chỉ chiếm một tỉ lệ nhất định. Như Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Du hiện nay mỗi khối cũng chỉ có 2 lớp không chuyên nên không ảnh hưởng đến việc dạy và học đối với học sinh lớp chuyên của trường”.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, thầy Phan Văn Chương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho hay:
“Việc tổ chức các lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ giải quyết được một số vấn đề. Ví như, trường hợp có những em học sinh học lớp chuyên nhưng trong quá trình học không đáp ứng được yêu cầu của lớp thì các em có thể phải chuyển về một trường trung học phổ thông thông thường khác, vô tình có thể gây ra tâm lý bất ổn, tiêu cực cho các em.
Do vậy, nếu trong trường chuyên có lớp không chuyên thì các em học sinh này có thể chuyển sang lớp đó để tiếp tục tham gia học tại trường mà không lo lắng sẽ bị xảy ra các vấn đề phát sinh”.
Thầy Phan Văn Chương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (Nguồn: Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Tuy nhiên, nếu quy định không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên được triển khai thì Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng vẫn sẽ có mặt tích cực. Bởi ngoài nhiệm vụ giống với các trường học thông thường thì trường chuyên có những nhiệm vụ, mục tiêu riêng biệt.
Mục tiêu của trường chuyên là phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện; có khả năng tự học, nghiên cứu khoa học và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tiếp tục đào tạo thành nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước…
Do đó, nếu không có các lớp không chuyên thì lúc này trường trung học phổ thông chuyên sẽ tập trung tất cả cở sở vật chất, nhân lực để phát triển cho các lớp chuyên, đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi, đảm bảo nguồn lực để nghiên cứu, phát triển nhân tài cho địa phương, đất nước.
Nhìn ở khía cạnh khác, các em học sinh không đỗ vào trường chuyên nếu được học tại các trường trung học phổ thông tốt thì vẫn có cơ hội để phát triển. Ví dụ như trên địa bàn thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cũng có nhiều trường trung học phổ thông chất lượng đào tạo tốt. Vì thế, không nhất thiết phải mở lớp không chuyên trong trường chuyên vì các em học sinh vẫn có cơ hội học tập tại các trường trung học phổ thông không chuyên nhưng có chất lượng cao khác.
Cũng theo thầy Chương chia sẻ, hiện tại Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm không có lớp không chuyên nào, bởi muốn mở thêm các lớp không chuyên còn đòi hỏi về nhiều điều kiện như cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên, kinh phí,… và còn tùy thuộc cả vào số lượng học sinh và số lượng trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh nữa.
Băn khoăn giữ hay bỏ lớp không chuyên
Góp ý cho Dự thảoThông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên mà Bộ GD-ĐT đang tổ chức lấy ý kiến, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục ghi nhận ý kiến góp ý liên quan quy định không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.
Thầy Phan Dương Cẩn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc) cho biết, trường ngoài các lớp chuyên thì vẫn có lớp không chuyên.
"Có thể Bộ GD&ĐT cho rằng đã là trường chuyên thì trong nội hàm chỉ có các lớp chuyên. Tuy nhiên, cá nhân tôi đánh giá lớp không chuyên trong trường chuyên cũng cần thiết. Bởi, trường chuyên có hệ thống cơ sở vất chất rất tốt, đội ngũ các thầy cô giáo giỏi. Nếu như chỉ để phục vụ cho các lớp chuyên thì sẽ bị dư thừa nguồn nhân lực..."- thầy Cẩn nói.
Theo thầy Cẩn, thực tế việc tuyển sinh đầu vào chỉ có số lượng nhất định học sinh vào lớp chuyên, còn lại là số lượng học sinh có lực học tương đối tốt, có tố chất, nhưng vì chỉ tiêu tuyển sinh khiến các em không may mắn.
Do vậy, nếu như tuyển sinh thêm được các lớp không chuyên sẽ thêm cơ hội cho những học sinh này có điều kiện được học ở trường chuyên - nơi có đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất chất lượng.
Trường THPT chuyen Vĩnh Phúc đón học sinh lớp 10 trong ngày khai giảng năm học mới 2022 - 2023. Ảnh: Website trường
Trong khi đó, thầy Nguyễn Đình Huệ, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chí Linh (Hải Dương) đồng tình với đề xuất không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Bởi, theo thầy, đặc thù của trường chuyên là đào tạo chuyên sâu, giáo viên cũng tập trung vào kiến thức cao hơn mức bình thường.
Nếu trong trường chuyên có lớp không chuyên sẽ mang tính "phân biệt", học sinh học chuyên sẽ được ưu ái hơn so với học sinh không chuyên, điều này vô tình sẽ dẫn đến mất việc bình đẳng ngay trong một ngôi trường.
"Tâm lý học sinh, giáo viên cũng không thực sự thoải mái vì không có sự bình đẳng. Do đó, cá nhân tôi cho rằng định hướng không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên là hoàn toàn hợp lý"- ông Huệ bày tỏ quan điểm.
Đồng quan điểm trên, thầy Hà Huy Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bắc Ninh (Bắc Ninh) cho biết, chương trình của lớp chuyên là chương trình riêng, có các chế độ chuyên khác được mỗi địa phương ưu ái riêng, nếu có lớp không chuyên sẽ không đồng đều. "Có những chế độ chính sách về học hành, học sinh chuyên thì được hưởng, còn học sinh không chuyên sẽ không được hưởng điều này sẽ làm mất đi tính công bằng giữa hai nhóm học sinh nói trên. Vì vậy, cá nhân tôi ủng hộ đề xuất trong dự thảo của Bộ GD&ĐT", thầy Phương nói.
Bộ GD-ĐT tính không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên Đó là nội dung đáng chú ý được đưa ra tại dự thảo thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên mà Bộ GD-ĐT vừa giới thiệu để xin góp ý dư luận. Theo dự thảo, lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do...